Nam giới độc thân có thể bị gửi tới Rwanda trong vài tuần tới

Chính phủ cho biết những người xin tị nạn đầu tiên có thể được gửi đến Rwanda từ Vương quốc Anh trong vòng vài tuần tới.

Trước đó, đã có thông báo thử nghiệm gửi người di cư đến quốc gia Đông Phi này để xin tị nạn. Kế hoạch ban đầu tập trung vào nam giới độc thân thân vượt biển Manche bằng thuyền hoặc xe tải từ Pháp.

Thủ tướng cho biết kế hoạch sẽ "cứu vô số mạng sống" và phá vỡ đường làm ăn của những kẻ buôn người. Tuy nhiên, các nhà vận động chỉ trích chính sách này là "vô nhân đạo".

Ông Andrew Griffith - giám đốc Cơ quan Chính sách tại Số 10 phố Downing - cho biết kế hoạch sẽ không cần luật mới và có thể được thực hiện theo "các công ước hiện có” và bắt đầu trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Theo ông Andrew, nếu dòng người di cư bất hợp pháp được ngăn chặn, "rất nhiều cánh cửa cho các tuyến đường an toàn và hợp pháp sẽ mở ra". Kế hoạch Rwanda nằm trong chiến lược nhằm giảm số lượng người di cư vào Anh bằng cách vượt biển trên thuyền nhỏ.

19rwandaBan đầu, chương trình sẽ tập trung vào những người đàn ông độc thân băng qua eo biển bằng thuyền hoặc xe tải từ Pháp

Hải quân Hoàng gia Anh đã tiếp nhận quyền chỉ huy hoạt động trên eo biển Manche từ Lực lượng Biên phòng Vương quốc Anh để phát hiện mọi con thuyền hướng đến đất Anh.

Khoảng 562 người trên 14 chiếc thuyền đã vượt biển vào ngày kế hoạch mới được công bố. Năm ngoái, 28,526 người đã tới Anh, tăng mạnh so với 8,404 người vào năm 2020.

Tony Smith - cựu tổng giám đốc Lực lượng Biên phòng Anh, cho biết có thể mất vài tuần trước khi biết được liệu kế hoạch "cấp tiến” mới có khả thi hay không. Ông Tony cho biết chính phủ có khả năng phải đối mặt với thách thức pháp lý khi người di cư bị đưa lên máy bay đến Rwanda.

"Nhưng nếu cách này không thực hiện được thì tôi không biết phải làm gì để ngăn các con thuyền tới Anh. Bởi vì nếu chúng ta không làm gì đó, sẽ có nhiều người chết đuối hơn", ông Tony cho biết Anh có khả năng phải đối mặt với lượng người tị nạn lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm 14/4, ông Boris Johnson cho biết thỏa thuận với Rwanda sẽ cung cấp "các tuyến đường an toàn và hợp pháp để xin tị nạn": “Những người di cư vì mục đích kinh tế lợi dụng hệ thống tị nạn sẽ không được ở lại Vương quốc Anh, trong khi người có nhu cầu thực sự sẽ được bảo vệ thích hợp”.

Thủ tướng tiết lộ kế hoạch mới sẽ được áp dụng với những người đã đến Anh bất hợp pháp kể từ đầu năm nay.

“Chỉ là một rủi ro khác...”

Những người chúng tôi phỏng vấn dường như đều không biết về thông báo Rwanda - nhưng tin tức lan truyền nhanh chóng. Ngay sau đó, một nhóm đàn ông đã đưa ra rất nhiều câu hỏi: “Khi nào thì chuyện này xảy ra? Tại sao? Nếu tôi đến từ Afghanistan, tôi có trở thành đối tượng trong luật mới không?"

Shafi - người chạy trốn khỏi Afghanistan tới Anh, nói: "Rwanda là nơi tồi tệ hơn Afghanistan rất nhiều, không có tương lai cho chúng tôi ở đó".

Nhưng phóng viên không gặp bất cứ ai nói rằng kế hoạch của chính phủ sẽ ngăn họ cố gắng vượt biển, kể cả Shafi - người tuyên bố anh ấy không có lựa chọn nào khác.

Nhiều người trong số những người đàn ông này phải đối mặt với rủi ro rất lớn và sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để vượt biển trên một chiếc thuyền nhỏ. Nguy cơ bị đưa đến Rwanda, ở giai đoạn này, dường như chỉ là một yếu tố rủi ro khác.

Hơn 160 tổ chức từ thiện và các nhóm vận động đã thúc giục chính phủ loại bỏ kế hoạch, mô tả nó là "tàn nhẫn một cách đáng xấu hổ".

Giám đốc điều hành Enver Solomon của Hội đồng Người tị nạn cho biết kế hoạch sẽ không làm được gì nhiều trong việc ngăn chặn những người tuyệt vọng và "chỉ gây ra nhiều đau khổ cho con người hơn".

Lãnh đạo đảng Lao động Sir Keir Starmer lên án ông Johnson đang cố gắng đánh lạc hướng đất nước khỏi vụ bê bối tiệc tùng bằng kế hoạch "không thể thực hiện được, phi đạo đức".

Đảng Dân chủ Tự do cho biết chính phủ đang "đóng sập cửa" với người tị nạn. Ông Nigel Farage - cựu lãnh đạo Ukip và đảng Brexit, cho biết đây chỉ là “giải pháp ngắn hạn".

Nghi ngại cũng nổi lên xung quanh vấn đề chi phí, khi tờ Times đưa ra ước tính từ 20,000 đến 30,000 bảng cho mỗi người di cư được gửi đến Rwanda.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp và Di trú Tom Pursglove bác bỏ tuyên bố này và nói vấn đề phụ thuộc vào một số yếu tố. Ông cho biết Anh đã chi gần 5 triệu bảng mỗi ngày cho các khách sạn, trong khi kế hoạch mới ban đầu sẽ có giá 120 triệu bảng và tăng thêm trong tương lai.

Chương trình tương tự ở Úc có chi phí ước tính khoảng 460 triệu bảng vào năm 2021 nhưng chỉ tái định cư thành công 239 người - chi phí trung bình khoảng 1.9 triệu bảng mỗi người.

Nhiều bên cũng thắc mắc về lịch sử nhân quyền của Rwanda và tổng thống của nước này - ông Paul Kagame. Ông Pursglove cho biết Rwanda là quốc gia tiến bộ, muốn cung cấp nơi trú ẩn và đã đạt được "những bước tiến lớn" trong ba thập kỷ qua.

Bộ trưởng cho biết đây là một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới có nghị viện đa số là nữ và có luật chống phân biệt đối xử "thông qua hiến pháp".

Tuy nhiên, mới năm ngoái, chính phủ Anh đã bày tỏ quan ngại tại Liên Hợp Quốc về việc Rwanda "tiếp tục hạn chế các quyền dân sự, chính trị cũng như tự do truyền thông".

Steve Valdez-Symonds - từ Tổ chức Ân xá Quốc tế Anh, cho biết gửi người di cư đến quốc gia đông-Phi này là "đỉnh cao của sự vô trách nhiệm".

Yolande Makolo - người phát ngôn của chính phủ Rwanda, cho biết Rwanda là "quốc gia an toàn, đang phát triển nhanh chóng, chúng tôi quan tâm về nhân quyền nhiều như mọi quốc gia khác".

Theo thỏa thuận giữa hai chính phủ, người được gửi đến Rwanda sẽ được hỗ trợ chỗ ở và các phương diện khác. Họ được tự do đến và đi khỏi nơi ở trong mọi lúc.

Bài liên quan: Rwanda nằm ở đâu? Vì sao người xin tị nạn bị gửi tới đó?

Viethome (Theo BBC)