Mưa lớn ở Trung và Đông Âu, có nơi ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua xảy ra trong 24 giờ, gây lũ lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 11 người chết.
Một áp thấp di chuyển chậm được gọi là bão Boris đã đổ lượng mưa tương đương một tháng xuống một số thủ đô lịch sử của châu Âu, bao gồm Vienna, Bratislava và Prague, CNN đưa tin.
Tại Ba Lan ngày 15.9, một người chết đuối ở hạt Klodzko và chính quyền khuyến cáo người dân Moszczanka và Laka Prudnicka sơ tán do có nguy cơ vỡ đập. Cùng ngày tại Áo, một lính cứu hỏa hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Một người dân ở Czech đứng nhìn con phố ngập nước hôm 15-9 - Ảnh: AFP
Tại Romania, thêm 2 người được xác nhận chết vì lũ lụt vào ngày 15.9, sau khi có 4 người được xác nhận chết ngày 14.9. “Những tác động nghiêm trọng nhất xảy ra ở 7 địa phương” - Bộ trưởng Nội vụ Romania Catalin Predoiu chia sẻ với Antena 3. Các đội đã cứu được 95 người mắc kẹt trong nhà. Khoảng 5.400 ngôi nhà ở khu vực đông nam Galati, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt, đã bị hư hại.
Người dân ở Pechea, một trong những ngôi làng trong vùng, kể lại sự bàng hoàng trước sức tàn phá của lũ lụt. "Tôi chẳng còn gì cả" - bà Sofia Basalic chia sẻ với AFP, mô tả cảnh nước lũ "tràn vào nhà" và "đánh sập các bức tường", phá hủy các thiết bị nhà bếp và làm chết gia súc trong trang trại của bà.
Công nhân nhà máy Gica Stan, người có ngôi nhà bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước lũ, cho biết bản thân thậm chí "không còn một cây kim" và đang phải trông chờ vào quần áo quyên góp.
Các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai tại các hạt bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức Romania thông báo đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua trong 24 giờ trước đó.
Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu nói nước này sẽ "dọn dẹp và xem có thể cứu vãn được những gì".
"So với năm 2013, lượng nước nhiều hơn gần gấp ba lần. Thật khó để ứng phó với cơn thịnh nộ của thiên nhiên", ông Ciolacu trả lời báo giới ngày 16-9.
Lũ lụt nghiêm trọng đang xảy ra ở Trung và Đông Âu. Ảnh: AFP
Mưa lũ khiến nhiều con sông vỡ bờ ở Ba Lan và Cộng hòa Czech. Ở phía tây nam Ba Lan, 1.600 người được sơ tán tại hạt Klodzko khi các con sông có mực nước cao kỷ lục và vỡ bờ. Klodzko - đô thị có 25.000 dân cư - đã bị ngập một phần trong nước vào 15.9.
Tại Cộng hòa Czech, chính quyền đang phải vật lộn với mưa lớn trên khắp đất nước. Tổng thống Petr Pavel cảnh báo lũ lụt chưa kết thúc khi những khu vực nghèo nhất của đất nước có khả năng phải chịu "thiệt hại lớn nhất" trong những ngày tới. Kể từ khi bắt đầu mưa lớn, hơn 10.500 người đã được sơ tán tại Cộng hòa Czech.
Ở phía đông bắc, 80% thành phố Krnov bị ngập lụt. “Nước đang tràn qua toàn bộ Krnov. Chúng tôi ước tính 70-80% thành phố đang chìm trong nước. Nước gần đến tòa thị chính. Quảng trường đã ngập 2/3” - Phó Thị trưởng Miroslav Binar cho biết. Cảnh sát Czech cho biết một người chết đuối trên sông gần thị trấn Bruntal ở vùng đông bắc, cùng 7 người mất tích.
Tại Đức, các tiểu bang phía nam và phía đông đang chuẩn bị ứng phó với lũ lụt. Cảnh báo lũ lụt đã được ban bố cho các con sông ở tiểu bang Saxony.
Tại Áo, mưa lớn đã khiến nước dâng cao ở một số con sông và các dịch vụ cứu hộ được triển khai tại một số vùng của đất nước. Nhiều thành phố ở Hạ Áo đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi mưa lớn tiếp tục kéo dài đến 15.9. Hai cư dân khoảng 70 và 80 tuổi được tìm thấy đã qua đời trong căn nhà bị ngập của họ tại vùng Hạ Áo - khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - theo lời cảnh sát. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vùng Hạ Áo cũng cho biết tính đến nay đã có 12 con đập bị vỡ, kéo theo đất bùn. Hàng ngàn hộ dân ở khu vực này đang không có điện và nước.
Báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất - đã được ban hành cho một số khu vực của Ba Lan, Đức, Cộng hòa Czech, Áo và Slovakia. Theo Meteoalarm, mức cảnh báo này liên quan đến "hiện tượng khí tượng dữ dội" và "có khả năng gây ra thiệt hại lớn".
Theo Lao Động