Người xin tị nạn sẽ bị gắn vòng điện tử, Patel muốn Anh rời Công ước Nhân quyền châu Âu

Ông Boris Johnson đã bảo vệ kế hoạch gắn vòng điện tử cho một số người xin tị nạn đến Anh trên thuyền nhỏ hoặc xe tải.

Bộ Nội vụ đang khởi động kế hoạch thí điểm kéo dài 12 tháng nhằm đánh giá khả năng "cải thiện và duy trì liên lạc" với người xin tị nạn. Các tài liệu cũng gợi ý chính phủ muốn thu thập dữ liệu về người xin tị nạn bỏ trốn.

Các nhà vận động đã chỉ trích rằng cách làm hà khắc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người tị nạn. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định điều cốt yếu là người dân không thể "biến mất" trên đất Anh.

Phát biểu tại RAF Brize Norton sau khi trở về từ chuyến đi đến Kyiv (Ukraine), ông Johnson nói: "Anh là một đất nước chào đón mọi người và rất, rất hào phóng. Điều này khá đúng. Tôi tự hào về điều đó, nhưng khi nhiều người đến Anh bất hợp pháp, khi họ vi phạm pháp luật, điều quan trọng là chúng ta phân biệt được điều đó.  Đây là những gì chúng tôi đang làm với chính sách Rwanda để đảm bảo người xin tị nạn không thể biến mất trên đất Anh”.

Trước đó, tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) ở Strasbourg đã ban hành lệnh ngừng trục xuất những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda. Chuyến bay được lên kế hoạch khởi hành vào thứ Ba vừa rồi.

Nhưng Thủ tướng đảm bảo chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch Rwanda và khẳng định điều này là hợp pháp: "Mọi tòa án trên đất Anh đều nói họ không nhìn thấy trở ngại. Không có tòa án nào ở Anh phán quyết chính sách là bất hợp pháp - điều này rất, rất đáng khích lệ. Có trục trặc kỳ lạ vào phút cuối với Strasbourg. Hãy xem việc này tiến triển ra sao. Chúng tôi rất tin tưởng vào tính hợp pháp của kế hoạch và sẽ theo đuổi chính sách này”.

19borisÔng Johnson cho biết tất cả tòa án ở Anh không phản đối kế hoạch Rwanda

“Vô cùng tai tiếng”

Bà Priti Patel cho biết việc ngừng chuyến bay đầu tiên là động thái "vô cùng tai tiếng". Trong cuộc phỏng vấn với Daily Telegraph, bà Patel đã tuyên bố sẽ "tìm cách lật ngược" quyết định.

"Quý vị phải nhìn vào động lực. Làm thế nào và tại sao họ lại đưa ra quyết định đó? Nó có động cơ chính trị không? Câu trả lời của tôi là chắc chắn. Cách thức hoạt động không rõ ràng của tòa án là vô cùng tai tiếng. Điều đó cần phải bị nghi ngờ”.

"Chúng tôi không biết ban thẩm phán là ai, danh sách hội thẩm, chúng tôi thực sự chưa có phán quyết - chỉ là một thông cáo báo chí và lá thư nói rằng chúng tôi không thể di chuyển người theo Quy tắc 39. Họ không sử dụng phán quyết này trước đây, điều này khiến mọi người nghi ngờ về động cơ và sự thiếu minh bạch".

Vương quốc Anh sẽ rời khỏi ECHR?

Tờ Daily Telegraph cho rằng những cáo buộc của bà Patel về sự "không rõ ràng" của ECHR cho thấy bà mong muốn Anh thoát khỏi quyền tài phán của tổ chức này.

Các thẩm phán người Anh tại Tòa phúc thẩm đã ra phán quyết hôm thứ Hai 13/6 rằng chuyến bay có thể được triển khai sau thách thức pháp lý của các nhà vận động. Các bộ trưởng đã bảo vệ chính sách và cho biết phải ngăn chặn những kẻ buôn người ở eo biển Manche.

Phán quyết của ECHR khiến một số nghị sĩ đảng bảo thủ kêu gọi Anh rời Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab thì gợi ý Anh sẽ tiếp tục tham gia công ước nhưng cần có luật mới đảm bảo Anh có quyền không thực thi một số phán quyết tạm thời của tổ chức này.

Hiện Anh vẫn tham gia ECHR - đảm bảo các nghĩa vụ nhân quyền trong điều ước quốc tế bao gồm Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành và Thỏa thuận Brexit.

Đảng Lao động nói gì?

Sir Keir Starmer - Lãnh đạo đảng Lao động, cho biết: "Điều tôi muốn là phản ứng nghiêm túc nhằm chấm dứt nạn vượt eo biển. Ai cũng muốn triệt phá các băng đảng tội phạm. Điều đó đòi hỏi nỗ lực nghiêm túc với chính quyền Pháp và phải triệt hạ từ gốc, như vậy sẽ giảm tại được gánh nặng cho Cục chống Tội phạm Quốc gia".

Viethome (Theo Sky News)