• Sân bay Heathrow của Anh vừa lên tiếng giải thích về mức phí hành khách cao kỷ lục, viện dẫn chi phí xây dựng đắt đỏ tại London, diện tích hạn chế và tỷ lệ chuyến bay đường dài cao hơn các sân bay khác.

    Trong thư gửi Ủy ban Giao thông vận tải quốc hội Anh, ông Thomas Woldbye - Tổng Giám đốc Heathrow - cho rằng việc vận hành sân bay tại London là "đắt đỏ nhất thế giới", với chi phí xây dựng gấp đôi so với Madrid.

    Ông Woldbye nói về những "thách thức đặc thù" khiến chi phí tại Heathrow tăng cao, bao gồm: Cơ sở hạ tầng buộc phải xây dựng ngầm, hoạt động liên tục trên diện tích nhỏ và yêu cầu đặc biệt đối với hệ thống nhà ga, đường băng do số lượng chuyến bay đường dài vượt trội.

    “Heathrow là sân bay hai đường băng bận rộn nhất thế giới, khiến môi trường vận hành phức tạp hơn nhiều và việc đầu tư nâng cấp trong khi vẫn duy trì khai thác trở nên khó khăn hơn", ông Woldbye viết.

    heathrow dat do
    Địa điểm đắt đỏ: Nhà ga số 5 của sân bay Heathrow ở London.

    Tuy nhiên, giới hàng không cho rằng lời giải thích của sân bay Heathrow là chưa thuyết phục. Ông Nigel Wicking - Giám đốc điều hành Ủy ban các hãng hàng không tại sân bay Heathrow - khẳng định: “Đây là sân bay có phí hành khách cao nhất thế giới. Điều đó đồng nghĩa hành khách và các hãng hàng không có quyền đòi hỏi dịch vụ và cơ sở hạ tầng tốt nhất”.

    Nhóm vận động Heathrow Reimagined, đại diện cho các hãng bay và doanh nghiệp quanh sân bay cũng chỉ trích mô hình quản lý chi tiêu hiện tại của Heathrow, cho rằng nó "khuyến khích việc chi tiêu lãng phí" và kêu gọi Cơ quan hàng không dân dụng Anh ( CAA ) điều tra toàn diện.

    Một nguồn tin từ Heathrow Reimagined cho biết nhóm sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy Heathrow chi tiêu thiếu hiệu quả, ngay cả khi đã tính đến mức chi phí xây dựng cao tại London.

    Trong khi đó, Heathrow khẳng định phí sân bay đã giảm 19% theo giá trị thực kể từ năm 2014, mọi khoản chi tiêu đều được các hãng bay cùng CAA xem xét, phê duyệt.

    Bên cạnh vấn đề phí, Heathrow còn đối mặt với chỉ trích liên quan đến quyết định đóng cửa toàn bộ sân bay vào ngày 21/3 sau sự cố cháy trạm điện, gây thiệt hại ước tính lên tới 100 triệu bảng Anh cho các hãng bay.

    Ông Wicking cho biết trong phiên điều trần rằng nhà ga T5 và đường băng vẫn có thể khai thác trong ngày xảy ra sự cố, các chuyến bay hoàn toàn có thể được vận hành bằng phương thức thủ công. Tuy nhiên, phía Heathrow bảo vệ quyết định của mình, nhấn mạnh rằng việc đóng cửa là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhân viên và an ninh biên giới quốc gia.

    Hiện tại, áp lực đang gia tăng đối với CAA trong việc rà soát mô hình quản lý chi phí và vận hành tại sân bay quốc tế lớn nhất nước Anh.

    Kênh 14 (theo The Independent)

  • Sân bay nhộn nhịp hàng đầu thế giới Heathrow tê liệt gần như cả ngày chỉ sau một sự cố cháy trạm biến áp, cho thấy lỗ hổng trong hệ thống điện dự phòng của cơ sở này.

    Sân bay Heathrow ở London hôm 21/3 phải đóng cửa kể từ rạng sáng, sau khi trạm biến áp ở khu vực North Hyde gần đó bị cháy đêm 20/3. Lệnh đóng cửa ở sân bay bận rộn hàng đầu thế giới đã khiến hơn 1.300 chuyến bay bị đình chỉ, hàng nghìn hành khách mắc kẹt. Hành khách của khoảng 120 chuyến bay trên hành trình tới Heathrow đã phải chuyển hướng và hạ cánh ở nhiều thành phố, thậm chí cả các quốc gia khác.

    Dù sân bay Heathrow đã nối lại hoạt động vào tối 21/3, các chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích, trong khi nhiều hãng hàng không cảnh báo một sự cố tương tự có thể gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng suốt nhiều ngày.

    "Đây là nỗi xấu hổ lớn đối với sân bay Heathrow, cũng như là nỗi hổ thẹn với đất nước, khi chỉ một đám cháy trạm biến áp có thể gây tác động nghiêm trọng như vậy", Toby Harris, nghị sĩ thuộc Công đảng, nói.

    lo hong heathrow
    Khói bốc lên từ trạm biến áp North Hyde, gần sân bay Heathrow, London, Anh ngày 21/3. Ảnh: AP

    Heathrow, với diện tích 12,14 km2, là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, đón gần 84 triệu hành khách trong năm ngoái. Sự cố ngày 21/3 là một trong những gián đoạn nghiêm trọng nhất kể từ vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland năm 2010, khiến không phận châu Âu phải đóng cửa nhiều ngày.

    Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho rằng sự cố đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng cần giải quyết. "Làm thế nào một cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia và toàn cầu lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng duy nhất mà không có giải pháp thay thế?", Walsh nói, thêm rằng đây là thất bại rõ ràng trong kế hoạch dự phòng của sân bay.

    Có hai trạm biến áp của Điện lưới Quốc gia Anh gần Heathrow, gồm một ở North Hyde phía bắc sân bay và một ở Laleham phía nam. Công ty phân tích năng lượng Montel Group cho rằng có vẻ chỉ trạm biến áp North Hyde được kết nối với Heathrow thông qua mạng lưới truyền tải địa phương.

    Heathrow không có máy phát điện dự phòng có thể cung cấp 40 megawatt điện cần thiết để duy trì hoạt động bình thường.

    Giám đốc điều hành Thomas Woldbye giải thích sân bay có nguồn điện dự phòng cho trường hợp khẩn cấp và hệ thống đã hoạt động đúng như mong đợi. Tuy nhiên, nguồn dự phòng này không đủ để vận hành toàn bộ sân bay, nơi sử dụng năng lượng tương đương một thành phố nhỏ.

    Nguồn điện dự phòng chỉ đủ để đảm bảo vận hành các hệ thống quan trọng nhất gồm đèn đường băng và hệ thống an toàn của tháp kiểm soát không lưu. Nếu một chiếc máy bay bắt buộc cần hạ cánh lúc đó, nó vẫn có thể hạ cánh an toàn.

    Trong khi đó, sân bay không có cách nào để cung cấp điện cho phần còn lại của cơ sở rộng lớn và phức tạp: các nhà ga rộng lớn với nhiều cửa hàng và nhà hàng, lối đi di động và thang cuốn. Cũng không có điện để di chuyển hành lý đến khu vực nhận, hoặc để vận hành quầy bán vé và nhà vệ sinh.

    Woldbye cho biết "đó là cách hoạt động của hầu hết các sân bay" và khẳng định các sân bay khác cũng gặp tình trạng tương tự nếu xảy ra sự cố giống vậy.

    Vào ngày 21/3, các kỹ sư tại sân bay đã mất nhiều giờ để cấu hình lại các công tắc tại một trạm biến áp khác nhằm tạm thời định tuyến lại nguồn điện đến Heathrow. Hệ thống của sân bay đã không có điện trong nhiều giờ nên cũng mất nhiều thời gian để khởi động lại. Các nhân viên sân bay sau đó phải chạy thử nghiệm trước khi tuyên bố nối lại hoạt động của sân bay.

    Sân bay Heathrow mở cửa vào cuối Thế chiến II, sau đó được mở rộng và nâng cấp trong nhiều thập kỷ. Kết quả là sân bay sử dụng kết hợp cáp cùng hệ thống điện cũ và mới nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

    "Lưới điện đã cũ", Najmedin Meshkati, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Nam California cho biết. "Chúng càng cũ thì việc bảo trì càng trở nên quan trọng".

    Sau sự cố, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh: "Tôi không muốn thấy một sân bay quan trọng như Heathrow tê liệt như sự việc vừa qua".

    Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh việc này tái diễn trong tương lai. Simon Gallagher, giám đốc điều hành đơn vị tư vấn UK Networks Services, cho biết ngay cả với một sân bay có quy mô lớn như Heathrow, vẫn có thể tạo ra các hệ thống dự phòng đủ mạnh để duy trì hoạt động bình thường. Nhưng chi phí có thể lên tới 100 triệu USD và mất nhiều năm để triển khai, tạo ra gánh nặng với doanh nghiệp tư nhân như Heathrow. Cho đến nay, hầu hết các sân bay không sẵn sàng đầu tư lớn để xây dựng hệ thống dự phòng toàn diện.

    Chuyên gia năng lượng cho rằng chi phí để đảm bảo nguồn dự phòng cho một địa điểm lớn như Heathrow thậm chí có thể vượt xa cả tổn thất. Willie Walsh đánh giá Heathrow cũng có rất ít động lực để cải thiện vì các hãng hàng không, chứ không phải sân bay, là bên phải trả chi phí chăm sóc hành khách khi lịch trình bị gián đoạn.

    Nghị sĩ Harris cho rằng sự cố đóng cửa sân bay cho thấy vấn đề lớn của Anh. "Bạn luôn phải đảm bảo rằng sẵn sàng cho mọi tình huống, phải lên kế hoạch cho những sự cố có thể xảy ra", ông nói.

    VnExpress (Theo Business Standard, The Conversation, Guardian, BBC)

  • Hai chuyến bay của hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp do sân bay Heathrow (London, Anh) đóng cửa, nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền.

    Do ảnh hưởng sự cố hoả hoạn khiến sân bay Heathrow (Anh) phải đóng cửa ngày 21-3, chuyến bay VN55 hành trình Hà Nội - London phải chuyển hướng hạ cánh sân bay Munich (Đức).

    su co heathrow
    Sự cố cháy trạm biến áp ở ở Hayes khiến sân bay Heathrow phải đóng cửa hoàn toàn. Ảnh: X

    Đồng thời, chuyến bay VN56 hành trình London - Hà Nội cũng phải thay đổi giờ khai thác. Vietnam Airlines cho biết sẽ cập nhật kế hoạch khai thác hai chuyến bay này khi có thông báo mới.

    Theo hãng hàng không, việc này có thể ảnh hưởng dây chuyền đến lịch khai thác một số chuyến bay khác.

    Thông tin về kế hoạch khai thác sẽ được Vietnam Airlines thường xuyên cập nhật trong các bản tin tiếp theo. Hành khách bị ảnh hưởng sẽ được hãng hỗ trợ theo đúng quy định.

    Vietnam Airlines khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi, quá cảnh tại sân bay Heathrow trong thời gian này thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên website www.vietnamairlines.com; ứng dụng di động "Vietnam Airlines"; nhắn tin Zalo: https://zalo.me/3149253679280388721; Fanpage Facebook chính thức Vietnam Airlines; liên hệ các phòng vé, đại lý chính thức và Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1900 1100 (tại Việt Nam) hoặc +84 24 38320320 (tại nước ngoài).

    Truyền thông quốc tế đưa tin sân bay lớn nhất châu Âu Heathrow (London, Anh) phải đóng cửa hoàn toàn trong ngày 21-3 do sự cố cháy trạm biến áp ở Hayes, cách sân bay Heathrow khoảng 2,5 km gây mất điện khu vực này.

    Heathrow là sân bay nhộn nhịp nhất nước Anh, trung bình cứ 45 giây lại có một máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Các chuyến bay dự kiến hạ cánh tại sân bay Heathrow hiện đã bị chuyển hướng. Trang web chuyên theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho biết việc đóng cửa sân bay Heathrow đã ảnh hưởng đến ít nhất 1.351 chuyến bay và khoảng 145.000 hành khách.

    Theo NLD

  • Du khách bị mắc kẹt vì sân bay Heathrow ở London, Anh đóng cửa cả ngày 21/3 do hỏa hoạn tại trạm điện gần đó phải đối mặt với giá phòng khách sạn tăng cao ngất ngưởng.

    Theo AP, Tim Hentschel - CEO của nền tảng đặt phòng HotelPlanner.com - cảnh báo rằng những du khách bị mắc kẹt đang tìm nơi lưu trú cho đến khi có thể bay khỏi Heathrow sẽ phải đối mặt với khả năng giá phòng tăng cao vì các khách sạn đang tận dụng nhu cầu tăng đột biến để đẩy giá.

    khach san heathrow tang gia 1
    Giá phòng khách sạn tại sân bay Heathrow tăng gấp 3,5 lần so ngày thường sau sự cố hỏa hoạn trạm điện khiến sân bay phải đóng cửa ngày 21/3. Ảnh: AP.

    Trên trang web của HotelPlanner.com, Crowne Plaza tại nhà ga số 4 của sân bay Heathrow tính phí 485 bảng Anh (627 USD) cho một phòng qua đêm vào ngày 21/3 trong khi giá bình thường là 140 bảng Anh.

    "Nhiều khách sạn gần những trung tâm giao thông nhộn nhịp như sân bay Heathrow thường tăng giá trong những cuộc khủng hoảng hàng không lớn như vậy vì họ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đột ngột", Hentschel nói và cho biết không loại trừ trường hợp một số khách sạn tận dụng sự mắc kẹt của hành khách để kiếm tiền và điều này thật xấu hổ.

    CNN thông tin, không chỉ sân bay mà các chuyến tàu quanh sân bay Heathrow ở London cũng bị gián đoạn do vụ cháy trạm biến áp gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng.

    Heathrow Express - chuyến tàu nối sân bay với ga Paddington ở trung tâm London - không có dịch vụ nào theo cả hai hướng trong ngày 21/3. Transport for London cũng cho biết không có dịch vụ nào giữa ga đường sắt Hayes & Harlington - gần nơi có trạm biến áp điện và sân bay Heathrow.

    Trước tình hình vừa nêu, Eurostar cho biết hãng sẽ bổ sung thêm hai chuyến tàu giữa London và Paris để phục vụ hành khách bị kẹt lại do sân bay Heathrow đóng cửa. Trong khi đó, chuyến tàu cao tốc chạy bên dưới eo biển Manche khẳng định sẽ tăng sức chứa thêm 882 hành khách mỗi chuyến tàu.

    AP nhận định, sự gián đoạn của sân bay Heathrow còn làm ảnh hưởng đến cổ phiếu của các hãng hàng không châu Âu với mức giảm vượt xa mức giảm của các chỉ số chứng khoán chính nói chung trong ngày 21/3.

    khach san heathrow tang gia 1
    Sân bay Heathrow đóng cửa khiến giá cổ phiếu của các hãng hàng không châu Âu giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu ngày 21/3. Ảnh: AP.

    Theo đó cổ phiếu của International Airlines Group - công ty sở hữu Hãng hàng không British Airways - đã giảm đến 5% trong phiên giao dịch đầu ngày. Cổ phiếu của Lufthansa - công ty điều hành hãng hàng không lớn nhất của Đức cũng như Hãng hàng không Austrian Airlines, Brussels Airlines và các hãng khác đã giảm 1,3%. Air France KLM - công ty điều hành các hãng hàng không chính tại Pháp và Hà Lan - cũng giảm 1,3%.

    Các hãng hàng không châu Âu khác không hoạt động tại sân bay Heathrow cũng bị kéo xuống bởi tâm lý tiêu cực, điển hình như cổ phiếu Hãng hàng không Wizz Air giảm 1,4%, Hãng hàng không EasyJet giảm 0,7% và Hãng hàng không Ryanair giảm 0,8%.

    Shukor Yusof là người sáng lập Endau Analytics có trụ sở tại Singapore - một công ty tư vấn tập trung vào ngành hàng không - nói với CNN rằng tổn thất tài chính từ việc đóng cửa của sân bay Heathrow có thể lên tới hàng trăm triệu bảng Anh.

    Theo Tienphong

  • Sự cố tại sân bay Heathrow có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu bảng Anh, ảnh hưởng đến ngành hàng không và nền kinh tế của Vương quốc Anh.

    Trước khi xảy ra sự cố, sân bay Heathrow dự kiến xử lý 1.351 chuyến bay với khoảng 291.000 hành khách vào thứ Sáu. Tuy nhiên, nhiều máy bay đã phải chuyển hướng đến các sân bay khác ở Anh và châu Âu, trong khi nhiều chuyến bay đường dài phải quay trở lại điểm xuất phát.

    ton that heathrow
    Sân bay Heathrow nhìn từ trên cao. Ảnh: Konstantin Von Wedelstaedt

    Hiện, một số chuyến bay đã bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Heathrow (London) vào tối thứ Sáu (21/3) sau khi một vụ cháy tại trạm điện khiến sân bay bận rộn nhất châu Âu tê liệt gần một ngày. Sự cố này đã gây ra hỗn loạn cho hàng nghìn hành khách trên toàn thế giới.

    Cảnh sát Anh sau khi đánh giá ban đầu cho biết không có dấu hiệu cho thấy sự cố này có yếu tố khả nghi, nhưng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. Lực lượng cứu hỏa London sẽ tập trung điều tra hệ thống phân phối điện để xác định nguyên nhân chính xác.

    Các chuyến bay bị chuyển hướng hoặc quay đầu giữa chặng do Heathrow đóng cửa đột ngột. Theo các chuyên gia hàng không, lần gần nhất châu Âu bị gián đoạn hàng không trên quy mô lớn như vậy là vào năm 2010, khi đám mây tro bụi từ núi lửa Iceland khiến 100.000 chuyến bay bị hủy.

    Hành khách mắc kẹt tại London vội vã tìm phương án di chuyển thay thế, với nhiều người chấp nhận chi phí cao để rời khỏi Anh sớm nhất có thể. Giá phòng khách sạn quanh Heathrow tăng vọt, với nhiều chỗ ở có giá lên tới 645 USD/đêm, gấp 5 lần mức thông thường.

    Mỗi năm, Heathrow xử lý lượng hàng hóa trị giá gần 200 tỷ bảng Anh, tương đương khoảng 543 triệu bảng/ngày. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm cá hồi, sách, dược phẩm, trong khi hàng nhập khẩu phổ biến bao gồm rau củ, hoa, nhựa và nước hoa.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), Heathrow đóng góp 4,7 tỷ bảng vào nền kinh tế Anh, tức khoảng 12,88 triệu bảng/ngày. Con số này cho thấy mức thiệt hại mà sân bay phải chịu chỉ sau một ngày đóng cửa.

    Theo chuyên gia hàng không Paul Charles, chi phí trực tiếp cho các hãng hàng không và nhà cung cấp có thể lên đến ít nhất 20 triệu bảng Anh do các khoản chi cho: Hành khách bị mắc kẹt (bồi thường, khách sạn, ăn uống); Chi phí di chuyển của phi hành đoàn; Nhiên liệu và phí vận hành máy bay.

    Giá trị của các công ty hàng không cũng lao dốc, với cổ phiếu IAG (tập đoàn sở hữu British Airways, Vueling và Iberia) giảm 2,34% vào chiều thứ Sáu, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 326 triệu bảng Anh.

    Congluan (theo CNA, Sky News)

  • Louis Vuitton ra mắt quán cà phê tại sân bay Heathrow, London, mang đến không gian sang trọng và thực đơn đẳng cấp cho hành khách.

    1. Mở rộng thương hiệu từ thời trang đến ẩm thực

    lv heathrow 1

    Louis Vuitton, thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới, không ngừng gây ấn tượng với những bước đi táo bạo. Mới đây, hãng đã chính thức khai trương quán cà phê sang trọng tại sân bay Heathrow, London, mang đến cho hành khách một trải nghiệm ẩm thực độc đáo và đẳng cấp. Sự kết hợp giữa thời trang và ẩm thực không chỉ giúp Louis Vuitton mở rộng thương hiệu mà còn tạo ra một điểm nhấn thú vị cho du khách.

    2. Không gian sang trọng, độc đáo lấy cảm hứng từ thế giới hàng không

    lv heathrow 1

    Tọa lạc tại Terminal 2, gần cổng A17, quán cà phê Louis Vuitton tại Heathrow là một kiệt tác kiến trúc do kiến trúc sư Marc Fornes thiết kế. Không gian quán được bao bọc bởi những đường cong mềm mại, mang đến sự hòa quyện hoàn hảo giữa phong cách hiện đại và cổ điển. Các chi tiết bằng da, gỗ và kim loại cao cấp không chỉ tạo nên một không gian sang trọng mà còn gợi nhớ đến những chiếc vali du lịch biểu tượng của Louis Vuitton. Ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian, kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng tinh tế, tạo nên một bầu không khí thư thái và lãng mạn.

    3. Thực đơn tinh tế mang đậm dấu ấn pháp

    lv heathrow 1

    Thực đơn tại quán cà phê Louis Vuitton được thiết kế bởi đầu bếp nổi tiếng người Pháp, Cyril Lignac. Đến với quán, thực khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn sáng thanh lịch như trứng Hoàng gia, bánh croissant nướng giòn, cùng các món chính hấp dẫn như salad cua, bánh mì tôm hùm và croque monsieur. Tất cả các món ăn đều được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất, mang đến hương vị tinh tế và độc đáo. Không chỉ dừng lại ở đó, các loại bánh ngọt hảo hạng mang đậm dấu ấn của Louis Vuitton cũng là một điểm nhấn không thể bỏ qua.

    4. Trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp, tận tâm cho mọi hành khách

    lv heathrow 1

    Quán cà phê Louis Vuitton tại Heathrow không chỉ là nơi để thưởng thức ẩm thực, mà còn là một không gian trải nghiệm đẳng cấp. Đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng với sự tận tâm và chu đáo. Không gian riêng tư được bố trí khéo léo, tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn làm việc hoặc thư giãn trong một không gian yên tĩnh.

    5. Khẳng định vị thế trong lĩnh vực ẩm thực của Louis Vuitton

    Việc mở quán cà phê tại sân bay Heathrow không chỉ là một bước đi táo bạo mà còn là một chiến lược mở rộng thương hiệu của Louis Vuitton. Sau thành công của các quán cà phê tại Osaka, St Tropez, Paris và Doha, Louis Vuitton đang dần khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực ẩm thực, bên cạnh những thiết kế thời trang xa xỉ.

    Quán cà phê Louis Vuitton tại sân bay Heathrow là một điểm đến không thể bỏ qua cho những ai yêu thích sự sang trọng và muốn trải nghiệm ẩm thực đẳng cấp. Đây không chỉ là nơi lý tưởng để bạn thư giãn và tận hưởng những khoảnh khắc trước khi bắt đầu chuyến bay của mình, mà còn là một trải nghiệm độc đáo kết hợp giữa thời trang và ẩm thực. Hãy ghé thăm và tự mình khám phá những điều tuyệt vời mà Louis Vuitton mang lại tại sân bay Heathrow!

    Theo airtickets

  • Thực đơn Michelin, tài xế đưa đón tận nơi, phòng chờ tiện nghi... là những dịch vụ cao cấp của Windsor Suite.

    phong cho heathrow 1

    Sân bay Heathrow Airport (Anh) có một phòng chờ hạng VIP, được biết đến với cái tên Windsor Suite, chuyên phục vụ nguyên thủ quốc gia và các thành viên trong Vương thất Anh. Nơi đây cung cấp đầy đủ mọi dịch vụ, từ tài xế đưa đón cho đến các món ăn “chuẩn” thực đơn Michelin.

    Được biết, gia đình Thân vương William và Kate Middleton từng chi trả số tiền hơn 3.000 bảng (hơn 90 triệu VNĐ) cho 3 giờ lưu trú.

    Ngoài ra, Windsor Suite cũng phục vụ công chúng, với điều kiện bạn phải là hành khách hạng nhất hoặc thương gia.

    Dưới đây là những dịch vụ cao cấp của Windsor Suite.

    Thực đơn Michelin

    Khách hàng dùng bữa tại đây sẽ được phục vụ món ăn theo mùa, được chính tay đầu bếp nổi tiếng người Anh, Jason Atherton từng đoạt sao Michelin chế biến. Món ăn sẽ được mang đến bởi một người phục vụ chuyên nghiệp. Với số lượng nhân viên phục vụ lên tới 96 người, họ sẽ nhanh chóng giải quyết mọi vấn đề của thực khách.

    Thực đơn món ăn rất đa dạng, từ đồ ăn nhẹ cho đến bữa tối ba món. Một số món ăn được đăng tải trên Instagram như, gà BBQ, cá bơn, cá tráp tẩm gia vị. Những ai hảo ngọt có thể đặt bánh ngọt nhân hồ trăn rưới mật ong, nước sốt chocolate ăn kèm kẹo dẻo, bánh mì giòn và dâu tây. Bên cạnh đó, thực đơn còn có đủ loại rượu sâm panh. Người phụ trách Windsor Suite, Priya Malhotra cho biết: “Bạn có thể gọi bao nhiêu tùy thích, thậm chí là toàn bộ thực đơn cũng được”.

    phong cho heathrow 1

    Dịch vụ tài xế

    Theo trang web của sân bay: “Tài xế sẽ tới đón bạn trước cửa nhà. Sau đó, bạn sẽ được chở tới đến sân bay trên chiếc xe BMW sang trọng”. Hành khách cũng không cần phải sợ trễ giờ, bởi sau khi nghỉ ngơi tại Windsor Suite, tài xế sẽ đích thân chở khách tới máy bay.

    phong cho heathrow 1

    Nhân viên túc trực ở cửa ra vào

    Hành khách sẽ không phải chờ đợi hàng giờ để xếp hàng đi qua cổng an ninh. Một nhân viên ăn mặc chỉnh tề sẽ giúp bạn mang hành lý đi kiểm tra rồi chuyển lên máy bay. Sau đó, một nhân viên của nhóm Heathrow VIP sẽ giúp bạn làm thủ tục check in chuyến bay. Lúc này, bạn chỉ cần yên tâm đi tới phòng chờ VIP của mình để nghỉ ngơi. Heathrow khuyến nghị hành khách nên đến trước 90 phút để được tận hưởng trọn vẹn dịch vụ của hãng.

    Phòng chờ tuyệt đẹp

    Căn phòng được bài trí sang trọng, nổi bật là bức chân dung của Nữ vương Elizabeth II treo trên tường. Ngoài ra, còn có nhiều kiểu phòng được trang trí các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Nội thất trong phòng gồm có ghế sofa, ghế bành, bàn ăn và một TV lớn. Để đảm bảo sự riêng tư, mỗi người sẽ có một nhà vệ sinh riêng.

    Bạn cũng không phải lo về vấn đề mất an toàn, bởi bên trong căn phòng còn có lớp chống bom và hệ thống lưới che phủ để tránh bị chụp ảnh trộm. Thứ duy nhất không có trong phòng chờ là vòi hoa sen. Malhotra lý giải: “Theo như tôi để ý thì không có vị khách nào tắm ở sân bay cả”.

    phong cho heathrow 1

    Mua sắm tiện lợi

    Để giúp hành khách không phải chờ đợi xếp hàng, nhân viên mua sắm sẽ luôn túc trực, giúp bạn chọn món đồ muốn mua. Thậm chí bạn không cần phải xách đồ vì đã có nhân viên làm thay cho bạn.

    phong cho heathrow 1

    Thủ tục hải quan nhanh gọn

    Thủ tục hải quan và nhập cảnh đều được xử lý ở trong phòng chờ. Ngoài ra, khi đến giờ lên máy bay, bạn sẽ có một lối đi an ninh riêng. Theo Malhotra, chỉ mất chưa đầy 30 giây để đi qua làn đường đó.

    Phunuvietnam (theo Independent, The Sun)

  • Chủ nhân của chiếc Mercedes-Benz trở về sau chuyến du lịch đã vô cùng bức xúc khi xế cưng mới mua của mình trông cũ nát như xe hàng bãi.

    Một chủ xe Mercedes-Benz tại Anh mới đây đã đăng tải câu chuyện về trải nghiệm tồi tệ của mình khi gửi xe ở bãi đỗ ô tô của sân bay Heathrow. Câu chuyện này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và trở thành đề tài nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

    gui xe o heathrow 1
    Chiếc Mercedes-Benz bị hư hỏng nặng sau khi được gửi ở bãi trông giữ xe (Ảnh: The Sun)

    Cụ thể, vì đi du lịch dài ngày ở Thái Lan nên người đàn ông quyết định gửi chiếc Mercedes của mình tại bãi trông giữ xe kể trên.

    Khi đó, chiếc Mercedes mới mua được 12 ngày và vẫn còn nguyên đai nguyên kiện. Tuy nhiên, sau khi quay trở lại Anh, chủ nhân chiếc Mercedes này mới tá hoả khi phát hiện xe của mình đã bị thay lốp sau trong khi bộ mâm hợp kim bị trầy xước và sứt mẻ đáng kể. Ở phía đuôi xe, một mảng sơn còn bị bong ra.

    gui xe o heathrow 1
    Phần lốp xe đã bị thay thế bằng chiếc lốp và mâm cũ hơn (Ảnh: The Sun)

    Không chỉ vậy, sau khi kiểm tra kĩ hơn, anh còn phát hiện cài đặt ứng dụng trên Google Play và vị trí ghế lái đã bị thay đổi. Màn hình LCD trên xe cũng đầy những vết xước với hình ảnh hiển thị bị mờ.

    Dường như chiếc xe đã bị ai đó sử dụng trong khoảng thời gian này khi chỉ số ODO tăng thêm khoảng 240 dặm.

    Bất bình về những gì nhận được, chủ xe Mercedes sau đó đã tìm gặp đại diện của bãi gửi xe để nói chuyện. Tuy nhiên, phía quản lý của bãi gửi xe liên tục từ chối và không có thiện chí giải quyết. Hiện chủ xe Mercedes đã báo vụ việc lên cảnh sát để có thể điều tra và làm rõ.

    Bài liên quan: Gửi xe ở sân bay Luton, cặp đôi nhận lại chiếc xe nát bét

    Một cặp đôi trở về sau kì nghỉ đã vô cùng tức giận khi phát hiện chiếc xe của họ đã bị va chạm nát phần đầu, dù họ đã trả £55 cho công ty thầu bãi đỗ xe ở Sân bay Luton.

    Sam Watkins và Chiara Ferri, đều 30 tuổi, cho biết họ đã phải lái chiếc xe về nhà trong tình trạng phần cảng xe và đèn pha đều bị hư hại. Sự việc xảy ra vào ngày 17-10-2022.

    gui xe o san bay 1
    Chiếc xe nát phần đầu.

    Công ty quản lý bãi đỗ xe là Maple Parking khẳng định rằng tất cả các đèn pha đều hoạt động tốt khi bàn giao lại xe cho Sam, và nói rằng phần hư hại có thể sửa được. 

    Công ty này cuối cùng đã đồng ý trả £1,339.20 tiền sửa xe, nhưng Sam và bạn gái vẫn tức giận vì cách hành xử của công ty. Khi cặp đôi trở về từ chuyến du lịch đến Edinburgh, họ cho biết không có ai ở địa điểm lấy xe. 

    Sam nói: "Khi chúng tôi trở về, lúc đó đã rất trễ, và chúng tôi hy vọng lấy được chiếc xe và lái về nhà. Khi không thấy ai ở đó, chúng tôi đã vô cùng bối rối. Sau đó tôi nhận được một cuộc gọi từ Maple cho biết có một tai nạn xảy ra giữa xe của tôi và một chiếc xe khác".

    gui xe o san bay 3
    Maple Parking nói rằng chiếc xe chỉ bị hỏng bên ngoài một chút.

    Sau đó, một tài lái chiếc xe Volkswagen Polo của Sam tới. Anh khẳng định rõ ràng là một chiếc đèn pha đã bị hỏng. "Khi một tài xế mang xe của chúng tôi tới, anh ta đội mũ trùm đầu nên chúng tôi không nhìn rõ mặt anh ta. Anh ta đặt chìa khóa vào tay tôi rồi nhảy lên một chiếc xe khác rồi phóng đi mất".

    "Tôi gọi văn phòng thì họ bảo họ không thể làm gì khác, nghĩa là chúng tôi phải tự lái chiếc xe nát bươm về nhà giữa đêm khuya trên đường cao tốc", Sam nói.

    Công ty Maple nói rằng chiếc xe an toàn và có thể lái đi được, còn việc Sam dùng nó để chạy về nhà (ở Farnham, Surrey) là quyết định của riêng anh, không liên quan đến công ty.

    Ngày hôm sau Sam gọi cho công ty nhưng họ không chịu nhận trách nhiệm. Sam nói: "Tôi mừng vì cuối cùng họ cũng đồng ý trả tiền sửa xe cho chúng tôi. Nhưng họ cũng đã quá chây ì. Tôi sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của họ nữa".

    Công ty Maple Parking tuyên bố: "Chúng tôi khẳng định rằng khi giao xe lại cho ông Watkins, chiếc xe vẫn an toàn và có thể lái được, nó chỉ bị hỏng nhẹ bên ngoài. Cả 2 đèn pha đều sáng trước khi giao xe. Ông Watkins đã tự quyết định lái xe về nhà. Hiện nay chiếc xe đang được sửa chữa và trong khi chờ đợi, ông được lái tạm một chiếc Toyota Rav 4 mới cóng. Chúng tôi đã nói chuyện với ông Watkins và ông khẳng định rằng đã thỏa mãn với cách giải quyết của chúng tôi."

    Viethome (theo Metro)

    Vietnamnet (theo The Sun)

  • Theo Sky News, làn sóng bất bình của người lao động trên khắp nước Anh đang kéo theo tình trạng “đình công tập thể” trong những tháng gần đây. Nhiều người đang đòi hỏi mức lương cao hơn để đối phó với khủng hoảng lạm phát đang xảy ra.

    Mới đây, 16,000 nhân viên British Airways (BA), bao gồm tiếp viên hàng không cho đến các kỹ sư, có thể tham gia cùng các nhân viên làm thủ tục tại Sân bay Heathrow, để đi bộ đình công.

    ezgif 3 ead1d0f47b

    Những nhân viên này cáo buộc hãng hàng không đã làm tổn hại tới tinh thần và thể chất của họ sau "hai năm làm việc và bị cắt giảm lương".

    Một phát ngôn viên của công đoàn cho biết: "Ban lãnh đạo của BA giờ đây không còn có thể phớt lờ sự bất mãn đang tồn tại trong lực lượng lao động của họ, theo cách họ đã phớt lờ nhu cầu của khách hàng.”.

    Trong một cuộc bỏ phiếu, các nhân viên của BA đã giành được đa số áp đảo ủng hộ hành động đình công có thể xảy ra. Nếu không đạt được thỏa thuận với BA, công đoàn sẽ chính thức bỏ phiếu bầu các thành viên của mình. Có tới 700 nhân viên sẵn sàng đình công trong khoảng thời gian hai tuần nữa tại Heathrow.

    Thời gian đình công chưa được ấn định, nhưng công đoàn cho biết sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay. Được biết, đã có ít nhất 13,000 nhân viên của BA bị cắt giảm nhân sự. Những nhân sự còn lại thì vừa bị giảm giờ làm, vừa bị giảm lương.

    British Airways “vô cùng thất vọng”

    Ban quản lý của British Airways cho rằng người lao động đang đòi hỏi quá nhiều, họ tỏ ra thất vọng vì nhân viên đã lựa chọn thực hiện “đình công”.

    "Bất chấp việc ngành hàng không gặp khủng hoảng trầm trọng và hãng BA chịu thua lỗ hơn 4 tỷ bảng Anh, chúng tôi vẫn đưa ra lời đề nghị tăng thêm 10% lương và được đa số các đồng nghiệp khác chấp nhận. Nhưng số còn lại thì muốn nhiều hơn thế…”, đại diện của BA nói với Sky News.

    Được biết, hành động đình công có nguy cơ gây thiệt hại thêm cho BA và cả ngành hàng không nước Anh. Bởi đây có thể là tiền lệ cho hàng loạt cuộc đình công, đòi quyền lợi khác trong tương lai.

    Người phát ngôn của Thủ tướng Anh kêu gọi công đoàn và BA hãy nhanh chóng giải quyết vụ việc: "Chúng tôi không muốn thấy thêm bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hành khách và các chuyến bay tại Anh trong tương lai. Tôi không muốn đây trở thành hình ảnh xấu xí trong mắt các du khách đến nước Anh".

    Làn sóng “đình công” trải dài khắp nước Anh

    Chi phí thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt đang làm cạn kiệt túi tiền của nhiều hộ gia đình, khiến các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng lương cao hơn cho các thành viên của họ. Trong khi đó, chính phủ Anh đã kêu gọi kiềm chế tiền lương để tránh vòng xoáy lạm phát.

    Hàng loạt cuộc đình công đã diễn ra khiến tình trạng giao thông ở Anh trở nên tê liệt. Đơn cử như vụ việc 40,000 công nhân đường sắt đình công vào thứ Ba vừa rồi, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo công đoàn, các công ty vận hành xe lửa và chính phủ phải đối mặt với yêu cầu tăng lương để theo kịp với lạm phát gia tăng và lời hứa không cắt giảm việc làm.

    Chính phủ Anh đã chỉ trích các cuộc đình công đường sắt, gọi chúng là phản tác dụng và gây thiệt hại nhiều nhất cho những người có thu nhập thấp, những người phụ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và không thể làm việc tại nhà.

    Viethome (Theo Sky News)