Đan Mạch cũng muốn đưa người tị nạn tới Rwanda

Đan Mạch đang đàm phán với Rwanda về kế hoạch chuyển người xin tị nạn sang quốc gia Đông Phi này - tương tự động thái của Anh vào tuần trước.

Thỏa thuận với Rwanda sẽ khiến Đan Mạch trở thành thành viên Liên minh châu Âu đầu tiên làm trái hệ thống tị nạn và di cư của liên minh.

Bộ trưởng Nhập cư Mattias Tesfaye của Đan Mạch nói: "Cuộc đối thoại của chúng tôi với chính phủ Rwanda bao gồm cơ chế chuyển giao người xin tị nạn".

Thỏa thuận nhằm "đảm bảo cách tiếp cận an toàn hơn so với mạng lưới tội phạm buôn người - vốn tạo nên đặc trưng của việc di cư qua Địa Trung Hải ngày nay".

Đan Mạch đã đưa ra các chính sách nhập cư ngày càng khắc nghiệt trong thập kỷ qua. Cụ thể, vào năm ngoái, quốc gia này đã thông qua luật cho phép đưa người tị nạn đến các trung tâm tị nạn ở một quốc gia đối tác.

Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ các bên ủng hộ nhân quyền, Liên Hợp Quốc và Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, Đan Mạch không tìm được quốc gia đối tác vào thời điểm đó.

29denmarkBộ trưởng Nhập cư Mattias Tesfaye của Đan Mạch

Tuần trước, Anh thông báo có kế hoạch chuyển người xin tị nạn đến Rwanda nhằm đập tan các mạng lưới buôn người và ngăn chặn dòng người di cư.

Năm ngoái, Đan Mạch đã tiếp cận các quốc gia trong và ngoài Liên minh châu Âu để đạt được thỏa thuận tị nạn, bao gồm Tunisia và Ethiopia. Đan Mạch cũng đã ký một thỏa thuận ngoại giao với Rwanda trong năm 2021 về các vấn đề chính trị và tị nạn.

Ủy ban EU cho biết việc tái định cư người tị nạn ở bên ngoài châu Âu là "không thể" theo các quy tắc hiện hành của EU. Tuy nhiên, Đan Mạch lại được miễn một số quy định của EU, bao gồm cả tiêu chuẩn tị nạn.

Các nước EU trước đây đã thảo luận về việc thiết lập các trung tâm ngoại quốc để tiếp nhận người tị nạn trong giai đoạn 2016-18, sau khi lượng người đến Địa Trung Hải tăng đột biến, nhưng những lo ngại về luật pháp, nhân đạo, chính trị, an toàn và tài chính đã làm lu mờ các đề xuất hồi đó.

Theo một tổ chức phi chính phủ của Hội đồng Người tị nạn Đan Mạch, đưa người xin tị nạn ra nước ngoài để xử lý là "vừa thiếu trách nhiệm vừa thiếu đoàn kết".

Ông Tesfaye cho biết Đan Mạch vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Rwanda, nhưng Quốc hội sẽ được triệu tập về vấn đề này vào thứ Năm tuần này. Chính phủ cần sự ủng hộ của Quốc hội cho một thỏa thuận tiềm năng với Rwanda.

Viethome (Theo USN)