• Làng Đông Bích, Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề buôn tóc xuất sang cả châu Âu, châu Mỹ. Nhờ nghề này, nhiều người dân ở Đông Bích trở thành tỷ phú.

    lang bac ninh 1

    Làng Đông Bích (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, từ nhiều năm nay nổi tiếng nhờ nghề buôn tóc. Làng Đông Bích nằm nổi bật ở một góc của xã Đông Thọ bởi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. 

    lang bac ninh 1

    30 năm trước, làng Đông Bích (xã Đông Thọ) là một làng quê nghèo. Từ giữa những năm 90, một số người làng Đông Bích bắt đầu với nghề buôn tóc và dần phát triển.

    Một số người cao tuổi trong làng kể, khoảng 20 năm trở lại đây nghề buôn tóc ở đây mới phát triển mạnh mẽ. 

    lang bac ninh 1

    Đường dẫn vào làng Đông Bích san sát những ngôi nhà cao tầng, nhờ nghề buôn tóc, cuộc sống của người dân trong làng đã thay đổi, phát triển mạnh mẽ. 

    Nhờ nghề buôn tóc, đời sống người dân làng Đông Bích ổn định, nhiều hộ thành tỷ phú nhờ nghề này.

    lang bac ninh 1

    Dạo quanh làng Đông Bích không khó để bắt gặp những cơ sở sơ chế, làm đẹp cho từng sợi tóc.

    Người dân làng Đông Bích ví nghề này là "mua của người chán, bán cho người cần". Nơi đâu có tóc là dân làng Đông Bích đến mua. 

    Sau khi mua tóc thô, tóc rối, người dân làng Đông Bích sẽ phân loại, sơ chế, chỉnh trang cho từng sợi đều, đúng đầu cuối,... Giá nhập vào và bán ra các loại tóc được xem là bí mật của dân làng, bởi họ quan niệm nếu tiết lộ sẽ khó thu mua.

    lang bac ninh 1

    "Mỗi loại tóc, các bước sơ chế, thành phẩm sẽ có giá cả riêng nhưng đây là điều bí mật không thể tiết lộ với người ngoài", ông H., người dân làng Đông Bích chia sẻ và đánh giá tất cả các khâu để hoàn thiện một sản phẩm tóc đẹp đều rất quan trọng, cần độ chính xác cao.

    Ở làng Đông Bích mỗi hộ chuyên sâu về một chủng loại tóc, người chuyên tóc dài, người tóc rối, người chỉ mua tóc vụn, người sơ chế,... Để hoàn thiện một bộ tóc phải mất từ 5 đến 7 ngày. 

    Theo ông H., làng Đông Bích hiện có hơn 80% gia đình làm nghề liên quan đến tóc. Mặc dù cả nước đã có thêm nhiều nơi buôn tóc nhưng các sản phẩm từ tóc ở làng Đông Bích mang nét đặc trưng riêng, không nơi nào có được. Để đảm bảo công việc, nhiều cơ sở còn thuê công nhân ở các địa bàn lân cận như Sóc Sơn (Hà Nội) hay Bắc Giang,... đến làm việc.

    lang bac ninh 1

    Những bộ tóc dài, dày sẽ bán được giá cao. Muốn mua được tóc nguyên bản giá cao, người thu gom phải đến những vùng núi cao hay vùng quê hẻo lánh, nơi người dân ít sử dụng hóa chất tác động vào mái tóc.

    Bà Nguyễn Thị Luyến (52 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, việc trồng lúa sản xuất theo thời vụ nên thời gian rảnh rỗi bà tìm đến làng Đông Bích làm thuê các công việc sơ chế tóc để kiếm thêm thu nhập.

    "Ở đây chúng tôi làm việc theo tiếng, nếu bận có thể xin nghỉ sớm hoặc đi làm muộn", bà Luyến nói.

    lang bac ninh 1

    Ông Lê Duy Thiện (50 tuổi, người dân làng Đông Bích) đánh giá, trong công đoạn gia công tóc khâu chạy máy là quan trọng và vất vả nhất, khâu này để phân biệt đầu, chân tóc.

    lang bac ninh 1

    "Để có được một sản phẩm tóc tốn rất nhiều công, cần sự kiên trì, tỷ mẩn, cẩn thận, các khâu không được phép sai sót", ông H. chia sẻ và cho biết các khâu chính để hoàn thiện một bộ tóc hầu hết do phụ nữ đảm nhiệm còn cánh đàn ông đi kiếm "hàng" làm những công việc phụ. 

    Sau khi thu mua về, tóc sẽ được sơ chế, chăm sóc, phân loại tại các xưởng gia công. Từng sợi tóc được các công nhân gỡ rối, sắp xếp đầu cuối.

    lang bac ninh 1

    Lãnh đạo UBND xã Đông Thọ cho biết, nghề buôn tóc là nghề thế mạnh của làng Đông Bích đã có từ nhiều năm. Sản phẩm tóc của làng Đông Bích hiện được bán sang cả châu Mỹ, châu Âu,...

    Theo Dân Trí

  • Đỗ Đại học Vinh (Nghệ An) nhưng Y. không theo học. Gia đình chấp nhận bỏ hơn 45.000 USD để nữ sinh sang Mỹ làm thuê. Tuy nhiên em chưa kịp đặt chân lên “miền đất hứa”, bi kịch đã xảy ra…

    Nhiều năm trở lại đây, ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, học sinh có xu hướng học THPT chỉ để lấy tấm bằng tốt nghiệp, sau đó rẽ hướng ra nước ngoài du học nghề, xuất khẩu lao động. Sức hút đồng tiền đã khiến số lượng học sinh học đại học giảm, thậm chí có làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên đại học. Bộ mặt làng quê thay đổi với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ô tô đỗ trước ngõ... từ nguồn tiền các em gửi về. Nhưng lao động xứ người không phải là con đường đầy hoa hồng...

    Giấc mơ đổi đời khép lại

    Không phải tất cả những học sinh giỏi chuyển hướng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều kiếm được tiền tỷ nhanh chóng. Lao động ở xứ người tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bị trục xuất về nước, thậm chí có em phải bỏ mạng nơi xứ người…

    Cuối tháng 10/2019, thảm kịch 39 thi thể trong xe container ở Anh làm rúng động thế giới, trong đó có nạn nhân Phạm Thị Trà M. (26 tuổi, trú ở Can Lộc, Hà Tĩnh). Trà M. từng theo học ở một trường cao đẳng nhưng em bỏ dở để đi XKLĐ ở Nhật, 3 năm sau, em mong muốn sang Anh lao động.

    Gia đình đưa cho người môi giới 22.000 USD để nữ sinh vượt biên sang Anh. Nhưng giấc mơ đổi đời đã khép lại khi gia đình em bàng hoàng nhận tin con gái qua đời trong thùng container đông lạnh.

    chi tien ty xuat ngoai 1
    Bên cạnh những ngôi biệt thự mọc lên khắp nơi, cuộc sống đổi thay nhờ XKLĐ, cũng có nhiều bi kịch phía sau dòng tiền ngoại tệ gửi về (một góc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

    Nhưng bài học đó, dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh. Hiện nay, tại Hà Tĩnh có nhiều em từ chối vào đại học, cao đẳng, quyết tâm đi xuất ngoại. Gia đình sẵn sàng vay mượn tiền tỷ để con hiện thực ước mơ đổi đời. Nhiều người thậm chí đi theo con đường bất hợp pháp, chấp nhận rủi ro không có pháp luật bảo vệ.

    Một cán bộ thôn ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết: “Thôn có 463 người đang lao động ở nước ngoài, nhiều nhất xã, chủ yếu đi theo con đường không chính thống. Không ít em từ chối dù đã đỗ đại học. Một số em vào đại học sau đó lại bỏ ngang, có em đã sở hữu tấm bằng cử nhân nhưng không tìm việc làm ở quê nhà mà sang Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc... làm việc”.

    Nữ cán bộ thôn chia sẻ với VietNamNet đằng sau số tiền ngoại tệ gửi về không ít những rủi ro. Người thân của nữ cán bộ thôn này cũng rơi vào tấn bi kịch mất con gái, để lại số nợ hàng trăm triệu đồng.

    Nữ cán bộ thôn kể đầu năm 2019, cháu của bà là H.Y (con của em gái) đỗ ngành Kế Toán, Đại học Vinh nhưng Y. không theo học. Em cùng gia đình chấp nhận bỏ hơn 45.000 USD để sang Mỹ làm nail.

    chi tien ty xuat ngoai 1
    Với học sinh học lực tốt, khi đứng trước chọn lựa từ bỏ đại học để đi XKLĐ, các em nên cân nhắc về những rủi ro, đánh đổi.

    Theo chỉ dẫn của người môi giới, Y. có visa sang Canada đi theo diện chủ doanh nghiệp bên kia bảo lãnh, phí là 20.000 USD. Sau 2 tháng làm việc nông nghiệp trong trang trại ở Canada, được “cò” thông báo, gia đình Y. chồng hết số tiền còn lại để sắp xếp cho em vượt biên từ Canada sang Mỹ bằng đường sông.

    Tuy nhiên, từ khi Y. thông báo với người nhà "đang chuẩn bị lên thuyền để đi sang Mỹ", gia đình đã mất liên lạc với em. Sau 2 ngày ngóng chờ tin con, gia đình nhận về tin dữ Y. đã mất do sẩy thuyền đuối nước.

    “Chúng tôi không biết cháu mất do bất cẩn hay bị sát hại. Gia đình liên hệ với chủ doanh ở Canada và nhận được câu trả lời là Y. tự ý bỏ việc, di chuyển sang địa phận khác nên không chịu trách nhiệm. “Cò” cũng phủi tay, chỉ hoàn trả 2.000 USD để gia đình đưa thi thể Y. về Việt Nam. Do vượt biên trái phép nên gia đình cũng không thể nhờ pháp luật của hai nước can thiệp”, cán bộ thôn này nói.

    Cho con đi du học nghề, gia đình phải bán đất trả nợ

    Thầy Nguyễn Tuấn D. - giáo viên một trường THPT huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng thừa nhận không phải tất cả học sinh giỏi từ chối vào đại học, đi XKLĐ đều trở nên giàu có, nhận "quả ngọt" nhanh chóng. Trong đó, có nhiều trường hợp bị trục xuất về nước khi làm việc trái pháp luật ở nước ngoài.

    chi tien ty xuat ngoai 1
    Học bạ của một học sinh xuất sắc. Em đã từ chối cánh cửa ĐH để đi Hàn Quốc. (Ảnh: Thầy D. cung cấp)

    Em Hồ Văn V. (SN 2003, trú ở huyện Thạch Hà) là một học sinh xuất sắc, từng giành nhiều giải HSG cấp tỉnh môn Hóa học. Điểm xét tuyển vào đại học khối A00 của em V. đạt 27,25. Tuy nhiên như nhiều học sinh khác ở mảnh đất này, V. chọn đi du học nghề ở Hàn Quốc.

    Gia đình nam sinh bỏ ra 500 triệu đồng gồm các thủ tục giấy tờ và tiền cọc để V. có visa diện du học nghề ở Hàn Quốc trong 5 năm. Ngoài ra, khi sang nước này, V. đã đóng thêm 100 triệu đồng học phí cho năm đầu.

    Với lý do đi học kín lịch, không có nhiều thời để làm thêm trong khi chi phí trang trải cuộc sống đắt đỏ nên chỉ mới 5 tháng V. đã bỏ học. Em trốn ra ngoài tìm việc và trở thành lao động bất hợp pháp.

    Mới làm việc được 2 tháng, một lần, V. cùng với 30 người được chủ chở đi làm về thì bị chính quyền sở tại bắt. Nam sinh này bị trục xuất về nước.

    “Làm giàu, đổi đời chưa thấy, 7 tháng ở Hàn Quốc, kiếm chưa đủ trả tiền vay đi du học nghề. V. đã bị trục xuất về nước, mang một theo đống nợ. Tự ti, mặc cảm và để tránh những lời dèm pha, em nhốt mình trong nhà nhiều tháng liền. Để giảm áp lực cho con, bố mẹ V. phải bán đất trả nợ” thầy D. nói.

    Cũng theo thầy D., nhiều em chia sẻ cuộc sống ở xứ người không phải “màu hồng”. Có em bán sức lao động, làm quần quật 10- 12 tiếng/ngày, bị chủ ngược đãi ,quỵt lương, bị kì thị, khi đau ốm, bệnh tật không có người thân chăm sóc…

    "Đi XKLĐ nhiều em may mắn kiếm được số tiền lớn nhưng đánh đổi thời gian, cơ hội bổ sung kiến thức, phát triển tư duy ở giảng đường đại học. Khi về quê tính kế lâu dài, các em khó tìm được việc được làm phù hợp.

    Với các bạn học giỏi, xuất sắc, khi đứng trước chọn lựa từ bỏ đại học để đi XKLĐ, du học nghề, các em nên cân nhắc. Con đường này cho chúng ta thu nhập lớn, nhanh chóng nhưng cũng nhiều rủi ro. Theo tôi, các em học tốt, cầu tiến sau khi tốt nghiệp đại học sẽ không khó khăn để tìm việc, thậm chí có thể sở hữu một công việc có thu nhập tốt”, thầy D. nói thêm.

    Theo Vietbao

  • Nhiều em là học sinh giỏi, thậm chí là đỗ trường đại học top đầu cả nước nhưng lại không mặn mà với con đường đại học. Các em chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, bán sức ở xứ người.

    xuat khau lao dong 1
    Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ các con chị đều học khá giỏi nhưng không ai đi học đại học, đi xuất khẩu lao động. Ảnh: VietNamnet

    Nhiều năm trở lại đây, ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, học sinh có xu hướng học THPT chỉ để lấy tấm bằng tốt nghiệp, sau đó rẽ hướng ra nước ngoài du học nghề, xuất khẩu lao động. Trong đó, nhiều học sinh giỏi, thậm chí đỗ những trường đại học danh giá, vẫn quyết định rẽ hướng.

    Thực trạng thất nghiệp, công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp sau học đại học... khiến nhiều gia đình hướng con em mình ra nước ngoài kiếm tiền.

    Những ngôi nhà cao tầng mọc lên các làng quê nghèo cũng từ nguồn tiền các em gửi về. Sức hút đồng tiền đã khiến số lượng học sinh học đại học giảm, thậm chí có làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên đại học.

    Học sinh giỏi không mặn mà với giảng đường đại học

    Trước đây, nhiều phụ huynh ở vùng quê Hà Tĩnh vẫn luôn nghĩ dù vất vả thế nào cũng cho con đi học đại học bởi con vào được đại học niềm tự hào của gia đình, cả dòng họ và đó là con đường duy nhất để thoát nghèo.

    Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên ra trường, thậm chí cầm trong tay tấm bằng “đỏ”, vẫn không xin được việc làm, nhiều em chật vật kiếm được việc làm nhưng không đúng chuyên ngành. Hoặc nếu có việc nhưng với đồng lương bèo bọt không đủ trang trải cuộc sống nên phụ huynh, thậm chí là chính các em học sinh giỏi, đã dần thay đổi tư tưởng, từ chối vào đại học, chọn con đường xuất khẩu lao động.

    Thầy Lê Hoài Nam, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Thiên (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cho biết trước đây, học sinh của trường vào các trường đại học, cao đẳng chiếm số lượng lớn. Đa số học sinh giỏi đều chọn lựa vào các trường đại học top đầu để học tập.

    Tuy nhiên, hiện nay, số lượng đã có phần dịch chuyển. Nhiều học sinh giỏi, xuất sắc không thi đại học mà chuyển hướng xuất khẩu lao động hoặc vừa học vừa làm ở nước ngoài.

    “Thực tế, rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm nên phụ huynh, học sinh thay đổi nhận thức, chọn lựa phương án đi du học nghề, xuất khẩu lao động. Đi xuất khẩu lao động, các em có tay nghề và có mức thu nhập cao. Mỗi năm, trường có nhiều học sinh khá, giỏi chọn phương án này thay vì học đại học”, thầy Nam nói.

    Thầy Nam cho biết năm học vừa qua, nhà trường có 2 học sinh đoạt giải nhất cấp tỉnh môn Địa lý, các em nằm trong đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia nhưng từ chối tham gia vào đội dự tuyển để ôn luyện.

    Thầy Nam nói thêm hai học sinh này, ngoài giành giải nhất cấp tỉnh môn Địa lý, các em còn là học sinh giỏi toàn diện. Chia sẻ lý do với thầy cô, các em nói rằng mục tiêu chỉ học hết lớp 12, lấy bằng tốt nghiệp THPT và không thi vào đại học. Các em dành thời gian học tiếng Hàn, Nhật... và các kỹ năng nghề phù hợp với bản thân để đi xuất khẩu lao động.

    Nhiều hiệu trưởng trường THPT ở Hà Tĩnh cũng chia sẻ với VietNamNet hiện nay, học sinh có định hướng rất thực tế, các em có quan điểm rõ ràng, đi học đại học chưa chắc đã xin được việc làm. Vì vậy, không chỉ học sinh có lực học trung bình mà cả rất nhiều em lực học giỏi đi học chỉ để lấy bằng tốt nghiệp THPT, sau đó chọn con đường xuất ngoại.

    xuat khau lao dong 1
    Học bạ năm lớp 12 của em Nguyễn thị T. là học sinh giỏi, hiện em đi xuất khẩu động ở Nhật. Ảnh: VietNamNet.

    Đỗ đại học top đầu vẫn từ bỏ, rẽ hướng sang lao động nơi xứ người

    Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (trú thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) có 5 người con học lực khá giỏi. Tuy nhiên, không ai chọn lựa đi học đại học, thay vào đó các em học hết THPT rồi ra nước ngoài xuất khẩu lao động.

    Hiện nay, 3 người con gái của gia đình chị Hoa đi xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản, còn con trai út sinh năm 2003 đang học tiếng để đi Hàn Quốc.

    Chị Hoa nói có nhiều trường hợp ở xã đi học đại học nhưng không xin được việc phải vào các tỉnh phía nam làm công nhân hoặc đi XKLĐ. Nên gia đình và các con không chọn thi vào đại học, cao đẳng mà quyết định đi xuất khẩu lao động, dù các cháu đều học giỏi.

    Em Hoàng Thị T. (SN 2000), con gái thứ 4 của gia đình chị Hoa, có năng lực học tập tốt, hoạt động ngoại khóa năng nổ song em không thi đại học. Em đi xuất khẩu lao động đơn hàng thực phẩm ở Nhật Bản.

    Em T. 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện, học bạ năm lớp 12 của em điểm tổng kết trung bình các môn học đạt 8,3 điểm, xếp loại học sinh giỏi, giáo viên chủ nhiệm nhận xét là bí thư chi đoàn gương mẫu, nhiệt tình, vươn lên trong học tập.

    Với năng lực học tập như trên, T. có nhiều cơ hội để vào học các trường đại học thương hiệu tốt. Tuy nhiên, em học chỉ để thi tốt nghiệp THPT. Nhiều giáo viên tiếc nuối với quyết định của em.

    “Đi học đại học mất thời gian hơn 4 năm và một khoản học phí không nhỏ nhưng không chắc chắn về cơ hội việc làm. Vì suy nghĩ đó, các con tôi chọn ra nước ngoài làm việc, có cơ hội kiếm được khoản tiền lớn. Khi có kinh tế, các con sẽ tự chủ trong cuộc sống”, chị Hoa chia sẻ.

    Thời điểm năm 2016, em Nguyễn Thị H. (SN 1988, trú thôn Bắc Hải, xã Thạch Hà) đỗ hai trường đại học top đầu cả nước, được nhiều người ngưỡng mộ, song H. từ chối vào đại học, rẽ hướng đi xuất ngoại - du học nghề ở Hàn Quốc.

    Chị Nguyễn Thị Thu (mẹ của em H.) thông tin H. học rất giỏi, trước đây em đỗ vào Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Ngoại thương nhưng không theo con đường này. Hiện em học tập, làm việc ở Hàn Quốc, có mức thu nhập tốt, hàng tháng, em gửi về 10 triệu đồng biếu bố mẹ.

    “Lúc đầu, H. và gia đình cũng đắn đo nhiều, sau khi tính toán, họ nhận thấy con đường đi du học nghề ở nước ngoài vẫn hơn so với học đại học. Con gái tâm sự chưa từng hối hận với quyết định của mình, đi lao động ở nước ngoài tuy vất vả, phải xa bố mẹ nhưng đổi lại thu nhập cao. Một tháng lương con làm bên Hàn Quốc bằng bố mẹ làm cả năm”, chị Thu nói.

    Chị Thu nói thêm ở xã cũng có rất nhiều trường hợp như em H., đỗ đại học nhưng theo con đường xuất khẩu lao động. Gia đình có con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, bố mẹ có tiền tỷ gửi ngân hàng, xây được nhà cao tầng càng khiến học sinh ở các vùng quê này không mặn mà với giảng đường đại học.

    Theo Zing

  • Với khoảng trên 75.000 người Nghệ An đang lao động tại nước ngoài, hàng năm những lao động này gửi về cho người thân hơn 500 triệu USD.

    Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Nghệ An , tỉnh này là một trong trong những tỉnh có nhiều lao động đang làm việc ở nước ngoài, với khoảng trên 75.000 người.

    Năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã tạo việc làm mới cho 45.000 người. Trong đó, đưa 24.560 người đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm trong tỉnh 14.000 lao động và đưa lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.500 lao động.

    xuat khau lao dong nghe an
    Xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An) giàu có, nhiều nhà lầu xe hơi nhờ xuất khẩu lao động.

    Trong số hơn 24.000 người đi lao động ở nước ngoài, 11 huyện miền núi đưa đi được 7.643 người, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu.

    Ngoài các thị trường chính tiếp tục được củng cố và tăng cường thì năm 2022 một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Đặc biệt đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi.

    Theo thống kê, người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 17 đến 30 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, hơn 75.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài gửi về cho người thân khoảng 500 đến 550 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

    Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về phối hợp tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.

    Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết chặt chẽ; thông tin các chính sách, pháp luật về lao động đến người lao động còn hạn chế; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn.

    Vẫn còn những trường hợp làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân đã gây thiệt hại cho người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.

    Năm 2023, tỉnh Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 43.000 lao động. Trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 14.500 người. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Lần thứ năm trong hai năm qua, ông Chu Ngọc Tửu đến nhà ông Bắc thuyết phục gia đình gọi con đang cư trú bất hợp pháp về nước, nhưng kết quả gần như vô vọng.

    Ông Tửu là Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nơi có nhiều lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Gia đình ông Bắc cũng là những người hiếm hoi cởi mở tiếp đón đoàn cán bộ thôn Tân Thượng đầu tháng 8 này.

    Ông Bắc có hai con tuổi 27-28 đang làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Con đầu sang Hàn Quốc theo đường du lịch rồi trốn ở lại làm việc. Hơn hai năm qua, anh cưới vợ sinh con, gửi con về Việt Nam nhờ ông bà nuôi. Con thứ hai đi xuất khẩu lao động Nhật Bản hơn một năm thì bỏ ra ngoài làm cho một xưởng thực phẩm. Lo cho các con hơn 300 triệu đồng, ông Bắc vừa phải vay ngân hàng vừa nhờ họ hàng hỗ trợ để bớt tiền lãi, nay mới vừa dứt nợ.

    keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
    Bảng tuyên truyền của nhà chức trách Quảng Bình gắn trên bờ tường của một trụ sở ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, khuyên người dân không làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Ảnh: Hoàng Táo

    Nhiều lần làm việc với cán bộ thôn xã, ông Bắc hiểu việc con cư trú bất hợp pháp đối mặt nhiều rủi ro, nhưng bản thân không thể quyết. "Đôi lúc tôi nhắc khéo bao giờ về, con tỏ vẻ không vui, tâm sự rằng chưa tiết kiệm được tiền, hơn nữa về quê lúc này cũng không biết làm gì", ông Bắc kể. Nghe chia sẻ, ông Tửu chỉ còn biết hy vọng một ngày ba bố con tìm được tiếng nói chung.

    Mười năm qua, ông Tửu không thể đếm được số lần đến các gia đình vận động người thân không làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Phản hồi mà ông và cộng sự nhận được thường là đóng cửa không tiếp, hoặc trả lời hời hợt, miễn cưỡng. Có lần kết nối trực tiếp với người lao động ở nước ngoài, nhận được câu trả lời: "Kinh tế khó khăn lắm, mong bác thông cảm", lòng ông chùng xuống.

    Trong sâu thẳm, ông Tửu thấu hiểu tâm lý các gia đình, "bề ngoài tỏ ra hợp tác, nhưng trong lòng họ ngầm ủng hộ con cái làm việc bất hợp pháp" nhằm cải thiện cuộc sống nghèo khó. Ông chỉ còn biết hy vọng mưa dầm thấm lâu.

    keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
    Lao động Việt làm việc tại công trường xây dựng ở Đài Loan, tháng 8/2022. Ảnh: Hùng Lê

    Theo một nữ cán bộ chính sách xã Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An, nơi có nhiều người xuất ngoại đang làm việc bất hợp pháp, việc tuyên truyền, vận động chỉ là phần ngọn của vấn đề. Đa số cán bộ vận động người vi phạm chỉ tiếp xúc gián tiếp qua người thân nên hiệu quả không cao.

    Mỗi khi gặp gỡ, bà thường phân tích theo hướng tình cảm vợ chồng, mẹ con xa cách lâu ngày nhằm tác động tư tưởng. Với những người đang làm hồ sơ xuất cảnh, bà tuyên truyền về hệ lụy lâu dài nếu bỏ trốn. Hiệu quả của việc này đến đâu khó đo đếm, vài người đã trở về, nhưng số bỏ trốn cũng không giảm đi.

    Dù vậy, giống như ông Tửu, nữ cán bộ xã vẫn tin tưởng kiên trì đôi lúc cũng mang lại thành quả. "Hai năm trước, tôi nhiều lần trực tiếp tới nhà và gọi điện cho một lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Đầu năm nay, họ đã về nước", bà nói và cho hay đây là trường hợp hiếm hoi hồi hương.

    Huyện Bố Trạch và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cũng có hàng nghìn người đi xuất khẩu lao động. Một số khu vực, nhà chức trách đã in băng rôn, bảng biển kích thước lớn gắn trên tường trụ sở công ty, cơ quan nhà nước, khuyến cáo người dân làm việc ở nước ngoài không nên bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng.

    Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch xã Hải Ninh, cho biết xã có 600 lao động ở nước ngoài, tỷ lệ bỏ ra ngoài khoảng 10%, đa phần là người dưới 30 tuổi. Cán bộ thường khuyên người dân không được ủng hộ con phá hợp đồng, bởi sẽ làm khổ những người đi sau, nước bạn sẽ không tuyển lao động của địa phương nữa.

    "Xã đang tham khảo ý kiến huyện về việc không xác nhận cho lao động đi xuất khẩu nếu gia đình có người bỏ trốn ở nước ngoài", ông Liệu nói về phương án sắp tới, sau nhiều lần vận động không đạt kết quả.

    keu goi nguoi lao dong hoi huong 1
    Ông Chu Ngọc Tửu, Bí thư thôn Tân Thượng, đang phân tích cho người dân hiểu về những mặt trái của lao động bất hợp pháp tại nước ngoài. Ảnh: Đức Hùng

    Việt Nam có hàng nghìn lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, đa phần ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hồi tháng 7, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dừng tuyển người đi Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động ngoài nước (EPS) với 8 huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương và Thanh Hóa, do số người cư trú bất hợp pháp từ 70 trở lên, tỷ lệ hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn trên 27%.

    Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông Đinh Văn Nam, cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do thu nhập. Họ bỏ ra ngoài làm lương cao gấp hai đến ba lần so với đi theo đơn hàng của công ty, trở về quê thì thu nhập thấp, không đáp ứng được chi tiêu hàng ngày. Vì vậy, biết là sai nhưng rất ít gia đình đủ bản lĩnh khuyên con về.

    Ông Đinh Văn Nam đánh giá chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh. Người lao động trước khi xuất cảnh được yêu cầu ký quỹ 100 triệu đồng. Số tiền này tương đương 2-3 tháng lương làm ngoài, nên nhiều người sẵn sàng đánh đổi. Bên cạnh đó, Nghị định 95 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cho phép phạt tiền người vi phạm 80-100 triệu đồng. Song, các cán bộ xã nói không dễ thực thi vì không nắm được thông tin của người bỏ trốn.

    "Ban đầu khi bỏ trốn có thể không vận động được, nhưng lúc họ về nước thì phải xử lý thế nào để làm gương cho những trường hợp khác, đó mới là mấu chốt", ông Nam nói.

    Là lãnh đạo một doanh nghiệp nhiều năm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng để hạn chế tình trạng bỏ trốn, doanh nghiệp cần thị sát công ty tiếp nhận xem mức lương, phúc lợi, tiền làm thêm, điều kiện gia hạn hợp đồng ra sao. Khi người lao động yên tâm với chế độ làm việc và thu nhập thì sẽ hạn chế bỏ trốn. Việc trang bị ngôn ngữ, pháp luật, phong tục... cũng là khâu quan trọng giúp lao động hòa nhập môi trường làm việc, hạn chế mâu thuẫn với người quản lý hoặc chủ sử dụng.

    Theo VnExpress

  • Mỗi năm lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 4.000 tỷ đồng khiến xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) như "lột xác", biệt thự mọc lên khắp xã.

    Cuối tháng 8, ông Trần Thông, 61 tuổi, ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đội nắng hỗ trợ thợ xây lát sân cho ngôi nhà ba tầng mới hoàn thành. Hơn 10 năm trước, lão ngư từng an phận với căn nhà cấp bốn bởi gia đình đông con, nghề biển bấp bênh.

    Từ khi bốn con trai lần lượt sang làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cuộc sống gia đình thay đổi. Ngoài chu cấp cho gia đình riêng, các con còn góp tiền xây nhà, sắm tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng... để bố mẹ có cuộc sống tiện nghi lúc tuổi già.

    ha tinh xuat khau lao dong 1
    Một góc xã Cương Gián, nơi có gần 2.700 người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Đức Hùng

    Không chỉ gia đình ông Thông, cả xã Cương Gián sung túc nhờ tiền của lao động xa xứ gửi về. Theo Chủ tịch xã Hoàng Văn Hà, làn sóng xuất khẩu lao động bắt đầu ở xã từ năm 1990, khi những thanh niên tuổi đôi mươi nuôi ước vọng làm giàu bằng nghề thuyền viên ở Hàn Quốc. Khi ổn định, họ rủ thêm anh em xuất ngoại, làm giúp việc, lắp ráp linh kiện điện tử ở Đài Loan, Nhật Bản...

    Đến những năm 2000, khi lao động làm quen với môi trường và công việc ở nước ngoài, tiền gửi về quê đều đặn, bộ mặt làng quê mới thay đổi rõ rệt. Đường sá được đổ nhựa hoặc bê tông thay cho những con đường đất, hay lát đá gồ ghề. Hàng nghìn ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát. Ngoài sắm vật dụng tiện nghi, các gia đình còn mua ôtô đi lại.

    Toàn xã có 15.000 dân với hơn 3.000 hộ, trong đó 2.700 người đang làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Trung bình mỗi tháng mỗi cá nhân gửi về quê khoảng 700 USD. Cương Gián vì thế được gọi là "làng tỷ phú", "làng Hàn Quốc", hay "làng xuất ngoại", bởi số lao động của xã đang làm việc tại xứ sở kim chi chiếm gần một nửa.

    Xuất khẩu lao động phát triển mạnh, đưa Hà Tĩnh là một trong ba tỉnh có số người làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng đứng đầu cả nước. Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2013 đến nay, số lao động xuất ngoại gần 69.000, trung bình mỗi năm hơn 7.000, chủ yếu ở huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh...

    Tổng thu nhập của lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại nước ngoài khoảng 6.800-7.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó số tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng. Nhiều vùng quê trở nên giàu có nhờ đưa lao động đi xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế, thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới...

    ha tinh xuat khau lao dong 1
    Một dãy nhà khang trang được xây dựng bằng tiền gửi về từ con em đi xuất khẩu lao động ở xã Nhân Trạch. Ảnh: Hoàng Táo

    Cách Cương Gián khoảng 200 km, thôn Nhân Quang nằm sát bờ biển thuộc xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cũng đổi thay 10 năm nay nhờ xuất khẩu lao động. Trưởng thôn Phạm Văn Khiển, 65 tuổi, nói 20 năm trước, làng chỉ có 15% hộ khá giả, hộ nghèo chiếm đa số. Nhà ba gian chủ yếu xây vôi, tường không tô trát, lợp ngói. Số nhà có tivi, xe máy đếm trên đầu ngón tay. Khó khăn về kinh tế dẫn đến trộm cắp vặt, đánh nhau... thường xuyên xảy ra.

    Một số gia đình sau đó tìm đường sang châu Âu và đã thành công nên thu hút con em trong thôn. Khi nhà nước có chủ trương xuất khẩu lao động, con em trong thôn ào ạt đăng ký đi. Lớp thanh niên từ 20 đến trung niên 40 tuổi bỏ nghề biển, sang Hàn Quốc tiếp tục làm thuyền viên tàu cá. Có gia đình 5 lao động từng được vinh danh ngư dân giỏi cũng lần lượt đi xuất khẩu.

    Toàn thôn Nhân Quang hiện có 350 hộ dân, nhưng có tới 225 lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu. Tiền gửi về được dùng xây nhà, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, một số đầu tư mở xưởng sản xuất. Cả thôn có 230 biệt thự, trị giá 1,4-2,5 tỷ đồng mỗi căn, 80% số hộ là khá giàu, chỉ còn ba hộ nghèo, một hộ cận nghèo.

    Theo ông Khiển, dân giàu, ý thức cũng đi lên, nạn trộm cắp không còn. Xe máy, tài sản giá trị để bên ngoài không ai lấy, nhà không cần khóa cửa. Khi thôn kêu gọi làm đường, ủng hộ thiên tai, dịch bệnh..., người dân hưởng ứng tích cực.

    ha tinh xuat khau lao dong 1
    Một cơ sở sản xuất nhôm kính ở xã Nhân Trạch được đầu tư từ nguồn ngoại tệ do xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoàng Táo

    Tính trên quy mô toàn xã, Nhân Trạch hiện có 1.900 lao động xa xứ. Lao động làm thuyền viên tàu cá, công nhân nhôm kính, hàn xì... với mức lương tháng bình quân 30-40 triệu đồng, người tốt nghiệp đại học, qua làm kỹ sư lương có thể lên 70-75 triệu đồng.

    Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch xã Nhân Trạch, cho hay trung bình mỗi lao động xuất khẩu gửi về 1.000 USD mỗi tháng thì cả năm xã thu trên 500 tỷ đồng. Nguồn tiền này chiếm 60% số thu của xã, còn lại 30% đến từ nghề biển, 10% nguồn khác. "Phải khẳng định từ xuất khẩu lao động mà Nhân Trạch khởi sắc, đời sống nâng cao rõ rệt, nhà cửa khang trang. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi nhà có một người đi lao động ở nước ngoài thì cả xã ấm no", ông Nghị nói.

    Không chỉ Nhân Trạch, nhiều làng xã ven biển của Quảng Bình như Nhân Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) cũng thay đổi nhờ dòng tiền gửi về của lao động xa xứ. Hiện toàn tỉnh có gần 20.000 lao động làm việc ở nước ngoài.

    ha tinh xuat khau lao dong 1

    Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm lao động xuất khẩu gửi về 3-4 tỷ USD. Nhiều địa phương giảm gánh nặng giải quyết việc làm cho thanh niên, như Hà Tĩnh năm 2019 có hơn 67.000 lao động làm việc ở nước ngoài, gửi về khoảng 200 triệu USD; Nghệ An hiện có 60.000 lao động, gửi về 500-550 triệu USD...

    Tuy nhiên, lao động xuất khẩu cũng để lại nhiều khoảng trống ở làng quê và bản thân họ gặp rủi ro, thậm chí tàn tật, mất mạng nơi xứ người.

    Theo VnExpress

  • “Làm ăn cũng có lúc này lúc khác”, anh tặc lưỡi, “Thỉnh thoảng cũng có đứa chết, phải đền tiền gia đình”.

    Tôi gặp anh mấy năm trước, ở một nước mà người Việt vượt biên sang nhiều. Anh gặp tay đồng hương trên phố, rất quý người, theo một kiểu cách đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ. Anh mời hẳn tôi về nhà ăn cơm.

    Anh làm nghề đưa người đi vượt biên. Trong nhà anh có một "ông" mới sang, nhưng gia đình ở quê chưa trả hết tiền, nên đang nhốt trong hầm. Cứ nuôi ăn như thế, cả năm cũng được, bao giờ người nhà thanh toán nốt, mới thả ra cho đi làm. Người đàn ông trông đã trên dưới 40, trông có vẻ rụt rè. Tôi nhìn và nhớ rằng lúc ấy tự hỏi kiểu người này sẽ xoay sở ở ngoài kia kiểu gì.

    Tôi không tiện hỏi anh về việc làm ăn. Chủ yếu anh tự kể. Chỉ có một câu mà tôi không đừng được. "Đi thế có rủi ro không anh?" - tôi hỏi kiểu ngờ nghệch. Tôi không bao giờ quên thái độ của anh lúc ấy: như một người chở hàng thỉnh thoảng bị hỏng vài món trên đường, anh kể thỉnh thoảng "cũng có đứa chết". Trên con đường của anh, vượt biên bằng đường bộ qua rừng, họ sẽ chết theo nhiều cách. Chúng được mô tả như những rủi ro kinh doanh không tránh được.

    Năm ấy vợ chồng tôi mới sinh cháu. Anh còn bày tỏ thái độ không hài lòng, vì tôi đặt tên tên thằng cu là Hoàng Anh – có cả tên bố lẫn tên bà nội. Anh phản đối mấy lần, rất gay gắt. Ở quê anh không ai được làm thế. Đó là cuộc hội thoại thứ hai tôi nhớ.

    Tôi nhớ cuộc hội thoại thứ nhất, "thỉnh thoảng có đứa chết", và cách anh diễn tả, vì nó tạo ra một ấn tượng cực mạnh về việc anh đang sống trong một thế giới khác. Một thế giới mà người chết chỉ là rủi ro nghề nghiệp.

    Tôi nhớ cuộc hội thoại thứ hai, vì ngược lại, nó quá thân tình. Đây đúng là một ông đồng hương Việt Nam lẩm cẩm của tôi. Uống mấy cốc bia và đã coi nhau như bạn, gàn cả việc đặt tên con.

    Và tôi sẽ thành thật: tôi đã không hề phán xét người đàn ông này. Lúc đó, tôi có thấy sợ cái suy nghĩ về việc con người như món hàng có thể chết cóng trên đường vận chuyển; nhưng cũng đồng thời chấp nhận suy nghĩ rằng đấy là một nghề - một công việc kinh doanh như bao việc khác.

    Có một trạng thái mà tôi tin rất nhiều người Việt Nam có thể chia sẻ, đó là việc chấp nhận một số hoạt động tội phạm thành một thông lệ xã hội. Chúng ta nuôi trạng thái kép này với đủ thứ: chuyện "xin việc"; chuyện "chạy giấy tờ"; chuyện cho vay nặng lãi; hay hầu hết các hình thức tham nhũng... Đều là những chuyện nghĩ kỹ ra đầy dấu hiệu của các vụ án hình sự, nhưng ta không cảm thấy kinh sợ, mà cảm thấy nó là một hiện thực xã hội ở đâu đó quanh mình.

    Nếu bạn có người thân làm cán bộ mà giàu; thằng bạn có "cửa" chạy cái này cái kia mà giàu; hoặc có bà cô nhờ cho vay lãi mà xây nhà cao cửa rộng, nhiều khả năng bạn sẽ không cảm thấy căm ghét, đôi lúc còn cảm thấy mừng cho họ. Nếu trong lớp Hoàng Anh có anh giai nào làm nghề cho vay nặng lãi, nhưng nhiệt tình, thân thiện, nhiều thời gian và sẵn sàng đóng góp cho các cháu, tôi vẫn sẽ cân nhắc bầu vào hội phụ huynh. Nếu bạn thân bạn là con ông quan, chi tiêu hào phóng với anh em, bạn sẽ không đặt câu hỏi kiểu đây có phải tiền cướp của nhân dân không (nghe thế hơi sáo rỗng), bạn sẽ cảm mến thằng này vì nhà nó giàu mà chơi đẹp. Đơn giản như thế thôi.

    Nếu chúng ta có thể chấp nhận rất nhiều loại tội phạm như một thông lệ xã hội (illegal social norms) thì việc coi "đưa người đi nước ngoài" là một nghề không phải chuyện ghê gớm. Nếu bạn gặp một ông Nghệ An, như tôi, trên phố, anh em làm với nhau vài cốc bia, và ông ta kể rằng anh "đưa người đi châu Âu", bảo tôi nuôi cảm giác kinh sợ gì ngay lúc đó là rất khó. Chuyện này phổ biến mà. Tôi là người Hải Phòng, quanh tôi đầy người tìm đường lách luật vượt biên, bạn bè và gia quyến.

    Nhưng chúng ta không thể sống thế mãi được. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trong tôi khi nghe tin tức về vụ 39 người chết ở Anh chính là anh giai Nghệ An năm nọ. Tôi đã để hình ảnh đó trong đầu bao nhiêu năm mà không phán xét gì. Nhưng bây giờ tôi phải lựa chọn một thái độ.

    Có rất nhiều cộng tác viên gửi bài phân tích việc vượt biên của những người dân quê miền Trung. Mọi người muốn nhìn ở góc độ tâm lý, kinh tế, xã hội, thậm chí là tập quán văn hóa. Nhiều người muốn chính tôi viết theo góc đó: tôi đã dành nhiều năm để viết về lao động di cư, và đã gặp cộng đồng người Việt di trú trái phép ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng tôi từ chối.

    Tôi trả lời: nếu bây giờ phân tích tâm lý, xã hội, tập quán của những người vượt biên đi lao động bất hợp pháp, thì ta lại coi nó là một loại thông lệ xã hội. Tôi không thể làm được việc này.

    Nếu bây giờ khái quát về bản thân những người đi, rằng họ tham, họ cạn nghĩ, hay họ bị hoàn cảnh bần cùng xô đẩy, rằng họ "ý thức được việc mình làm", họ "tự nguyện cơ mà", họ phải "trả giá" vì cái gì đó, thì gián tiếp biến sự kiện này thành chuyện trong nhà ngoài ngõ. Trước các vụ án ma túy lớn, chúng ta không bàn đến việc tại sao người này người kia ngã vào con đường nghiện ngập, rằng họ thiếu tình thương cha mẹ hay được nuông chiều, rằng họ "ý thức được việc mình làm", họ phải "trả giá". Chúng ta đơn giản là bàn về việc tiêu diệt tội phạm buôn ma túy. Trong câu chuyện này cũng vậy.

    Nếu nghĩ kỹ về những cái xác người chết cóng hoặc chết ngạt đâu đó, có thể là cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái của mình, tay cào vào thùng container và mắt vẫn mở trừng trừng những giây cuối đời; ta sẽ nhận ra rằng đây là kết quả của một hoạt động tội phạm có tính cực đoan. Đây là vấn đề của luật pháp. Đây là tội phạm cần tiêu diệt.

    Phần lớn những người lao động bất hợp pháp tại Anh trong thập kỷ này thậm chí không phải người "di cư". Chữ "cư" trong tiếng Hán có cả hình cái mông người ngồi xuống, là việc xác lập nơi sinh sống lâu dài. Đây không phải là "cư", mà chỉ là "đánh quả". Họ không có ý định tạo lập cuộc sống mới tại nơi mình đến, hay hòa với xã hội kia, họ sẵn sàng sống trong hầm để chờ ngày về với cái biệt thự xây kiểu Tudor ở làng quê của mình. Đây là một chuyến công tác.

    Không thể dùng lập luận cho cô dâu miền Tây lấy chồng Hàn Quốc hay người Hải Phòng vượt biên đi Hong Kong thập kỷ 80 & 90, dân Syria sang châu Âu hay dân Guatemala vào Mỹ ở đây được. Đó là "di cư". Đây là đánh quả. Và những hoạt động này được vận hành bởi những đường dây tội phạm có tổ chức. Các đường dây này tổ chức logistic, chuyển tiền quốc tế, để ship một con người sống như một món hàng sang bên kia địa cầu.

    Luật pháp có thể can thiệp ngăn chặn sớm hoạt động này. Vì nó đang được chấp nhận như một thông lệ ở nhiều vùng tại Việt Nam, nên những người môi giới và tổ chức đường dây vẫn hoạt động khá công khai. Ngay cả cán bộ xã cũng còn tự hào về những chuyến xuất ngoại này mang tiền về quê hương. Nhưng nếu lật lại nhận thức, rằng đây là một hoạt động tội phạm, đen trắng rõ ràng, thì tôi không nghĩ rằng việc phát hiện các giao dịch vài chục nghìn USD ngay giữa ban ngày lại gây khó cho lực lượng an ninh các cấp tại Việt Nam.

    Việc lật lại nhận thức, thôi lan man về động cơ của những người đi rất quan trọng. Nếu chúng ta không chấp nhận đây là một thông lệ xã hội nữa, mà coi nó cùng hàng với tội phạm ma túy hay tội phạm giết người, thì việc ngăn chặn sẽ diễn ra hiệu quả hơn từ chính tâm lý cộng đồng cho đến thi hành pháp luật.

    Nếu độc giả có thể giúp tôi điều gì, thì đó là việc không bình luận về bản thân những người đi ở dưới bài viết này. Chúng ta không hề diễn ngôn các vụ án ma túy theo hướng "trách nhiệm của người nghiện". Làm như thế là đồng lõa với tội phạm. Làm như thế, sau khi bi kịch của những người chết qua đi, mọi thứ lại quay về thành... thông lệ xã hội. Cuộc sống có thể là con ngựa vằn, nhưng chúng ta vẫn cần nhìn thấy đen là đen, trắng là trắng.

    Tôi không liên lạc gì với người anh Nghệ An dạo trước đã nhiều năm. Tôi vẫn mơ một ngày nào đấy quay lại thành phố đó, đến con phố đó, và tìm lại nhà anh. Bây giờ thì chắc không được nữa. Có thể anh sẽ thù tôi vì kể chuyện kiểu này, khi chúng ta đã đối xử với nhau rất bình thường. Nhưng đây không thể được nghĩ là một chuyện bình thường.

    Nhà báo Đức Hoàng/VnExpress

    Tựa gốc: Chuyện tay buôn người

  • 20 tuổi có nhà lầu xe hơi, sở hữu công xưởng với hàng trăm đầu máy, những người trẻ ở làng "mổ xe", xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc khiến không ít người ngưỡng mộ.

    Không học rộng tài cao, không tha hương cầu thực, thanh niên Tề Lỗ quyết tâm ở lại quê nhà học nghề “mổ” xe của cha ông, rồi dần dần phất lên thành những tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ.

    Mục sở thị “lò mổ” ô tô

    8h sáng, cả xã Tề Lỗ như một đại công trường khổng lồ. Những chiếc xe ô tô cũ kỹ mang đủ biển số từ Nghệ An, Thanh Hóa, đến Lào Cai, Quảng Ninh... lần lượt nối đuôi nhau kéo về làng. Tiếng chát chúa, xoèn xoẹt của máy móc lẫn tiếng người kỳ kèo bán mua tạo thành không khí ồn ào, tấp nập kéo dài từ sáng sớm đến tận đêm khuya.

    Đi từ đầu đến cuối làng, hai bên đường chất ngổn ngang từ sắt vụn, linh kiện hỏng đến xe máy, ô tô. Trong các bãi "mổ xe" của các tỷ phú làng nghề này cũng ngồn ngộn đầy máy xúc, máy ủi...

    lang te lo 1
    Những tỷ phú trẻ phất lên nhờ những lò mổ xe ở địa phương. Ảnh minh họa

    Theo ước tính của người dân, hiện nay, làng Tề Lỗ có khoảng 600 - 700 bãi "mổ xe" lớn nhỏ. Năm 2007, Tề Lỗ được quy hoạch thành cụm làng nghề "mổ xe" với diện tích gần 20ha đến nay quy mô ngày càng được mở rộng. Đến khu vực chợ sắt Tề Lỗ, chứng kiến hàng trăm bãi “mổ xe”, ngồn ngộn những đống sắt, động cơ xe, lốp khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp.

    Tìm hiểu thêm, được biết, chủ nhân của bãi “mổ xe” này đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Mới 21 tuổi, Nguyễn Văn Nghĩa được đánh giá là một trong những tỷ phú thành công trong giới “mổ xe”. Học hết lớp 9, Nghĩa ở nhà cùng gia đình làm nghề “mổ xe”. Ít năm sau, Nghĩa được gia đình đầu tư một bãi mổ riêng và làm ăn độc lập. Hiện tại, Nghĩa có 100 chiếc cẩu loại lớn, 82 ô tô sắp xuất xưởng cùng hàng trăm động cơ, máy ủi... Ước tính tài sản của chàng trai 21 tuổi lên đến gần 150 tỷ đồng.

    ói về nghề “phẫu thuật” xe 4 bánh, một người dân trong xã kể rằng, cách đây 20 năm, người dân trong xã chủ yếu làm nghề lái trâu chăn vịt. Sau rồi nghề chăn nuôi cũng mai một dần khi nghề buôn đồng nát phát triển. Mọi người trong làng, thấy người này làm có lời, người khác cũng bắt chước làm theo.

    Trong quá trình mổ xe xe cơ giới, người ta phát hiện ra chi tiết của những xe công trình cho lợi nhuận cao hơn, vậy là họ quay sang thu mua những phụ tùng đó. Tiến thêm một bước, người dân bắt đầu “độ” xe (trung tu, đại tu xe), mua xe cũ rồi ráp lại thành xe mới, bán kiếm chênh lệch gấp vài lần.

    Chia sẻ với báo chí, anh Đào Quang Điệp (SN 1981) cho biết: “Thời gian đầu, ở Tề Lỗ có một hai người lãi lớn vì bán được máy ủi cũ. Vậy là sau đó cả xã đua nhau mua máy ủi về bán, rồi đến ô tô cũ, máy công trường, cần cẩu... Dần dần nơi đây trở thành cánh đồng xe cũ”. Anh Điệp cũng là một đại gia trẻ có tiếng ở Tề Lỗ. Lò mổ xe cũ của Điệp nằm ngay sau khuôn viên căn nhà hai tầng, gần chục công nhân liên tục cẩu bộ phận động cơ của máy ủi lên chiếc xe tải hơn chục tấn. Nghề chính của anh là buôn bán các loại ô tô, máy xúc, máy ủi, cần cẩu cũ...

    Chỉ cần nghe ở đâu có máy móc, xe cũ cần thanh lý, Điệp tìm đến mua, sau đó thuê xe chở về để ở bãi. “Con” nào còn ngon, tút lại bán cho người tiêu dùng; “con” nào nát quá, bổ ra bán sắt vụn, phụ tùng, chi tiết máy còn dùng được thì đập sang xe khác hoặc bán cho người cần. Ước tính bãi của Điệp có đến đến gần trăm máy, xe cũ, có “con” giá chỉ 20-30 triệu đồng, có “con” giá lên đến gần tỷ đồng. Trung bình mỗi chiếc xe tính trừ chi phí thuê người kéo về, lắp ráp, thay thế phụ tùng, con nào lời nhất được 200 - 300 triệu đồng, “con” nào ít thì được 100 triệu đồng. 

    Sau thời gian vất vả, hàng chục bạn trẻ của Tề Lỗ cũng phất lên nhanh như diều gặp gió, xây biệt thự, tậu xe sang. Ngôi nhà to nhất nhì xã của Đào Đình Thắng (SN 1974) người thôn Giã Bàng, lúc nào cũng có vài ba chiếc xe con hạng sang đậu ở ga ra. Thắng cũng là một trong những người đầu tiên đưa nghề buôn máy xúc, máy cẩu, ô tô cũ... về làng. Dân cùng nghề ước tính tài sản của Thắng khoảng gần 100 tỷ đồng, chưa kể hơn 100 máy công trình đang chờ ngày xuất xưởng. Thời điểm gần 30 tuổi Thắng đã có nhà lầu xe hơi riêng khiến nhiều người nể phục.

    Gần 20 năm trước, thấy mọi người đua nhau xây nhà tầng, anh cũng lân la đến các xưởng làm thuê để học nghề. Đến năm 20 tuổi, Thắng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mở xưởng rồi thành lập công ty, làm ăn và phất nhanh bất ngờ.

    Phía sau xã tỷ phú

    Ở làng này thanh niên đi học cũng có nhưng rất ít, chủ yếu ở nhà làm "giám đốc" cho bố mẹ. Hầu hết thanh niên 20 tuổi ai cũng có nhà lầu, đi xe riêng. Cùng với sự phát triển như vũ bão, làng "mổ xe" Tề Lỗ nổi lên những “ngôi sao” đình đám như: Nhung, Thu Rẽ, Sơn Thành, Tuấn, Lan Khích... với những bãi đỗ xe khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng. Bạn học của Thắng là anh Vũ Mạnh Kiên, sau khi học xong trung cấp điện ở Sơn Tây, rồi đại học Luật Hà Nội, về quê làm Phó Bí thư Đoàn xã Tề Lỗ được 5 năm, rồi nghỉ và chuyển sang làm động cơ điện. Qua gần chục năm lăn lộn, nay Kiên đã là chủ doanh nghiệp Mạnh Kiên, nắm trong tay những động cơ trị giá từ 500 đến 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 13 công nhân trẻ. Anh Kiên cũng là chủ sở hữu xưởng sản xuất quy mô lớn tại thành phố Vĩnh Yên với số vốn đầu tư 10 tỷ đồng.

    lang te lo 1
    Những ngôi nhà khang trang ở Tề Lỗ.

    Theo một cán bộ Đoàn xã Xuân Lộc, ở Tề Lỗ có khoảng 1.400 hộ dân và 1/3 trong số đó làm nghề thu mua xe công trình, hiện nay, xã có khoảng 600 - 700 bãi "mổ xe". Đa số các ông chủ bãi xe cũ trong độ tuổi thanh niên và nếu tính theo mức tài sản từ 10 tỷ đồng trở xuống thì Tề Lỗ có khoảng 70 người.

    “Tề Lỗ có lẽ là địa phương có mật độ xe hơi tính trên số hộ dân thuộc vào diện lớn nhất cả nước. Dân ở đây toàn chơi xe đẹp, vì phải đi giao dịch làm ăn mà. Xe Camry 2.4, BMW có khoảng vài chục cái, còn các dòng xe rẻ tiền hơn thì phải tính bằng 3 chữ số”, vị cán bộ xã cho biết thêm. Dù rất vui khi Tề Lỗ ngày một thay da đổi thịt, nhiều người trẻ tuổi thành đạt, nhưng nhiều người lại bày tỏ nỗi lo bởi tiền nhiều nhưng cũng nhiều ông chủ trẻ thất học. Không ít thanh niên bỏ học từ sớm để buôn bán theo kiểu “học ở thương trường”.

    Mô hình “trưởng thành từ thương trường” như những tỷ phú nơi đây hiện vẫn được rất nhiều thanh niên Tề Lỗ “học tập” nhưng đáng buồn khi những kiến thức kinh doanh bền vững không được họ chú trọng.

    Theo đó, dễ nhận thấy nhất là vấn đề môi trường. Các bãi mổ xe chỉ được trải những tấm lưới sắt quây xung quanh, dầu mỡ loang lổ khắp nơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến kênh 10, nguồn nước dẫn chủ yếu tưới tiêu cho đồng ruộng Tề Lỗ, luôn trong tình trạng nước thải đen sì và bốc mùi hôi thối. Nếu các chủ bãi xe không có quy hoạch và xử lý môi trường hợp lý, hiểm họa trước sau gì cũng xảy ra.

    Đặc biệt có nhiều chủ bãi tuổi đời mới chỉ 17, 18 tuổi. Họ thường là những cậu ấm con những chủ bãi làm lâu năm, được đầu tư dạy nghề và mở một bãi mổ riêng nên kinh nghiệm, tư duy về môi trường và kinh doanh bền vững chưa đầy đủ, rất cần sự đầu tư, quy hoạch để người dân làm ăn hiệu quả và đảm bảo vấn đề vệ sinh, môi trường.

    Rác cũng biến thành vàng

    Để kiếm được những hợp đồng béo bở, thanh niên Tề Lỗ đã phải đi khắp nơi từ Nam ra Bắc, phải thiết lập mối quan hệ. Thậm chí, sang tận Lào, Campuchia, Trung Quốc để tìm đầu mối nhập xe.

    Do vậy, muốn trở thành tỷ phú làng "mổ xe" thì phải có kiến thức và có con mắt nhìn thực tế không được vội vã hoặc ham rẻ. Tề Lỗ trước nổi tiếng là làng chứa rác nhưng giờ đây giới buôn xe khắp cả nước đều biết đến.

    Viethome (theo Đời sống & Pháp luật)

  • Nhiều chi tiết trong tòa lâu đài của ông Tiến thể hiện sự quyền uy như trần dát vàng, phòng nghe nhạc chứa được 300 khán giả.

    "Lâu đài Thành Thắng" của ông Đỗ Văn Tiến (52 tuổi) - một doanh nhân ở Ninh Bình trong lĩnh vực sản xuất xi măng - được khởi công xây dựng từ năm 2016. Tòa nhà nằm trên quốc lộ 1A, huyện Gia Viễn, trước đây là một vùng trũng, được chủ nhân mua lại.

    Công trình được lấy ý tưởng từ Nhà thờ Thánh Peter và những công trình ở Vatican (Italy) kết hợp với một số chi tiết thuần Việt và sở thích của gia chủ. Mái vòm với nhiều chi tiết phức tạp là điểm nhấn nổi bật khi nhìn vào ngôi nhà. Khuôn viên công trình rộng khoảng 10.000 m2 với hệ thống cổng và rào chắn kiên cố bao quanh. Mặt sàn xây dựng của tòa lâu đài chính 6 tầng này khoảng 2.000 m2.

    Bao quanh gia trang là những khoảnh vườn với trên 20 cây cổ thụ như thông, lộc vừng, tùng La Hán..., mỗi cây có giá không dưới một tỷ đồng. Nhiều cây trong đó được ông Tiến đích thân đi khắp các tỉnh thành như Đắk Lắk, Kon Tum mang về.

    Hệ thống cửa và một số chi tiết trong nhà như trần, cột, kèo, gian thờ... được làm hoàn toàn bằng gỗ gõ đỏ có tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Đây là loại gỗ quý hiếm, thể hiện sự quyền lực trong trang trí nội thất.

    Ở trung tâm tòa nhà, các chi tiết chạm nổi trên trần đều được mạ vàng. Những bức họa về chúa và các vị thần được lồng ghép một cách khéo léo, mang tới cảm giác bình an cho gia chủ. Công trình này có nhiều phần được ốp đá Tây Ban Nha. Ở đây có một phòng nghe nhạc rộng khoảng 700 m2 với đủ bộ sân khấu, chứa được hơn 300 khán giả.

    Công trình được chia thành khối. Trong đó, 2 khối gần mặt đường được dành cho con trai. Ngoài để ở, khu nhà chính còn được sử dụng làm văn phòng công ty.

    Đây là một trong những nhà ở của người dân lớn nhất trong khu vực. Ban đêm, lâu đài rực sáng cả một khu vực xung quanh. 

    "Công trình này được xây dựng để thỏa đam mê về kiến trúc của tôi, chứ không phải phô trương gì. Đây cũng là nơi để gia đình có một cuộc sống thoải mái, luôn rộng mở tâm trí để có thể làm việc hiệu quả", ông Tiến chia sẻ.

    Tổng công trình được gia chủ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Riêng bộ cổng có giá khoảng 40 tỷ đồng. Hàng ngày có hàng trăm người đến chụp ảnh, gia chủ phải thuê một nhóm bảo vệ 5 người túc trực từ sáng đến đêm. Hiện tại, công trình vẫn trong quá trình hoàn thiện.

    Tại Nam Định cũng có một vài lâu đài đồ sộ như thế này, là tư gia của các ông chủ doanh nghiệp tàu biển lớn, như tòa lâu đài Lan Khoa Khuê  ở huyện Hải Hậu, hay một lâu đài ở huyện Trực Ninh.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Vốn được mệnh danh là một tỉnh nghèo của dải đất miền Trung. Ấy thế nhưng giữa mảnh đất nghèo đó lại có một ngôi làng với diện mạo khác hẳn. Ngôi làng này nằm ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu.

    Đặt chân đến xứ Nghệ thì không khó để hỏi đường về xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu dù nó không nằm ở mặt đường quốc lộ hay trung tâm tỉnh. Với đa số người dân, địa danh này đã quá quen thuộc và được mệnh danh là dân “Do Thái” (ý nói tới sự thông minh) của Nghệ An.

    Hai bên đường dẫn vào xã là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát nhau khiến không ai nghĩ vùng quê lại lộng lẫy như khu phố của các đại gia vậy. Hai bên vỉa hè, những chiếc ôtô tải đang chờ “ăn” hàng xuất sang Lào, công nhân chăm chỉ làm việc.

    Trước đây, ngôi làng này thuộc dạng nghèo nhất vùng, là khu vực “đồng không mông quạnh”, người dân đều làm nông. Tuy nhiên, nhờ nắm bắt “xu hướng” tốt nên cả làng đã chuyển sang đi… buôn đồng nát. Đây được xem như bước chuyển mình của cả làng.

    Sau đó, nhờ nhạy bén với thời cuộc, người dân bắt đầu dùng xe đạp cà tàng đi buôn đồng nát. Trước tiên họ phục vụ cho nghề đúc đồng của mình. Thời đó, hình ảnh sáng sớm người người đạp xe kéo nhau đi mua đồng nát, những đứa trẻ thì đèo thùng xốp sau xe, đi lấy kem về bán và đổi lấy đồng nát... quá quen thuộc với bà con.

    Ban đầu họ chỉ đi thu gom ở các huyện xã trên địa bàn tỉnh rồi sau đó tiếp tục mở rộng địa bàn ra các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Thời gian đầu họ chỉ mua đồng nhưng sau thấy nhôm, sắt, nhựa… cũng nhiều nên gom về nhập cho các đại lý lớn thu mua.

    Từ ngày cả làng đổ xô đi mua sắt vụn, dép hỏng thì bộ mặt của xã cũng thay đổi hẳn. Không còn những ngôi nhà cấp 4 liêu xiêu nữa mà thay vào đó là những căn biệt thự sang chảnh, xa hoa đứng sừng sững giữa làng quê Bắc Trung Bộ.

    Theo thống kê, cả làng có 200 hộ thì có tới 199 hộ là có biệt thự, ô tô, hộ còn lại thì sở hữu siêu biệt thự cực lớn và sang chảnh. Không chỉ những người có tuổi mà còn có không ít thanh niên chỉ mới ở độ tuổi 22, 23 cũng đã trở thành tỷ phú, sở hữu biệt thự to oành.

    Thiết kế theo kiểu biệt thự liền kề đang trở thành xu hướng của ngôi làng này. Bởi, với lối kiến trúc này, các gia đình không chỉ có không gian sống hiện đại, tiện nghi và rộng rãi mà còn có một khoảng sân để trồng cây. Ngoài ra, những chiếc cổng với họa tiết cầu kì cũng được người dân ở nơi đây ưu tiên số 1. Bởi, nó mang tới vẻ sang trọng và xa hoa cho toàn bộ căn nhà.

    Tất cả những ngôi biệt thự này đều được chủ nhân của nó mời thợ từ Huế và Thanh Hóa làm. Bởi vậy, từng chi tiết đều được chú ý tỉ mỉ, cách làm cũng vô cùng tinh tế và hoàn mỹ.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Chủ nhân lâu đài xa hoa ở Nam Định chia sẻ về khoảng thời gian từ lúc ông khởi nghiệp đầy sóng gió đến ngày thành công, sở hữu khối tài sản đáng nể.

    Ông Nguyễn Văn Khuê (SN 1958), chủ lâu đài Lan Khoa Khuê được dư luận biết đến nhiều sau khi đứng ra tổ chức đám cưới xa hoa cho con trai út: lâu đài tổ chức tiệc bề thế, cô dâu được bố mẹ tặng vương miện bằng vàng… Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Khuê tại nhà riêng ở Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định. Người đàn ông này trong bộ quần áo lao động đang tham gia chỉ đạo các tốp thợ hoàn thiện tòa lâu đài nổi tiếng của mình.

    Lâu đài Lan Khoa Khuê

    Những ngày khởi nghiệp

    Ông Khuê cho biết, ông đi lên nhờ nghề kinh doanh khoáng sản (than) và tàu biển. "Tôi rời gia đình đi làm ăn vào năm 1992. Khi đó, kinh tế gia đình vô cùng eo hẹp và có khoản nợ lớn do vỡ nợ.

    Thời gian ấy, không hề dễ dàng gì với tôi. Chủ nợ hối thúc và tôi phải bán hết tất cả tài sản, chỉ trừ lại nhà để ở. Không muốn nhìn thấy cảnh người ta đến đòi nợ làm bố mẹ đau lòng, tôi quyết định phải đi làm ăn".

    Ông Nguyễn Văn Khuê

    Lúc đó, ông Khuê đã có 2 con gái. Người vợ không muốn chồng đi vì lo sợ vất vả, nguy hiểm nhưng ông quả quyết “ở nhà làm ruộng chỉ mong đủ ăn không thể kiếm được tiền trả nợ và lập nghiệp”.

    "Tôi đến Quảng Ninh làm thuê cho các chủ tàu kinh doanh than từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là những ngày lênh đênh trên biển. Những đêm biển còn mù sương, trời lạnh cắt da cắt thịt vẫn phải dậy ra đón hàng. Tôi đi làm suốt đêm suốt ngày, không ngại khó để kiếm tiền”, đại gia sinh năm 1958 chia sẻ.

    "Kiếm được chút tiền nào tôi trở về nhà ngay. Tôi gọi những chủ nợ đang đòi gấp đến thanh toán cho họ trước. Sau đó, tôi lại lên đường đi tiếp. Chỉ trong vòng 3 năm, tôi trả được số nợ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người”, ông nói tiếp.

    Tòa lâu đài của ông Khuê đang trong giai đoạn hoàn thiện.

    Sau khi trả được nợ, ông Khuê cũng quen các mối làm ăn tại đây nên bắt đầu tách ra làm ăn riêng bằng cách mua lại các tàu cũ để kinh doanh. Từ ít đến nhiều, sau hàng chục năm ông đã trở thành một đại gia có số tài sản khiến không ít người phải mơ ước.

    Ông nói, trong quá trình làm ăn, điều ông chú trọng nhất là chữ tín trong kinh doanh. Chữ tín này giúp ông có động lực để trả nợ những người đã cho mình vay. Nó cũng giúp ông có những mối quan hệ quan trọng trong công việc để tạo nên cơ nghiệp như ngày nay.

    Công trình để đời

    Tòa lâu đài mang tên Lan Khoa Khuê nằm ở vị trí đắc địa của xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định được xây trong 9 năm. Đến nay lâu đài vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. 

    Sau nhiều năm làm ăn trên thương trường, ông Khuê hiện tại đã nghỉ ngơi, mọi công việc kinh doanh được giao lại cho người con trai. Cũng từ đây, ông có ý tưởng và bắt đầu xây tòa lâu đài.

    "Ban đầu, vợ tôi không đồng ý vì: “Nhà ở không hết xây lên nữa làm gì”, tuy nhiên tôi muốn có một công trình để đời, làm một điều gì đó cho thế hệ các con, cháu sau này. Đây cũng là một minh chứng, bài học cho các con, cháu biết ông, bố... của chúng đã từng ra biển, đã từng vất vả như thế nào", ông nói.

    "Hiện, phần lớn thời gian trong ngày tôi dành để hoàn thiện tòa lâu đài Lan Khoa Khuê, dự kiến cuối năm sẽ hoàn thành. Sáng nay, người ta vừa chở hoa, cây đến để trồng quanh lâu đài", vừa nói ông vừa chỉ về số cây mẫu đơn, hoa nhài... đang để một góc trong khu vườn.

    Đây là một trong những công trình thể hiện sự giàu có, sung túc của người dân huyện Hải Hậu. 

    Ngoài việc xây dựng, chủ lâu đài Lan Khoa Khuê cũng dành thời gian cho việc luyện tập thể thao, chăm sóc vườn cây (vú sữa, hồng, mít... ).

    "Tôi có những may mắn nhất định nên mới sở hữu cơ ngơi như ngày hôm nay. Vì vậy khi đã trở về quê hương, tôi cũng cố gắng để chia sẻ phần nào đó cho bà con xung quanh còn khó khăn.

    Điều này đầu tiên là xuất phát từ tâm nguyện một người con muốn cống hiến cho quê hương. Thứ hai là tôi trước đây cũng là người nghèo nên tôi hiểu được họ và muốn chia sẻ phần nào với họ", chủ lâu đài Lan Khoa Khuê chia sẻ với báo chí.

    Chủ nhân lâu đài là vợ chồng ông Nguyễn Văn Khuê (SN 1958) và bà Nguyễn Thị Lan (SN 1961). Được biết, ông Khuê hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, tàu biển.

    Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Minh, cho biết: "Ông Khuê là một người giàu có và rất tích cực trong các hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Bất kỳ hoạt động nào xã cần kinh phí, ông đều đứng ra đóng góp và kêu gọi mọi người chung tay".

    Cũng theo ông Phong, ông Khuê từng ủng hộ hơn 500 triệu đồng để xã Hải Minh xây dựng đường nhựa ven sông, lắp kè để cải tạo bờ sông. Hàng năm, vào các dịp Tết, vị đại gia này cũng ủng hộ từ 30- 40 triệu đồng cho những người nghèo ở quê hương có điều kiện ăn Tết.

    Ông Nguyễn Văn Khuê cho biết: Tên tòa lâu đài 'Lan khoa Khuê' là sự kết hợp tên của các thành viên trong gia đình - tên ông (Khuê), tên vợ (Lan) và tên người con trai (Khoa). Chi phí xây dựng công trình tính đến nay đã vượt ra ngoài con số 40 tỷ đồng.
    Lâu đài có diện tích 470m2 nằm trên mảnh đất 3000 m2. Trước khi bắt tay vào xây dựng, ông Khuê đã dành thời gian sang Pháp, Italy vừa đi du lịch vừa tham khảo các mẫu lâu đài. "Toàn bộ ý tưởng lâu đài là của tôi, các kiến trúc sư căn cứ vào đó để lập bản vẽ. 10 năm trước, tôi vào miền Nam lấy mẫu của một tòa lâu đài nổi tiếng ở đó nhưng không ưng. Cuối cùng, tôi quyết định ra nước ngoài tìm hiểu. Riêng bản vẽ phải mất 3 năm mới hoàn thiện. Quá trình xây dựng, bản vẽ thay đổi liên tục, hạng mục nào làm xong, chưa ưng ý tôi cho đập đi xây lại, dù chi phí đội lên rất lớn", ông Khuê chia sẻ.
    Hệ thống cổng, hàng rào được làm bằng chất liệu nhôm hợp kim mạ đồng. Hai bên có hai tượng sư tử trắng, kích cỡ lớn án ngữ. Hai pho tượng này vừa mang tính chất trang trí, vừa thể hiện sự mạnh mẽ của gia chủ trong cuộc sống và kinh doanh. Đặc biệt, cánh cổng được điều khiển bằng hệ thống từ xa. Ngoài ra, xung quanh gắn 20 camera và lớp hàng rào thép gai để đảm bảo an ninh. Vị đại gia tiết lộ, ông có đam mê với thần thoại Hy Lạp. Chính vì vậy, ý tưởng thiết kế và trang trí được ông nghiên cứu, mô phỏng từ các thần thoại này. Bức tượng trong ảnh mô tả nữ thần chiến thắng, kết thúc trận chiến, cởi bỏ áo giáp, mũ để trở về.
    Bức tượng thợ săn cao hơn 2 mét được đặt ở góc vườn, bên cạnh là cung và con chó... "Các pho tượng đều được những nghệ nhân trực tiếp chế tác bằng tay từ chất liệu xi măng. Để làm số lượng tượng lớn và các phù điêu, hoa văn trang trí khắp lâu đài, tôi thuê 4 tốp thợ (16 người) từ Nghệ An, Quảng Trị... ra Nam Định và làm trong 3 - 4 năm mới hoàn thành", đại gia sinh năm 1958 nhấn mạnh.
    Tượng con tàu trên nóc tòa lâu đài mang ý nghĩa gắn liền với công việc kinh doanh tàu biển của ông Khuê. Hình tượng con tàu vươn ra biển lớn thể hiện khát vọng chinh phục, 2 nữ thần hai bên phù hộ. Bông lúa mạch thể hiện sự sung túc đủ đầy, con ngựa và sư tử thể hiện uy quyền, uy lực.
    Gia chủ sử dụng gỗ đỏ, gỗ hương, gỗ cẩm lai làm nội thất. Lâu đài gồm 5 tầng có 1 hầm để xe. Cánh cửa chính lấy nguyên mẫu từ Pháp, được làm từ tấm gỗ quý và rất nặng. Thời điểm lắp đặt, gia chủ phải dùng cần cẩu mới vận chuyển được vào trong.
    Khu đại sảnh được ốp bằng gỗ đỏ. Ông Khuê cho lắp đặt thang máy để thuận tiện di chuyển giữa các tầng trong tòa lâu đài. Bên cạnh đó, lâu đài có hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại với chi phí lên tới vài tỷ đồng.
    Cây xanh, tiểu cảnh trong khuôn viên sân vườn lâu đài.
    Phía góc sân là nhà ăn tập thể dùng vào dịp lễ Tết có đông người tham dự. Phòng ăn này có thể chứa khoảng 60-70 người. 
    Hoa văn đắp nổi trên trần nhà bằng đồng mạ vàng 18k.
    Lâu đài có nhiều phòng như: Phòng triển lãm cổ vật, phòng làm việc, phòng ở cho gia nhân...  Ông Khuê thông tin thêm: "Tôi xây dựng lâu đài này với mong muốn có một công trình để đời, làm một điều gì đó cho thế hệ các con, cháu sau này. Đây cũng là một minh chứng, bài học cho các con, cháu biết ông, bố... của chúng đã từng ra biển, đã từng vất vả như thế nào". 

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Ở giữa làng quê thuần nông của xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện một ngôi biệt thự “khủng”. Ngôi biệt thự này mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.

    Thời gian gần đây, người dân xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) xôn xao khi giữa một vùng quê nghèo, căn biệt thự "khủng" trị giá nhiều tỷ đồng bất ngờ được xây dựng. 

    Theo tìm hiểu, căn biệt thự này thuộc sở hữu của bà Từ Thị Loan (78 tuổi, người dân xã Mai Phụ). Được biết, chồng bà Loan là liệt sỹ. Một mình bà nuôi 3 người con khôn lớn. Cụ bà sống giản dị, thường ngày vẫn mang rau từ nhà ra chợ bán.

    Căn biệt thự này có chiều cao tương đương với 1 tòa nhà 4 tầng. Hiện tại, căn nhà này đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa đi vào sử dụng vì còn nội thất phía trong.

    Xung quanh tòa dinh thự này là cánh đồng trồng ngô, lúa của người dân. Bởi vậy nó tạo nên sự khác biệt rõ ràng. Bên ngoài, bà Loan dùng hàng ngàn m2 để trồng cây cối. Ngoài ra, phía ngoài cùng còn được xây hàng rào cao hơn 1m bao trọn toàn bộ diện tích căn biệt thự.

    Căn biệt thự nằm nổi bật giữa cánh đồng hoa và những căn nhà cấp 4 của người dân xung quanh, sở hữu vẻ nguy nga, tráng lệ được thiết kế theo phong cách châu Âu hiện đại với màu sơn trắng chủ đạo. Phần chóp được trang trí nhiều họa tiết cầu kỳ, bắt mắt.

    Xung quanh khu nhà được xây một hệ thống tường rào chắc chắn với những chiếc cột trụ to, hoa văn tinh xảo. Được biết, chủ nhà đã thuê đội ngũ thợ thi công từ Huế, Thanh Hóa và một số nơi khác đến để xây dựng và trang trí công trình. 

    Để xây dựng được căn biệt thự này, bà Loan đã mua thêm 8 lô đất khác. Tổng diện tích của dinh thự này ước chừng lên tới gần 5.000m2. Trong đó gần 3.000m2 được dùng vào việc xây dựng hồ sinh thái. Mặc dù không ai biết chính xác giá trị của căn biệt thự này. Tuy nhiên, theo ước tính của những người trong nghề thì số tiền để xây dựng căn biệt thự này phải từ 60 tỷ trở lên.

    Căn biệt thự quy mô lớn khiến nhiều người tò mò không biết chủ nhà, một cụ bà bán rau, lấy tiền đâu ra để xây dựng? Không tiết lộ chính xác phải bỏ ra bao nhiêu nhưng bà Loan tiết lộ, tiền xây nhà được dùng từ tiền bà tích góp cả đời, cộng thêm doanh thu từ việc kinh doanh của con trai bà, một doanh nhân thành đạt trong miền Nam. 

    Bờ kè cho hàng cây được làm từ đá xanh nguyên khối.

    Nhìn từ ngoài vào, căn biệt thự này chẳng khác một tòa lâu đài, nguy nga và tráng lệ. Thậm chí, nhiều người còn ví nó giống như “thủ phủ” của những nàng công chúa – Disney.

    Viethome (theo Người Đưa Tin)

  • Sau khi dồn hết gia tài cho các công công ty môi giới, người lao động chỉ cầm mỗi tấm visa lên máy bay.

    Theo đúng quy trình, môi giới ở các thị trường ngoài nước cung cấp đơn hàng, còn môi giới phía Việt Nam cung cấp người lao động. Tuy nhiên, không ít trường hợp người lao động trở thành "món hàng" của chính các công ty môi giới...


    Sau cơn ác mộng ở Đài Loan, bây giờ anh Vũ Duy Mạnh an phận với công việc làm công nhân ở KCN Đại An.

    Bi kịch nhan nhản

    Hội người Việt Nam đang lưu vong tại Đài Loan, một nhóm kín trên mạng xã hội Facebook có khoảng gần 10.000 thành viên theo dõi. Có thể coi đó là một bức tranh phản ánh gần như đầy đủ đời sống của hàng ngàn lao động bất hợp pháp ở Đài Loan sau khi ăn "bánh vẽ" từ các công ty, trung tâm môi giới lao động.

    Bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên diễn đàn này ký họa một người lao động Việt Nam gầy đói trơ xương sau khi bị các công ty môi giới từ Việt Nam đến Đài Loan vắt kiệt tiền bạc, sức khỏe. Những tố cáo các công ty môi giới thất hứa, ăn chặn… nhiều vô kể. Thông tin chia sẻ về chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp từ chiến dịch thực hiện Luật Di trú Đài Loan sẽ kéo dài hết tháng 5 càng khiến cho diễn đàn này thêm nóng bỏng. Họ muốn được trở về để thoát cảnh sống chui lủi đã kéo dài từ nhiều năm qua, giống như hàng trăm lao động ở xứ này đã về được Việt Nam.

    Sau 3 năm phiêu lưu ở xứ Đài với giấc mộng đổi đời, bây giờ Vũ Duy Mạnh (28 tuổi) đang cam phận làm công nhân ở KCN Đại An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương với mức lương khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Mạnh bảo, thà ăn tiêu ít đi một tý nhưng đổi lại được an toàn, không phải sống chui sống lủi anh ạ. Nhắc chuyện xuất khẩu lao động với giấc mộng thoát nghèo, Mạnh chua chát, "thực ra đấy là một cơn ác mộng".

    "Ở Việt Nam môi giới ký hợp đồng làm công nhân xây dựng ở Đài Trung, nhưng sang đến đó bọn em bị đẩy lên Đài Bắc, nó đưa đi đâu thì mình phải đi đấy, nay chỗ này mai chỗ khác. Tất cả những gì họ hứa về việc tăng ca, chế độ đãi ngộ làm thêm giờ bọn em đều không được nhận. Lương như em mỗi tháng được 18.000 Đài tệ (xấp xỉ 13 triệu đồng) nhưng người của công ty môi giới Việt Nam thu mất 6.300 (gần 5 triệu đồng). Họ nói tiền ăn, tiền thuế, tiền khám sức khỏe… bắt buộc phải đóng như vậy. Bọn em đều ở quê đi, họ nói sao thì nghe vậy, mãi sau này mới biết những khoản tiền ấy phía chủ sử dụng lao động đã trả cho môi giới hàng tháng rồi. Hỏi lại môi giới chúng em bị dọa, không làm thì về. Anh bảo, ở nhà bố mẹ đang nợ một đống tiền ngân hàng, về sao được", Mạnh nói.

    Quê Mạnh ở xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, vùng quê thuần nông, chỉ có con đường mưu sinh duy nhất là dời làng làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. 3 năm trước, thông qua một môi giới lao động tại địa phương, gia đình Mạnh vay mượn ngân hàng để nộp đủ 6.300 USD cho một công ty môi giới ở Hà Nội đi Đài Loan, bắt đầu "cơn ác mộng" mà giờ kể lại cậu vẫn còn sởn gai ốc.

    Vừa bị môi giới ăn chặn, vừa không có việc làm thường xuyên, những lao động như Mạnh phải trốn ra ngoài làm, chấp nhận vừa sống chui lủi, vừa kiếm việc. Trong một đợt càn quét của cảnh sát Đài Loan, Mạnh và hàng chục lao động Việt Nam khác bị bắt, giam 35 ngày rồi bị đuổi về nước khi mà khoản nợ gần như vẫn còn nguyên.

    Cũng như Mạnh, sau 7 năm ở Đài Loan, Nguyễn Văn Minh ở xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cũng bị cảnh sát bắt giữ và đuổi về nước hồi cuối năm 2018. Năm 2011, ôm giấc mộng thoát nghèo, Minh đóng tổng cộng cho một công ty môi giới ở huyện Đông Anh (Hà Nội) 6.500 USD. Lệ thường, mỗi một đơn hàng người lao động hoàn tất thủ tục trong vòng 1 tháng là có thể bay, nhưng chuyến xuất ngoại của Minh mất tới 6 tháng làm thủ tục vì "bọn môi giới nó lươn lẹo đủ kiểu để bắt mình phải đóng thêm 500 USD vì chúng biết đa phần lao động đều phải vay ngân hàng, ai cũng muốn đi nhanh để có việc làm kiếm tiền trả nợ".

    Sau khi đưa cho môi giới (cũng là người Việt) ở Đài Loan 500 USD mà môi giới Việt Nam gửi sang, hi vọng thoát nghèo của những lao động như Minh chỉ kéo dài được 3 tháng. "Những lao động các vùng nông thôn như chúng em toàn bị các môi giới bên đó ăn chặn và dọa đuổi về. Để có việc làm tốt, người lao động phải tự bỏ tiền cho môi giới, bằng không bọn nó sẽ bố trí công việc lương thấp hoặc ông chủ hay đánh đập.

    Phần lớn lao động Việt Nam sang được một thời gian thì phải bỏ ra làm ngoài vì tiền kiếm được không đủ để nuôi môi giới. Khi đặt bút ký hợp đồng, môi giới Việt Nam hứa với em là sang bên đấy toàn làm ngày 16 tiếng nhưng khi sang rồi chỉ có 6 - 8 tiếng thôi. Mỗi tháng cả làm thêm được hơn 10.000 tiền Đài nhưng thực lĩnh chỉ chưa được 7.000 vì môi giới ăn 1.800, tiền bảo hiểm 500, tiền ăn ở 2.500…", Minh kể.


    Bước chân ra đi, không ít giấc mộng thoát nghèo của lao động nông thôn trở thành ác mộng

    Trong một lần không đóng tiền cho môi giới lao động, Minh bị chuyển đến một ông chủ chỉ cho ăn mỗi ngày một bữa, lại phải làm ban đêm, trước lúc đi làm, bao nhiêu cơm thừa, canh cặn ông chủ đổ dồn vào một bát, sức vóc trai làng vừa nuốt vừa ứa nước mắt, Minh không nhớ nổi bao nhiêu lần như thế cả. Nhóm đi cùng Minh có 7 người, đều phải trốn ra ngoài kiếm việc nhưng rồi lần lượt đều bị cảnh sát bắt giam. Họ đã tìm đủ cách trốn chạy để cố bám trụ kiếm tiền gửi về cho gia đình trả nợ, tuy nhiên không một ai thoát cả.

    Đánh đổi bằng cả tính mạng

    Bi kịch xuất khẩu lao động không chỉ diễn ra ở những vùng quê nghèo khó hay từ những khu ổ chuột, những cuộc trốn chạy ở xứ người mà còn nhan nhản ở cả những nơi vốn "nức tiếng" về truyền thống xuất khẩu lao động.

    Sau cuộc đổ bộ của các khu công nghiệp, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng chỉ còn lại vỏn vẹn 100ha đất sản xuất chia cho 1.458 hộ, 6.000 khẩu, tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã, ông Lê Duy Hưng khi nói về kinh tế địa phương vẫn vui vẻ mà rằng: "Từ lâu rồi dân xã này toàn sống bằng ngoại tệ, kiều hối, nếu nói về kinh tế thì không mấy vùng quê thuần nông nào được như thế này đâu. Nhà lầu nhé, ô tô nhé, đường sá, đình chùa nhé… Toàn tiền nước ngoài góp vào xây dựng cả đấy. Cơn sốt xuất ngoại ở Cẩm Điền chưa bao giờ hạ nhiệt suốt từ hơn 20 năm nay. Thống kê mới nhất 1/10 dân trong xã đang ở nước ngoài, bình quân, mỗi gia đình có ít nhất 1 người đi lao động ngoài nước". Chỉ có điều, tiền là thứ duy nhất Chủ tịch Cẩm Điền có thể tự hào về phong trào xuất khẩu lao động ở địa phương.

    Trong vòng 3 năm trở lại đây, xã Cẩm Điền có 6 trường hợp lao động tử vong nơi xứ người. 2 thợ xây chết trong vụ sập cầu ở Nhật Bản, 1 người chết cháy trong vụ hỏa hoạn ở Đài Loan, 2 người đột tử ở Ma Cao, Hàn Quốc… Còn như tai nạn cụt chân, cụt tay thì nhiều.

    "Thoát nghèo thật đấy, nhưng rủi ro, hệ lụy cũng nhiều vô kể. Từ tai nạn lao động, tệ nạn xã hội đến lừa đảo xuất khẩu lao động đến vấn đề bùng phát "nạn" ly hôn cũng từ xuất khẩu lao động mà ra cả. Nhưng không có con đường nào khác. Ruộng đất dành hết cho công nghiệp, nghề nghiệp chẳng có gì, không đi thì chú bảo dân lấy gì mà sống", Chủ tịch Cẩm Điền đúc kết bằng giọng buồn hẳn.

    Hoàng Xá là thôn giàu có nhất ở Cẩm Điền, cũng giống như Chủ tịch Hưng, trưởng thôn Lê Huy Thính sau những lời có cánh về rất nhiều ngôi biệt thự trong thôn cũng quay về với thực tại bằng tiếng thở dài: Rất buồn. Rủi ro lao động đã đành, đến cả mâu thuẫn gia đình dẫn đến án mạng cũng từ xuất khẩu lao động mà ra cả.


    Người lao động chờ khám sức khỏe trước khi đi xuất khẩu

    Theo đúng quy trình, môi giới ở các thị trường ngoài nước cung cấp đơn hàng, còn môi giới phía Việt Nam cung cấp người lao động. Tuy nhiên, không ít trường hợp người lao động trở thành "món hàng" của chính các công ty môi giới...

    "Cứ vài bữa lại bị cảnh sát đuổi. Khi thì phải chui xuống cống vệ sinh, có khi phải leo lan can những tòa nhà cao 30 - 40 tầng. Bao nhiêu lần như thế, liều lĩnh đến mức không sợ chết để cố bám trụ lại kiếm đồng tiền mà không được. Cuối năm 2017, còn mấy ngày nữa là đến tết. Em bị bắt giam 2 tháng, họ cho 2.000 tiền Đài mua vé về nước", Minh kể.

    Khổ thế sao không khiếu nại các cơ quan chức năng? "Nhiều chứ anh. Ngay khi vừa xuống sân bay, môi giới bên đó nói có vấn đề gì thì điện vào đường dây nóng để được tư vấn, giúp đỡ. Chúng em điện nhiều nhưng phải đợi tầm 2 - 3 tháng mới có hồi âm, trong khi quy định 1 tháng không có việc làm thì mình phải về nước, điện cũng như không. Hơn nữa, những lao động trốn ra ngoài làm bị các ông chủ bức xúc, đánh đập, xúc phạm rất nhiều nhưng toàn sợ bị đuổi về nên phải cố cắn răng mà chịu. Tất cả là vì hàng trăm triệu ngân hàng lúc đi đều là tiền vay mượn", Minh kể tiếp.

    VietHome (Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)

  • Ít xuất hiện trên các trang du lịch nhưng không gian cà phê của nhà ông Bình ở Hải Phòng luôn đông khách từ sáng đến chiều.

    Quán cà phê của gia đình ông Trần Văn Bình (70 tuổi) mở từ năm 1992. Nằm ở ngã ba đường, quán có một mặt tiền hướng ra phố Trần Quang Khải, mặt còn lại hướng ra phố Tam Bạc. Từ đây, khách có thể phóng tầm nhìn ra cầu Lạc Long lộng gió.

    Quán nằm ở ngay ngã ba đường. Ảnh: Di Vỹ.

    Không giống cách pha cà phê bọt ở thành phố Vinh (Nghệ An), ly cà phê ở quán ông Bình vẫn được chế phin và trải qua các công đoạn thông thường. Tuy nhiên, ly cà phê mang ra cho khách luôn có lớp bọt nổi lên tận mép ly. Từ đó, khách đến đây hay gọi tắt quán là "cà phê bọt".

    Để làm ra lớp bọt này, chủ quán dùng một dụng cụ như cây đánh trứng để khuấy. Khi có khách gọi, người pha sẽ chế cà phê từ phin ra ly, cho đường hoặc sữa rồi khuấy đều. Quán sử dụng chục chiếc phin để pha vào giờ cao điểm, chứ không pha sẵn. Hiện vợ chồng ông Bình còn duy trì quán nhưng con cháu trong nhà là người phục vụ chính.

    Mỗi ly cà phê có giá 20.000 đồng. Ảnh: Di Vỹ.

    Chủ quán bày ghế nhựa để khách ngồi bên ngoài hoặc chọn chỗ bên trong nhà, tuy nhiên hơi tối và bí. Cứ tầm 9h, nơi này kín khách, không còn lối đi. "Trước khi đón khách ở địa chỉ hiện tại, chúng tôi có vài năm bán ở một địa chỉ khác", chủ quán cho hay.

    Không chỉ giúp gia đình ông Bình mưu sinh, quán ngày nay còn là nơi thường xuyên lui tới của những người đã bước qua tuổi xế chiều. Địa chỉ này mang lại cho bạn cơ hội trải nghiệm phong cách cà phê bình dân của người đất Cảng. Thời điểm lý tưởng để bạn ghé quán là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tà.

    Bên dưới cầu Lạc Long là dòng sông hiền hòa, tàu thuyền nhỏ qua lại tạo nên khung cảnh êm đềm. Xưa kia, nơi đây từng là một trong những thương cảng sầm uất của thành phố. 

    Quán thích hợp cho du khách thích không gian cà phê xưa cũ, nơi có không khí của người dân địa phương thay vì điểm du lịch đông đúc. Ảnh: Di Vỹ.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một ngôi làng nằm giữa vùng quê lúa Thái Bình nhưng có tới hơn 100 tỷ phú, trong đó có những người giàu nức tiếng...

    Ngày đầu xuân Kỷ Hợi, trong một quán cà phê ở thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, anh Trần Văn Thanh sau khi đỗ chiếc xe Lexus liền vào quán trò chuyện với đối tác. Trong câu chuyện của họ bàn tới những hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng mà cứ ngỡ họ đang mua bán... vài tạ thóc.

    Có trong tay số vốn gần 200 tỷ đồng nhưng anh Thanh rất giản dị, không “ăn to, nói lớn” như các đại gia nơi khác mà chúng tôi từng gặp. Cũng đúng thôi bởi so với những hàng xóm của anh ở làng Mẹo thì kinh tế của anh chỉ... ở mức trung bình.

    Ngôi làng ứng với “ngôi sao giàu có”

    Làng Mẹo là tên gọi khác của làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Giữa một vùng quê thuần nông, làng Mẹo nổi bật với những biệt thự nguy nga, lộng lẫy như cung điện, những lăng mộ hoành tráng. Vào làng Mẹo cứ ngỡ lạc vào một khu công nghiệp hiện đại, giàu có.

    Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch. Điều lạ lùng là sự giàu có chỉ ở trong phạm vi 2 km quanh làng Mẹo, những làng khác ở xã Thái Phương vẫn nguyên nét đơn sơ, thuần nông như bao làng quê khác ở quê lúa Thái Bình.

    Làng Mẹo có nhiều biệt thự nguy nga, lộng lẫy. Ảnh: Việt Hòa/Giao Thông.

    Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2 (làng Mẹo) chia sẻ: Làng Mẹo ra đời từ hơn 800 năm trước. Tên gốc của làng là Ứng Mão - có nghĩa là ngôi sao Mão, ngôi sao tượng trưng cho sự giàu có. Các làng bên ngày ấy thường cười cợt vì cái nghèo khó của làng nên gọi chệch thành làng Mèo. Để tránh tên gọi Mèo khó nghe, người dân trong làng bèn gọi là làng Mẹo; lại còn có thêm nghĩa là lắm mưu, nhiều mẹo.

    Theo sử sách của làng thì nơi đây có tới 6 vị tướng và các vị này đều có nghề dệt truyền lại cho các thế hệ sau. Người làng Mẹo vốn “giỏi từ trong trứng nước”, biết làm nghề dệt từ bé. Những đứa bé theo bố mẹ đi bán hàng, cung cấp sản phẩm dệt khắp nơi rồi từ đó tự học hỏi kinh doanh, thấy phù hợp với nghề nào sẽ theo nghề nấy. Làng Mẹo có hơn 3.500 nhân khẩu nhưng chỉ có 103 ha đất nông nghiệp. Tính ra bình quân mỗi đầu người có chưa đến 250 m2 đất để canh tác. Nếu với diện tích này thì người dân đói “nhăn răng” chứ đừng nói gì đến chuyện giàu có. Vậy mà dân làng Mẹo vẫn cứ giàu!

    Một số nhà nghiên cứu đã về làng Mẹo để tìm hiểu tại sao người dân nơi đây lại thành công nhưng đều chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tương truyền từ khi lập làng, các cụ tổ có truyền lại những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nên dân ngoại tộc không thể học được.

    Theo truyền thuyết, đó là một bài kệ về phương thức kinh doanh, làm giàu. Bài kệ này dài tới 1.200 câu. Ai học thuộc được thì sẽ thành đạt trong cuộc sống, tuyệt đối không được ghi chép lại. Bài kệ đó có thật hay không, chưa ai trả lời được nhưng có một thực tế là làng này sản sinh ra hàng trăm tỷ phú khắp trong Nam, ngoài Bắc.

    Những tỷ phú làng Mẹo

    Theo tiết lộ của một cán bộ Phòng Công thương, UBND huyện Hưng Hà, doanh thu của các doanh nghiệp ở làng Mẹo khoảng 700 tỷ đồng/năm. Tại làng Mẹo đã thành lập 1 cụm công nghiệp với hơn 100 công ty, ngoài ra còn tới vài trăm doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các doanh nghiệp tại làng.

    Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2 xác nhận địa phương có hơn 100 tỷ phú sở hữu những doanh nghiệp trị giá ít thì vài tỷ, nhiều thì cả nghìn tỷ đồng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới. Các tỷ phú này thường xuất thân từ nghề dệt sau đó kinh doanh, buôn bán sang các lĩnh vực khác. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ lại càng giàu thêm.

    Tới làng Mẹo ngỡ như lọt vào một khu phố ở trung tâm các thành phố lớn bởi những ngôi nhà lộng lẫy, xa hoa. Tuy vậy, các đại gia hiện sống ở làng Mẹo so với những người xuất thân từ làng Mẹo đi lập nghiệp nơi khác thì chưa là gì.

    Đại gia Trần Văn Sen (ông chủ của Tập đoàn Hương Sen và hãng bia Đại Việt) là người làng Mẹo. Xuất thân từ nghề dệt, tới nay Tập đoàn Hương Sen của ông Trần Văn Sen là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh đồ uống. Tập đoàn Hương Sen còn dẫn đầu toàn tỉnh Thái Bình về thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước với số nộp bình quân 500 - 700 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi ngày đóng góp khoảng 2 tỷ đồng.

    Một đại gia khác của làng Mẹo cũng nổi tiếng không kém là đại gia Vũ Quang Hội - ông chủ của Tập đoàn Bitexco. Ông Hội và Tập đoàn Bitexco được biết đến là chủ đầu tư các dự án Tòa nhà văn phòng Bitexco, Bitexco Financial, các khu dân cư The Manor I và II ở TP.HCM; khu dân cư The Manor, Tòa nhà The Garden, khách sạn J.W. Marriott, khu đô thị The Manora Park City ở Hà Nội cùng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực giải khát, thủy điện…

    Lăng mộ hoành tráng của gia đình đại gia Trần Văn Sen tại làng Mẹo. Ảnh: Việt Hòa/Giao Thông.

    Là những đại gia “tiền nhiều không đếm xuể” nên thú chơi, cách chơi của người làng Mẹo cũng khiến không ít người phải nể phục. Xây lâu đài, mua xe sang cũng chán, nhiều đại gia chơi cây cảnh, xây nhà thờ, lăng mộ. Tới nay, lăng mộ hoành tráng nhất làng Mẹo thuộc về gia đình đại gia Trần Văn Sen.

    Lăng mộ ngự trên mảnh đất rộng gần 50.000m2 trị giá nhiều tỷ đồng. Để xây được lăng mộ này, đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng với giá đất đắt không kém gì đất Hà Nội, sau đó thuê chuyên gia nước ngoài về thiết kế, xây dựng. Đại gia này còn không ngần ngại bỏ tiền xây hẳn 1 ngôi trường để tặng địa phương.

    Làng Mẹo giàu có, nhiều đại gia nằm lọt thỏm giữa một vùng quê thuần nông là một điều khó lý giải. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là người làng Mẹo từ khi mới sinh ra đã được giáo dục về kinh doanh, buôn bán, được truyền dạy phải “nghĩ lớn, làm lớn”, biết đứng dậy sau thất bại để thành công. Phải chăng đây chính là bí quyết để người làng Mẹo dù làm ăn ở làng hay đi các nơi đều thành công?

    Theo tính toán sơ bộ của UBND xã Thái Phương thì trên địa bàn làng Mẹo có hơn 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm. Để phục vụ nhu cầu giao dịch của các đại gia làng Mẹo, ngay trong làng có một chi nhánh ngân hàng. Ngoài ra, tại đây cũng có 1 siêu thị rộng ngang siêu thị Big C ở các địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm của người làng cũng như đối tác, công nhân…

    Viethome (theo baogiaothong)

  • Làng Phú An (Nam Định) chỉ dài 2km, nhưng ở đó nhà cao tầng, dinh thự san sát. 

    Nằm sâu trong huyện Trực Ninh, hiếm ai tưởng tượng được rằng phía sau những bờ kênh, rặng cây bám bụi của làng Phú An, xã Cát Thành, tỉnh Nam Định là những siêu biệt thự thường chỉ thấy xuất hiện trên phim ảnh. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Phần lớn của cải của người làng Phú An là những chiếc tàu thủy có tải trọng từ 1.000 - 5.500 tấn, trị giá mỗi chiếc hàng trăm tỷ đồng. 

    Làng Phú An có trên 800 hộ, gần 2.500 nhân khẩu trong một diện tích 4 kilomet vuông. Dân cư ở đây 80% làm nghề vận tải đường thủy, số còn lại làm ruộng và đa nghề.

    Theo thống kê của UBND xã Cát Thành, có đến một nửa dân làng Phú An có thu nhập trên 25 triệu/tháng (cao gấp 4 lần mức thu nhập trung bình của cả nước là 6,5 triệu và gấp 2,5 lần Hà Nội, theo Tổng cục Thống kê năm 2017). 

    lang ty phu o nam dinh
    Lâu đài hàng trăm tỷ đồng với những chiếc xe siêu sang tại làng Phú An. Ảnh: Trọng Nghĩa.

    Vị trí ẩn mình, nên nhiều năm trước, hầu như không có hoạt động kinh tế lớn diễn ra ở đây. Dân làng chỉ trồng lúa, đánh bắt thủy sản từ sông để ăn. Diện mạo xóm làng lụp xụp. Tiền đề phát triển kinh tế là từ một hợp tác xã vận tải đường thủy. Năm 1990, hợp tác xã này giải thể, các thành viên được chia tiền và phương tiện. Nhờ vậy, làng Phú An có 10 tàu sông. Cũng từ đó, nghề vận tải pha sông biển dần phát triển."Thu nhập của người lao động ở đây không thua kém gì ở những thành phố lớn, dù họ chỉ phục vụ cho địa phương. Ít ai biết, trước đó hầu hết họ đều là nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn", ông Đỗ Văn Đốc, phó chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết.

    Thời gian đầu chỉ có tàu chở các loại vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... Đến 2009, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vận tải lượng hàng hóa khổng lồ. Nhận thấy ngành vận tải thủy an toàn, hiệu quả kinh tế cao, một số hộ trong làng Phú An đã vay mượn để đóng mới các tàu có tải trọng lớn. Đến nay, có khoảng 300 tàu chở container chuyên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh.

    "Thời điểm năm 2010, làng Phú An đã có 3 người đầu tư đóng tàu vận tải lớn có tải trọng đến 5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia", ông Đốc nói.

    Ông Đốc liệt kê, từ 1-2 con tàu ban đầu, ông Trần Văn Dĩnh đã có đội tàu vận tải biển lên đến 30 chiếc, ông Trần Văn Thạch có đội tàu vận tải biển 15 chiếc, khoảng chục hộ có 3 - 4 tàu vận tải pha sông biển. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động.

    Nhà cao tầng san sát nhau, nhưng đường làng Phú An vắng vẻ vì người dân hiếm khi ở nhà. Ảnh: Trọng Nghĩa.

    "Ở đây đám cưới 100 mâm cỗ là bình thường, vì họ có nhiều mối quan hệ xã hội. Những ngày rét, họ huy động ôtô để đón khách thì có thể đến vài trăm chiếc. Tuy nhiên, tôi nghĩ đời sống ở đây không phải là giàu vượt bậc, chỉ cơ bản là đầy đủ hơn một vài làng khác", ông Trần Văn Tiệp, trưởng xóm Phú Thọ (làng Phú An) chia sẻ. Cũng vì đa số người dân phải lênh đênh biển cả nên làng xóm thường xuyên vắng vẻ. Nhịp sống ở đây khá tách biệt với những làng lân cận. 

    Theo ông Tiệp, phần lớn người dân trong làng, kể cả nông dân, đều dư dả để chi tối thiểu 5 triệu mỗi tháng cho bảo hiểm trong gia đình. Dù có nhiều tiền nhưng họ không thoát ly lên các thành phố mà đem tiền về quê xây nhà, khiến làng nhỏ dày đặc những ngôi nhà lầu.

    Cách một bờ kênh, làng lân cận có không khí nhộn nhịp dù nhà cửa không khang trang bằng làng Phú An. Ảnh: Trọng Nghĩa.

    Ở làng Phú An, 100% dân cư theo Công giáo. Hội đồng giáo xứ có ảnh hưởng lớn, nên ai cũng hướng đến lối sống "tốt đời đẹp đạo" mà cha xứ hàng ngày vẫn nhắc nhở. Người có tiền sẽ ủng hộ quỹ công giáo, và cha xứ sẽ thường xuyên ban tặng cho người cần, như các học sinh khá giỏi, những gia đình khó khăn. Vài năm gần đây, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo trong làng đón Tết thường là 5 triệu đồng. 

    Ông Đỗ Văn Kiểm (55 tuổi, làng Phú An), cho biết, "Giáo xứ còn giúp người dân có ý thức và biết tích cóp để làm giàu, từ chuyện phải cấy bao nhiêu mạ cho một mẫu ruộng, đến chuyện ăn bao nhiêu cơm là đủ cho một bữa. Nhờ vậy, người dân vừa có ý thức làm ăn, vừa đề cao tinh thần tiết kiệm".

    Theo ước tính của UBND xã, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế 500-600 triệu đồng. 

    Vì thế, không ngạc nhiên khi ở đây có hơn 400 ngôi nhà trị giá từ 2 tỷ đồng trong tổng số trên 800 hộ. Thậm chí các loại biệt thự thiết kế theo kiến trúc lâu đài châu Âu trăm tỷ đồng cũng có gần 10 căn.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Không phải ngẫu nhiên để một xã biển như Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hơn một thập kỷ trước vốn rất đỗi nghèo khó, cát trắng bủa vây, hiện nay đã dần dà mang dáng dấp một tiểu đô thị, với nhiều công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng san sát.

    quang binh 1
    Dáng dấp một tiểu đô thị ven biển, nhà cửa san sát nhau.

    Phố biển tình quê

    Có mặt tại xã Nhân Trạch những ngày cuối năm, khí trời se lạnh. Thoáng chốc, chúng tôi đã nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt ở xã biển này, trước mắt chúng tôi là hàng trăm căn nhà với kiến trúc hiện đại, khang trang với những gam màu sơn ngoại thất trầm nóng. Nhiều người mạnh dạn ví von rằng làng biển Nhân Trạch giờ đã chuyển mình thành làng Seoul. Khu vực các thôn Nhân Quang, Nhân Tiến tập trung nhà cửa khang trang nhiều hơn cả trong toàn xã.

    Qua hỏi đáp, chuyện trò người dân vui vẻ cho biết: “Chủ nhân của những ngôi nhà khang trang 2 - 3 tầng nơi đây, hiện đa phần đang đi lao động ở nước ngoài, tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức... Thu nhập cũng ổn định từ mức 25 - 50 triệu/người/tháng”.

    Từ những tháng ngày chú tâm làm ăn ở xứ người, những người “xa xứ” tích góp và chuyển tiền về Việt Nam cho người thân mua các lô đất ưng ý, rồi tiến hành xây cất nhà cửa theo các lối kiến trúc hiện đại, có đôi chút du nhập phong cách từ các quốc gia lân cận.

    quang binh 1
    Cận cảnh một căn nhà kiến trúc hiện đại, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

    Hiện, Nhân Trạch là xã dẫn đầu huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Cũng nhờ đó, mà chỉ qua một thập kỷ thôi, xứ biển ngày nào vốn dĩ gian khó đã thay đổi cảnh quan, kiến trúc rõ rệt. Đời sống nhân dân từ đó đủ đầy, ấm no hơn xưa.

    Ngược thời gian, trở về những năm đầu 2000, khi mà kinh tế biển vẫn là nguồn thu chủ lực của người dân nơi đây. Cuộc sống khi ấy còn nhiều khó khăn, nghề biển thì nguy hiểm và bấp bênh; trẻ em xứ biển cũng không mấy chú tâm vào việc học hành. Sự lo toan về sinh kế như là gánh nặng hiện hữu, thì khi ấy chính quyền xã Nhân Trạch có thông tin kêu gọi người dân đăng ký đi XKLĐ. Đợt ấy, khá nhiều người đăng ký đi, chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc, với những ngành nghề quen thuộc như đi biển, chế biến thực phẩm, gia công cơ khí.

    Thay đổi từ xuất ngoại

    Hơn 5 năm xa quê, anh Hoàng Úy (thôn Nhân Đức, xã Nhân Trạch) làm việc tích cực trên tàu cá tại ngư trường Hàn Quốc. Tại Việt Nam, vợ con anh đã có căn nhà 2 tầng khang trang, với tổng chi phí sau khi hoàn thành hơn 1,5 tỷ đồng để ở. Cuộc sống gia đình sung túc, vật dụng trong nhà hiện đại không kém gì dân thành phố. Do sinh sống, làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên đa phần họ học hỏi phong cách sống tiến bộ. Chú trọng nuôi dạy con cái và cho học hành đầy đủ.

    Dáng dấp một tiểu đô thị ven biển, nhà cửa san sát nhau.

    Chị Nguyễn Thanh Thanh, vợ anh cho biết: “Hồi đó anh đi Hàn Quốc khá dễ dàng. Căn nhà 2 tầng khang trang cũng từ sự lao động của anh mà xây lên được. Tiền anh gửi bên đó về cho gia đình, anh em bên này dùng nó vào việc làm ăn, mở rộng kinh doanh sản xuất. Chứ không để thất thoát hay tiêu pha vô ích. Hiện nay, con em gia đình vẫn chọn XKLĐ như một cách làm giàu chính đáng”.

    Mặt khác, thông tin từ UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch được biết thêm rằng: Mỗi năm, xã có khoảng 120-150 người đi xuất khẩu lao động. Thị trường xuất khẩu lao động mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông nhất vẫn là các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức”.

    Từ khi quy định đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực, bám sát chỉ đạo của huyện, xã Nhân Trạch đã xây dựng đề án xuất khẩu lao động, thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động cấp xã. Ban chỉ đạo này đã kịp thời nắm bắt các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan để quản lý, chỉ đạo công tác XKLĐ trên địa bàn. Ban đã chủ động giao dịch và liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ có uy tín tại tỉnh Quảng Bình để kịp thời thông báo cho người dân.

    Ban Chỉ đạo XKLĐ xã Nhân Trạch còn phối hợp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động được vay vốn, thành lập nguồn quỹ tín dụng nhân dân của địa phương để phục vụ hoạt động XKLĐ. Đến nay, quỹ tín dụng đã có trên 300 tỷ đồng.

    Như vậy, từ bàn tay khối óc cùng sự miệt mài lao động, những ngư dân ngày nào hiện đang phân tán khắp nơi tại các thị trường lao động quốc tế. Từng ngày, từng giờ, sản phẩm và dòng tiền họ làm ra đang được chuyển về Việt Nam để xây dựng quê hương. Công cuộc đô thị hóa ở xã biển Nhân Trạch nói riêng và các địa phương khác tại Quảng Bình nói chung, sẽ không thể được đẩy nhanh nếu thiếu sự đóng góp của các người lao động ở nước ngoài.

    Viethome (theo Xaluan)

  • Nhiều lao động ra nước ngoài làm việc vẫn không thể quên được nỗi cơ cực mưu sinh trên xứ người, đặc biệt là một bộ phận lao động bất hợp pháp luôn chịu áp lực với lịch “truy quét” hay nạn cướp giật rình rập.

    Xuất ngoại dễ như đi... chợ

    Ông Trần Đình Trung - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc - cho biết, hiện toàn xã có gần 1.700 người đi xuất khẩu lao động, trong số trên 90% sang Thái.

    Sở dĩ Thái Lan là điểm đến của lao động xã Mỹ Lộc vì đi lại dễ dàng, tìm việc dễ và thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, hầu hết người dân đi Thái Lan làm việc đều không thông qua con đường lao động chính thống bởi nước này chưa chính thức tuyển dụng lao động Việt Nam.

    “Mỗi lao động chỉ mất khoảng 2 triệu đồng cho ‘cò’ hoặc bạn bè là có thể xuất ngoại, sau một ngày đi bằng đường bộ qua của khẩu Lào - Thái Lan là có thể tìm được việc làm trên đất Thái”, ông Trung cho hay.

    Xuất khẩu lao động mang lại sự giàu có cho nhiều ngôi làng ở Hà Tĩnh.

    Sau khi xin được visa du lịch, người lao động đi đường bộ sang Lào, qua Campuchia rồi đến Thái Lan chỉ mất một ngày. Mỗi visa du lịch thường có thời hạn trong khoảng 1 tháng, hết visa họ trở về cửa khẩu tại Campuchia xin gia hạn visa sau đó tiếp tục sang đất Thái làm việc.Ông Nguyễn Khánh, Trưởng thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, người có 4 năm bôn ba kiếm sống ở xứ chùa Vàng, cho biết, quãng đường bộ từ Việt Nam sang Thái Lan còn gần hơn cả từ Hà Tĩnh vào TP.HCM.

    Ông Nguyễn Trọng Thiểu trú tại thôn Nhật Tân hiện có 3 người con làm việc ở Thái Lan, nhớ lại, năm 2006, con gái đầu của ông theo người làng sang Thái làm việc, thời gian ngắn sau chị về nước đưa thêm em út vừa rời ghế phổ thông sang kiếm sống. Đến nay, các con của ông làm việc bên Thái ngót nghét đã hơn chục năm.

    “Con trai út của tôi qua Thái làm việc thì quen một cô gái người cùng làng làm thuê bên đó. Hai đứa tìm hiểu rồi đưa nhau về quê cưới, cưới xong lại dắt nhau sang Thái. Đến khi con dâu mang bầu, nó về nước sinh và nghỉ thời gian ngắn rồi gửi con cho chúng tôi trông, tiếp tục sang Thái. Hiện con nó gần 4 tuổi rồi nhưng mỗi năm vợ chồng nó cũng chỉ về 1-2 lần thôi”, ông Thiểu kể.

    Còn để sang được các nước Tây Âu làm việc là cả một chặng đường gian nan đối với lao động bất hợp pháp. Ông Võ Minh Thanh, trú thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, cho hay, người dân phải tự tìm “cò” tận ngoài Hà Nội để tham gia, ở đây có cả một đường dây đưa người lao động ra nước ngoài.

    “Tìm được ‘cò’ sẻ thỏa thuận giá cả, tùy các nước đến mà giá khác nhau. Sau khi thỏa thuận thành công nộp trước một số tiền đặt cọc, đến nước ngoài trót lọt và gọi điện về nước thông báo đã an toàn thì số tiền còn lại sẽ chuyển trả hết cho ‘cò’ môi giới. Người dân đi lao động trước đây nhiều lắm, còn bây giờ ít hơn vì bị phát hiện và trục xuất nhiều”, ông Thanh kể.

    Nơm nớp lo sợ bị bắt

    Mặc dù xứ người có thể là thiên đường làm thuê kiếm sống, nhưng đối với những lao động bất hợp pháp, họ luôn cảm thấy bất an, lo sợ mỗi ngày trước các cuộc kiểm tra của nhà chức trách sở tại.

    Nhiều ngôi nhà chỉ còn người già và lũ trẻ bởi bố mẹ đi xuất khẩu lao động hết.

    Ông Nguyễn Khánh cho biết, lao động Mỹ Lộc sang đến Thái Lan chủ yếu trông giữ xe, phục vụ nhà hàng hoặc phụ hồ kiếm sống. Người Mỹ Lộc ở Thái thường sống tập trung để dễ giúp đỡ nhau, tránh sự rà soát của lực lượng chức năng. Họ cần có sự “bảo trợ” của một số người bản địa, chủ yếu là các ông chủ nơi họ làm việc.

    Ngoài ra, nạn cướp bóc, trấn lột cũng là một hiểm họa mà người lao động Việt trên đất Thái luôn phải đối mặt. Là nạn nhân nhưng người Việt chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không dám trình báo với chính quyền địa phương, bởi khi đó họ không những không lấy lại được tài sản mà còn bị chính quyền trục xuất.

    Mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng những người đang làm việc trên đất Thái chấp nhận đối mặt với nguy hiểm vì cuộc sống mưu sinh. Từ năm 2000 đến nay, lao động sang Thái Lan trở thành “bảo bối” của riêng người xã Mỹ Lộc, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.

    Những năm gần đây, người lao động ở Mỹ Lộc đang có xu hướng dịch chuyển sang Hàn Quốc, Nhật Bản - những thị trường không những đem lại thu nhập cao mà còn giúp người lao động yên tâm làm việc.

    “Trước đây, do không có cả trăm triệu đồng để làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, dân Mỹ Lộc đành sang Thái Lan lao động chui. Khi gom đủ tiền xây nhà cửa và có vốn liếng, họ bắt đầu chuyển hướng sang các nước ký hợp tác xuất khẩu lao động với Việt Nam cho an toàn”, ông Trung cho hay.

    Viethome (theo Vietnamnet)