Con sông ‘tử thần’ với người vượt biên vào Mỹ

Sông Rio Grande, nơi cướp đi mạng sống của hai cha con người El Salvador, là rào cản cuối cùng để người di cư đặt chân lên đất Mỹ.

Người di cư El Salvador băng qua sông Rio Grande từ Piedras Negras, Mexico hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh hai cha con người El Salvador chết đuối khi vượt sông Rio Grande hôm 23/6 đã gây chấn động dư luận thế giới. Nhưng họ chỉ là hai trong số hàng chục người chết đuối trong năm nay khi tìm đường vượt biên trái phép vào "thiên đường Mỹ". 

Dưới ánh mặt trời bỏng rát rọi xuống vùng biên giới Mỹ, một gia đình 5 người đang ở giữa sông, vật lộn chống lại dòng nước xoáy có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đó có vẻ là bố mẹ và ba đứa con đang mạo hiểm mạng sống băng qua con sông Rio Grande ngăn cách biên giới Mexico và bang Texas, Mỹ.

Người cha nắm chặt balô màu đen trên tay, hành lý duy nhất của gia đình. Trên lưng, anh cõng một bé trai mặc áo phông sọc 7 sắc cầu vồng. Bé gái nằm trên lưng người phụ nữ, tay ôm chặt cổ mẹ. 

Đứa trẻ thứ ba lớn hơn và cao hơn, mặc áo phông đỏ, đi giữa hai người lớn. Nước ngập tới ngực em, trong lúc cậu bé nắm chặt tay bố mẹ. Em vật lộn để đứng thẳng người, nhưng nước dâng cao và chảy xiết, khiến cha mẹ chật vật để con không bị ngã.

Gia đình họ băng qua con sông biên giới hôm 23/6, cố gắng tới Eagle Pass, một thị trấn biên giới nhỏ ở Texas, phía đông San Antonio. Bờ bên kia của Rio Grande nằm cách thị trấn nhỏ bé Piras Negras của Mexico khoảng 36 mét.

Xuôi vài km về phía đông là nơi cha con bé gái El Salvador chết đuối, trong lúc người mẹ đang chờ ở Matamoros, bờ bên kia sông thuộc Mexico. 

Nhiều người di cư chịu chung số phận với họ khi băng qua dòng sông nước chảy xiết này. Một số người may mắn hơn, trong đó có những em bé mới chập chững biết đi, được lực lượng tuần tra biên phòng kéo từ nước lên và hồi sức cấp cứu.

Gia đình đang lội giữa sông dường như gặp nguy hiểm và không thể đi tiếp, dù đã tới gần hơn phía bờ bên kia, nơi được coi là "miền đất hứa" với hàng triệu người nghèo đói ở Trung Mỹ. Nếu quay lại, cơ quan di trú Mexico chắc chắn sẽ trục xuất họ về nước. Cách duy nhất là tiến về phía trước, cố gắng xin tị nạn ở Mỹ.

Nhưng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn người dân qua biên giới xin tị nạn, nhiều người mắc kẹt ở Mexico đã tìm đến những biện pháp tuyệt vọng.

Sự tuyệt vọng ấy thể hiện rất rõ với gia đình 5 người, khi cậu bé lớn nhất vô cùng sợ hãi, còn người bố nắm chặt tay con, cố gắng kéo cả gia đình tiến lên. Ba lính biên phòng Mỹ ở phía Texas đang quan sát họ và nói chuyện nhưng không có hành động nào.

Thời gian trôi qua, họ đã ngâm mình dưới nước hơn một giờ. Lính biên phòng Mỹ lên thuyền, hướng về phía 5 người, hướng dẫn họ di chuyển về một cù lao nhỏ trên sông, sau đó đưa trẻ con và người lớn lên thuyền.

Một xe tải của chính phủ đang đợi. Lính biên phòng đưa 5 người lên xe, đi về trạm tuần tra biên giới Eagle Pass, nơi họ có thể bị giam tới khi được phép xin tị nạn, dù quá trình này mất vài tháng tới vài năm.

Lực lượng biên phòng Mỹ giải cứu người di cư trên sông Rio Grande hôm 19/2. Ảnh: Reuters.

Phía bên kia bờ sông, tại Piedras Negras, một nhóm người di cư theo dõi toàn bộ quá trình. Elodio Vergara Martínez cho biết anh vừa từ nhà thờ về, đốt tay trắng bệch vì cầm chặt quyển Sách Mặc môn, thể hiện rõ vẻ căng thẳng khi chứng kiến nỗi đau của một gia đình chia ly vì cái chết.

"Mỗi lần đi nhà thờ, tôi luôn đi bộ dọc bờ sông. Tôi hay nhìn xem có cá sấu không, nhưng chưa từng thấy. Tôi nghĩ rằng gia đình kia đã rất may mắn", Martínez nói. "Các sĩ quan biên phòng Mỹ nên giải cứu họ sớm hơn. Họ chỉ đang cố làm cho gia đình kia đau khổ thêm".

Claudio Bres Garza, thị trưởng Piedras Negras, cả đời sống ở đây. Ông cho biết gần đây lượng người di cư qua Mexico cao chưa từng có, đặc biệt là các gia đình đến từ Trung Mỹ. 

"Tôi đã nhìn thấy ảnh hai bố con chết đuối sáng nay. Hơn 8 trẻ em đã chết đuối ở con sông này năm nay, thật kinh khủng", ông nói.

Số lượng nhân viên thực thi pháp luật Mexico tăng lên trong những ngày gần đây, khi Trump yêu cầu chính quyền Mexico ngăn chặn người di cư vượt biên. Hơn 200 cảnh sát liên bang Mexico đã tới Piras Negras thứ bảy tuần trước, tăng cường cho lực lượng vệ binh quốc gia và cán bộ nhập cư. Họ đi tuần quanh con sông và kiểm tra giấy tờ của người dân suốt ngày đêm.

Sáng chủ nhật, gia đình Sánchez Reyes gồm 8 người di cư từ El Salvador đã tới nơi trú ẩn do các nữ tu dòng Công giáo ở Piras Negras điều hành. Reyes cho biết họ có một tiệm bánh ở El Salvador, nhưng các băng đảng bắt đầu tống tiền, cuối cùng lấy nhà và chiếm cửa tiệm, buộc họ phải chạy trốn sau khi một cháu gái trong nhà bị giết.

"Chúng tôi có thể ở lại Mexico, chúng tôi muốn tìm việc làm ở đây", Flor Sánchez Reyes nói.

Cuối ngày hôm đó, gia đình Sasnchez rời khỏi nơi trú ẩn để "đi dạo và tắm sông" sau chuyến xe dài 6 giờ từ nội địa Mexico. Khi tới gần con sông, các nhân viên nhập cư Mexico ngăn lại, hỏi giấy tờ, sau đó bắt giam họ.

"Nếu nhân viên nhập cư bắt được họ ở bên bờ sông thì chắc chắn họ sẽ bị trục xuất", Isabel Turcios, một nữ tu phụ trách khu lưu trú Casa del Migrante cho hay.

Sĩ quan cảnh sát liên bang Mexico làm việc theo ca trực 12 tiếng dưới ánh nắng gay gắt, không có bóng râm, rất ít nước uống và thức ăn. "Chúng tôi được yêu cầu nhận dạng mọi người, đặc biệt là những cá nhân trông giống người nước ngoài", một sĩ quan giấu tên cho biết. "Hôm qua, chúng tôi gặp một người Mỹ say rượu mà không có visa hợp lệ. Chúng tôi đưa anh ta tới trại giam người nhập cư và anh ta sẽ bị trục xuất".

Một người khác cho biết "chúng tôi hiểu rằng mình đang làm việc của lính biên phòng Mỹ và nó khiến tôi rất buồn. Chúng tôi đã trở thành bức tường của Trump, nhưng chúng tôi có thể làm được gì khác? Chúng tôi buộc phải tuân lệnh".

Claudia Hernández, một cảnh sát địa phương, cho biết những người di cư lén lút tới bờ sông khi lực lượng an ninh đổi gác, thường vào khoảng 20h, lúc ai cũng mệt mỏi. 

"Đó là lúc họ chạy trốn tới bờ sông. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ chạy nhanh thế nào. Chúng tôi không thể đuổi theo xuống sông vì quá nguy hiểm", cô nói.

"Con sông này cực kỳ nguy hiểm, nhưng những người không phải dân ở đây không biết điều đó. Tôi lớn lên dọc bờ Rio Grande, thậm chí không dám xuống nước bơi hay tắm. Sông chảy xiết, rất nhiều xoáy có thể kéo ta xuống bất kỳ lúc nào. Tôi đã đứng gác ở đây hai tháng qua và rất buồn khi thấy nhiều cha mẹ mạo hiểm mạng sống của mình và con cái. Chuyện này xảy ra suốt", cô nói thêm.

Thành phố Pideras Gegras bên bờ sông Rio Grande đoạn ngăn cách biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: World Atlas.

Trong khi đó, Ángel Díaz, một người Nicaragua di cư, đã qua sông cùng 6 người nhà, bao gồm cô con gái mới sinh của anh vào cuối ngày chủ nhật. Gia đình họ từng nói sẽ ở lại trại dành cho người di cư ở Piedras Negras, nhưng cuối cùng lại biến mất ở phía bờ sông. Nhiều giờ sau, họ nhắn tin báo lại rằng đã vượt sông an toàn và đặt chân tới Eagle Pass.

"Không ai ngăn chúng tôi khi xuống sông. Chúng tôi thay quần áo ướt, đợi rất lâu bên bờ. Chúng tôi muốn bị lính biên phòng phát hiện", Diaz nói. "Nhưng chẳng thấy xe tải nào của họ, vì vậy chúng tôi quyết định đi bộ tới Eagle Pass".

Họ tìm thấy một nhà nghỉ và tá túc ở đó nhờ lòng thương của người chủ, ông cho phép họ trả tiền trọ bằng đồng peso của Mexico.

"Chúng tôi đang tìm xem có thể làm được gì", Díaz nói. "Chúng tôi nên ra đầu thú hay tiếp tục đi. Chúng tôi không có tiền, vì thế rất khó ra khỏi Eagle Pass. Chúng tôi sẽ sớm ra quyết định. Tôi nghĩ tốt hơn nên đến đồn biên phòng đầu thú".

Trở lại Piedras Negras, nghĩa trang thành phố đầy những cây thánh giá gỗ thô sơ đánh dấu mộ phần của những người di cư không rõ danh tính chết đuối trên sông từ đầu năm.

Cũng giống như người cha và con gái trong tấm ảnh úp mặt xuống lòng sông Rio Grande cách đó vài km về phía đông, không thể biết chính xác chuyện kinh khủng gì đã xảy ra và họ đã cầu nguyện điều gì trong những giây cuối cuộc đời.

Bài liên quan: Tìm cách vượt biên, bố và con gái 2 tuổi chết đuối giữa dòng

Số phận thi thể hai cha con chết đuối khi vượt biên và lời tâm sự của bà nội

Cuộc sống quê nhà của hai cha con chết đuối trên dòng sông biên giới Mỹ

Mỹ tranh cãi nảy lửa vì hình ảnh hai cha con tử nạn ở biên giới

Viethome (theo VnExpress)