Những người trượt tị nạn có thể bị gửi tới các quốc gia Balkan trong một kế hoạch đang được chính phủ Anh cân nhắc.
Bộ Nội Vụ đang thảo luận về việc thành lập các "trung tâm trao trả - return hub" để chứa những người bị từ chối tị nạn và những người bị bác mọi đơn kháng cáo.
Ý tưởng này mới đang trong giai đoạn đầu xem xét. Nếu tiến hành, chính phủ Anh sẽ phải trả tiền cho các quốc gia Balkan. Mỗi người bị đưa tới đây chính phủ Anh vẫn sẽ phải nuôi.
Thủ tướng Anh đã hứa sẽ giải quyết vấn nạn nhập cư bất hợp pháp qua eo biển Anh cũng như cắt giảm nhập cư thuần. Trước đó ông đã hủy bỏ kế hoạch Rwanda mà Đảng Bảo Thủ đã dày công sắp xếp. Nếu như kế hoạch Rwanda gay gắt hơn, buộc tất cả người nhập cư bất hợp pháp phải bị trục xuất đến Rwanda và hồ sơ của họ sẽ được xử lý tại đó, thì kế hoạch "return hub" của Đảng Lao Động chỉ áp dụng với người trượt tị nạn hoặc không còn cơ hội kháng cáo.
Các return hub ở hải ngoại sẽ là nơi trú ngụ cho những người không thể quay về quốc gia bất ổn của họ, chẳng hạn Iran và Somalia. Đối với những người trượt tị nạn khác, họ sẽ ở đây tạm thời cho đến khi chuyến bay trục xuất đưa họ về cố quốc.
Người nhập cư được cứu vào bờ ở Dover sau khi xuồng của họ bị chìm. Ảnh: PA
Cụm từ "return hub" đang được các quốc gia EU sử dụng. Đầu tháng này, Ủy ban Châu âu đã gợi ý các quốc gia thành viên xây dựng những trại return hub để giải quyết vấn đề nhập cư. Trong đó, gia đình có con cái, trẻ em không người thân, sẽ không bị đưa đến Balkan. Các quốc gia Balkan bao gồm Albania, Serbia, Bosnia và Herzegovina.
Đảng Lao Động tin rằng kế hoạch này sẽ giúp tiết kiệm chi phí nhờ đẩy nhanh tốc độ trục xuất và tăng số lượng người bị trục xuất. Năm 2024, có 9,151 người đã được trao trả về quê hương của họ, tăng 36% so với năm 2023.
Chính phủ cũng tin rằng kế hoạch này sẽ giúp giảm tải gánh nặng đối với nguồn ngân sách địa phương. Hiện địa phương vẫn phải hỗ trợ những người vô gia cư do trượt tị nạn, và dĩ nhiên vẫn luôn phải gánh những người đủ tiêu chuẩn nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, bất cứ kế hoạch nào liên quan đến các trại nhập cư hải ngoại đều có nguy cơ đối mặt với thách thức pháp lý, do sự phản đối dữ dội của các quỹ từ thiện cho người tị nạn.
Chính phủ Italy từng tìm cách đưa người nhập cư đến 2 trại tị nạn ở Albania nhưng đã bị các tòa án Italy ngăn cản.
Một nguồn tin từ chính phủ Anh nói rằng vấn đề nhập cư là một thách thức quốc tế do đó cần những giải pháp chung giữa các quốc gia. "Đó là lý do chúng tôi cân nhắc mọi lựa chọn với thái độ cởi mở. Giải pháp nào cũng cần đáp ứng các tiêu chí: rẻ, hợp pháp, khả thi".
Bộ trưởng Nội vụ Đảng Bảo Thủ, ông Chris Philp, cho rằng việc Đảng Lao Động tìm cách đẩy người tị nạn ra nước ngoài chứng tỏ họ đã sai ngay từ đầu khi hủy kế hoạch Rwanda. Ông cho rằng Đảng Lao Động nên khẩn cấp tái khởi động kế hoạch Rwanda.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, Sir Ed Davey lại cho rằng hủy bỏ kế hoạch Rwanda là hợp lý vì nó quá tốn kém. Hơn nữa, Đảng Bảo Thủ cũng chưa đưa được ai đến Rwanda, và kế hoạch này cũng không có tác dụng răn đe gì cả vì người di cư vẫn bất chấp đến UK. Sir Ed Davey cho rằng nếu có thể tìm ra một cách hiệu quả hơn thì vẫn nên xem xét.
Số lượng người nhập cư bất hợp pháp đến UK vẫn đang trong tình trạng đáng báo động. Hơn 5,000 người nhập cư đã vượt biển đến UK trong năm 2025.
Viethome (theo BBC)