Về quê đón Tết, tôi nhận ra dù có nợ nần chồng chất cũng đừng kể lể với họ hàng

Người đàn ông Trung Quốc nghĩ rằng bản thân sẽ nhận được sự giúp đỡ khi tiết lộ tình cảnh khó khăn của mình. Song sự thật trái ngược hoàn toàn với những gì ông nghĩ.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Xu (36 tuổi, Trung Quốc) viết và trải nghiệm về quê đón Tết sớm đang thu hút sự chú ý.

Tết năm nay, tôi về quê sum họp với bố mẹ sớm hơn mọi lần. Những năm trước do vẫn điều hành một nhà máy nhỏ ở Quảng Đông, Trung Quốc, phải tối 29 Tết, tôi mới kịp về nhà.

Ở thời điểm đó, lợi nhuận của công ty khá tốt. Thu nhập của tôi dư dả. Chỉ sau 2 năm mở công ty, tôi đã đủ tiền mua một căn nhà đầy đủ tiện nghi ở thành phố, đồng thời xây một căn nhà 2 tầng ở quê cho bố mẹ. Ít lâu sau đó, gia đình tôi còn sắm ngay 1 chiếc ô tô giá hơn 300.000 NDT. Với những gì có được ở thời điểm đó, nhiều người trong làng cho rằng tôi là người thành công, giàu có.

Thật không may, sau giai đoạn Covid-19, nhà máy của tôi không còn nhận được nhiều đơn đặt hàng trong 2 năm qua. Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Năm nào tôi cũng nỗ lực và hy vọng có thể vực dậy được tình hình của công ty. Song dường như mọi chuyện không thể cứu vãn được.

mac no ve que an tet
Ảnh minh họa

Tháng 11 năm nay, tôi đã đóng cửa và giải thể công ty. Dù đã bán nhà và xe để trả nợ nhưng vẫn không đủ. Dẫu vẫn còn 1 vài khoản nợ lớn song tháng 12 vừa rồi, tôi vẫn trở về quê để đón Tết.

Trở về với 1 chiếc túi rỗng và vẫn còn những gánh nặng nợ nần song tôi thấy nhẹ nhõm đôi chút. Bởi từ khi bắt đầu kinh doanh đến nay, tôi không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Đặc biệt trong 2 năm qua, những khó khăn ở nhà máy khiến tôi kiệt sức cả về thể xác và tinh thần. Suốt quãng thời gian công ty khó khăn, tôi không có được 1 giấc ngủ ngon.

Bây giờ, mọi thứ đã không còn. Tôi có thể về nhà sớm đón Tết và thảnh thơi hơn. Khi trở về, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình nên cởi mở về tình hình hiện tại. Khiêm tốn khi giàu có nhưng khi gặp khó tôi nghĩ mình nên thành thật.

Tôi không giấu giếm những chuyện diễn ra trong 2 năm qua. Tôi kể với mọi người rằng nhà máy đã đóng cửa và đang phải mang một khoản nợ có khi phải mất 5-6 năm để trả hết.

Lúc đầu, mọi người không tin, cho rằng tôi giả vờ nghèo vì sợ bị hỏi vay tiền. Nhưng sau nhiều lần xác nhận, đặc biệt, khi hàng xóm thấy tôi đi xe máy về chứ không phải ô tô như mọi lần, mọi người dần tin đó là sự thật.

Bố biết tôi không còn dư đồng nào nên ông đã đưa tôi 1 khoản tiền nhỏ để sửa lại căn nhà cũ ở quê nhằm đón Tết. Tôi tìm đến đội thợ xây trong làng để nhờ hỗ trợ.

Thông thường, sau khi hoàn thiện công trình, chủ nhà mới thanh toán tiền. Tuy nhiên, những người thợ này đòi tôi trả tiền công từng ngày một họ mới làm. Họ nói thẳng rằng biết tôi đang nợ nần nhiều nên không muốn cuối năm lại không nhận được tiền công. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đồng ý với quy định đó.

Câu chuyện chưa dừng ở đó. Điều khiến tôi buồn hơn là sự thờ ơ của mọi người xung quanh. Trước đây, khi còn làm ăn được, người thân trong nhà và bạn bè ai cần giúp đỡ về tài chính. Tôi đều cố gắng thu xếp được.

Giờ đây, vì một số khoản nợ nước ngoài cần phải trả gấp, tôi có hỏi vay họ. Tuy nhiên, điều tôi nhận được lại toàn những cái lắc đầu. Mọi người đều cho rằng tôi không còn hy vọng gì, cho vay thì khó có thể lấy lại được.

Ngoài thực tế này, dạo gần đây, khi đi dạo trong làng, tôi thấy mọi người đều rẽ hướng khác khi nhìn thấy bóng tôi. Có lẽ, mọi người đang sợ rằng gặp tôi sẽ bị hỏi mượn tiền.

Với những gì đã trải qua, tôi nhận ra rằng chỉ có bố là sẵn lòng giúp đỡ đứa con nợ nần chồng chất này. Tôi chỉ mong rằng năm sau tình hình sẽ khá hơn. Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để thoát nợ.

Từ câu chuyện của bản thân, tôi hiểu rằng ngoài việc khiêm tốn khi giàu. Đôi khi bạn cũng phải khiêm tốn ngay cả khi nợ nần. Bởi vì mọi người sẽ chỉ dè chừng và tránh xa bạn. Thực tế, không ai thực sự thông cảm hay giúp đỡ bạn.

Theo Kênh 14