Những điều cần biết về Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp vừa được Quốc hội thông qua

Vào tối ngày 17/7/2023, những vấn đề tồn đọng của Dự thảo Luật chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Bill) đã được Thượng viện thông qua. Như vậy, dự thảo luật này sẽ trở thành Luật (Act). Đây là một chiến thắng to lớn của chính quyền Rishi Sunak kể từ khi luật được giới thiệu vào ngày 7 tháng 3/2023. 

Theo Luật Illegal Migration Bill, người đến Vương quốc Anh bất hợp pháp sẽ không được phép ở lại UK, và sẽ bị trả về quốc gia của họ hoặc nước thứ 3 an toàn. Họ sẽ không được phép lợi dụng luật nô lệ hiện đại hay đưa ra các thách thức giả tạo để cản trở việc trục xuất. 

luat The Illegal Migration Bill duoc thong qua

UK có đủ cơ sở tạm giam để thực thi luật này không?

Hội đồng Nhập cư nói rằng Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp - Illegal Migration Bill sẽ khiến hàng trăm ngàn người nhập cư bị cấm túc. Chi phí cho việc giam giữ họ có thể lên tới 219 triệu bảng mỗi năm nếu họ bị giam trong 28 ngày. Nếu họ bị giam 6 tháng thì chi phí lên tới 1.4 tỉ bảng.

Một số điểm chính trong Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp - Illegal Migration Bill

- Theo luật này, Bộ trưởng Nội vụ sẽ có toàn quyền sắp xếp việc trục xuất một người nhập cư bất hợp pháp. Nhập cư bất hợp pháp bao gồm việc người đó đã đi qua 1 quốc gia thứ 3 an toàn nhưng không xin tị nạn tại đó mà tiếp tục đến UK. Người không có visa nhập cảnh hay visa ở lại cũng sẽ bị trục xuất. 

- Những người hội đủ các yếu tố bị trục xuất, thì người thân của họ, bao gồm con cái, cũng phải bị trục xuất "vào thời điểm thích hợp". Trừ khi Bộ trưởng Nội vụ chấp nhận rằng có những "yếu tố ngoại lệ" giúp người thân này không bị trục xuất. 

- Bộ trưởng Nội vụ không có quyền trục xuất trẻ em không có người thân đi cùng. Tuy nhiên, ngay khi những trẻ em này đủ 18 tuổi, Bộ sẽ có quyền sắp xếp việc trục xuất đối với họ.

- Nếu một người thỏa mãn các điều kiện để bị trục xuất, Bộ trưởng Nội vụ sẽ từ chối xử lý các hồ sơ xin tị nạn mà họ đã nộp, cũng như các đơn khiếu nại nói rằng việc trục xuất họ về quốc gia ban đầu là vi phạm nhân quyền.

- Nếu người xin tị nạn muốn kháng cáo lên tòa án chống lại việc bị trục xuất, thì việc này cũng chỉ được tiến hành SAU KHI họ đã bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh. Nội dung kháng cáo có thể là vì lý do nhân quyền hoặc nhân đạo.

- Người tị nạn sẽ bị giam giữ trong thời gian chờ quyết định trục xuất. Sau 28 ngày giam giữ, các thẩm phán nhập cư mới có quyền bảo lãnh họ. Nhưng việc bảo lãnh có thể không được thông qua, nghĩa là họ sẽ tiếp tục bị giam giữ lâu hơn. 

- Những người được cho là nạn nhân buôn người hoặc nô lệ hiện đại, sẽ không còn được bảo vệ bởi những luật này nữa. Họ vẫn sẽ bị trục xuất, không được cấp visa ở lại, trừ khi họ phối hợp với cảnh sát điều tra những hành vi phạm tội. 

- Nếu một người khai báo rằng họ là trẻ em, nhưng lại từ chối các thủ thuật kiểm tra độ tuổi (chẳng hạn chụp X-quang xương hoặc răng), thì Bộ trưởng Nội vụ có quyền quyết định sẽ đối xử với họ như người trên 18 thay vì dưới 18. 

- Những người đã bị trục xuất khỏi UK, sẽ bị cấm vĩnh viễn quay trở lại UK, không được cấp visa ở lại hay quốc tịch (trừ những hoàn cảnh vô cùng đặc biệt liên quan tới nhân quyền). Con cái của những người này dù sinh ra ở UK cũng sẽ không được cấp quốc tịch. 

Luật Illegal Migration Bill sẽ được triển khai như thế nào?

Theo luật này, những người đến UK bất hợp pháp sẽ bị trục xuất trở lại quốc gia quê hương của họ (nếu quốc gia đó an toàn), hoặc nước thứ 3 an toàn. Luật này đã đề cấp đến 57 quốc gia mà những người tị nạn có thể bị trục xuất tới, bao gồm cả những nước EU. Có 8 quốc gia châu Phi được xác nhận là chỉ an toàn cho nam giới. 

Tuy nhiên, đến hiện tại UK chưa hề đạt được thỏa thuận với quốc gia thứ 3 nào trừ Rwanda. Vương quốc Anh cũng không có hiệp định song phương với bất kì nước EU nào về việc trao trả người tị nạn đến các quốc gia này, xét yếu tố họ đã đi qua các quốc gia này trên đường đến UK. 

Dự thảo Luật Chống Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Bill) vẫn bị Tòa án Nhân quyền châu Âu và Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều tổ chức nhập cư và từ thiện phản đối. Nhưng sau khi qua được cửa ải của Thượng Viện, dự thảo này sẽ trở thành luật trong nay mai.

Viethome (theo UK In A Changing Europe)