Vì sao có những người sống bám hàng chục năm ở sân bay?

Có nhiều người đã mắc kẹt cả tuần, cả tháng, thậm chí cả năm tại sân bay. Có những người do hoàn cảnh mà phải sống dựa, có người lựa chọn trở thành người vô gia cư tại nơi này.

song bam o san bay 1

Tháng 1/2021, một người đàn ông tên là Aditya Singh đã bị bắt giữ sau khi sống 3 tháng tại sân bay quốc tế O'Hare của Chicago. Từ tháng 10/2020, ông đã sống vạ vật trong khu an ninh của sân bay, được những người tốt bụng mua đồ ăn, cho ngủ nhờ trong nhà ga và sử dụng phòng tắm. Cho đến khi một nhân viên sân bay yêu cầu ông xuất trình giấy tờ tùy thân, mọi việc mới bị vỡ lẽ.

Tuy nhiên, ông không phải là người đầu tiên "sống bám” sân bay lâu đến như vậy. Đã có nhiều trường hợp tương tự, có người sống cả tuần, cả tháng, thậm chí cả năm, nhưng không phải ai cũng đều muốn rơi vào hoàn cảnh này.

Hòa vào đám đông

Sân bay luôn được ví như một thành phố thu nhỏ vì có đầy đủ các yếu tố như nơi thờ cúng, cảnh sát, khách sạn, nhà hàng cao cấp, khu mua sắm và hệ thống giao thông công cộng.

Nhưng nếu coi đây là thành phố, thì chúng là những thành phố kỳ lạ vì những người quản lý không thích có cư dân nào sống tại đó.

song bam o san bay 1
Sân bay Quốc tế O'Hare, Chicago là nơi Aditya Singh đã sống 3 tháng. Ảnh: Wall Street Journal.

Sống ở sân bay là điều khả thi, vì nơi này có nhiều tiện nghi cơ bản: thức ăn, nước, phòng tắm và nơi ngủ nghỉ. Nhiều sân bay lớn đến mức mà những người như ông Singh có thể ở lâu dài mà không bị phát hiện. Để tránh bị phát hiện, họ thường hòa mình vào đám đông.

Trước dịch Covid-19, các sân bay Mỹ thường đón tiếp từ 1,5 triệu tới 2,5 triệu du khách mỗi ngày. Sau đại dịch, con số này giảm chỉ còn dưới 100.000 người trong những tuần đầu tiên của năm 2020. Người đàn ông sống tại sân bay O'Hare đã tới đây vào giữa tháng 10/2020 khi lượng hành khách tăng trở lại. Sau đó 3 tháng, ông ấy mới bị phát hiện và bắt giữ khi lượng khách giảm rõ rệt, sau mùa du lịch cao điểm vào cuối năm kết thúc và dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Mắc kẹt tại sân bay

Mặt khác, một số người sống ở sân bay là do hoàn cảnh xô đẩy.

Thường thì hành khách sẽ ở lại sân bay để quá cảnh qua đêm, nhưng sẽ có một vài người bị kẹt lại ở sân bay vì lỡ nối chuyến bay, bị hủy chuyến hoặc do thời tiết xấu. Những trường hợp này, hiếm khi nào khiến hành khách phải ở lại quá 1-2 ngày tại sân bay.

song bam o san bay 1
Một người đang nghỉ ngơi tại sân bay Mexico. Ảnh: Reuters.

Thế nhưng có những người trở thành cư dân của sân bay vô thời hạn. Mehran Karimi Nasseri là một trường hợp như vậy.

Năm 1988, ông Nasseri là một người tị nạn Iran, đang trên đường đến Anh qua Bỉ và Pháp thì bị mất giấy tờ xác minh tình trạng tị nạn của mình. Không có giấy tờ, ông không thể lên máy bay đến Anh. Ông cũng không được phép rời sân bay Paris và vào Pháp. Sự việc này đã thu hút dư luận quốc tế khi giới chức Anh, Pháp và Bỉ liên tục tranh cãi để giải quyết vấn đề.

Chính quyền Pháp đề nghị cho phép ông được cư trú ở Pháp, nhưng Nasseri đã từ chối vì vẫn muốn đến Anh như ban đầu. Và cứ thế ông ở lại sân bay Charles de Gaulle gần 18 năm. Ông rời sân bay duy nhất vào năm 2006, khi phải nhập viện vì sức khỏe kém.

Edward Snowden cũng từng mắc kẹt tại sân bay một tháng khi đến Nga vào năm 2013, trước thời điểm được tị nạn.

Tháng 5/2004, Sanjay Shah đến Anh bằng hộ chiếu công dân nước ngoài của Anh. Tuy nhiên, cơ quan nhập cư đã từ chối cho ông nhập cảnh. Bị yêu cầu quay trở về Kenya, ông rất lo sợ vì ông đã từ bỏ quốc tịch Kenya. Sau một năm vật vờ sống tại sân bay, cuối cùng Shah đã được nước Anh cấp đầy đủ quyền công dân.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ngày càng xuất hiện nhiều “cư dân sân bay” một cách bất đắc dĩ. Roman Trofimov, người Estonia, bay đến Sân bay Quốc tế Manila từ Bangkok vào ngày 20/3/2020. Vào thời điểm anh đến, Philippines đã ra lệnh ngừng cấp thị thực nhập cảnh để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trofimov đã có 100 ngày sống ở Sân bay Manila cho đến khi đại sứ quán Estonia sắp xếp được cho anh một chuyến bay giải cứu về quê hương.

Trở thành người vô gia cư

Trong khi nhiều người bất đắc dĩ phải sống ở sân bay, thì một số người cố gắng biến sân bay thành “nhà” của mình. Điều này thường xảy ra ở các sân bay lớn tại Mỹ và châu Âu.

Từ năm 2018, số lượng người vô gia cư tại một số sân bay lớn của Mỹ đã tăng dần từ vài năm trước, tiêu biểu là Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta và tại Sân bay Quốc tế Thurgood Marshall của Baltimore/Washington.

Đại dịch Covid-19 đã gây thêm mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng với nhóm người sống tại sân bay. Hầu như ban quản lý các sân bay đều cung cấp viện trợ cho những người cư dân hoàn cảnh này. Sân bay Quốc tế Los Angele từng triển khai các hoạt động hỗ trợ để kết nối người vô gia cư với nhà ở và các dịch vụ khác.

Nhưng rõ ràng là mọi nhà điều hành sân bay đều không mong muốn sân bay của mình trở thành nơi cư trú cho người vô gia cư.

Theo Zing