Các luật sư ở London sẽ đình công vào tuần tới 

Bộ Tư pháp sẽ có một tháng hỗn loạn khi các luật sư bỏ phiếu đình công do tranh chấp với chính phủ về tài trợ.

Thông báo từ Hiệp hội Luật sư Hình sự hôm thứ Hai (20/6) cho biết hơn 80% thành viên đã ủng hộ “ngày đình công” bắt đầu từ tuần tới.

Cuộc đình công sẽ bao gồm hoạt động biểu tình và từ chối làm việc do lo ngại chính phủ không gia tăng hỗ trợ pháp lý hình sự, theo đó các bị cáo vẫn được luật sư đại diện nếu họ không đủ tiền thuê luật sư. Đánh giá độc lập do chính phủ thực hiện cho biết nguồn tài trợ cần tăng ít nhất 15%.

1lawLuật sư hỗ trợ pháp lý biểu tình bên ngoài tòa án Hoàng gia Southwark năm 2014.

Trong những năm gần đây, một số luật sư đã bỏ nghề khiến một số vụ án bị đình trệ do thiếu luật sư đại diện. Cùng lúc đó, số vụ việc tồn đọng trong tòa án đang ở mức cao nhất mọi thời đại do đại dịch và tài trợ bị cắt giảm, khiến các nạn nhân bị hiếp dâm và lạm dụng tình dục thường phải chờ rất lâu mới được xét xử.

Bắt đầu từ ngày 27 tháng 6, các luật sư sẽ đình công và từ chối làm việc, khiến các phiên tòa và phiên điều trần phải dời lịch. Trừ khi tìm ra giải pháp, số ngày các luật sư từ chối làm việc sẽ tăng lên sau mỗi tuần cho đến khi tạm dừng một tuần vào ngày 25 tháng 7, trước khi tiếp tục trở lại. Các cuộc biểu tình sẽ diễn ra bên ngoài các tòa án cấp cao, bao gồm Old Bailey, Manchester và Bristol.

Luật sư Sarah Jones cho biết: "Tôi nghĩ 25% luật sư hình sự chuyên nghiệp bỏ nghề. Thu nhập thực tế đã giảm trung bình 28% kể từ năm 2006 và thu nhập trung bình của chúng tôi đã giảm 23% chỉ trong 1 năm đại dịch. Chúng tôi mất 40% luật sư hình sự trong một năm, trong khi toàn bộ nhánh trợ giúp pháp lý mất 1/4 nhân lực trong 5 năm qua''.

''Năm ngoái, 300 người đã nghỉ việc. Luật sư trẻ tuổi trong ba năm hành nghề đầu tiên chỉ kiếm được thu nhập trung bình 12,200 bảng - thấp hơn mức lương tối thiểu và nhiều thành viên phải vay nợ hoặc sử dụng hết tiền tiết kiệm để vượt qua đại dịch''.

''Trong cùng năm đó, Chính phủ đã tiết kiệm được 240 triệu bảng  do không tổ chức xét xử. Số tiền này được Bộ Tư pháp giữ lại và không được sử dụng để cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào cho nhóm luật sư trợ giúp pháp lý. Tôi thấy nghề này chết dần và dường như không có ai sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đảo ngược tình hình, và đó là lý do chúng tôi đình công”.

Một phiên tòa xét xử vụ một thiếu niên Croydon bị sát hại phải tạm hoãn vào thứ Ba (ngày 21 tháng 6) ngay trước giờ bắt đầu và được dời lịch vào tháng 3 năm 2023 do đình công sắp xảy ra.

Sau thông báo, Bộ trưởng Tòa án James Cartlidge cho biết kết quả này là "đáng thất vọng" và họ đang làm việc "nhanh nhất có thể" để tiến hành tăng phí vào cuối tháng 9: "Chúng tôi khuyến khích Hiệp hội Luật sư Hình sự đàm phán với chúng tôi, thay vì đình công không cần thiết, vì nó sẽ chỉ gây tổn hại cho các nạn nhân khi buộc phải chờ đợi lâu hơn".

Đợt đình công diễn ra cùng thời điểm hệ thống giao thông ở England, Wales và Scotland gặp hỗn loạn do các công nhân đường sắt tổ chức chuỗi đình công lớn nhất trong 30 năm qua.

Có tới 50,000 công nhân của Network Rail, London Underground và 13 công ty điều hành xe lửa ngừng làm việc trong tuần này, khiến hành khách gặp phải sự chậm trễ tới 3 giờ ở London. Chỉ 20% dịch vụ hiện đang hoạt động. Các ngày đình công tiếp theo được tổ chức vào thứ Năm 23/6 và thứ Bảy 25/6. Các dịch vụ dự kiến ​​cũng sẽ bị gián đoạn vào những ngày không có đình công.

Nhiều công ty giao thông vận tải cảnh báo hành khách nên tránh di chuyển bằng đường sắt nếu không cần thiết.

Viethome (Theo My London)