Gần 1,000 người đã nhận được thông báo trục xuất đến Rwanda

ITV News tiết lộ, số người xin tị nạn nhận được "thông báo Rwanda" đã tăng lên gần 1,000 người. 

Quỹ từ thiện Care4Calais đã công bố danh sách những cá nhân mà họ đang hỗ trợ. Những cá nhân này đã nhận được văn bản từ Bộ Nội Vụ, nói rằng trường hợp của họ không được chấp nhận vì có bằng chứng cho thấy họ đã đến Anh thông qua các quốc gia an toàn như Ý và Pháp. 

Lá thư còn ghi rằng: "Chúng tôi có thể hỏi Rwanda, một quốc gia mà chúng tôi cho là an toàn, xem họ có chấp nhận bạn hay không. Điều này yêu cầu việc chia sẻ dữ liệu với chính quyền Rwanda, bao gồm thông tin cá nhân của bạn". 

chuyen bay truc xuat den rwanda
Chuyến bay đưa người tị nạn đến Rwanda. Ảnh: PA

Tòa Phúc Thẩm từng kết luận rằng Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người xin tị nạn, do đó việc trục xuất họ tới đó là vi phạm pháp luật.

Vào ngày hôm qua 15/11, Thẩm phán Lord Rees của Tòa án Tối cao tiếp tục tán đồng phán quyết của Tòa Phúc Thẩm. Ông nói rằng những người bị đưa đến Rwanda sẽ có nguy cơ cao bị trục xuất trở về quốc gia nguyên quán, nơi họ có nguy cơ bị áp bức và tra tấn. Ông cho rằng kế hoạch Rwanda không chỉ vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu, mà còn vi phạm rất nhiều hiệp ước quốc tế khác.

Hiện tại, các bộ trưởng đang cân nhắc đến việc chỉnh sửa Luật Nhân quyền của Anh, trong đó loại bỏ những áp đặt của Công ước Châu âu về Nhân quyền. Mục đích của các bộ trưởng là muốn luật này không còn áp dụng cho người nhập cư bất hợp pháp nữa.

Đây là một phần trong Kế hoạch B, dùng để đối phó trong trường hợp Tòa án Tối cáo chống lại kế hoạch trục xuất người xin tị nạn tới Rwanda. 

Các chuyến bay đến Rwanda đã bị đình trệ từ tháng 6, khi Tòa án châu Âu về Nhân quyền ra phán quyết ngăn chặn việc trục xuất người xin tị nạn cho đến khi các tòa án Anh công nhập tính hợp pháp của chính sách này.

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từng tuyên bố ủng hộ Vương quốc Anh rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền. Bà nói rằng các thẩm phán châu Âu bị chính trị hóa và đã giẫm đạp lên quyền tự trị của một quốc gia. 

Ít nhất 8 nghị sĩ quốc hội ủng hộ việc rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu, đa phần là nghị sĩ Đảng Bảo Thủ. Tuy nhiên Thủ tướng Rishi Sunak sẽ không làm vậy vì ông không muốn gây họa lên mối quan hệ với các đồng minh then chốt là Mỹ và châu Âu. 

Vì thế, các nghị sĩ Bảo Thủ đang vận động Thủ tướng chọn một phương án khác, đó là sửa đổi Luật Nhân quyền của Anh, trong đó sẽ loại bỏ các điều khoản liên quan tới người nhập cư bất hợp pháp. Bằng cách này sẽ cho phép chính phủ Anh quyền bỏ qua phán quyết của các thẩm phán châu Âu.

Với tình trạng khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng như hiện nay, các nước châu Âu cũng phải công nhận chính sách Rwanda chính là một hình mẫu hiệu quả để làm nản lòng những người nhập cư liều lĩnh. 

Hiện tại các nghị sĩ đang rất nóng lòng muốn thông qua việc sửa luật, để các chuyến bay đến Rwanda có thể tiến hành càng sớm càng tốt. 

Ngay cả trước khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, Thủ tướng Rishi Sunak đã khẳng định vào hôm 14/11 rằng ông sẽ đưa ra "luật khẩn cấp" để đảm bảo chuyến bay không bị chặn lần nữa, và khẳng định các chuyến bay sẽ được tiến hành vào mùa xuân tới.

Thủ tướng nói ông đang thảo luận một hiệp ước quốc tế mới với Rwanda để giải quyết những vướng mắc của tòa án và đảm bảo kế hoạch này là an toàn. 

Dù chính phủ Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với các thánh thức pháp lý, nhưng ông sẽ "không cho phép một tòa án ngoại quốc" ngăn chặn chuyến bay đến Rwanda. 

Viethome (theo ITV News)