Phận nô lệ của ôsin người Philippines ở Anh

Bà chủ lấy bàn là gí vào tay tôi", một nữ giúp việc người Philippines kể lại chuyện bị lạm dụng trong gia đình người chủ giàu có đến từ vùng Vịnh sinh sống tại Anh.

85694e9d7dd310.img


“Bà chủ luôn nhồi vào đầu tôi suy nghĩ 'Cô chỉ là nô lệ'“, Adele nói. Ảnh chụp màn hình: Guardian

Tiếng cười rộn rã vang lên trong sân một nhà thờ ở Notting Hill - khu thượng lưu nổi tiếng ở London vài ngày trước lễ Giáng sinh, một nhóm phụ nữ tụm năm tụm bảy đang chờ đợi trong giá rét, trao đổi với nhau bằng tiếng Phillipnes. Họ là những ôsin bị ông bà chủ người Saudi, Jordan và Qatar giàu có lạm dụng.

Đi nhà thờ hàng tuần là cơ hội để những người phụ nữ này gặp gỡ và giúp đỡ nhau. Trao đổi với nhau, họ tả vể những khách sạn 5 sao bên rìa Hyder Park - nơi phô trương quyền lực và của cải, nhưng lại để họ đói khát và túng thiếu triền miên.

Adele, 34 tuổi, người tỉnh Cavite của Philippines. Cô chấp nhận tới Arab Saudi làm giúp việc - nơi nổi tiếng hay ngược đãi người làm thuê trong cộng đồng người Philippines, vì gia đình đang túng tiền. Họ tha hương đi làm ôsin, để gửi tiền về nuôi con nhỏ đang nhờ người thân chăm sóc ở nhà.

Khi nhà chủ người Arab giàu có nói rằng sẽ đưa cô đi London, Adele được đưa tới một văn phòng. Họ đưa một tờ giấy nói là đơn xin visa và bảo cô ký vào. Adele thậm chí không có cơ hội để đọc nó.

"Thư ký của ông chủ đưa chúng tôi đến tòa nhà, họ không hề nói rằng chúng tôi đang đi dâu. Tôi định đọc xem giấy tờ nói gì, nhưng họ nói rằng, ’Cô là nô lệ, không có quyền đọc nó.’"

Khi tới Anh, cô còn bị lạm dụng nghiêm trọng hơn ở Arab Saudi.

"Mỗi ngày tôi phải đi tới Hyde Park cùng lũ trẻ tới 10 giờ đêm. Tôi không được cho tiền hay cho ăn uống. Tôi có 5 bảng (7 USD) để mua bữa trưa cho lũ trẻ gái nhưng nếu tôi hỏi xin cho mình, bà ta sẽ hét vào mặt tôi, hoặc chỉ cho tôi một cái bánh bích quy. Tôi lúc nào cũng lạnh và đói. Đó là trải nghiệm tồi tệ nhất đời tôi".

"Chúng tôi không được trả đồng nào khi ở đây. Tôi hỏi suốt, "Tôi muốn được nhận lương!’ - nhưng bà ta chỉ nói, ’Cô phải đợi’".

Adele là một trong gần 17.000 người, chủ yếu là phụ nữ, tới Anh bằng thị thực lao động giúp việc mỗi năm, theo chủ là người ngoại quốc đến Anh làm việc. Hai phần ba trong số đơn xin visa được làm ở các quốc gia vùng Vịnh như Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi tình trạng vi phạm nhân quyền đối với lao động ngoại quốc trở nên phổ biến theo hệ thống luật kafala (luật dùng để giám sát người lao động nhập cư làm việc ở Lebanon, Bhrain, Iraq, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và UAE).

Cho đến năm 2012,  giúp việc nước ngoài vẫn có quyền đổi việc và gia hạn visa làm việc ở Anh, nhưng điều đó đã thay đổi khi liên minh chính phủ ban hành loại visa buộc chặt người giúp việc với người thuê mướn. Hàng loạt báo cáo và nhiều ủy ban quốc hội đã chỉ trích loại "visa trói buộc này", cảnh báo nó như một cái bẫy đẩy những người phụ nữ dễ bị tổn thương vào tình huống bị lạm dụng.

Bộ Nội vụ Anh tuyên bố bất kỳ nạn nhân nào cũng được quyền tố cáo với ủy ban quốc gia về hỗ trợ và xác minh nạn nhân buôn người (NRM). Tuy nhiên, những người phụ nữ ở nhà thờ kia e sợ tố cáo chỉ khiến họ bị trục xuất về Philippines. 

Trong khi trò chuyện, Adele cười đùa với những người khác về yêu cầu quái đản của nhà chủ, về bất đồng ngôn ngữ và chuyện bị lạm dụng. Thế nhưng cô lại khóc khi nói về nguy cơ bị trục xuất khỏi Anh.

"Chúa ơi, tôi đang cười đấy nhưng tôi đã khóc hết nước mắt khi nghĩ rằng bị gửi trả về Philippines. Tôi đang chịu áp lực tài chính rất lớn ở Philippines. Đôi khi tôi nghĩ rằng tốt nhất là ở lại làm người nhập cư không giấy tờ để được làm việc và có tiền gửi về quê".

Trong khi đó, Marie chờ đợi kể câu chuyện đời mình, nước mắt lăn dài trên mặt. Cô 24 tuổi, xa quê lúc mới 17 và buộc phải khai man tuổi để được tới Qatar làm việc. Marie nói cũng ký vào giấy tờ xin visa mà không biết nó là gì.

"Lúc đó tôi không muốn đến đây chút nào. Tôi đi tới đại sứ quán Anh và họ hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi khai tuổi và họ nói, ’Ký vào đây’. Tôi đi cùng với tài xế của chủ, ông ta nói chuyện với nhân viên ở đó. Tôi ký tên mà không đọc văn kiện".

Cô kéo tay áo, để lộ vết bỏng.

"Tôi làm việc cho một phụ nữ lớn tuổi. Bà ấy chửi tôi điên, gọi tôi là con chó, con điếm. Một hôm bà ấy sai tôi là quần áo nhưng lúc tôi nói đang đợi bàn là nóng thì bà ấy vớ lấy rồi gí lên tay tôi".

Cuối cùng cô cũng bỏ chạy vì việc lạm dụng ngày một nghiêm trọng, cô sợ chết. Nhưng cô lại sợ cảnh sát và chưa sẵn sàng tố cáo với nhà chức trách. Cô ngủ nhờ nhà bạn vài tháng, xin ăn qua ngày. Đây là lần đầu tiên cô tới một nhà thờ cho người Philippines.

Chủ tịch Hiệp hội người giúp việc Philiipines là Phoebe Dimacali, dùng nhà thờ này làm điểm tụ họp, hy vọng giúp đỡ những người phụ nữ bị lạm dụng, thông qua mạng lưới cộng đồng.

"Người Philippines chờ đợi nhà thờ này. Đã 10 năm nay, họ thường xuyên tìm đến đây".

Kể từ khi luật mới không cho phép lao động nhập cư làm việc nếu rời bỏ người thuê, Dimicali đã dừng hoạt động cứu trợ mà trước đây bà thường làm ở Hyde Park.

"Trước khi luật về visa thắt chặt có hiệu lực, chúng tôi thường đến nói chuyện với những vú em khác trong Hyde Park, khuyên họ bỏ chạy. Nhưng bây giờ chúng tôi không làm thế nữa".

"Nếu một người thực sự tuyệt vọng tìm đến chúng tôi, chúng tôi phải giải thích chuyện sẽ xảy ra với họ (nếu họ bỏ trốn khỏi nhà chủ). Chúng tôi phải nói với họ rằng mọi chuyện sẽ rất khó khăn, họ sẽ không được chữa trị, dùng bảo hiểm y tế, tìm chỗ ở cũng khó vì chủ nhà muốn xem giấy tờ tùy thân của họ. Nếu họ muốn nhận trợ giúp với tư cách là nạn nhân buôn người, chúng tôi có thể giúp đỡ, nhưng hệ thống này rất phức tạp".

Dimacali cho biết nhiều phụ nữ quá sợ hãi, không dám báo cáo với NRM bởi sợ một khi bỏ trốn khỏi nhà chủ sẽ bị tước quyền cư trú và làm việc tại Anh. 

"Tuần trước một phụ nữ được xác nhận là nạn nhân của buôn người, cùng với thư cảnh báo cô có 14 ngày để rời khỏi Anh. Những phụ nữ khác nghe thấy và sợ hãi. Họ là những người dễ bị tổn thương, cần nhiều thời gian và giúp đỡ hơn nữa".

Dưới ủy nhiệm của bộ Nội vụ, luật sư James Ewins đã công bố điều tra độc lập về tình trạng cấp thị thực giúp việc cho lao động nước ngoài. Ông đánh giá loại visa gắn chặt người giúp việc với chủ không bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị lạm dụng. Ông cũng đề xuất cho phép lao động làm giúp việc ở lại Anh hai năm rưỡi nếu từ bỏ hợp đồng làm việc đã ký với chủ.

Tất cả phụ nữ ở nhà thờ đều nói rằng hiểu rõ nguy cơ phải đối mặt ở các nước vùng Vịnh như Arab Saudi khi rời Philippines. Dimacali rút điện thoại ra, mở trang Facebook hiện lên những câu chuyện người Philippines viết về tình cảnh bị lạm dụng.

"Hàng ngày trên Facebook ta biết được những chuyện khủng khiếp ở vùng Vịnh. Một người bị đẩy khỏi cửa sổ tuần trước, hay có người bị gí bàn là vào chân. Cuộc sống ở Philippines rất khó khăn. Ngay cả khi chúng tôi biết cuộc sống ở vùng Vịnh đầy rẫy nguy hiểm, chúng tôi vẫn phải mạo hiểm với hy vọng không trở thành nạn nhân trong số đó".

Theo xã luận