Dịch bệnh tạm lắng, cuộc sống trở lại với Trung Quốc như thế nào?

Sau hai tháng phong tỏa quyết liệt, Trung Quốc đang kiềm chế được dịch. Đối với nhiều người, cuộc sống đang trở lại bình thường, cho thế giới thấy những gì ở bên kia dịch bệnh.

Ở 44KW, một hộp đêm ở Thượng Hải, nhịp sống cảm giác như bình thường. Nhân viên pha chế pha đồ uống cho khách đang ngồi ở quầy bar. Vài nhóm người ngồi với nhau, nói chuyện, nhấp đồ uống, mà không đeo khẩu trang. Một cô gái trẻ kéo khẩu trang xuống và nói với những người theo dõi livestream của cô. Một DJ chơi nhạc disco dưới biển đèn neon, trong khi một số người bước ra sàn nhảy.

“Bây giờ chúng ta cần có âm nhạc”, Kaijie Huang, 27 tuổi, quản lý hộp đêm vừa mở cửa lại vào tuần trước sau một tháng đóng cửa vì dịch bệnh, nói với Guardian. “Nhiều người có vẻ đang cô đơn vì đều phải ở nhà”.

Đối với nhiều người ở Trung Quốc, cuộc sống đang trở lại bình thường, cho thế giới thấy những gì bên kia dịch bệnh.

Nhân viên pha chế đeo khẩu trang tại 44KW, một hộp đêm ở Thượng Hải vừa mở cửa trở lại. Ảnh: Guardian.

Cuộc sống dần hồi phục

Những điểm khác ở Thượng Hải, các cô gái khoác tay nhau đi mua sắm. Vỉa hè chật hẹp lại có khách nhìn ngắm, lựa chọn hàng ăn.

Tại Bắc Kinh, có thêm người ở trên phố, ở công viên, ở khu mua sắm và ăn uống. Jia Shu’na, 20 tuổi, tới Bắc Kinh ngày 18/3, một điểm dừng trên đường trở về Nội Mông để tiếp tục đi học.

“Giờ tôi cảm thấy mọi thứ đang dần hồi phục, giao thông đã mở lại khá nhiều”, cô nói với Guardian. Cô nói ở bến tàu đã phải xếp hàng, khi cô rời tỉnh Vân Nam ở phía nam Trung Quốc, và mỗi toa tàu có vài người. “Nhiều người đã ra ngoài, tốt hơn so với trước”, cô nói.

Trong nhiều ngày liên tiếp, Trung Quốc không ghi nhận ca lây nhiễm trong nước, mà chỉ ghi nhận các ca bệnh "ngoại nhập". Chính quyền đang nới lỏng các giới hạn và cố khởi động lại guồng máy kinh tế.

Một số chuyên gia nghi ngờ con số chính thức mà chính quyền công bố, chỉ ra một số điểm bất thường trong báo cáo về các vùng được cho là “rủi ro thấp”. Một số khác lo ngại khả năng bùng phát dịch bệnh một khi cuộc sống bình thường trở lại, theo Guardian.

“Có khả năng số ca nhiễm lại tăng một khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Điều này có nghĩa họ sẽ phải duy trì sự thận trọng đề phòng số ca lại tăng, và biết cách ứng phó thế nào”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học John Hopkins ở Mỹ, nói với Guardian.

Ngày 18/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho các quan chức mọi cấp trong chính quyền “khẩn trương” khôi phục kinh tế và trật tự xã hội. Ở các khu vực có nguy cơ thấp, sản xuất và cuộc sống bình thường “phải được khôi phục hoàn toàn”, CCTV dẫn lời ông Tập.

Ngày 19/3, Vũ Hán lần đầu tiên không có ca nhiễm mới. Chính quyền ở tỉnh Hồ Bắc xung quanh Vũ Hán cho phép cư dân khỏe mạnh được ra ngoài. Các công ty lên kế hoạch để nhân viên trở về Vũ Hán làm việc, và nhiều chốt chặn đang được dỡ bỏ.

Công nhân đeo khẩu trang khi trở lại làm việc tại một nhà máy sản xuất bộ phận của xe hơi ở Thượng Hải. Ảnh: AFP.

Các bệnh viện hoạt động trở lại bình thường, tiếp nhận các bệnh nhân không phải nhiễm Covid-19. Sáng 20/3, thành phố Honghu phía nam Vũ Hán chấm dứt lệnh phong tỏa.

Với người Vũ Hán, cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường. Cư dân vẫn không được ra khỏi khu dân cư. Đường phố gần như vắng người. Thực phẩm vẫn khó mua, và giá tăng 3-4 lần, theo Iris Yao, 40 tuổi, đã ở nhà với cha mẹ trong hai tháng qua. Cô đang phải đặt “quota” cho việc ăn uống, chỉ làm một củ bắp cải mỗi tuần, và mua đồ chung với mọi người để cho rẻ hơn.

“Có chút ánh sáng”

Dịch bệnh gây ra làn sóng phản đối giận dữ. Nhưng khi dịch bệnh giảm xuống ở Trung Quốc và tăng vọt ở phương Tây, sự giận dữ đã được thay bằng việc thở phào nhẹ nhõm, theo Guardian.

“Ban đầu, tôi muốn mắng cho chính quyền địa phương một trận. Mọi người cứ thể bị bệnh và không có ai giúp”, Yao nói. Sự giận dữ đó chuyển thành chỉ trích, phản đối khi bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus, qua đời vì chính căn bệnh này.

“Giờ đây tôi cảm thấy... có chút ánh sáng”, cô nói. “Giờ đây chúng tôi không còn lo sợ nữa”.

Bác sĩ Lý ở Vũ Hán ngay từ đầu đã cố chia sẻ thông tin về loại bệnh lạ. Nhưng ông lại bị cảnh sát Trung Quốc điều tra vì “phát tán tin đồn”, bị buộc phải im lặng và xin lỗi.

Cuối cùng, khi dịch bệnh lan rộng tại Vũ Hán, bác sĩ Lý và một số người khác được minh oan, nhưng đến ngày 6/2, ông qua đời vì nhiễm chính loại virus này.

Nhân viên y tế dọn dẹp những giường bệnh trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán. Khi các bệnh nhân mới giảm đi, áp lực lên hệ thống y tế cũng không còn. Ảnh: AFP.

Nhưng các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng về kinh tế. Họ dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ lần đầu tiên giảm theo quý kể từ năm 1989.

Cuộc sống thường nhật vẫn sẽ còn bị ảnh hưởng. Văn phòng, khu mua sắm, khu công cộng vẫn yêu cầu phải đo thân nhiệt và đăng ký, tức yêu cầu người vào phải được đánh giá là “xanh lá cây” trên một app có tên Health Code.

Tại một khu mua sắm mới mở lại ở Thượng Hải, các biện pháp trên gây cảnh tắc nghẽn. Một đám đông nhỏ đợi ở ngoài trong khi hai bảo vệ cố gắng hướng dẫn khách dùng ứng dụng Health Code cũng như mua vé.

Một số người còn nói việc đo thân nhiệt thiếu ổn định. “Chỗ vừa rồi tôi đo là 33 độ, bây giờ lại 36 độ là sao?”, một người hỏi, và phàn nàn về sự thiếu chính xác của nhiệt kế mà thành phố sử dụng.

Sau hai tháng phong tỏa diện rộng và chống dịch quyết liệt, Trung Quốc đang kiềm chế được dịch. Trung Quốc đại lục ghi nhận 41 ca nhiễm mới trong ngày 20/3, và sang ngày thứ ba liên tiếp không có ca nhiễm mới nào ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

Trong khi đó, tâm dịch lại chuyển sang châu Âu, Mỹ và Iran, và lây lan ngày càng mạn trong những ngày qua, đe dọa “làn sóng” dịch thứ hai trở lại châu Á.

Các ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện là Italy (47.000 ca nhiễm), Tây Ban Nha (hơn 21.000), Đức (gần 20.000) và Pháp (hơn 12.000), theo Worldometer tính đến sáng 21/3.

Ở hộp đêm 44KW, khách cũng phải trình ra ứng dụng Health Code, và người nước ngoài phải trình hộ chiếu để chứng tỏ gần đây không đi qua vùng dịch. Trước mắt, hộp đêm sẽ không có DJ từ nước ngoài.

Yuan Qingai, một ca sĩ 26 tuổi, đang livestream (quay trực tiếp) từ bên trong câu lạc bộ và nói chuyện với hơn 100 fan trên mạng.

Cô nói với fan rằng cô đang nói chuyện với phóng viên nước ngoài, tức báo Guardian, về đại dịch Covid-19. Một người nhanh chóng bình luận nhắc cô: “Nên đeo khẩu trang vào đi”.

Theo Zing