Quyền hạn mơ hồ của người lãnh đạo thay Thủ tướng Johnson

Vài giờ sau khi Văn phòng Thủ tướng Anh tuyên bố Johnson vẫn lãnh đạo từ giường bệnh, Ngoại trưởng Dominic Raab được yêu cầu tiếp quản "những nơi cần thiết".

Chủ trì cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng Anh ở số 10 Phố Downing chiều 6/4 sau khi Thủ tướng Borris Johnson, 55 tuổi, vào phòng chăm sóc tích cực vì nhiễm nCoV, ông Raab cam kết với người dân rằng các bộ trưởng và quan chức đang tiếp tục thực hiện các chỉ đạo do Thủ tướng đưa ra.        

"Công việc của chính phủ sẽ tiếp tục và Thủ tướng đang được đảm bảo an toàn với đội ngũ xuất sắc ở bệnh viện St Thomas. Trọng tâm của chính phủ vẫn là đảm bảo những chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các kế hoạch để chúng ta đánh bại nCoV và đưa đất nước vượt qua thử thách này sẽ được thực hiện", ông Raab, 46 tuổi, nói. "Có một tinh thần tập thể vô cùng mạnh mẽ phía sau Thủ tướng và chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các kế hoạch mà Thủ tướng đã chỉ đạo sớm nhất có thể".    

ngoai truong dominic
Ngoại trưởng Dominic Raab rời Phố Downing hôm 6/4. Ảnh: AFP

Ông Raab, người cũng là Bộ trưởng Thứ nhất, trước đó được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc họp hàng ngày của nội các Anh về ứng phó với đại dịch. Trong một thông cáo, Phố Downing cho biết ông Raab đã được yêu cầu "thay thế ở những nơi cần thiết", cho thấy Ngoại trưởng có thể vẫn chưa tiếp quản hoàn toàn vai trò của Thủ tướng.

Trong khi Johnson vẫn còn tỉnh táo, không rõ những quyền hạn lớn nhất của ông, như các vấn đề an ninh quốc gia, đã được bàn giao cho Raab hay chưa. Khi được hỏi liệu đã tiếp quản "các trách nhiệm về an ninh" của Johnson, ông Raab từ chối bình luận.

Chuỗi lãnh đạo thay thế của Anh trái ngược với Mỹ, nơi mà điều này được quy định trong hiến pháp. Quyền hạn và trách nhiệm của phó tổng thống Mỹ cũng được xác định rõ ràng, trong khi tại Anh, văn phòng phó thủ tướng không được sử dụng kể từ khi Nick Clegg gia nhập liên minh với cựu thủ tướng David Cameron năm 2010.

Thậm chí trước khi Thủ tướng Johnson nhập viện, sự mơ hồ này đã làm dấy lên thông tin về cuộc đấu đá nội bộ giữa các bộ trưởng, trong đó các đồng minh của Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove cho rằng ông mới là người thay thế Johnson. 

Khi Covid-19 leo thang, Phố Downing đã đoán trước được những rắc rối tiềm ẩn và bắt đầu vạch ra kế hoạch về "người kế nhiệm được chỉ định", trong đó ông Raab được đề cử ở vị trí hàng đầu.    

Tuy nhiên, cho đến tối qua, quyền hạn của Raab vẫn chưa chắc chắn. Tiến sĩ Catherine Haddon, một thành viên cấp cao tại Viện Chính phủ, chỉ ra rằng một số quyền hạn có thể được bàn giao cho các bộ trưởng trong nội các khác.

Theo bà Haddon, trong số này có quyền đối với bộ máy an ninh quốc gia của Anh, như kiểm soát răn đe hạt nhân. Trong Chiến tranh Lạnh và những năm sau này, thủ tướng Anh uỷ quyền cho các bộ trưởng chịu trách nhiệm về hạt nhân và họ sẽ được triệu tập nếu có vấn đề gì xảy ra khiến thủ tướng không thể có mặt vào thời điểm đó.

"Không giống như ở Mỹ, nơi họ phải mang theo mã hạt nhân, Anh chỉ cần đảm bảo có một chuỗi lãnh đạo nếu thủ tướng không có mặt vào thời điểm đó", bà nói.

Haddon cũng chỉ ra rằng việc giám sát của các cơ quan tình báo Anh có thể trở thành trách nhiệm chung của các bộ trưởng.

"MI5 báo cáo với Bộ trưởng Nội vụ, MI6 và GCHQ báo cáo với Ngoại trưởng, vì thế vẫn có nhiều đường dây liên lạc", bà nói. "Thủ tướng làm việc với tất cả họ một cách trực tiếp và tiếp nhận thông tin tình báo hàng ngày, nhưng các bộ trưởng nội các khác cũng như thế, họ cũng có một số quyền hạn giám sát. Thủ tướng có thẩm quyền tối thượng, nhưng điều đó không có nghĩa ông ấy là người duy nhất làm việc với họ".

VnExpress (dịch từ Telegraph)