Nhiều trẻ gốc Việt ở Orange County cần cha mẹ nuôi

LOS ANGELES, California (NV) – Orange County hiện có khoảng 200 trẻ em từ vài tháng đến 18 tuổi bị ngược đãi và đang cần cha mẹ nuôi. Theo cô Phương Võ, quản lý chương trình nuôi dưỡng trẻ em gốc Á của KFAM, tuy không có thống kê nhưng trẻ em gốc Việt rất đông.

tre mo coi orange county
Một người mẹ nuôi chơi với đứa con nuôi. Sau một thời gian, bé này trở thành con nuôi chính thức của cô. (Hình: Phương Võ cung cấp)

“Vì Orange County không làm thống kê về chuyện trẻ em cần cha mẹ nuôi, nên tôi không có con số chính thức, nhưng theo thống kê của Los Angeles, trong số trẻ em gốc Á cần cha mẹ nuôi, trẻ em Trung Quốc và Philippines chiếm con số đông nhất và trẻ em gốc Việt đứng thứ ba. Tại Los Angeles, hiện có 60 trẻ em gốc Việt,” cô Phương Võ nói.

Cô Phương là nhân viên của Korean American Family Services (KFAM), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Los Angeles, với chức vụ Điều Phối Viên Tiếp Cận Cộng Đồng Việt Nam.

Tại sao có những đứa trẻ cần cha mẹ nuôi ?

Cô giới thiệu về Asian Foster Family Initiative (AFFI), một bộ phận của KFAM.

AFFI được thành lập năm 2014 với mục tiêu là chăm sóc những đứa trẻ cần cha mẹ nuôi. AFFI là cơ quan đầu tiên chuyên lo cho trẻ em em gốc Á tại Mỹ.

Cô cho biết đây là những đứa trẻ bất hạnh. “Những bé này là nạn nhân của chính cha mẹ mình. Các em bị ngược đãi qua nhiều hình thức như thể chất, tình cảm hay lời nói, mắng mỏ. Có rất nhiều lý do. Có em thì bị hành hạ, đánh đập, la hét. Đây là bạo lực gia đình,” cô cho biết.

Có những trường hợp không cố ý, như cha mẹ đánh đòn để dạy con nhưng đi quá đà. Cô nói: “Theo luật pháp, cha mẹ có thể đánh phạt con, nhưng chỉ được đánh bằng bàn tay xòe ra và đánh vào mông thôi. Nhưng khi dùng roi vọt hay nắm đấm thì đã là phạm luật rồi.”

Tuyệt đối không được tát vào mặt con. Lại có những trường hợp nặng hơn. Cô nói: “Có những em bị lạm dụng tình dục nữa.”

Ngoài ra, trong số trẻ em bị ngược đãi, có em không được cung cấp đủ thức ăn, quần áo, nhà ở cũng như sự chăm sóc y tế. Cô thêm: “Có em bị bỏ mặc ở nhà mà không có người chăm sóc.”

Cô nhấn mạnh: “Đây là lý do rất phổ biến để cha mẹ gốc Việt không được nuôi con nữa.”

Có trường hợp cha mẹ không muốn ngược đãi con mình nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy. Cô kể: “Có một cậu bé 13 tuổi sống với người cha lớn tuổi. Người cha bị mất trí nhớ và đôi khi quên nấu ăn cho con. Mẹ bé sống ở Việt Nam và chỉ có thể gọi điện thoại để an ủi.”

Một ngày nọ, người cha đi đâu vài hôm và cậu bé phải gọi cảnh sát vì đói quá.

Cô tiếp: “Sở Xã Hội Los Angeles tìm một ngôi nhà tạm cho bé. Không ai trong số họ hàng ở đây muốn giúp đỡ bé, vì vậy bé phải ở với cha mẹ nuôi không phải gốc Á. Bé đã phải học một loạt điều luật mới lạ trong nhà.”

Tác động của việc xa cha và phải đối diện với một nền văn hóa mới lạ đã ảnh hưởng đến tâm lý của bé. “Vì vậy bé đã la hét rất nhiều lần, đến nỗi cha mẹ nuôi không nhận bé nữa. Tuy nhiên, khi quận hỏi chúng tôi có thể tìm cho bé một căn nhà Việt Nam, chúng tôi không thể làm gì vì lúc ấy không có gia đình gốc Việt nào muốn giúp. Cuối cùng, bé đã ở nhà người Trung Quốc,” cô nói.

Nguồn: Người Việt