Chinatown ở London biến thành “phố ma” vì coronavirus

Những chiếc đèn lồng đỏ tô điểm bầu trời trên khu phố Tàu nổi tiếng của London trong thời gian lẽ ra nên ngập tràn không khí lễ hội và đoàn viên. Nhưng bầu không khí trên các đường phố dưới đây thể hiện nét tương phản rõ rệt, vì Tết Nguyên đán của người Trung Quốc đã bị lu mờ trước mối đe dọa của coronavirus.

Khi Vương quốc Anh xác nhận hai trường hợp đầu tiên và Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp toàn cầu, trung tâm Soho vốn luôn náo nhiệt đã phải hứng chịu một tổn thất lớn, trong đó nhiều hộ kinh doanh và người dân cảm thấy như bị phân biệt chủng tộc.

Chinatown đã bị tổn thất nặng vì đại dịch này.

Các nhà hàng và cửa hàng cho biết doanh số đã giảm tới 50% trong hai tuần qua, trong khi đang ở thời điểm náo nhiệt nhất hàng năm.

Một số khách du lịch phương Tây vùi mặt trong những chiếc khăn chunky kéo lên tận mắt, trong khi nhiều người dân địa phương và khách du lịch đeo khẩu trang y tế.

Những người khác trải qua một ngày của mình như bình thường, nhận lấy tờ rơi từ các nhà vận động hoặc thưởng thức những món ăn nổi tiếng trong các nhà hàng được thắp sáng ấm áp.

Một nhân viên quán ăn vặt trong khu vực, tên là Zak, bày tỏ mối lo ngại về loại virus này, cho rằng nó đang kích động thái độ phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Trung Quốc ở Anh.

Anh cho biết hai người bạn của mình đã bị tấn công hôm thứ Tư (29/1) khi đang đi mua sắm trong một siêu thị ở Battersea, phía tây nam London.

Zak nói với Metro: “Không biết xuất hiện từ đâu, một bà lão bắt đầu la hét với một cô gái vì cô ấy đang đeo khẩu trang. Bà ta nói: ‘Tại sao cô lại ở đây? Quay trở lại đất nước của cô đi, chúng tôi không muốn virus của cô ở đây.’ Sau đó, bà ấy đẩy cô ấy ngã xuống sàn.

“Tôi cảm thấy những chuyện như thế này xảy ra ngày càng nhiều do thiếu kiến ​​thức về coronavirus và cách tự bảo vệ mình.”

Người Trung Quốc đang là mục tiêu phân biệt chủng tộc.

Các quầy thuốc và phòng trị liệu Trung Quốc tràn ngập khẩu trang với giá 4 bảng mỗi chiếc, nhưng những món đồ này lại gây ra nỗi sợ hãi ở một số người, những người tin rằng khẩu trang là đấu hiệu cho thấy một người 'đang bị nhiễm bệnh', người dân địa phương nói.

Một quản lý nhà hàng cho biết một số cửa hàng Tàu đã từ chối không tiếp đón những vị khách đeo khẩu trang.

Khách du lịch Amy, đến từ Hồ Nam, người bắt đầu đeo khẩu trang từ ngày hôm qua, giải thích rằng không có gì lạ khi người dân từ Đông Á đeo khẩu trang vì họ thường sống trong môi trường ô nhiễm. Nhưng cô thừa nhận chúng có thể khiến người phương Tây sợ hãi.

Nhiều người trùm khăn kín mặt.

Tuy nhiên, một nhân viên cửa hàng giấu tên cho biết sử dụng khẩu trang là chưa đủ và cô thậm chí đã bắt đầu ngủ ở phòng tách biệt với chồng.

Cô ấy không cho phép phóng viên Metro, hoặc bất cứ ai khác, lại gần cô trong vòng một mét vì sợ nhiễm virus và lây lan nó.

“Tôi cảm thấy như khu phố Tàu đang xảy ra chiến tranh,” cô nói. “Thật đầy rủi ro. Khi làm việc ở đây, bạn không thể biết khi nào sẽ mắc phải nó. Vì vậy, tôi cảm thấy có trách nhiệm với những người tôi gặp.

“Chúng tôi vẫn không biết cách bảo vệ bản thân và thường mọi người sẽ mang theo mầm bệnh mà không biết. Tôi cảm thấy như mình không thể lơ là”.

Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang.

Tại một địa điểm khác trên đường, nhà hàng Dumpling’s Legend, quầy bar được xếp đầy những chai gel rửa tay kháng khuẩn.

Người quản lý Derek cho biết trong hai tuần qua, số lượt khách vãng lai đã giảm 50% với nhiều lần hủy đặt bàn.

Ông nói rằng tác động của virus đối với khu phố Tàu và cộng đồng đã khá lớn và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

“Khi nhiều người phương Tây nghe nói về virus, họ không cảm thấy thoải mái khi bước chân vào khu phố Tàu,” ông nói.

“Những gì chúng tôi cần làm ngay bây giờ là cẩn thận hơn và tăng cường làm sạch sâu trong nhà hàng, đảm bảo vệ sinh cá nhân với nhiều thao tác rửa tay và chà tay nắm cửa.

“Nếu bất cứ ai bị ho hoặc cảm lạnh họ không thể đến làm việc, tôi cần một báo cáo từ bác sĩ gia đình cho biết khi nào họ đủ an toàn để quay lại. Nếu không thì tôi không cho phép họ đến.

“Chúng tôi phải sẵn sàng cho việc này, trước khi căn bệnh bùng nổ. Nếu không sẽ quá muộn.”

Lượng khách hàng đã giảm 40-50%.

Quản lý nhà hàng, Derrick, tại Orient London, cho rằng các hộ kinh doanh đang làm tất cả những gì có thể nhưng thừa nhận lượng khách hàng giảm do họ biết không thể đảm bảo an toàn.

“Nếu bạn so sánh Tết Nguyên Đán năm ngoái, thì đây là một năm rất yên tĩnh,” Derrick nói.

“Lượng khách hàng, cả người Anh và Trung Quốc, đã giảm khoảng 40%. Mọi người ở đây chắc chắn đang lo lắng.

“Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ bản thân, nếu bạn cảm thấy không khỏe, bạn không nên làm việc ít nhất một tuần. Tất cả nhân viên của chúng tôi biết điều đó.

“Một người có thể lây lan cho hai người, sau đó lên bốn, và kết cục là toàn bộ khu phố Tàu rồi sau đó là Vương quốc Anh.

“Ngay bây giờ chúng ta cần làm bất cứ điều gì có thể để ngăn chặn nó ở giai đoạn đầu tiên.”

Quản lý nhà hàng Derek Lim cho biết các doanh nghiệp đang làm mọi cách để bảo vệ khách hàng và nhân viên..

Yao, người làm việc tại Chinese Medicine trên phố Wardour, cảm thấy đất nước quê hương mình bị đổ oan vì cơn bùng phát dịch bệnh và kết quả là cửa hàng đã phải hứng chịu hậu quả.

Cô đổ lỗi cho truyền thông và chỉ đích danh tờ báo Jyllands-Posten của Đan Mạch, tờ báo đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi xuất bản một phim hoạt hình châm biếm lá cờ Trung Quốc, với năm ngôi sao vàng được thay thế bởi hình ảnh vi khuẩn coronavirus.

“Đó là quốc kỳ của chúng tôi. Nó thật sự xúc phạm, phân biệt chủng tộc và thiếu tôn trọng,” cô nói.

“Tôi cảm thấy mọi người không ủng hộ chúng tôi hoặc đề cập đến bất cứ điều gì tích cực mà Trung Quốc đã làm trong khi dịch bệnh bùng phát.”

Nhiều người cho rằng việc đeo khẩu trang không hề có tác dụng gì.
Đường phố vắng vẻ hơn thời điểm này mọi năm.
Một số người không đeo khẩu trang và vẫn sinh hoạt bình thường.
Đại dịch đang làm tổn thương toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Những cố gắng của chính quyền Trung Quốc dường như không được thừa nhận.

VietHome (Theo Metro)