Về Việt Nam chơi, tôi thấy nhiều người tốn kém vì hay ăn ngoài

Nấu nướng cho ít người ăn có thực sự tốn tiền, tốn công hơn đi ăn tiệm?

"Mỗi lần về Sài Gòn chơi, tôi thấy mọi người thích đi ăn ngoài, ít khi tự nấu ăn ở nhà, luôn mua đồ ăn sáng. Bởi nhiều khi nấu cho ít người ăn còn tốn kém hơn đi ăn ở ngoài.

Tôi chia sẻ thực tế nơi tôi đang sống, ở Đức: Mỗi ngày tôi tự nấu ăn hoặc mua bánh mì, xúc xích, thịt nguội... để ăn sáng. Khi nào thích ăn món Việt sẽ tự nấu. Khi đi làm thì nấu cơm mang theo.

Lương thực, thực phẩm ở Đức rất rẻ, chỉ có rau củ Việt Nam bán ở cửa hàng châu Á mới đắt. Vì vậy, ở chỗ tôi, việc trồng trọt rau củ Việt (nếu thích ăn rau Việt) và nấu ăn tại nhà là biện pháp hữu hiệu nhất. Vừa ngon, vừa tiết kiệm, vừa đúng sở thích, vừa sạch sẽ".

Bạn đọc nickname Nguoixala đang sống ở Đức, chia sẻ mỗi lần về nước chơi, thấy mọi người thích đi ăn ngoài vì lý do: nấu nướng cho ít người ăn đôi khi còn tốn kém hơn ăn ngoài tiệm.

ton kem an ngoai

Bình luận được chia sẻ sau bài viết Lương 14 triệu, ăn dĩa cơm văn phòng 50 nghìn đồng 'không đắt'. Tác giả lý giải, mỗi tháng dù có 20 ngày ăn trưa với giá 50 nghìn một bữa, chiếm 7,14% thu nhập nhưng vẫn không thấy đắt, vì nếu nấu cho một người ăn sẽ còn tốn kém hơn. Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả.

Bạn đọc Xuân Thì cho rằng nếu nấu ăn gộp cho ba bữa một ngày, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều: "Tác giả có vẻ giống như tôi hồi trước, chỉ tập trung tính tiền nấu bữa trưa và thấy đắt hơn ăn ở quán và còn mất thời gian, nấu một bữa không bõ dính nồi.

Bạn hãy thử nghĩ xa hơn là nấu ăn cả cho cả ba bữa sáng, trưa, chiều bạn sẽ thấy tiền ăn sẽ rẻ hơn. Như tôi bây giờ, chi phí ăn uống dao động từ 80 nghìn đến 110 nghìn cho ba bữa một ngày. Còn nếu không nấu cũng mất hơn 100 nghìn đồng cho hai bữa sáng và trưa rồi (45 nghìn đồng ăn sáng, hơn 60 nghìn đồng ăn trưa, đây là giá chỗ tôi làm việc)".

Khó khăn về kinh tế không làm ảnh hưởng tới nhu cầu "đi cà phê" và xu hướng ăn ngoài thường xuyên của nhiều người Việt trong năm qua. Một báo cáo được công bố gần đây cho biết người Việt có xu hướng ăn ngoài thường xuyên hơn. Trong đó, hơn 17% người ăn ngoài mỗi ngày, 29% ăn ngoài 3-4 lần một tuần, tăng 11% so với năm 2022.

Bạn đọc có nickname susu_thienthangaycanh_1992: "Đồng ý là không dễ để tự nấu một suất cơm với số tiền mua thực phẩm từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng, nhưng không phải là không thể.

Tôi vẫn tự mua đồ về nấu và thấy tiết kiệm được rất nhiều tiền so với mua ở bên ngoài. Tôi thường mua rau, hoa quả và một số đồ giảm giá ở cửa hàng tiện lợi, thường được giảm 40% nên rất rẻ.

Lý do một phần là vì tiện đường đi làm về, thứ hai là tôi thấy dù đồ giảm giá nhưng vẫn rất 'ok', không phải đồ hư hỏng, nếu tôi không mua thì họ cũng bỏ đi, rất lãng phí. Vì vậy nên tiền ăn một tuần (ngày ba bữa, bữa trưa chính cũng hai món) của tôi chỉ rơi vào khoảng 300-400 nghìn đồng).

Một ví dụ cụ thể cho thấy đồ tự nấu ở nhà sẽ luôn rẻ hơn ở bên ngoài (nếu bạn biết cách): có hôm tôi mua một ly nước ép ổi với giá 20 nghìn đồng, trong đó 3/4 ly là đá. Tôi ra siêu thị mua hai vỉ ổi giống Đài Loan, 2 kg, hết 23 nghìn đồng, (đã giảm 40% do mua buổi tối) về ép lấy nước nguyên chất uống ba ngày mới hết.

Nếu không được giảm giá thì 2 kg đó cũng chỉ 40 nghìn, vẫn rẻ hơn rất nhiều so với mua sẵn ở ngoài. Lương hàng tháng sau thuế của tôi gần gấp đôi tác giả (khoảng 28 triệu đồng), nên không phải là tôi có tiền để ăn ngoài, mà vì tôi thấy ăn ngoài quá là mắc".

Theo VnExpress