Bộ Nội Vụ xác nhận 500 người nhập cư sẽ được cho ở trên xà lan

nguoi ti nan o xa lan Bibby Stockholm
Xà lan này có tên gọi là Bibby Stockholm. Ảnh: ITV News

Bộ Nội Vụ xác nhận đã thuê một chiếc xà lan để cải tạo thành chỗ ở cho khoảng 500 người nhập cư. Xà Lan neo ở cảng Portland, Dorset.

Xà Lan này có tên là Bibby Stockholm, được dành cho nam giới trưởng thành độc thân ở, trong khi chờ hồ sơ xin tị nạn của họ được xử lý. Trên xà lan đã có đầy đủ những tiện ích thiết yếu, có khoa chăm sóc sức khỏe, nhà bếp và an ninh 24/7.

Nơi này sẽ là nhà của khoảng 500 người xin tị nạn trong ít nhất 18 tháng. Bộ Nội Vụ đã xác nhận thông tin này dù vấp phải nhiều đe dọa pháp lý từ các lãnh đạo đảng Bảo Thủ tại địa phương. 

Chính phủ cho biết việc sử dụng những chiếc xà lan như Bibby Stockholm sẽ giúp UK "theo kịp" các quốc gia khác trên thế giới và châu Âu. Chiếc xà lan này sẽ hoạt động trong ít nhất 18 tháng và nằm tại cảng trong suốt thời gian đó. 

Mọi tiện ích ăn ở cơ bản đều đã được lắp đặt với an ninh 24/7, những con tàu như Bibby Stockholm sẽ giúp chính phủ giảm được chi phí khách sạn. Bộ Nội Vụ hiện chưa công bố chi phí của hợp đồng thuê xà lan. 

Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick nói: "Bộ trưởng Nội Vụ và tôi đã đồng ý rằng phải chấm dứt việc thuê khách sạn cho người nhập cư ở. Chúng tôi sẽ không ưu tiên nhu cầu của người nhập cư bất hợp pháp hơn quyền và lợi ích của công dân Anh. Chúng tôi phải dùng đến những lựa chọn chỗ ở khác, giống như các nước EU đã làm, bao gồm các xà lan, phà... Cách này giúp bảo vệ tiền đóng thuế của người dân, đồng thời ngăn ngừa nước Anh tiếp tục trở thành thỏi nam châm thu hút người nhập cư bất hợp pháp. Tất cả mọi chỗ ở đều thỏa mãn nghĩa vụ pháp lý và chúng tôi sẽ làm việc với cộng đồng địa phương nếu họ còn vấn đề gì băn khoăn, bao gồm hỗ trợ chi phí cho chính quyền địa phương".

Giám đốc điều hành Cảng Portland, ông Bill Reeves nói: "Chúng tôi hân hạnh được đóng góp công sức vào nỗ lực chung của quốc gia nhằm cung cấp chỗ ở cho hàng ngàn người nhập cư. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng chấp nhận kế hoạch này với thái độ cởi mở, để cho những địa phương khác nhìn thấy loại hình này sẽ thành công như thế nào, tốt cho cả người nhập cư và người dân Anh". 

Bài liên quan: Hàng ngàn người tị nạn sắp có chỗ ở mới tại Essex và Lincolnshire

Bộ trưởng nhập cư Robert Jenrick đã xác nhận kế hoạch di dời hàng ngàn người xin tị nạn tới các căn cứ quân sự cũ. Cụ thể, những người tị nạn sẽ được bố trí ở tại Essex và Lincolnshire, cùng một địa điểm khác ở East Sussex. 

Căn cứ không quân RAF Scampton ở Lincolnshire sẽ được trưng dụng, bên cạnh căn cứ Bộ quốc phòng MDP Wethersfield ở Braintree. 

trai can cu RAF Scampton 4
RAF Scampton từng là căn cứ của Phi đoàn quân đồng minh Dambusters trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: PA

Nguồn tin chính phủ cho biết mỗi địa điểm có sức chứa từ 1,500 - 2,000 người nhập cư. Nhiều khả năng những nơi này sẽ được dùng cho người mới tới, thay vì tái định cư cho những người đã ở trong khách sạn. 

Hiện tại chính phủ Anh đang phải chi trả 6.2 triệu bảng mỗi ngày để cung cấp khách sạn cho người xin tị nạn. Chính phụ đã bố trí 400 khách sạn cho hơn 51,000 người tị nạn. 

Ông Robert Jenrick nói: "Hôm nay Chính phủ công bố 3 địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đã sắp xếp để làm chỗ ở cho người xin tị nạn. Các căn cứ quân sự bỏ trống ở Essex, Lincolnshire và East Sussex sẽ được trưng dụng. Các căn cứ này sẽ được mở rộng quy mô trong những tháng tới để đáp ứng đủ nhu cầu của hàng ngàn người xin tị nạn".

Bộ trưởng cũng trấn an rằng những căn cứ tị nạn mới sẽ không làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân địa phương. "Chúng tôi ý thức rất rõ việc giảm thiểu ảnh hưởng của các trại tị nạn đến cộng đồng địa phương. Chúng tôi sẽ bố trí dịch vụ sức khỏe riêng cho người tị nạn, sẽ có giới giới nghiêm, đồng thời kết hợp với cảnh sát để bảo đảm an toàn cho người dân địa phương. Các khu vực đặt trại tị nạn đều sẽ nhận được tiền tài trợ từ chính phủ", ông nói. 

Hiện tại, tất cả mọi kế hoạch đều đang gây tranh cãi. Người dân sống gần căn cứ RAF Scampton bày tỏ lo ngại trước việc người xin tị nạn sẽ chuyển đến khu vực. Họ cảm thấy không an toàn, cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi. 

trai can cu RAF Scampton 1
Căn cứ không quân RAF Scampton. Ảnh: Getty

Khoảng 700 người dân đang sống trong những ngôi nhà gần căn cứ RAF Scampton. Ở đây có một cửa hàng tạp hóa, vài tuyến xe buýt và 1 quán rượu duy nhất nhưng đã đóng cửa.

Cô Jade Bov 49 tuổi là bà mẹ 1 con làm nghề trợ giảng, cô nói với phóng viên: ''Chúng tôi rất sốc. Đây chỉ là một ngôi làng nhỏ với một con đường đi vào và 1 con đường đi ra. Nhét 1,500 người đến đây sẽ tác động nặng nề đến môi trường ở đây. Bộ Nội vụ đừng có lý luận nữa''.

Những dân làng ở đây nhấn mạnh họ không kỳ thị, cũng không chối bỏ người tị nạn, nhưng nơi đây hoàn toàn không thích hợp để biến thành một trại tị nạn. 

Nhân viên IT, anh Omar Flatekval 47 tuổi, đã sống ở ngôi làng được 8 năm. Ông bố 4 con mô tả nơi đây là một ngôi làng bình dị: ''Chúng tôi thích sống ở đây. Đằng kia có một khu cưỡi ngựa, một ngôi trường. Thật tuyệt vời. Nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi có thêm 1,500 người ồ ạt tới đây, dù họ có gốc gác từ đâu. Ngôi làng này không có khả năng nhồi nhét từng đó người''.

Những người tị nạn, chủ yếu là nam giới độc thân trưởng thành từ Syria, Iran, Iraq và Eritrea, sẽ sống tại trại này trong khi chờ đợi hồ sơ xin tị nạn của họ được xử lý. Họ có quyền đi ra khỏi trại nhưng phải trở về trước 10h tối. 

Các tổ chức từ thiện cho rằng trung tâm mới là một ''sự lai tạp giữa một khách sạn và một nhà tù an ninh thấp''. Ông Darryl Smalley, thành viên hội đồng thuộc Đảng Dân chủ Tự do của Thành phố York miêu tả nơi này chẳng khác gì ''Guantanamo-on-Ouse'', nhại tên nhà tù khét tiếng Guantanamo của Mỹ ở Cuba. 

Ông nói: ''Đó là một đường lối bệnh hoạn, độc ác và vô nhân tính nhằm làm giảm trách nhiệm của chúng ta đối với những người đang tuyệt vọng''.

Người dân địa phương cho hay chẳng có ai hỏi ý kiến họ về việc chuyển đổi căn cứ không quân cũ thành trại tị nạn khổng lồ. Nhân viên chăm sóc sức khỏe Neil Goodridge 59 tuổi cho biết: “Đây là một đất nước dân chủ, nhưng người nhập cư nên sống ở nơi khác có dịch vụ dành cho họ. Nơi này không dành cho họ''.

''Chúng tôi chỉ là một ngôi làng nhỏ với 700 dân và họ định thả 1,500 người xuống đây. Đó là một sự xâm lược. Đâu đó ở Westminster, Quốc hội nghĩ ''chúng ta có một căn cứ quân sự với hàng rào bao quanh''. Nhưng không phải, đó là khu đất rộng 760 héc-ta không có hàng rào''.

''Tôi không có vấn đề gì với người di cư đến Anh nhưng họ nên được bố trí nơi khác. Ở đây không có đủ cơ sở vật chất cho họ''.

Nhưng Emily Gowlett, một chủ shop cho biết: ''Lượng người đến nhiều gấp đôi số cư dân ở đây. Ở đây chẳng có nghề ngỗng gì cho họ làm cả. Chỉ có 4 tuyến xe buýt mỗi ngày đến ngôi làng này, nghĩa là họ sẽ chẳng thể đi đâu''

Bà mẹ 2 con nói thêm: ''Tôi không kì thị những người đến Anh nhưng trại tị nạn nên đặt ở một nơi khác tốt hơn, chẳng hạn các thành phố nơi có công việc cho họ làm''. 

Một số dân làng lo lắng về giá nhà. Theo Rightmove, giá nhà trung bình ở đây hiện chưa tới £238,000. Ông Paul Gerrad 62 tuổi, đã quyết định chuyển đi trước khi thông báo được đưa ra.

Ông nói: ''Nếu như người tới là các hộ gia đình thì chúng tôi không quá lo lắng, nhưng đó là 1,500 thanh niên. Thành thật mà nói, tôi rất mừng vì mình đã chuyển đi''.

Kevin Robinson, 65 tuổi, điều hành một nhà nghỉ trong ngôi làng, cho biết: ''Người ta nói làng này sẽ không còn an toàn nữa vì người tị nạn muốn ra ngoài đều được, họ có thể tự do đi lại mọi nơi trong làng. Tôi nghĩ họ nên cuốn gói tới Leeds hoặc London''. 

Viethome (theo ITV News)