Một nạn nhân nô lệ hiện đại Việt Nam thoát lệnh trục xuất

Đ. Nguyễn bị trục xuất về Việt Nam nhưng các nhà vận động ở Glasgow đã giúp anh xin được tị nạn sau khi anh xung phong làm các công việc tình nguyện tại thành phố đang bảo hộ mình.

nguoi viet truc xuat duoc o lai 3
Anh Đ. làm tình nguyện tại Lambhill Stables với nghề sửa xe đạp. Ảnh: Jamie Williamson

Nhờ sự trợ giúp của các nhà vận động, một nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, anh Đ. Nguyễn, đã được hưởng 5 năm miễn trừ khỏi bị trục xuất, để ở lại và làm việc tại Scotland như một người tị nạn.

Vào năm 2018, anh Đ. Nguyễn đã được đưa lên máy bay để trục xuất về Việt Nam nhưng Bộ Nội vụ đã hủy bỏ lệnh trục xuất vào giờ thứ 11 do các cuộc biểu tình phản đối.

Vào năm 2020, anh Đ., lúc đó 46 tuổi, đã nói lời cảm ơn những người đã cưu mang mình, giúp anh ở lại trong tình trạng tị nạn, đồng nghĩa với việc anh có thể ở lại trong năm năm, với hy vọng được định cư. Anh tỏ ra rất vui mừng và nhẹ nhõm vì không còn sống trong nỗi sợ bị trục xuất nữa.

nguoi viet truc xuat duoc o lai 3
Người tị nạn Việt Nam, anh Đ. Nguyễn, bị buôn bán sang Anh và buộc phải làm việc trong một trang trại cần sa (Ảnh: Jamie Williamson)

Anh nói thêm: “Đây là một ân huệ lớn lao. Tôi đã sẵn sàng làm việc và chỉ cần trở thành một người Scotland bình thường. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những người đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ tôi, kể cả những người tôi chưa bao giờ gặp. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Scotland”.

Anh Đ. bị buôn bán sang Anh, nơi anh bị giam cầm như một nô lệ, làm việc không lương 15 giờ một ngày trong một trang trại cần sa. Khi nhận ra đó là việc bất hợp pháp, anh đã sợ hãi đến nỗi không dám bỏ trốn vì các cửa sổ đều có khóa điện và anh sẽ bị điện giật nếu định mở cửa.

Anh nói: “Tôi không thể làm gì. Chúng là những tên xã hội đen và là thành viên của một thế lực ngầm. Tôi phải thức dậy sau nửa đêm để bật - tắt đèn và tưới nước cho cần sa. Tôi thường phải thức trắng đêm. Tôi bị giam trong trang trại - một căn phòng hầu như không có oxy”.

Sau tám tháng, trang trại bị đột kích và anh Đ. bị đưa vào nhà tù Wandsworth ở London. Mãi sau 6 tháng tù, vào tháng 8 năm 2017, anh Đ. mới được Bộ Nội vụ công nhận là nạn nhân buôn người.

Anh được tại ngoại vào tháng 1 năm 2018 và chuyển đến Glasgow. Ở đây, anh tham gia vào các hoạt động tình nguyện để đền đáp cho cộng đồng mà anh ngày càng yêu quý, làm việc cho các dự án hỗ trợ người nghèo.

Nhưng sau khi Bộ Nội vụ từ chối đơn xin tị nạn, anh được đưa đến Trung tâm di trú của Dungavel House ở Lanarkshire và sau đó chuyển đến Trung tâm di trú Colnbrook, ở Middlesex, để chờ trục xuất. Lúc đó, anh vô cùng lo sợ mình sẽ bị giết nếu trở về Việt Nam, vì còn nợ tiền của bọn buôn người.

Ủy viên hội đồng, bà Kim Long, người đại diện cho quận Dennistoun tại Glasgow, đã tổ chức một chiến dịch vận động chỉ một tuần trước khi anh bị trục xuất.

Bà cho biết tình trạng di trú hiện tại của anh là một chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống lại việc trục xuất nạn nhân buôn người.

Hàng ngàn người đã ký tên vào một bản kiến ​​nghị trực tuyến phản đối việc anh bị trục xuất. Những người ủng hộ cũng kêu gọi hãng Qatar Airlines từ chối chuyến bay đưa anh về Việt Nam và yêu cầu Chính phủ thay đổi quyết định.

Bà Long nói: “Tôi rất vui vì cuối cùng anh Đ. đã được chấp nhận tị nạn sau tất cả những gì anh phải chịu đựng, không chỉ bởi những kẻ buôn người mà còn bởi những phiến diện trong chính sách phân biệt chủng tộc ở Anh.

“Chúng ta không nên để các mối đe dọa trục xuất trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Glasgow đã có những phản hồi ngoài sức tưởng tượng - gọi cho hãng hàng không, viết thư, chấp nhận bảo lãnh tại ngoại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho tất cả những người Glasgow mới như anh ấy. Anh xứng đáng được tị nạn lâu dài, và tôi rất vui vì anh ấy đã giành được điều đó''.

VietHome/ Theo Daily Record