Chật vật kêu gọi lao động bất hợp pháp hồi hương

Lần thứ năm trong hai năm qua, ông Chu Ngọc Tửu đến nhà ông Bắc thuyết phục gia đình gọi con đang cư trú bất hợp pháp về nước, nhưng kết quả gần như vô vọng.

Ông Tửu là Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi có nhiều lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Gia đình ông Bắc cũng là những người hiếm hoi cởi mở tiếp đón đoàn cán bộ thôn Tân Thượng đầu tháng 8 này.

Ông Bắc có hai con tuổi 27-28 đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Con đầu sang Hàn Quốc theo đường du lịch rồi trốn ở lại làm việc. Hơn hai năm qua, anh cưới vợ sinh con, gửi con về Việt Nam nhờ ông bà nuôi. Con thứ hai đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hơn một năm thì bỏ ra ngoài làm cho một xưởng thực phẩm. Lo cho các con hơn 300 triệu đồng, ông Bắc vừa phải vay ngân hàng vừa nhờ họ hàng hỗ trợ để bớt tiền lãi, nay mới vừa dứt nợ.

keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
Bảng tuyên truyền của nhà chức trách Quảng Bình gắn trên bờ tường của một trụ sở ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, khuyên người dân không làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Ảnh: Hoàng Táo

Nhiều lần làm việc với cán bộ thôn xã, ông Bắc hiểu việc con cư trú bất hợp pháp đối mặt nhiều rủi ro, nhưng bản thân không thể quyết. "Đôi lúc tôi nhắc khéo bao giờ về, con tỏ vẻ không vui, tâm sự rằng chưa tiết kiệm được tiền, hơn nữa về quê lúc này cũng không biết làm gì", ông Bắc kể. Nghe chia sẻ, ông Tửu chỉ còn biết hy vọng một ngày ba bố con tìm được tiếng nói chung.

Mười năm qua, ông Tửu không thể đếm được số lần đến các gia đình vận động người thân không làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Phản hồi mà ông và cộng sự nhận được thường là đóng cửa không tiếp, hoặc trả lời hời hợt, miễn cưỡng. Có lần kết nối trực tiếp với người lao động ở nước ngoài, nhận được câu trả lời: "Kinh tế khó khăn lắm, mong bác thông cảm", lòng ông chùng xuống.

Trong sâu thẳm, ông Tửu thấu hiểu tâm lý các gia đình, "bề ngoài tỏ ra hợp tác, nhưng trong lòng họ ngầm ủng hộ con cái làm việc bất hợp pháp" nhằm cải thiện cuộc sống nghèo khó. Ông chỉ còn biết hy vọng mưa dầm thấm lâu.

keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
Lao động Việt làm việc tại công trường xây dựng ở Đài Loan, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

Theo một nữ cán bộ chính sách xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An, nơi có nhiều người xuất ngoại đang làm việc bất hợp pháp, việc tuyên truyền, vận động chỉ là phần ngọn của vấn đề. Đa số cán bộ vận động người vi phạm chỉ tiếp xúc gián tiếp qua người thân nên hiệu quả không cao.

Mỗi khi gặp gỡ, bà thường phân tích theo hướng tình cảm vợ chồng, mẹ con xa cách lâu ngày nhằm tác động tư tưởng. Với những người đang làm hồ sơ xuất cảnh, bà tuyên truyền về hệ lụy lâu dài nếu bỏ trốn. Hiệu quả của việc này đến đâu khó đo đếm, vài người đã trở về, nhưng số bỏ trốn cũng không giảm đi.

Dù vậy, giống như ông Tửu, nữ cán bộ xã vẫn tin tưởng kiên trì đôi lúc cũng mang lại thành quả. "Hai năm trước, tôi nhiều lần trực tiếp tới nhà và gọi điện cho một lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Đầu năm nay, họ đã về nước", bà nói và cho hay đây là trường hợp hiếm hoi hồi hương.

Huyện Bố Trạch và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cũng có hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động. Một số khu vực, nhà chức trách đã in băng rôn, bảng biển kích thước lớn gắn trên tường trụ sở công ty, cơ quan nhà nước, khuyến cáo người dân làm việc ở nước ngoài không nên bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng.

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch xã Hải Ninh, cho biết xã có 600 lao động ở nước ngoài, tỷ lệ bỏ ra ngoài khoảng 10%, đa phần là người dưới 30 tuổi. Cán bộ thường khuyên người dân không được ủng hộ con phá hợp đồng, bởi sẽ làm khổ những người đi sau, nước bạn sẽ không tuyển lao động của địa phương nữa.

"Xã đang tham khảo ý kiến huyện về việc không xác nhận cho lao động đi xuất khẩu nếu gia đình có người bỏ trốn ở nước ngoài", ông Liệu nói về phương án sắp tới, sau nhiều lần vận động không đạt kết quả.

keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
Ông Chu Ngọc Tửu, Bí thư thôn Tân Thượng, đang phân tích cho người dân hiểu về những mặt trái của lao động bất hợp pháp tại nước ngoài. Ảnh: Đức Hùng

Việt Nam có hàng nghìn lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, đa phần ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hồi tháng 7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dừng tuyển người đi Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động ngoài nước (EPS) với 8 huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương và Thanh Hóa, do số người cư trú bất hợp pháp từ 70 trở lên, tỷ lệ hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn trên 27%.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông Đinh Văn Nam, cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do thu nhập. Họ bỏ ra ngoài làm lương cao gấp hai đến ba lần so với đi theo đơn hàng của công ty, trở về quê thì thu nhập thấp, không đáp ứng được chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, biết là sai nhưng rất ít gia đình đủ bản lĩnh khuyên con về.

Ông Đinh Văn Nam đánh giá chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh. Người lao động trước khi xuất cảnh được yêu cầu ký quỹ 100 triệu đồng. Số tiền này tương đương 2-3 tháng lương làm ngoài, nên nhiều người sẵn sàng đánh đổi. Bên cạnh đó, Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cho phép phạt tiền người vi phạm 80-100 triệu đồng. Song, các cán bộ xã nói không dễ thực thi vì không nắm được thông tin của người bỏ trốn.

"Ban đầu khi bỏ trốn có thể không vận động được, nhưng lúc họ về nước thì phải xử lý thế nào để làm gương cho những trường hợp khác, đó mới là mấu chốt", ông Nam nói.

Là lãnh đạo một doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng để hạn chế tình trạng bỏ trốn, doanh nghiệp cần thị sát công ty tiếp nhận xem mức lương, phúc lợi, tiền làm thêm, điều kiện gia hạn hợp đồng ra sao. Khi người lao động yên tâm với chế độ làm việc và thu nhập thì sẽ hạn chế bỏ trốn. Việc trang bị ngôn ngữ, pháp luật, phong tục... cũng là khâu quan trọng giúp lao động hòa nhập môi trường làm việc, hạn chế mâu thuẫn với người quản lý hoặc chủ sử dụng.

Theo VnExpress