15 triệu người dân Anh đã được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên

Anh đã đạt được mục tiêu tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên cho 15 triệu người có nguy cơ cao.

Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của Anh đã đạt mục tiêu tiếp cận 15 triệu người và được coi là thành công của chính phủ trong việc ứng phó với một đại dịch mà đất nước này có số người tử vong cao hơn và chịu thiệt hại kinh tế tồi tệ hơn so với các nước khác.

Sau khi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine COVID-19, chính phủ Anh đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là triển khai tiêm chủng cho các nhân viên y tế, tất cả những người từ 70 tuổi trở lên và những người cực kỳ dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.

Đây là dấu mốc của Anh trong chiến dịch tiêm chủng, nhưng nhà chức trách nước này cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận khi nào các hạn chế có thể được dỡ bỏ.

15 trieu nguoi tiem vacine

Trong khi đó, việc mở cửa lại các trường học dự kiến có thể thực hiện từ 8/3. 

Trong cuộc trò chuyện với Sophy Ridge, ông Raab - Bộ trưởng Ngoại giao, đã phát biểu về kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa: “Chúng tôi dự định mở cửa trường học vào ngày 8 tháng 3. Chúng ta cần phải có kế hoạch chi tiết sau khi đã đánh giá tất cả các bằng chứng và số liệu. Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại là cho học sinh tới lớp một cách an toàn vào ngày 8 tháng sau".

Khi được hỏi tất cả trường học có mở cửa vào cùng ngày hay không, ông Raab trả lời: “Tôi nghĩ chúng ta cần chờ đợi để đánh giá dữ liệu thật cẩn thận và thực hiện các kế hoạch đã đề ra”.

"Tuy nhiên, tình hình đang dần cải thiện và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có đủ tự tin để bắt đầu quá trình mở trường học vào ngày 8. Và tất nhiên, thủ tướng sẽ đề ra những biện pháp khác, dựa trên số liệu và thành công đã đạt được về vấn đề vắc-xin. Nhờ có vắc-xin, số ca mắc lẫn áp lực lên hệ thống y tế công đều đã giảm”.

Ông Raab khẳng định thủ tướng sẽ xem xét tất cả các bằng chứng vào ngày 22 tháng 2 trước khi đưa ra “lộ trình” dỡ phong tỏa, bao gồm “tác động của việc phong tỏa lẫn vắc-xin, tốc độ lây truyền, số ca bệnh nhập viện”.

Trong khi đó, bà Anne Longfield - ủy viên phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ em tại England, cảnh báo rằng cứ sáu học sinh thì có thể có một học sinh không thể bắt kịp khoảng thời gian đã mất ở trường. Bà Anne cũng ủng hộ đề xuất cho rút ngắn kỳ nghỉ và ngày học dài hơn.

Bà Anne nói: “Cần phải thay đổi để giúp trẻ bắt kịp chương trình học, trong đó có khả năng sử dụng một số thời gian trong các kỳ nghỉ (và) giờ học dài hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần giúp trẻ học lại các kỹ năng xã hội và xây dựng sự tự tin. Sẽ có một nhóm trẻ không bù đắp được khoảng thời gian đã mất - những đứa trẻ bắt đầu chậm hơn hoặc đang học khó khăn. Con số có thể lên tới 1/6 trẻ nếu các em không được hỗ trợ và thúc đẩy”.

Nguồn: Reuters