Tại sao bà Theresa May nuốt lời hứa giúp đỡ nạn nhân buôn người?

Bà May từng miêu tả nạn nô lệ hiện đại là “vấn đề nhân quyền nghiêm trọng nhất trong thời đại của chúng ta” và cam kết sẽ “biến việc đưa thế giới thoát khỏi tội ác dã man này trở thành sứ mệnh quốc gia và quốc tế”.

Bà May đưa ra tuyên bố này khi đang ở trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng, và vào tháng Mười năm ngoái, chính phủ cũng hứa hẹn sẽ “cải thiện triệt để” những hỗ trợ mà nạn nhân buôn người và nô lệ nhận được.

Bộ trưởng Nội vụ khi đó, bà Sarah Newton, nhấn mạnh “phúc lợi của các nạn nhân và những người có nguy cơ là nạn nhân sẽ là tâm điểm trong mọi hành động của chúng tôi”.

Vậy thì, vì sao chính phủ lại đang hành động hoàn toàn ngược lại?

Waleed (không phải tên thật) chỉ mới 19 tuổi và đang mắc chứng căng thẳng hậu chấn thương. Khi còn là một đứa trẻ ở Sudan, chàng trai này tận mắt chứng kiến cha và anh chị em mình bị quân chính phủ giết hại cũng như làng mạc bị thiêu rụi.

Khi còn là thiếu niên, cậu bị lực lượng an ninh hành hạ. Waleed trốn khỏi Sudan khi được 16 tuổi, để rồi lại bị bắt cóc bởi những kẻ buôn người ở Libya. Chúng giam giữ cậu, đánh cậu bằng thanh sắt, và biến cậu trở thành đối tượng lao động cưỡng ép cũng như tấn công tình dục.

Sau khi trốn thoát khỏi những kẻ thủ ác, vượt qua Địa Trung Hải giữa muôn trùng hiểm nguy và băng qua châu Âu, Waleed đến được Anh vào năm 2017 khi tròn 17 tuổi.

Cậu bị chấn thương tâm lý và cần được bảo vệ, nhưng thay vì thế, Waleed bị giam giữ trong trại tạm giữ người nhập cư cùng với người lớn, cho đến khi Bộ Nội vụ quyết định rằng có đầy đủ bằng chứng chứng minh cậu là nạn nhân của nạn buôn người.

Waleed được cho thời gian để phục hồi và nhận được hỗ trợ tài chính 65 bảng một tuần. Nhưng rồi vào ngày 1 tháng Ba năm nay, không được cảnh báo trước, cũng không có báo cáo đánh giá về tình trạng khó khăn và bệnh tâm lý, khoản hỗ trợ của Waleed bị cắt giảm xuống còn 37.75 bảng.

Cậu đột ngột bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn giữa việc mua thức ăn để bỏ bụng hay trả chi phí di chuyển để đến các buổi tư vấn hoặc cuộc hẹn với luật sư. Cậu cũng không thể trả tiền điện thoại để giữ liên lạc với hệ thống hỗ trợ của mình cũng như với bạn bè. Cậu không đủ tiền để tham gia các hoạt động xã hội và rơi vào cảnh bị cô lập. Trong suốt tám tháng, Waleed mắc thêm nợ, bệnh tâm lý càng trầm trọng, và các chuyên gia đánh giá cậu có nguy cơ tiếp tục trở thành nạn nhân bị bóc lột.

Trong tháng này, tòa án phán quyết rằng Bộ Nội vụ đã làm trái pháp luật khi cắt giảm khoản hỗ trợ tài chính của Waleed cũng như các nạn nhân nô lệ và buôn người khác. Tòa án yêu cầu Bộ Nội vụ phải trả bù số tiền cho tất cả các cá nhân bị ảnh hưởng. Ước tính có khoảng hơn 1,000 nạn nhân nô lệ và buôn người bị cắt hỗ trợ một cách trái phép, với số tiền tổng cộng hơn 1 triệu bảng.

Tòa án cũng chỉ trích Bộ Nội vụ vì không cung cấp hướng dẫn cho các nạn nhân theo quy định của Đạo luật Nô lệ Hiện đại năm 2015.

Động thái cắt giảm vào hồi tháng Ba – quyết định gây ảnh hưởng đến Waleed và rất nhiều nạn nhân nạn nô lệ và buôn người đang xin tị nạn khác – chỉ là phần đầu tiên trong kế hoạch hai giai đoạn của chính phủ nhằm cắt giảm hỗ trợ tài chính đối với tất cả các nạn nhân nô lệ và buôn người. Mức hỗ trợ sau khi cắt giảm được đưa xuống bằng với mức hỗ trợ người xin tị nạn.

Người xin tị nạn chỉ nhận được mức hỗ trợ tài chính tối thiểu để chống chọi với cảnh nghèo nàn. Tuy nhiên, nạn nhân nạn buôn người và nô lệ có nhu cầu cao hơn: các nạn nhân được quyền nhận hỗ trợ trong “giai đoạn phục hồi” kéo dài tối thiểu 45 ngày. Trong suốt giai đoạn này, các nạn nhân được cung cấp chỗ ở an toàn, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tâm lý cũng như pháp lý.

Mục đích của quy định này là giúp các nạn nhân thoát khỏi ảnh hưởng của những kẻ buôn người, bắt đầu giai đoạn hồi phục, quyết định xem có nên hỗ trợ việc điều tra của cảnh sát hay không, và chuẩn bị tâm lý để công khai những trải nghiệm của mình trước khi quyết định cuối cùng về tình trạng của họ được đưa ra.

Nạn nhân buôn người và nô lệ đã phải chịu đựng sự bóc lột về thể xác, tâm lý và tình dục khủng khiếp nhất. Trong giai đoạn đầu, họ có nguy cơ cao bị bắt trở lại, và đó chính là lý do tại sao họ cần được hỗ trợ đầy đủ.

Chính phủ không kháng nghị quyết định của tòa án, nhưng cũng chưa công bố việc liệu họ có loại bỏ kế hoạch cắt hỗ trợ tài chính cho nạn nhân nô lệ và buôn người hay không.

Rõ ràng từ cách đối xử thiếu công bằng của chính phủ đối với các nạn nhân trong suốt tám tháng qua, có thể kết luận rằng Bộ Nội vụ không hề nhận ra nhu cầu của các nạn nhân hay mong muốn bảo vệ an toàn cho họ. Nếu chính phủ thực sự nghiêm túc trong việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân, việc đưa ra quyết định không nên chỉ nằm trong tay Bộ Nội vụ mà cần được quy định trong pháp luật.

VietHome (Theo Guardian)