Mang hơn nửa triệu đô giả bán cho ngân hàng, 4 người lãnh 61 năm tù

Phạm Hùng Tuấn, 34 tuổi, cùng đồng phạm bị xét xử vì mang 538.000 USD giả đến ngân hàng bán, trong đó đổi trót lọt gần 260.000 USD lấy 5,7 tỷ đồng chia nhau.

Ngày 25/1, Tuấn cùng Néang Sóc Rane, 37 tuổi, người Khơmer; Đỗ Văn Trung, 47 tuổi, và Nguyễn Bảo Duy, 28 tuổi, bị TAND TP HCM xét xử về tội Tàng trữ, lưu hành tiền giả.

ban tien gia cho ngan hang 1
Bị cáo Néang Sóc Rane, Phạm Hùng Tuấn, Đỗ Văn Trung và Nguyễn Bảo Duy (từ phải qua) tại tòa. Ảnh: Hải Duyên

Trả lời HĐXX, Tuấn, Rane và các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Tuấn cho biết nhận tổng cộng 538.000 USD tiền USD giả từ Rane và Trung sau đó cùng Duy và một số người mang đi tiêu thụ, song chỉ đổi được 250.000 USD.

Là người có vai trò chủ mưu trong vụ án, Rane cho biết, khoảng tháng 7/2021 quen Thy (quốc tịch Campuchia, không rõ lai lịch) khi người này sang Việt Nam khám bệnh. Thy đặt vấn đề sẽ cung cấp USD giả cho Rane tiêu thụ tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu cho gặp Đỗ Văn Trung để giao dịch và xử lý tiền giả.

Khi gặp Trung, Rane nói có nguồn tiền USD phát hành năm 2006 (tiền cũ không được phép lưu hành) nếu ai đổi được thì giới thiệu và sẽ chia hoa hồng. Trung sau đó giới thiệu cho Rane liên lạc với Phạm Hùng Tuấn giao dịch. Rane đã liên lạc với Tuấn và hai lần bán USD giả cho người này.

Cụ thể, ngày 9/8/2021, Rane giao cho Tuấn 258.000 USD giả. Sau khi nhận tiền, Tuấn và Duy mang đến Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Tân Bình để bán nhưng bị từ chối do tiền cũ. Tuấn sau đó đưa Duy toàn bộ số USD này và thỏa thuận nếu bán được sẽ được hưởng 65%, Tuấn nhận 35% còn lại.

Duy nhờ chú ruột là Kiều Bá Sơn mang đến Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh Hoa Việt, đổi thành công 250.000 USD được hơn 5,7 tỷ đồng. Còn 8.000 USD do ngân hàng không đủ tiền nên Sơn mang về trả lại.

Duy chuyển cho Tuấn gần 2 tỷ đồng, giữ lại 3,7 tỷ đồng như thỏa thuận. Sau khi nhận được tiền bán USD giả từ Duy, Tuấn chuyển cho Rane 1,6 tỷ đồng, trả công cho Trung 90 triệu đồng còn lại chiếm hưởng. Trung được Race trả công thêm 95 triệu.

Hai hôm sau, ngân hàng phát hiện số USD này có nhiều tờ trùng seri hoặc mờ nên yêu cầu Sơn hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã đổi, hoặc nộp thêm số USD không hợp lệ để bù vào.

Sơn nói cho Duy biết có nhiều tờ USD "lỗi" và phải làm theo một trong hai phương án ngân hàng đưa ra. Duy sau đó liên lạc với Tuấn để lấy thêm USD bù lại số tờ bị lỗi nhưng không có, đồng thời người này tắt liên lạc. Sơn và Duy phải gom tiền để trả lại cho ngân hàng toàn bộ 5,7 tỷ đồng đã nhận.

ban tien gia cho ngan hang 1
Bị cáo Néang Sóc Rane khi được dẫn vào phòng xử. Ảnh: Hải Duyên

Đến ngày 24/8/2021, thông qua Trung, Tuấn tiếp tục nhận thêm của Rane 280.000 USD cũ. Ngày hôm sau, Tuấn mang số tiền giả này đến một ngân hàng ở quận Tân Bình để đổi nhưng không được.

Vừa bước ra khỏi ngân hàng, Tuấn bị Tổ tuần tra phòng chống Covid-19 thuộc Công an quận Tân Bình phát hiện có biểu hiện nghi vấn, bắt quả tang tàng trữ 28 xấp tiền USD giả, tổng cộng 280.000 USD (mỗi xấp có 100 tờ mệnh giá 100 USD).

Từ lời khai của Tuấn, tối cùng ngày, cảnh sát khám xét nơi ở của Rane tại quận 7, thu giữ xấp tiền gồm 88 tờ có mệnh giá 100 USD (tương đương 8.800 USD) và một số tang vật.

Cơ quan điều tra chưa truy tìm được Thy. Còn Kiều Bá Sơn và một số người liên quan khác không biết số ngoại tệ được các bị cáo nhờ bán là giả nên không có căn cứ xử lý. Nhà chức trách kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc chấn chỉnh việc tiếp nhận, kiểm tra trong quá trình thu đổi ngoại tệ và thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện ngoại tệ giả, nghi giả.

Chiều nay, sau nhiều giờ xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Rane 20 năm tù, Tuấn 17 năm, Trung 14 năm và Duy 10 năm tù.

Theo tòa, Rane là người có vai trò chủ mưu trong vụ án nên phải nhận mức án nghiêm khắc nhất. Bị cáo Tuấn, Trung là người giúp sức tích cực nên cũng cần xử lý nghiêm. Bị cáo Duy giúp sức cho Tuấn trong việc tiêu thụ 258.000 USD giả, đã cùng Sơn khắc phục toàn bộ thiệt hại nên xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm.

Theo VnExpress