Hàng nghìn tấn cá chết dạt vào bờ biển không rõ nguyên nhân

Daily Mail ngày 8/12 đưa tin, hàng ngàn tấn cá chết đã trôi dạt vào một bãi biển phía bắc Nhật Bản.

ca chet trang xoa bien nhat ban
Hàng loạt cá chết được nhìn thấy dạt vào bờ biển phía bắc Nhật Bản, ngày 8/12/2023

Theo nguồn tin, hàng ngàn tấn cá - chủ yếu là cá mòi và một số cá thu - được nhìn thấy dạt vào bờ biển Hakodate trên đảo chính cực bắc Hokkaido vào sáng ngày 7/12. Nó tạo ra như một tấm thảm màu bạc trải dài nửa dặm dọc theo bờ biển.

Người dân địa phương cho biết, họ chưa bao giờ nhìn thấy điều gì tương tự. Các quan chức đã đăng một cảnh báo trực tuyến kêu gọi người dân không tiêu thụ cá sau khi một số người được nhìn thấy đóng gói chúng để ăn hoặc bán.

Takashi Fujioka, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thủy sản Hakodate, cho biết, ông đã từng nghe nói về hiện tượng tương tự trước đây nhưng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy nó. “Một nguyên nhân có thể là đàn cá bị một con cá lớn hơn đuổi theo, kiệt sức và bị sóng cuốn trôi.

Một nguyên nhân khác có thể là đàn cá đi vào vùng nước lạnh trong quá trình di cư và sau đó bị dạt vào bờ. Nhưng chi tiết thì không chắc chắn”, ông Fujioka nhận định, và cho biết thêm, cá đang phân hủy có thể làm giảm nồng độ oxy trong nước và ảnh hưởng đến môi trường biển.

“Chúng tôi không biết chắc chắn những con cá này bị trôi dạt theo hoàn cảnh nào, vì vậy tôi khuyên mọi người không nên ăn chúng”, ông Fujioka đưa ra lời khuyên.

Vào tháng 3/2011, nhà máy điện Fukushima bị phá hủy sau một trận động đất và sóng thần, sau đó đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy, khiến ba lò phản ứng tan chảy.

Hiện nay, một đường hầm dưới biển đang được sử dụng để xả nước phóng xạ đã được xử lý bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, sử dụng quy trình gọi là pha loãng đồng vị để làm cho nước ít nguy hiểm hơn.

Quá trình này cho thấy tritium - một đồng vị phóng xạ ít độc hại hơn - được thêm vào nước bị ô nhiễm, sau đó được hòa lẫn với “nước biển sạch”, làm loãng nồng độ của các chất có hại hơn. Các quan chức Nhật Bản khẳng định nước đã qua xử lý là an toàn.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc thiếu dữ liệu dài hạn có nghĩa là không thể nói chắc chắn rằng, tritium không gây ra mối đe dọa nào cho sức khỏe con người hoặc môi trường biển.

Tổ chức Greenpeace cho biết, rủi ro phóng xạ chưa được đánh giá đầy đủ, và tác động sinh học của tritium “đã bị bỏ qua”.

Giaoducthoidai (theo Daily Mail)