Người Việt sống ở nước duy nhất thế giới bỏ Tết Nguyên đán

Thời điểm diễn ra tết ở Việt Nam vẫn là ngày làm việc bình thường ở Nhật Bản vì quốc gia này là nước duy nhất trên thế giới bỏ Tết Nguyên đán. Vậy, người Việt sống và làm việc ở Nhật ăn Tết Ất Tỵ 2025 thế nào?

Nhật Bản từng ăn Tết Nguyên đán, một trong những ngày lễ lớn nhất thế giới. Nhưng Nhật Bản cũng là nước duy nhất ở châu Á và trên cả thế giới từ bỏ ngày này. Tuy nhiên nhiều người Việt ở Nhật vẫn giữ gìn truyền thống tết cổ truyền Việt Nam.

8 năm ăn Tết Nguyên đán ở Nhật Bản

Suốt 8 năm sang Nhật Bản làm thực tập sinh cũng là ngần ấy năm anh Trần Minh Thiện (34 tuổi, quê Bến Tre) không được đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Nhớ mãi những cái tết đầu tiên, chàng trai quê miền Tây có chút chạnh lòng, tủi thân vì đón tết xa nhà.

bo tet nguyen dan 1
Người Việt trang trí tết ở một ngôi chùa tại Nhật Bản năm 2025. ẢNH: HUY HYUNH

"Ở Nhật, họ không đón Tết Nguyên đán như bên mình, nên hầu như thời điểm đó mình và những bạn bè đồng hương vẫn làm việc bình thường. Những năm đầu, nhớ nhà, nhớ tết lắm. Lúc đó, mình cũng sợ lướt mạng xã hội vì lướt là thấy những clip người Việt mặc áo dài chụp ảnh, mai đào rực rỡ…", anh Thiện kể.

Anh nhớ nhất tết ở quê nhà khi được quây quần, đoàn tụ bên gia đình, người thân, đi chợ hoa, hội chợ… Ở Nhật, anh không cảm nhận được không khí đặc biệt đó. Tuy nhiên chàng trai cũng có những cách riêng để đón Tết Nguyên đán của mình.

8 năm qua, dù Tết Nguyên đán vẫn đi làm nhưng anh và những bạn bè người Việt Nam đến từ khắp nơi cũng dành thời gian để sum họp, tề tựu liên hoan, ăn uống vào đêm giao thừa. Những người xa quê làm việc trên đất Nhật cố gắng tạo nên một không khí tết với các món ăn Việt Nam như bánh chưng, bánh tét được bán ở Nhật.

bo tet nguyen dan 1
8 năm nay, anh Thiện sang Nhật Bản làm việc và không được đón tết ở Việt Nam

Hiện anh Thiện đang sống và làm việc ở TP.Niigata, một thành phố biển. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 năm nay, nhiều người bạn của anh đã về quê từ sớm trong dịp nghỉ Tết Dương lịch để đoàn tụ bên gia đình.

bo tet nguyen dan 1
Người Việt ở Nhật vẫn giữ nét phong tục tết cổ truyền. Anh Hiệp hóa thân thành ông đồ cho chữ vào dịp năm mới ở Nhật. ẢNH: HIỆP

"Bạn bè mình về hết rồi, năm nay không biết đón tết sao đây. Nhưng hết năm nay là mình đã được về nhà, sống ở Việt Nam và kinh doanh nho nhỏ để xây dựng tổ ấm. Ráng qua năm nay nữa thôi là được đón tết ở Việt Nam rồi", chàng trai Việt Nam cho biết.

Tết năm nay dù ở xa nhưng anh Thiện cho biết sẽ gọi điện về nhà chúc tết gia đình, đặc biệt là bà ngoại. "Con mong bà và gia đình mình lúc nào cũng sức khỏe, vạn sự như ý. Hết năm nay là con ăn tết với mọi người rồi!", anh nhắn nhủ với gia đình.

bo tet nguyen dan 1
Người trẻ sống ở Nhật quây quần gói bánh tét gìn giữ văn hóa tết cổ truyền. ẢNH: HUY HYUNH

Năm 1873, như một phần của cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn tiến kịp phương Tây. Vào thời điểm đó, thái độ phổ biến của các tầng lớp tinh hoa Nhật Bản là xem những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước trong đó có ngày tết âm lịch. Họ cho rằng bỏ ngày này sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế...

Nhật Bản quyết định áp dụng lịch Gregorian chỉ đơn giản là chồng các sự kiện theo lịch âm lên lịch dương. Do đó, Ganjitsu - ngày đầu của năm âm lịch rơi vào ngày 1.1 là ngày đầu của năm dương lịch. Vì thế đã khiến ngày đón năm mới của Nhật Bản sớm hơn trên dưới 1 tháng so với các nước láng giềng.

Theo Thanh Niên