Vụ cháy nhà máy nghi có người Việt trồng cần sa ở Oldham nói lên điều gì mới?

vu chay o oldham co gi moi 1
Nhà máy Bismark ở Oldham bị hỏa hoạn ngày 7/5, và cảnh sát tìm thấy hài cốt 10 tuần sau đó

Ngày 5/8, cảnh sát Greater Manchester, Anh Quốc công bố danh tính bốn người Việt mất tích, nghi là nạn nhân trong vụ cháy nhà máy bỏ hoang Bismark House Mill ở Oldham hôm 7/5.

Bốn người là Chu Van Cuong (39 tuổi), Nguyen Van Uoc (31 tuổi), Nguyen Van Duong (29 tuổi), và Le Thanh Nam (21 tuổi). Trong đó, anh Nguyen Van Uoc đã được xác định là 1 trong 4 người thiệt mạng.

Vụ việc tiếp tục khiến dư luận Anh quan tâm, với các báo liên tục đưa tin về vụ cháy ở Oldham và vấn đề người nhập cư lậu từ Việt Nam.

Ông Jamie Fookes, điều phối viên nhóm giám sát chống buôn người của Anti-Slavery International, cho biết: “Chúng ta có thể thấy nhiều dấu hiệu rất khớp với khả năng buôn người, đặc biệt với người Việt tại Anh Quốc. Đây là lần thứ hai trong vài năm gần đây có nhiều người Việt thiệt mạng liên quan đến vấn đề buôn người.”

Anti-Slavery International là tổ chức nhân quyền lâu đời nhất thế giới, thành lập từ năm 1839 với tên gọi British and Foreign Anti-Slavery Society (Hiệp hội Chống Nô lệ Anh và Nước ngoài).

Trang web của Anti-Slavery International có một báo cáo năm 2019 về riêng người Việt. Theo ông Fookes, số liệu cho thấy người Việt đứng thứ ba về nạn nhân buôn người ở Anh Quốc. Riêng trong năm 2021, Bộ Nội vụ (Home Office) có gần 1000 trường hợp công dân Việt, trong đó 64% là người lớn, số còn lại là trẻ em.

Ông Fookes nói thêm: “Điều cần nhớ là, đây chỉ là con số cho những người đã được nhận dạng, đã được cảnh sát và Bộ Nội vụ biết, còn quy mô thật sự lớn hơn nhiều.” Ông không có ước tính cho số lượng nạn nhân người Việt trên thực tế.

vu chay o oldham co gi moi 1
Bốn người Việt mất tích, nghi có liên quan đến vụ hỏa hoạn ngày 7/5 ở Oldham.

Hai khái niệm khác nhau theo luật Anh

Ông Jamie Fookes giải thích về hai khái niệm liên quan đến việc người nhập cư trái phép vào Anh:

“Nếu ai đó chạy trốn khỏi cái gì đó, như chiến tranh, nghèo đói, ngược đãi… và trả tiền cho người khác để được vào Vương quốc Anh, đó là tình trạng đưa lậu người (smuggling)”, còn buôn người (trafficking) là khi một người “bị bóc lột sức lao động, bị ép làm việc ở tiệm rửa xe, tiệm làm móng, hay mại dâm”, “bị chuyển từ nơi này đến nơi khác ngoài ý muốn”, và bị “đưa từ nơi này đến nơi khác nhằm mục đích bóc lột”.

“Buôn lậu người, về mặt cơ bản, là tội hình sự chống lại nhà nước, vì vi phạm luật về biên giới… trong khi buôn người là tội chống lại cá nhân.”

Tuy nhiên ông cũng nói hai hiện tượng này không hoàn toàn tách bạch, vì một người có thể được đưa lậu vào Anh quốc rồi trở thành nạn nhân buôn người vì bên kia tăng giá, lấy hộ chiếu, hoặc ép đi làm việc đâu đó và bóc lột sức lao động. “Một khi có yếu tố bóc lột, smuggling trở thành trafficking”.

Thay đổi trong vài năm gần đây

Một trong những câu hỏi đặt ra là, có thay đổi gì về tình trạng người Việt nhập cư lậu vào Anh sau thảm kịch 39 người chết trong xe tải ở Essex?

Theo ông Jamie Fookes, một thay đổi là phía nhà nước siết chặt hơn về nhập cư “và đặt chuyện thực thi luật di trú trên chuyện hỗ trợ cho nạn nhân”. Tuy nhiên, nhóm giám sát “không thấy giảm trong số lượng trường hợp được xác định là buôn người, mà tiếp tục tăng đều”. Ông giải thích “Số tăng đó không nhất thiết cho thấy vấn đề buôn người trở nên nhiều hơn, mà có thể chúng tôi chỉ nhận dạng được tốt hơn.”

Khi được hỏi thời gian đại dịch, ông Fookes nói “Chúng tôi không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vấn đề buôn người giảm đi trong đại dịch”. Dù có phong tỏa và hạn chế du lịch, ông nói trong thời gian đó vẫn có giao dịch toàn cầu, vẫn có nhiều xe cộ đi lại và vận chuyển qua cảng biển, chẳng hạn như xe chở thực phẩm hay vận chuyện đồ bảo hộ y tế, tạo điều kiện cho nhập cư lậu.

Tuy nhiên theo ông, vấn đề của đại dịch là phong tỏa, giãn cách xã hội, một số dịch vụ bị trì hoãn làm ảnh hưởng đến chuyện các tổ chức xã hội nhận dạng được trường hợp buôn người.

vu chay o oldham co gi moi 1
Việt Nam đứng thứ ba về nạn nhân nô lệ hiện đại ở Anh quốc

Trại cần sa nay dời ra ngoài London

Khi nói về hai khuynh hướng thay đổi trong vài năm gần đây, ông Fookes cho biết “Nhiều người Việt bị đưa từ nơi này đến nơi khác, và có vẻ là những chuyện di chuyển này ngày càng tăng. Một số người Việt được nhân viên xã hội tìm thấy ở một nơi ở Anh Quốc, rồi sau đó lại xuất hiện ở một nơi khác ở Anh quốc.”

Điều này có thể thấy trong tập “Modern Day Slavery” (Nô lệ thời hiện đại) trong chương trình The Prosecutors của BBC năm 2018: một nạn nhân người Việt bị bóc lột được cảnh sát lần đầu tiên tìm thấy ở một tiệm nail ở Bath rồi mất tích, sau đó lại được tìm thấy ở Burton-upon-Trent, Staffordshire, tức là cách khoảng hơn 200 km.

Ngoài ra, ông Jamie Fookes nói “Chúng tôi có thể thấy là có khả năng chuyện sản xuất cần sa cũng được dời ra ngoài London, tới cái khu vực tỉnh lẻ hơn.” Tuy nhiên, vì đây là “một ngành rất năng động” và không ngừng biến đổi, “rất khó biết chắc chắn chuyện gì đang xảy ra.”

Xử phạt với tội phạm buôn người

Ông Fookes nói “Ở Anh có tỷ lệ truy tố rất thấp” với các kẻ buôn người. Theo ông, không có nhiều trường hợp bị truy tố, chẳng hạn như vì nạn nhân không xuất hiện lên tiếng hoặc vì bằng chứng không đủ, và khi có truy tố cũng không phải trường hợp nào cũng kết án.

“Giữa tháng 4/2016 và tháng 5/2021, Công tố Hoàng gia Anh (Crown Prosecution) xử lý 185 vụ truy tố nô lệ có nạn nhân trẻ em ở xứ Anh và Wales, với tỷ lệ kết án là 51%.

Đây là rất thấp so với mức lẽ ra phải có. Có hàng ngàn trẻ em được xem là nạn nhân trong khoảng thời gian đó.”

Con số 185 là các vụ truy tố ở Anh và Wales nói chung, không chỉ cho người Việt.

Quay trở lại chuyện hài cốt được tìm thấy ở nhà máy Bismark ở Oldham, ông Fookes nói:

“Nếu các tử thi được khẳng định chính là bốn người mất tích, trường hợp này cần được xem xét như một vấn đề ưu tiên. Đây là chuyện rất bi thảm cho gia đình nạn nhân.”

Theo BBC Tiếng Việt