Đợt sạt lở và siêu sóng thần ở Greenland, bắt nguồn từ khủng hoảng khí hậu, đã khiến Trái Đất rung lên suốt 9 ngày vào tháng 9/2023.
Hệ thống vịnh hẹp trước (bên trái) và sau trận lở đất và sóng thần. Ảnh: Planet Labs.
Cơn địa chấn được phát hiện bởi cảm biến động đất trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ban đầu các nhà khoa học không hình dung được đây là gì bởi mức độ vô tiền khoáng hậu của cơn địa chấn này, theo Guardian.
"Khi chúng tôi bắt đầu đợt khảo sát, mọi người đều bối rối và không ai hình dung nổi tín hiệu sóng địa chấn này xuất phát từ đâu", tiến sĩ Kristian Svennevig thuộc đội Khảo sát Địa chất của Đan Mạch và Greenland, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nói. "Những đợt sóng dài hơn và đơn giản hơn các tín hiệu động đất thông thường".
Sau khi tìm hiểu, các nhà nghiên cứu cho biết vụ địa chấn là minh chứng rõ nét cho tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường. Nhiệt độ Trái Đất tăng lên nhanh chóng đã gây ra lở đất ở những nơi từng được xem là ổn định.
Sạt lở đất kéo theo siêu sóng thần cuốn qua vịnh núi đá hẹp đã khiến Trái Đất rung lên trong suốt 9 ngày. Ảnh: Unsplash.
Một đỉnh núi cao 1.200 mét ở vịnh Dickson, phía đông Greenland, bị sạt lở vào ngày 16/9/2023 sau khi sông băng bên dưới bị tan chảy và không thể giữ cố định cấu trúc núi đá này được nữa.
Vụ sạt lở gây ra đợt sóng cao tới 200 m và tình trạng lũ cuốn chảy xiết qua vịnh hẹp Dickson, gửi sóng địa chấn đi khắp thế giới trong hơn một tuần.
Đây là vụ lở đất và siêu sóng thần đầu tiên được ghi nhận ở phía đông Greenland. Các khu vực xung quanh Bắc Cực đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ấm lên toàn cầu.
“Tôi đã hoàn toàn bối rối khi lần đầu nhìn vào những tín hiệu địa chấn này”, tiến sĩ Stephen Hicks thuộc Đại học London, một trong những người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nói. “Tôi chưa bao giờ thấy sóng địa chấn di chuyển lâu và dài như vậy mà lại chứa một tần số dao động duy nhất”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ước tính rằng khoảng 25 triệu m3 đá và băng đã đâm vào vịnh hẹp và trượt dài ít nhất 2.200 m dọc theo vịnh này.
“Vụ sạt lở này cũng là sự kiện hiếm gặp bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận được tình trạng lở đất và sóng thần ở miền Đông Greenland”, tiến sĩ Svennevig nói.
Đợt sạt lở đã phá hủy một địa điểm từng là nơi cư trú của người Inuit (tộc người bản địa sống gần Bắc Cực). Địa điểm này nằm gần mực nước biển và có tuổi thọ vào khoảng 200 năm, cho thấy vụ lở đất này là chuyện gần như không xảy ra trong suốt hơn 2 thế kỷ.
Nhiều lều đã bị phá hủy tại một trạm nghiên cứu trên Đảo Ella, cách trận lở đất 70 km. Địa điểm này được những người săn lông thú và nhà thám hiểm thành lập cách đây hai thế kỷ và được các nhà khoa học và quân đội Đan Mạch sử dụng, nhưng bị bỏ trống vào thời điểm xảy ra trận sóng thần.
Đồ họa: Guardian.
Các vịnh hẹp trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sóng thần nằm trên tuyến đường thường được sử dụng bởi các tàu du lịch. Một tàu du lịch chở 200 người đã bị mắc kẹt trong bùn ở Aplefjord, gần vịnh Dickson, vào tháng 9 năm ngoái. Thủy thủ đoàn và du khách đã được cứu hộ và di dời kịp thời, chỉ 2 ngày trước khi xảy ra đợt sóng thần.
“May mắn là không có chuyện gì xảy ra đối với những người có mặt trong khu vực bị ảnh hưởng”, ông Svennevig nói. “Chúng ta vẫn chưa hình dung được sóng thần sẽ tác động như thế nào đến các tàu du lịch”.
“Một phần quan trọng trong việc xác định nguyên nhân của các sự kiện động đất là mô hình hóa sóng thần và so sánh với các phép đo”, ông Svennevig nói.
“Mô hình của chúng tôi dự đoán một dao động trong cùng chu kỳ 90 giây, đây là một kết quả đáng kinh ngạc, cũng như độ cao của sóng thần và các con sóng suy yếu theo cùng một cách chính xác như các tín hiệu địa chấn”.
“Trận sóng thần kéo dài độc đáo này đã thách thức các mô hình cổ điển mà trước đây chúng tôi sử dụng để mô phỏng chỉ vài giờ lan truyền sóng thần”, giáo sư Anne Mangeney, người chuyên mô hình hóa tín hiệu lở đất tại Viện Vật lý địa cầu Paris ở Pháp, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Chúng tôi phải đạt đến độ phân giải số cao chưa từng có. Điều này mở ra những hướng đi mới cho mô hình hóa sóng thần”, bà Mangeney nói thêm.
“Ở một mức độ sâu hơn, đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự nóng lên toàn cầu gây ra hiện tượng rung chuyển Trái Đất, ở khắp mọi nơi, ngay dưới chân chúng ta”, bà Mangeney nhận định.
“Những rung động đó di chuyển từ Greenland đến Nam Cực trong vòng chưa đầy một giờ. Vì vậy, chúng ta đã thấy tác động của biến đổi khí hậu tác động đến toàn thế giới chỉ trong vòng một giờ".
Nhóm nghiên cứu cũng dự đoán những sự kiện tương tự sẽ tiếp diễn nếu nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng. Tác động của con người lên Trái Đất cũng đã được chứng minh gần đây qua các nghiên cứu cho thấy rằng việc băng tan hàng loạt ở hai cực khiến cho mỗi ngày dài ra và khiến hai cực dịch chuyển.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng lượng khí thải carbon đang làm thu hẹp tầng bình lưu.
Theo ZNews