Tỉ lệ người xin tị nạn tự nguyện hồi hương tăng 76%

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh, ông Ông James Grace, quan chức thuộc Lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp trên biển (SBOC), nhấn mạnh ngay khi đến được Anh, người nhập cư bất hợp pháp không có cơ hội ở lại để bắt đầu cuộc sống mới. Ông dẫn Luật Nhập cư bất hợp pháp của Anh quy định, những người đến nước này bằng con đường trái phép sẽ bị giam giữ và trục xuất về nước ngay lập tức, hoặc bị đưa tới một quốc gia thứ ba như Rwanda. Theo luật Anh, những người nhập cảnh từ một quốc gia an toàn và nộp đơn xin tị nạn cũng sẽ không được xét hồ sơ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, năm ngoái, đã có hơn 6.300 trường hợp xin tị nạn bị buộc hồi hương và hơn 19.000 trường hợp xin hồi hương tự nguyện, tăng lần lượt 66% và 76% so với năm trước, trong bối cảnh Chính phủ Anh siết chặt luật nhập cư. Ông Grace lưu ý Chính phủ Anh sẽ mạnh tay với những đối tượng tạo điều kiện cho việc nhập cảnh trái phép vào Anh và những nghi phạm theo Luật nhập cư bất hợp pháp sẽ bị điều tra và có thể bị bắt và kết án.

tu nguyen hoi huong
Ông James Grace, Phó giám đốc bộ phận Hoạt động quốc tế thuộc Lực lượng chống di cư bất hợp pháp trên biển (SBOC). Ảnh: Hải Vân/PV TTXVN tại Anh

Anh cũng áp dụng những quy định hình sự mới đối với người nhập cảnh bất hợp pháp với các hình phạt ngày càng cứng rắn. Người nhập cư đến Anh không qua thủ tục nhập cảnh hợp lệ bị coi là phạm tội hình sự với mức án lên đến 4 năm tù, trong khi tội phạm đưa người nhập cư trái phép sang Anh đối mặt với án tù chung thân. Những người bị phát hiện tiếp tay cho đường dây buôn người, như lái thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp hoặc giúp người di cư trả tiền cho tội phạm buôn người, sẽ bị truy tố và kết án trước khi bị trục xuất đến một quốc gia khác.

Từ khi thành lập Cơ quan tình báo chung vào tháng 7/2020, Anh và Pháp đã triệt phá 76 nhóm tội phạm có tổ chức và thực hiện hơn 500 vụ bắt giữ, với 779 người bị kết án tại Anh về các tội liên quan đến nhập cư với tổng hình phạt hơn 900 năm tù, và hơn 340 bản án liên quan đến các vụ đưa người nhập cảnh trái phép.

Bộ Nội vụ cũng cảnh báo với những người nhập cư trái phép cố tình trốn lại, cuộc sống đầy bất trắc khi họ không có quyền làm việc, thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng hay tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội tại Anh. Vì vậy, nhiều người nhập cư bất hợp pháp phải phụ thuộc vào chính các đối tượng đưa họ sang Anh để tìm việc làm và nơi ở, và trong nhiều trường hợp bị bóc lột lao động, hoặc buộc phải làm những công việc trái pháp luật, nguy hiểm hoặc tham gia vào các đường dây tội phạm.

Bất chấp những rủi ro, số người di cư đến Anh - phần lớn bằng đường biển - vẫn cao, cho thấy nhận thức trong cộng đồng về mối nguy hiểm của những tuyến đường di cư bất hợp pháp vẫn còn hạn chế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Carol Heginbottom, Phó Giám đốc bộ phận Hoạt động quốc tế thuộc SBOC, cho biết thách thức lớn nhất của lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp là việc truyền tải thông điệp về mức độ nguy hiểm của hành trình xuyên Eo biển Manche, cũng như việc xử lý vấn nạn bóc lột người di cư. Bà Carol Heginbottom cảnh báo người di cư đang mạo hiểm tính mạng khi vượt biển trên những con thuyền nhỏ kém chất lượng, nhấn mạnh đối tượng duy nhất hưởng lợi là các băng nhóm tội phạm, vốn không quan tâm tới mạng sống của người di cư, trong đó có phụ nữ và trẻ em, sẵn sàng đưa họ vào chỗ chết trong các chuyến đi đầy nguy hiểm.

Ông Grace cũng đồng tình, nhiều người đã trả cho những kẻ buôn người khoản tiền dành dụm cả đời chỉ để nhận kết cục bị bắt khi vừa đặt chân tới Anh, buộc phải về nước hoặc đến một nước thứ ba. Ông Grace nêu rõ người nhập cư cần tìm hiểu về những tuyến đường an toàn và hợp pháp đến Anh. Từ năm 2015, Anh là nước tiếp nhận người tị nạn lớn thứ ba ở châu Âu sau Đức và Thụy Điển và lớn thứ sáu trên thế giới, với hơn nửa triệu người được nhập cư vào Anh theo các tuyến đường hợp pháp. Ông Grace khẳng định mặc dù hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ những người tị nạn dễ bị tổn thương cũng như nghiên cứu các tuyến đường mới an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn.

Năm 2023, Chính phủ Anh thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, như thành lập lực lượng chuyên trách chống nhập cư bất hợp pháp trên biển, hợp tác với Pháp và các đối tác quốc tế tăng cường giám sát, tuần tra biển, đặc biệt ở các điểm tập trung đưa người vượt biển; tăng cường kiểm soát biên giới đường bộ, sử dụng chó nghiệp vụ và máy quét có thể phát hiện người để khám xét xe tải tại tất cả các trạm kiểm soát của Liên minh châu Âu (EU) trước khi đến Anh; trấn áp tội phạm buôn người có tổ chức; ban hành luật mới nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp trở về nước hoặc đến nước thứ ba. Mới đây, ngày 23/2, Anh và EU đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan biên giới Anh và Cơ quan biên giới EU (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới và chống tội phạm có tổ chức về nhập cư bất hợp pháp.

Với những nỗ lực này, số người vượt Eo biển Manche đến Anh giảm 36% trong năm 2023 xuống còn gần 29.440 người, so với 45.780 người trong năm 2022. Cùng với Pháp, Anh cũng ngăn chặn được 26.000 lượt người có ý định vượt biển đến nước này vào năm 2023. Theo ông Grace, nhập cư bất hợp pháp là thách thức quốc tế mà Chính phủ Anh đang nỗ lực giải quyết trên mọi mặt trận, gồm việc hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam và Anh đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn nạn nhập cư bất hợp pháp cũng như các vấn đề khác.

Bà Heginbottom cũng cho biết Chính phủ Anh đang thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội ở ngước ngoài với hy vọng truyền tải thông điệp cảnh báo tới những người có ý định thực hiện hành trình di cư nguy hiểm đến Anh.

Minh Hợp (Phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh) / theo Baotintuc