Máy bay lao vào trường học khiến 25 học sinh thiệt mạng

Ngày 21/7, một máy bay phản lực F-7 BGI của Không quân Bangladesh đã gặp sự cố kỹ thuật và đâm vào một trường học và khuôn viên trường đại học ở thủ đô Dhaka ngay sau khi cất cánh, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng, trong đó có 25 trẻ em. Hai nạn nhân còn lại là phi công và 1 nữ giáo viên.

Phụ huynh tới đón con bị máy bay cuốn theo

Ngày 22/7, chia sẻ với hãng tin BBC Bangla, Farhan Hasan, học sinh lớp 10 của trường Milestone ở vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Dhaka vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại khoảnh khắc chiếc máy bay huấn luyện của Không quân Bangladesh lao xuống khuôn viên trường.

"Chiếc máy bay đang bốc cháy đâm thẳng vào tòa nhà ngay trước mắt", Farhan nói.

may bay bangladesh 1
Binh sĩ và lính cứu hỏa Bangladesh làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ rơi máy bay huấn luyện của Không quân nước này tại thủ đô Dhaka, ngày 21/7/2025. Ảnh: REUTERS

Farhan kể trong nước mắt: "Người bạn thân nhất của em, vừa thi cùng em trong phòng, đã thiệt mạng ngay trước mắt. Chiếc máy bay lướt qua đầu bạn ấy. Lúc đó, nhiều phụ huynh cũng đang đứng chờ đón con vì sắp hết giờ học… bị chiếc máy bay cuốn theo".

Cũng chia sẻ với hãng tin BBC, giáo viên Rezaul Islam tận mắt thấy máy bay đâm vào tòa nhà.

Một giáo viên khác, Masud Tarik nhớ lại: "Tôi nghe thấy tiếng nổ lớn. Khi quay lại, chỉ thấy lửa và khói… Rất nhiều phụ huynh và học sinh ở đây".

Theo thông báo từ quân đội, chiếc tiêm kích F-7 gặp sự cố kỹ thuật sau khi cất cánh lúc 13h00 (giờ địa phương) khi đang huấn luyện. Phi công, Trung úy Md. Taukir Islam, là một trong số những người thiệt mạng, đã cố điều khiển máy bay hướng ra khu vực ít dân cư hơn sau khi gặp sự cố.

Nhiều video được quay tại trường cho thấy ngọn lửa dữ dội và khói đen bốc cao sau khi máy bay đâm vào một tòa nhà hai tầng. Vụ việc khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương. Hiện nay, một ủy ban điều tra đã được thành lập để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

may bay bangladesh 1
Hàng trăm người dân kéo đến hiện trường, tụ tập xung quanh và trèo lên nóc nhà để quan sát sự việc (Ảnh: Reuters).

Người thân đau lòng, không đứng vững

Sau vụ việc, hàng trăm người dân đổ về hiện trường, trèo lên nóc nhà để quan sát. Giữa cảnh hỗn loạn, xe cứu thương và tình nguyện viên vật lộn đưa người bị thương và thi thể ra khỏi trường.

Ít nhất 30 xe cứu thương đã được điều đến hiện trường. Một người mẹ có mặt tại đây cho biết con trai bà đã gọi điện ngay sau vụ tai nạn nhưng kể từ đó, bà không liên lạc được với con nữa.

"Hơn 50 người bao gồm cả trẻ em và người lớn, đã được đưa đến bệnh viện với vết bỏng nghiêm trọng", bác sĩ tại Viện bỏng và phẫu thuật thẩm mỹ quốc gia nói, cho biết thêm phần lớn nạn nhân là học sinh từ 9 - 14 tuổi.

may bay bangladesh 1
Người thân nạn nhân đau lòng, không thể đứng vững tại bệnh viện (Ảnh: AFP).

Tại bệnh viện, nhiều thân nhân của các nạn nhân không còn đứng vững. Ông Shah Alam, chú của em Tanvir Ahmed, học sinh lớp 8 cho biết: "Cháu trai yêu quý của tôi đang nằm trong nhà xác". Bên cạnh ông là người cha của Tanvir ngồi khụy xuống đất, không nói nên lời.

Nhiều người dân đã tự nguyện đến bệnh viện để hiến máu, cứu chữa cho các nạn nhân. Các chính trị gia thuộc Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) và Jamaat-e-Islami cũng tới thăm hỏi nạn nhân.

Bộ Y tế Bangladesh cho biết nạn nhân đang được điều trị tại 7 bệnh viện trên toàn thành phố Dhaka.

Chính phủ lâm thời đã công bố quốc tang vào thứ Ba, quốc kỳ được treo rủ trên toàn quốc.

Lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh, ông Muhammad Yunus, khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để làm rõ nguyên nhân vụ việc và hỗ trợ tối đa cho nạn nhân.

"Đây là khoảnh khắc tang thương của cả quốc gia. Tôi cầu chúc nạn nhân sớm bình phục và chỉ đạo tất cả các cơ quan, đặc biệt là bệnh viện, ưu tiên cao nhất cho công tác cứu chữa", ông chia sẻ trên mạng xã hội X.

Theo Baoxaydung