Cuộc chiến trường kỳ chống lại chuyến bay trục xuất của Bộ Nội vụ

Cùng tìm hiểu câu chuyện và những khó khăn khi tìm kiếm sự trợ giúp của Sam và Mark - hai người di cư bị bộ Nội vụ ép buộc trở về đất nước mà họ rời đi từ khi còn rất nhỏ.

Trong bộ đồ ngủ, Mark Burkett đang vật lộn với một chiếc còng nhỏ gắn quanh mắt cá chân. Anh phải sạc điện thiết bị theo dõi GPS một giờ mỗi ngày. Mark bị kết tội bán ma túy và phải ngồi tù hai năm. Anh được thả vào năm 2015. Vì là công dân Jamaica, sáu năm qua Mark đã đấu tranh với Bộ Nội vụ.

Ngồi cùng vợ Angela trong phòng khách ngôi nhà ở Birmingham, việc phải đeo thiết bị định vị khiến Mark căng thẳng: “Đúng, tôi phạm tội, nhưng đây là hình phạt quá mức. Họ muốn bòn rút linh hồn của tôi. Họ muốn tôi kiệt quệ. Họ muốn làm như vậy với những người khác, không chỉ riêng tôi”. Vào tháng 10/2021, Mark bị giam giữ và được thông báo anh sẽ được đưa lên một chuyến bay trục xuất về Jamaica.

9markGóc trái: Mark cùng hai con

Chính sách Bộ Nội vụ, theo đó các máy bay thương mại sẽ được thuê để trục xuất tội phạm, là tốn kém và gây tranh cãi. Với việc Dự luật Quốc tịch và Biên giới được thông qua ở quốc hội, các nhà hoạt động lo ngại chính phủ sẽ sớm có nhiều quyền hơn trong việc giam giữ và trục xuất người nhập cư. 

Tuy nhiên, các chuyến bay trục xuất đến Jamaica ngày càng có ít hành khách hơn: 17, 13 và sau đó là 7. Chuyến bay mới nhất - trong đó có tên Mark, được cho là bao gồm 50 người.

Nhiều người trong số họ đã ở Anh từ khi còn nhỏ hoặc chưa có tiền án - lần đầu tiên việc này được thực hiện kể từ sau bê bối Windrush.

Vào đầu giờ sáng ngày thứ Tư 10 tháng 11/2021, một chiếc Airbus A350-900 cất cánh từ sân bay Birmingham đến Jamaica với chỉ bốn hành khách. Mark là một trong những người đã được ân xá. Mark cảm thấy nhẹ nhõm nhưng tương lai của anh và của gia đình vẫn chưa rõ ràng.

Sau khi chiếc Airbus rời đi, Priti Patel bày tỏ sự thất vọng rằng bà đã không thể trục xuất những tên tội phạm cứng rắn do những nỗ lực về pháp lý vào phút cuối.

Việc số hành khách giảm không phải điều ngẫu nhiên: trong những ngày và tuần trước đó, các nhà hoạt động, luật sư, chính trị gia và gia đình đã đấu tranh để đưa những người bị trục xuất xuống khỏi chuyến bay này.

"Anh Burkett, đến lúc phải đi rồi”

Đó là một buổi sáng thứ Ba khi Mark làm thủ tục nhập cư tại Sandford House ở Solihull. Trung tâm báo cáo nhập cư của Bộ Nội vụ có ba tầng, với gạch xám, nhựa PVC ố vàng và camera CCTV.

Mark đến Vương quốc Anh khi 25 tuổi vào năm 2001. Anh gặp Angela ngay sau đó và cặp đôi có với nhau hai người con, trong đó có Brandon - vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, Brandon gặp khó khăn về mặt trí tuệ, khiến Mark phải chăm sóc cậu bé.

Anh đã được chấp thuận ở lại Anh vô thời hạn, nhưng điều này đã bị thu hồi khi Mark phải ngồi tù hai năm vì bán chất cấm loại A. Trong tù, Mark nhận được giấy trục xuất, rằng chính phủ muốn đưa anh trở lại Jamaica.

Ngày 19 tháng 10, Mark vào bên trong tòa nhà của Bộ Nội vụ, việc anh phải làm hàng tháng kể từ khi ra tù năm 2015. Vào sáng thứ Ba đó, anh ta được thông báo: "Anh Burkett, đến lúc phải đi rồi”.

Đây không phải lần đầu tiên Mark bị bắt giữ do nhập cư - vào năm 2019, anh đã tránh được một chuyến bay trục xuất nhờ Windrush.

Tổng cộng, kể từ tháng 4 năm 2020, chính phủ đã thuê 75 chuyến bay thương mại để trục xuất người đến các quốc gia như Nigeria, Romania, Bulgaria và Jamaica. Nhưng kể từ vụ bê bối Windrush, những người từ Jamaica đã nhận được sự “quan tâm” đặc biệt.

Từ Sandford House, Mark được đưa đến Trung tâm Trục xuất Người nhập cư Colnbrook. Mãi cho đến phiên tòa vào ngày 26 tháng 10 - sau một tuần ở Colnbrook - Mark mới biết chắc chắn điều gì đang xảy ra.

Khi luật sư nộp đơn xin cho Mark được tại ngoại, với đề nghị yêu cầu cơ quan nhập cư xem xét lại trường hợp này, Bộ Nội vụ tiết lộ Mark đã bị giam giữ để tham gia chuyến bay trục xuất sắp tới.

Quá trình này đã gợi lại ký ức của Angela về một buổi điều trần tương tự cách đây hai năm: “Con của chúng tôi phải hầu tòa. Tôi thậm chí không thể nói về việc này. Ngay cả luật sư cũng khóc. Tất cả chúng tôi đã ở đó, mẹ tôi đã ở đó. Tôi nghĩ mọi việc đã kết thúc rồi”.

“Sau đó, tôi được yêu cầu phải đi và đưa bọn trẻ đến chào tạm biệt anh ấy. Tôi đưa chúng đến Oxford vào một ngày Chủ nhật và nghĩ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp Mark”.

Phiên tòa tiếp theo, Angela có mặt qua Zoom. Mark được cho tại ngoại tại phiên điều trần. Mong muốn được giúp đỡ, Angela đã gọi điện cho Karen Doyle - một nhà hoạt động của nhóm Movement for Justice. Hai người bắt đầu xâu chuỗi những gì đang xảy ra với nhau.

"Tôi đã chiến đấu với họ từ năm 2011 để được ở lại Anh"

Hai ngày sau, vào thứ Năm ngày 28 tháng 11 - khi Mark được thả khỏi Colnbrook, cũng là lúc Sam làm thủ tục nhập cư tại Eaton House ở Hounslow.

Năm nay đã 33 tuổi, Sam đến Vương quốc Anh từ Jamaica khi mới 11 tuổi. Anh sống ở London với vợ - hai người đã gắn bó trong 16 năm và có một cậu con trai 16 tuổi.

Sam đã vào tù hai lần vì cung cấp lớp chất cấm loại A - một lần từ năm 2009 đến năm 2011 và một lần nữa từ năm 2016 đến năm 2019. Sam nói với luật sư anh bị ép buộc phải phạm tội - họ đã đệ đơn về vấn đề này vì cho rằng Sam là nạn nhân của nạn buôn người. Đây là lý do tên thật của anh ấy không được sử dụng trong câu chuyện này.

Vào một sáng thứ Năm, vợ của Sam đã chở anh đến Eaton House, trên đường đi mua đồ ăn và ngồi trong xe. Chị ngồi trong xe khi chồng bước vào trong để trình báo.

Các quan chức đã chụp ảnh Sam trong một chuyến đi trước đó - điều này khiến anh nghi ngờ. Một vài người bạn cho biết Bộ Nội vụ có thể đang chuẩn bị để giam giữ Sam.

“Tôi đã chiến đấu với họ từ năm 2011 để ở lại Anh”, Sam nói.

Khi vào bên trong, Sam nhận ra có điều gì đó khác lạ: “Cánh cửa họ bảo tôi đi qua, tôi nghe nói những người đi qua đó thường không quay lại. Vì vậy, tôi biết có điều gì đó không ổn”.

“Các vị đưa tôi trở lại Jamaica để làm gì? Chả vì gì cả...”

9mark1

Tọa lạc bên cạnh sân bay Heathrow vào năm 2004, Trung tâm Loại bỏ Người nhập cư Colnbrook trông giống như ký túc xá của trường đại học vào đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, nó được xây dựng theo tiêu chuẩn của một nhà tù an ninh cấp cao. Tất cả những người bị giam giữ đều là nam giới, được chuẩn bị để trục xuất khỏi Anh.

Trang Wikipedia mô tả cách trung tâm “cung cấp cho những người bị giam giữ một loạt các hoạt động trong khi chờ trục xuất, bao gồm thư viện, cơ sở thờ tự đa tín ngưỡng, giáo dục, phòng tập thể dục và các hoạt động thể thao, và một cửa hàng”.

Đó là một thế giới khác xa theo lời Sam: “Phòng giam bẩn thỉu. Tường đầy nấm mốc. Nhà vệ sinh bẩn đến mức tôi thậm chí không thể sử dụng được”.

Sam phải chà cam lên bồn cầu để khử mùi và cảm thấy “kinh khủng, không thể ngủ được, căng thẳng và cảm thấy muốn tự tử”.

Cùng với việc duy trì hy vọng mình sẽ không bị đưa đến đất nước anh đã rời đi từ khi còn nhỏ, Sam lại nghĩ đến chuyến đi tới cửa hàng thực phẩm với vợ mà anh đã bỏ lỡ. Ý nghĩ phải trở lại Jamaica khiến anh kinh hãi.

Trong phòng giam, anh suy ngẫm về cuộc đấu tranh về vấn đề nhập cư, diễn ra từ năm 2011, và đã ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của mình: “Cơ quan nhập cư nói tôi không được phép làm việc và học tập. Con trai tôi 16 tuổi và tôi muốn chu cấp cho nó nhưng tôi thực sự không thể làm được gì. Vợ tôi phải thanh toán tất cả các hóa đơn. Mọi việc rất khó khăn”.

Cuối cùng, anh nhận được một tờ giấy A4 trông vô thưởng vô phạt - tấm vé cho chuyến bay sắp tới.

Sam nói: “Tôi đang nghĩ nếu họ đưa mình trở lại Jamaica thì tôi cũng có thể tự sát ở đó. Tôi đã nói với viên sĩ quan mình sẽ tự sát trong phòng giam”.

“Các vị đưa tôi về Jamaica để làm gì? Chả vì gì cả. Tôi không biết phải đi đâu, tôi không biết ai cả. Tôi sẽ mất mạng trên đường phố. Tôi không thể mua thuốc và tôi thực sự cần uống thuốc”.

Đó là lúc Sam gọi Karen từ Phong trào vì Công lý. Cô giúp anh liên lạc với các luật sư ở Duncan Lewis. Các luật sư hiện tại của Sam - người anh ấy đang trả tiền cho họ, không đại diện cho thân chủ  của mình một cách đúng đắn.

"Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ về những người không thể tiếp cận với các dịch vụ giúp đỡ"

Việc tiếp cận với đại diện pháp lý thích hợp là thách thức lớn đối với những người trong quá trình bị trục xuất.

Trong các cuộc trò chuyện với các nhà vận động, một luật sư có kinh nghiệm và một thành viên quốc hội, điều này được nhắc đi nhắc lại.

Thông thường, chỉ khi những người ở trong các trại tạm giam, còn vài ngày trước lúc lên máy bay, họ mới tìm cách nhờ đến luật sư, và chỉ khi đó các chi tiết về vụ việc mới được xem xét một cách chính xác.

Nghị sĩ đảng Lao động Bell Ribeiro-Addy nói: “Chỉ vì bỏ qua nhiều bước mà họ có thể khá thành công trong việc chống lại các thách thức pháp lý từ người bị trục xuất".

“Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ về những người không được tiếp cận với các dịch vụ giúp đỡ, bởi vì, với tư cách là những nhà vận động và thành viên quốc hội, có những người chúng tôi đã bỏ lỡ và không thể giúp đỡ".

Jamie Bell - luật sư của Duncan Lewis, cho biết anh đã làm việc với 10 chuyến bay thương mại kể từ năm 2016. Duncan Lewis đại diện cho hơn một chục người sẽ có mặt trên chuyến bay mới nhất.

Jamie cho biết bộ Nội vụ tỏ ra khá vội vàng khi giam giữ và việc hàng loạt người được thả cho thấy quy trình này bừa bãi như thế nào.

Jamie nói: “Chỉ nhờ sự can thiệp gấp gáp vào phút cuối mà các vụ việc mới được bộ nội vụ và tòa án chú ý. Việc bị giam giữ rất hỗn loạn, căng thẳng và thiếu thông tin. Giữa lúc này, việc đại diện cho những người cần giúp đỡ sẽ do một liên minh của các tổ chức thực hiện.

Sự tức giận với các chiến thuật cũng như tác động do hành động của bộ Nội vụ buộc mọi người phải giúp đỡ. Vì thiếu thông tin, nhiệm vụ cơ bản thường là đưa người bên trong trại giam tiếp xúc với những người có thể giúp đỡ họ.

Một nhóm khác, Detention Action, giúp những người bị giam giữ được cố vấn, cũng như những hỗ trợ về vật chất tinh thần. Thông qua công việc này, họ đã chứng kiến ​​cách thức hoạt động của hệ thống.

Và mọi cuộc trò chuyện đều đề cập đến Karen - người làm việc với Movement for Justice. Cô đóng vai trò trung tâm trong việc giúp mọi người liên lạc và giải quyết vụ việc của họ.

Trong quá trình này, thông qua các cuộc gọi như cuộc gọi với Angela, Karen cũng xây dựng được bức tranh về những gì đang xảy ra.

(Còn tiếp)

Viethome (Theo Big Issue)