Anh sẽ không cấp hộ chiếu vaccine Covid-19

Bộ trưởng phụ trách vaccine của Anh ngày 7/2 tuyên bố nước này sẽ không đưa ra hộ chiếu vaccine cho các công dân vì chưa rõ hiệu quả thực sự của vaccine, dù Anh là nước đang tiêm vaccine nhiều nhất châu Âu, cho hơn 11,5 triệu dân.

Thông tin được Bộ trưởng phụ trách vaccine của Anh, ông Nadhim Zahawi khẳng định trong buổi trả lời phỏng vấn trên đài BBC của Anh ngày 7/2. Theo ông Zahawi, dù đang là nước tiêm vaccine nhiều nhất châu Âu, nước Anh vẫn không có ý định tung ra “hộ chiếu vaccine”.

ho chieu covid
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Anh. Ảnh: Getty.

“Có một vài lý do chúng tôi không đưa ra hộ chiếu vaccine. Trước hết, như Thủ tướng Boris Johnson có phát biểu tại Nghị viện, tại Anh thì vaccine không phải bắt buộc. Mọi người tiêm vaccine trên cơ sở tự nguyện. Ngoài ra chúng ta cũng chưa biết rõ tác động của vaccine đến việc ngăn ngừa virus lây nhiễm và việc tung ra hộ chiếu vaccine cũng có thể tạo nên sự phân biệt đối xử”.

Ý tưởng về hộ chiếu vaccine được nhiều nước châu Âu thảo luận trong thời gian qua, theo đó người nào đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được tự do đi lại mà không phải chịu các hạn chế di chuyển. Các nước vốn dựa nhiều vào du lịch tại châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha cũng như một số nước Bắc Âu như Đan Mạch… ủng hộ đề xuất này.

Liên minh châu Âu dự kiến cũng sẽ bàn thảo về ý tưởng này trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới, với mục tiêu gỡ bỏ mọi rào cản về di chuyển tại châu Âu trước mùa Hè năm 2021.

Tuy nhiên, việc xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine đang khiến nhiều nước lo ngại. Tại Anh, mặc dù đã có hơn 11,5 triệu người được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên nhưng giới chức y tế và khoa học nước này cảnh báo sự thành công của chiến dịch tiêm vaccine tại Anh đang bị đe dọa bởi các biến thể virus, đặc biệt là biến thể đến từ Nam Phi.

Cuối tuần qua, các nhà khoa học Anh cho biết sẽ sớm thử nghiệm việc trộn các loại vaccine khác nhau để tìm ra công thức ngăn chặn các biến thể virus. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách vaccine Zahawi nhận định, nhiều khả năng sẽ phải tiêm vaccine hàng năm cũng như phải tăng liều để đối phó với Covid-19, giống như các nước đang xử lý dịch cúm mùa mỗi năm.

Trong khi đó, cơ quan y tế Australia ngày 6/2 đã lên tiếng trấn an dư luận và khẳng định hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca sản xuất sau khi chính phủ Nam Phi thông báo tạm dừng sử dụng loại vaccine này.

Sáng 6/2, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca vẫn có tác dụng tại Australia. Tuyên bố của người đứng đầu cơ quan y tế Australia được đưa ra trong bối cảnh đang có những quan ngại về hiệu quả của vaccine do AstraZeneca sản xuất sau khi chính phủ Nam Phi quyết định tạm thời ngừng sử dụng loại vaccine này do lo ngại vaccine có tác dụng hạn chế trong việc ngăn chặn biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi.

Bộ trưởng Y tế Australia khẳng định sự tin tưởng vào hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Các dữ liệu đến nay cho thấy vaccine này có tác dụng ngăn chặn các trường hợp mắc Covid-19 thể nặng dẫn đến phải nhập viện và điều quan trọng là vaccine có thể giúp bảo vệ mạng sống của người bệnh.

Đến thời điểm hiện tại, Australia vẫn đang tiến hành quy trình thẩm định trước khi cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Mặc dù chưa cấp phép song Australia đã ký hợp đồng mua gần 54 triệu liều vaccine của hãng dược này, trong đó 50 triệu liều sẽ được sản xuất tại Australia./.

Quang Dũng/VOV-Paris, Hữu Tiến/VOV-Australia