Hãng Rolls-Royce của Anh phải cử người đi điều tra vụ cháy máy bay Nhật Bản

Những người thạo tin cho biết Ủy ban Vận tải An toàn Nhật Bản (JTSB) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi hai máy bay được chế tạo và Anh, nơi sản xuất hai động cơ Rolls-Royce của máy bay.

Chủ tịch NTSB Jennifer Homendy cho hay Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ xử lý thiết bị ghi âm HON.O do tập đoàn Honeywell (Mỹ) sản xuất. Bà cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ nhưng chưa rõ các hộp đen sẽ được đưa đến Washington để phân tích hay nhân viên NTSB sẽ tới Nhật Bản để hỗ trợ.

chay may bay nhat ban rolls royce
Các nhà điều tra kiểm tra mảnh vỡ của máy bay Japan Airlines tại sân bay Haneda ở Tokyo hôm 5-1. Ảnh: The Yomiuri Shimbun

Người phát ngôn của Honeywell cho biết họ sản xuất thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) được sử dụng trên chiếc De Havilland Dash-8 của Lực lượng Cảnh sát Biển do Canada sản xuất nhưng không sản xuất thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).

Trong khi đó, Công ty L3Harris xác nhận họ đã sản xuất thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay cho cả chiếc máy bay chở khách A350 và chiếc Dash-8. Theo quy định quốc tế về điều tra máy bay, cuộc điều tra được dẫn đầu bởi quốc gia nơi xảy ra vụ tai nạn và các nước là nơi sản xuất máy bay cũng có thể tham gia. Nhật Bản, nước đang dẫn đầu cuộc điều tra, cũng có thể yêu cầu các nước khác hỗ trợ theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, xác máy bay của hãng hàng không Japan Airlines được dọn sạch khỏi đường băng trong ngày 5-1 để đường băng hoạt động trở lại.

Hãng Airbus cử các chuyên gia đến Nhật Bản để hỗ trợ điều tra và các nhóm bắt đầu xử lý phần còn lại của chiếc máy bay vốn đã bị phá hủy gần như hoàn toàn sau vụ va chạm tối 2-1.

Theo hãng tin Reuters, nhóm điều tra từ Pháp cũng tham gia cùng Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản vì máy bay chở khách được sản xuất tại Pháp. Hiện các hộp đen vẫn chưa được thu hồi đầy đủ sau vụ tai nạn.

Ông Paul Hayes, giám đốc an toàn hàng không tại Công ty tư vấn Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh, cho hay: "Một câu hỏi rõ ràng là liệu máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển có ở trên đường băng hay không và nếu có thì tại sao".

Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến Airbus A350, máy bay đường dài hai động cơ hàng đầu châu Âu, được đưa vào sử dụng kể từ năm 2015.

Ông Darren Straker, cựu lãnh đạo cơ quan điều tra tai nạn máy bay của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhận định việc máy bay bị cháy rụi có thể làm phức tạp mọi nỗ lực tìm kiếm hộp đen.

Các quan chức Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản tiết lộ một bản ghi âm chuyến bay cho thấy máy bay của Lực lượng Cảnh sát Biển không được phép vào đường băng.

Theo Người Lao Động