Sang Thụy Điển định cư, cựu tiếp viên hàng không cay đắng "mất cả chì lẫn chài"

Thực tế cho thấy, với một người mới sang định cư ở nước ngoài, sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách.

Một cô gái xinh xắn, rạng rỡ, với sự nghiệp không quá lẫy lừng nhưng cũng là mơ ước của bao người, tiếp viên hàng không. Tương lai phía trước đang vô cùng xán lạn. Là bạn, bạn có đủ can đảm để rũ bỏ hết, chấp nhận xa gia đình đến một đất nước khác sinh sống?

Đó là cách mà cô gái tên Trịnh Thị Phương Thảo đã làm để chứng minh tình yêu mãnh liệt của mình. Tuy nhiên, cuộc sống thì vô vàn những điều không ai biết trước được. Và Thảo cũng không thể ngoại lệ. Đặc biệt là khi cô dám bỏ lại sau lưng tất cả, để xây dựng cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người.

co gai thuy dien 1

Nghe theo tiếng gọi của con tim

Thảo vốn là nữ tiếp viên hàng không làm việc cho một hãng hàng không lớn. Vài năm trước, khi sự nghiệp đã đi vào ổn định, Thảo quyết tâm bỏ lại để theo chồng sang Thụy Điển định cư. Có lẽ thời điểm ấy, với cô, được nghe theo tiếng vẫy gọi của con tim là điều đúng đắn nhất. Thảo cho biết: "Mình là một người ưa khám phá, thích học hỏi những điều mới lạ cho nên mình đã lựa chọn công việc làm tiếp viên hàng không, giúp mình có cơ hội được bay đến những vùng đất mới và cho mình nhiều trải nghiệm.

co gai thuy dien 1
Thảo từng là một nữ tiếp viên hàng không.

Mình gặp chồng cũ của mình khi anh ấy sang Việt Nam du lịch. Bọn mình gặp nhau thông qua một người cô. Ban đầu, bọn mình cũng chỉ nghĩ là bạn bè nói chuyện cho vui thôi và sau đó anh trở về Thụy Điển nhưng vẫn giữ liên lạc với mình. Sau 3 tháng nói chuyện qua mạng thì bọn mình có tình cảm với nhau và anh lại quay lại Việt Nam để gặp mình. Đó là lúc 2 đứa chính thức xác định mối quan hệ.

Khi anh sang Việt Nam lần nữa thì bọn mình quyết định là làm đám cưới. Lúc đó, mình nghĩ rất đơn giản là sẽ theo chồng sang nước ngoài sinh sống khi được sở di trú cấp thẻ định cư.

Động lực lớn nhất khiến mình từ bỏ công việc của mình là mình rất yêu chồng, muốn theo chồng và nghĩ về một tương lai, một gia đình hạnh phúc bên chồng mình và mình sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu".

co gai thuy dien 1
Thảo bỏ lại mọi thứ ở Việt Nam để sang Thụy Điển định cư cùng chồng.

"Nhưng mọi thứ lại không như mình tưởng tượng...". Có lẽ đây mới là điểm bắt đầu cho một thử thách đầy gian nan mà cô gái trẻ người Việt phải đối mặt ở xứ người.

Không "dễ sống" như người ta vẫn nghĩ

Lúc chưa sang nước ngoài, thông qua phim ảnh, mạng xã hội, Thảo luôn tưởng tượng cuộc sống ở Châu Âu rất tốt đẹp, chẳng hạn như môi trường sống hiện đại, tiến bộ...

Nhưng thực tế cho thấy, với một người mới sang định cư ở nước ngoài, sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách. Không có người thân, không bạn bè, không biết ngôn ngữ của người bản xứ là một trở ngại vô cùng lớn.

Văn hóa, luật pháp cũng rất khác biệt, đồ ăn thức uống hoàn toàn khác xa so với Việt Nam, chi phí giá cả cũng rất đắt đỏ.

"Một người mới sang Thụy Điển sẽ phải mất ít nhất 2 đến 3 năm để học tập và làm quen dần với sự khác biệt này. Để xin được việc cũng gặp khó khăn vì đa phần các nhà tuyển dụng ưu tiên cho người có kinh nghiệm và biết tiếng Thụy Điển nhiều hơn", Thảo nhấn mạnh.

co gai thuy dien 1

Cô cho biết, khi mới sang Thụy Điển, người không có bằng cấp phải làm những công việc chân tay để trang trải cuộc sống, thời gian làm việc thường rất dài và hơn 8 tiếng một ngày. Thời tiết mùa đông quá lạnh, màn đêm thường kéo dài từ 3h chiều cho đến 8h sáng hôm sau sẽ dễ khiến cho tâm trạng đi xuống.

"Nên mọi thứ thực sự sẽ không dễ dàng như nhiều người nghĩ. Nhưng khi trải qua được những năm tháng đầu tiên khó khăn rồi thì mọi thứ sẽ dần đi vào quỹ đạo và dần ổn định cuộc sống hơn", Thảo cho hay.

Sóng gió ập đến

Với một người bình thường, cuộc sống ở nước ngoài đã vô cùng khó khăn, thì với Thảo mọi thứ còn tồi tệ hơn rất nhiều khi chồng cô, người duy nhất có thể ở bên cạnh chia sẻ, lại tỏ ra không hiểu được lòng cô.

Thảo tâm sự: "Bọn mình bất đồng quan điểm rất nhiều từ khi mình mới bắt đầu sang Thụy Điển. Tư duy và quan điểm sống không giống nhau. Ví dụ, mình mong muốn sau này ổn định thì sinh con nhưng quan điểm của anh là không thích có con.

Mình tự nhận bản thân đã thiếu sót về điều này trong quá trình tìm hiểu đối phương. Mình mặc định theo tư duy của phụ nữ Á Đông rằng lấy chồng sẽ sinh con, còn anh theo tư duy phương Tây, con cái không thực sự quan trọng. Lúc đó mình cũng bị áp lực từ phía gia đình trong vấn đề này và gia đình mình luôn thúc ép chuyện con cái trong khi mình và chồng không tìm được tiếng nói chung".

co gai thuy dien 1

Chưa hết, Thảo và bạn đời còn bất đồng cả trong công việc và sự nghiệp. Lúc mới sang Thụy Điển, Thảo muốn xin việc làm nhưng chồng cô không đồng ý. Thảo vẫn muốn được đi làm nên phải cố gắng tự xin việc, còn chồng thì nghĩ rằng cô chỉ nên ở nhà và đi học gì đó cho khuây khỏa. Cô tự nhận thấy lối sống đó không phù hợp với tính cách của mình. Bởi cô thích tự do, độc lập về tài chính.

Thảo cũng không có quen ai nên cuộc sống chỉ xoay quanh chuyện đi học, làm việc nhà. Nói chung, với cô, cuộc sống khi ấy rất nhàm chán. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào chồng nên cô cảm thấy rất bức bối trong khi bản thân vốn là người sống rất tự lập.

"Thời điểm mình mới sang là đúng vào mùa đông luôn nên tâm trạng dễ đi xuống, cảm giác hụt hẫng lạc lõng và dễ buồn chán", Thảo kể. "Chúng mình có nhiều quan điểm khó có thể chia sẻ với nhau. Lâu dần vợ chồng trở nên xa cách, tình cảm giảm sút, trở nên thiếu tôn trọng nhau.

Cuộc sống gia đình từ đó trở nên ngột ngạt, mình cảm thấy không hạnh phúc khi sống với một người bạn đời không cùng chung chí hướng, không có tương lai và tình cảm cũng không còn như trước nữa.

Anh nghĩ rằng mình sẽ mãi ở đấy và không dám đi đâu vì mình một thân một mình không quen biết ai nơi đất khách quê người. Nhưng mình không còn muốn có cuộc sống gia đình như vậy, một mối quan hệ không hạnh phúc đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của mình trong một thời gian dài nên mình quyết định ra đi. Ra đi với duy nhất chiếc vali quần áo và 2 bàn tay trắng".

"Sau đó, mình đã tập trung vào việc đi học và đi làm. Mình hầu như không có thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ cũ. Mình biết cuộc sống của mình chỉ có thể tốt hơn khi mình được là chính mình. Vì thế, đối với mình việc học và đi làm là quan trọng hơn hết. Mặc dù lúc đó mình gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và học tập nhưng mình vẫn cố gắng vượt qua", cô tâm sự.

Gồng mình vượt qua giông bão

Đã có lúc, Thảo cảm thấy quá mệt mỏi vì một mình ở đất khách quê người, nhưng cuối cùng, cô vẫn phải tự gồng gánh mọi thứ. Trời phú cho cô bản tính tự lập từ nhỏ, nên mặc dù có mệt mỏi thật sự nhưng chưa bao giờ cô chịu gục ngã.

Thụy Điển cũng là quốc gia tiên tiến, có nền giáo dục hiện đại nên Thảo cũng đã học hỏi được từ họ rất nhiều điều. Cô cảm thấy vui khi được học và làm việc cùng người Thụy Điển mặc dù áp lực vì tiếng Thụy Điển của cô thời gian đầu "không đủ giỏi".

Sau biến cố lớn ấy, Thảo tự rút ra bài học cho bản thân rằng cần phải trang bị cho mình kiến thức về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Đây là một kiến thức rất quan trọng mà mình nghĩ nhiều bạn trẻ đã mắc phải sai lầm.

co gai thuy dien 1
Sau tất cả, giờ đây Thảo đã tìm được người bạn trai hiểu mình thật sự.

Khi "sự đã rồi", Thảo mới tìm hiểu và nhận thấy mình thiếu kiến thức một cách trầm trọng. Cô tự nhận sai về phần mình nữa. "Khi mình trang bị cho mình kiến thức về chuyện tình cảm, hành xử đúng đắn trong một mối quan hệ, hiểu được tâm lý sinh học của người bạn đời thì mọi chuyện sẽ khác", Thảo nói.

Sau cùng, Thảo dành lời khuyên cho các bạn mới sang nước ngoài sinh sống rằng các bạn nên tìm hiểu thật kỹ về đất nước nơi mình sẽ đến. Vì trước khi đi, nhiều người có tâm lý háo hức và luôn nghĩ về viễn cảnh màu hồng là mình sẽ được đặt chân đến những nơi đẹp, được trải nghiệm những điều thú vị chưa bao giờ được thấy, được sống ở một môi trường mà nhiều người ao ước, được học tập trong một môi trường tiên tiến hiện đại...

"Nhưng bên cạnh đó, mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý là mình sẽ cần phải chấp nhận và chịu khó vượt qua khó khăn, thử thách để khi sang sẽ đỡ cảm thấy bị hụt hẫng. Nhiều người đã từng thất vọng đến nỗi chỉ muốn quay trở về quê hương", cô nói.

Thảo khuyên mọi người cũng cần phải đầu tư vào phát triển ngôn ngữ, phát triển bản thân để theo kịp với cuộc sống nơi đất khách quê người.

"Muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn thì bạn phải hi sinh rất nhiều trong giai đoạn đầu. Học hỏi và làm quen thì chắc chắn là mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn...", cô nhắn gửi.

Cảm ơn Phương Thảo về những chia sẻ của bạn!

Theo Afamily