'Rất ít người đeo khẩu trang, chúng tôi chỉ có thể dùng khăn vải bịt mặt khi quá hoảng loạn'

“Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường lây lan cho người khác…”. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị thói quen đeo khẩu trang của mình.  

"Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Anh thì người Anh vẫn đổ ra đường, dạo chơi, sưởi nắng, hầu hết không ai đeo khẩu trang cả. Nếu bạn làm điều ngược lại thì chắc chắn bạn sẽ gặp cái nhìn kỳ lạ từ họ" - Quỳnh Hoa Nguyễn (24 tuổi, du học sinh tại Anh) chia sẻ.

Một năm theo học thạc sĩ tại Đại học Bournemouth (Anh), chưa bao giờ Quỳnh Hoa lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, bất lực khi chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, nhưng những người Hoa gặp hầu như không một ai đeo khẩu trang ra đường.

Nhiều người châu Á chịu cái nhìn tò mò ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi chỉ có thể dùng khăn vải bịt mặt lại khi quá hoảng loạn…"

Vào ngày 11/3, WHO đưa ra tuyên bố chính thức, xem dịch viêm phổi do viurs corona mới (Covid-19) là đại dịch toàn cầu, mức độ lây lan hơn 100 quốc gia trên thế giới. Vương quốc Anh đã ghi nhận 456 ca nhiễm, trong đó có 8 ca tử vong.

Trước sự lây lan mạnh của đại dịch COVID-19, nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh như Quỳnh Hoa không khỏi lo lắng, đặc biệt trước "cái nhìn kỳ lạ", giống như sự kỳ thị từ chiếc khẩu trang.

Quỳnh Hoa nhớ lại, ngày đầu tháng 2, cô mắc phải một đợt cảm cúm nhẹ. Lúc bấy giờ, với suy nghĩ nhằm tránh lây lan cho lớp học, Hoa đeo chiếc khẩu trang đến trường. Thế nhưng, khi vừa bước chân lên xe buýt, cô đã nhận rất nhiều sự chú ý, tò mò từ xung quanh.

"Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường mà lây lan cho người khác…", một bạn học chung đã thẳng thắn nói với Hoa. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị khi ai đó đeo khẩu trang.

Một vài sinh viên ở châu Âu và Mỹ đeo khẩu trang đến lớp học. Ảnh: Reuters.

Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Anh, Hoa bảo nhiều du học sinh châu Á đã rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tất cả họ đều mong muốn được đeo khẩu trang ra ngoài đường. Thế nhưng, đổi lại, họ chịu nhiều cái nhìn dò xét từ mọi người xung quanh.

"Họ không tới mức sẽ kỳ thị, xem xét bạn chằm chằm hay đánh đạp gì bạn, nhưng người bên này vẫn có cái tâm lý lạ lẫm với thói quen đó nên luôn nhìn bạn…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

Từ đó, Hoa chấp nhận chuyện lo sợ và hạn chế không đeo khẩu trang. Cô chỉ sử dụng nó khi quá hoảng loạn vì ở giữa đám đông lớn, hoặc chen lấn mua thực phẩm ở siêu thị. Còn lại, Hoa chỉ có thể dùng một miếng khăn che lên mặt với mong muốn giữ vững tâm lý.

Gạo, khăn giấy, nước rửa tay,... đều đã cháy hàng từ rất lâu. Ảnh: NVCC.
Các địa điểm du lịch nổi tiếng được yêu cầu đóng cửa vì lo ngại khách mang theo virus. Ảnh: Getty.

"Chiếc khăn không có khả năng chống lây nhiễm virus, nó chỉ khiến mình cảm thấy ít lo sợ hơn. Gần đây, vẫn có vài người châu Á liều mình đeo khẩu trang, nên mình cũng đủ can đảm để đeo ra khỏi nhà. Nhưng hôm qua, khi lên xe buýt, một người phụ nữ đã nhìn mình rất kỹ. Đến trường, mình lại phải bỏ chiếc khẩu trang ấy ra ngoài…" .

Hằng ngày, mỗi lần đọc thông tin trên mạng xã hội, Hoa lại càng thêm hoang mang. Đặc biệt, sau khi tình cờ xem được một video người châu Á đeo khẩu trang bị hành hung tại nước ngoài, Hoa đã không khỏi đau xót. Cô đã xin nghỉ việc tại cửa hàng, mặc ông chủ cho cô đeo khẩu trang và uống trà nóng nếu như có cảm giác sợ dịch.

"Các hoạt động tại London vẫn diễn ra bình thường. Gần đây, khi nước Anh vào mùa nắng ấm hơn, người ta còn đổ ra đường vui chơi, sưởi nắng nhiều hơn. Gần như không ai đeo khẩu trang hay có biện pháp phòng dịch nào cả nên càng làm mình thêm lo sợ…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

"Trường đã có ca nhiễm, nhưng chúng tôi vẫn không được nghỉ hay tự ý bỏ về nước…"

Trước tình hình COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, rất nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn phương án trở về nước. Hoa đã cố gắng liên hệ phía nhà trường, thế nhưng, lý do trở về nước vì dịch của Hoa nhanh chóng bị bác bỏ, mặc dù lúc ấy tại trường đã có sinh viên nhiễm COVID-19.

"Trên mạng đưa rất nhiều thông tin tiêu cực, nhà trường đã khử trùng, cho sinh viên bị nhiễm cách ly tại nhà, nhưng mỗi ngày phải đến trường với tâm trạng lo sợ khiến mình buồn vô cùng. Mình chỉ mong muốn được trở về Việt Nam…".

Rất nhiều người Việt tại nước ngoài lo ngại vì tốc độ lây lan nhanh của đại dịch COVID-19. Ảnh: Sputnik.

Hoa đã mua thức ăn dự trữ, cùng 2 người Việt khác chọn biện pháp cách ly tại nhà. Thế nhưng, gạo, giấy vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay,… tại các cửa hàng, siêu thị thì đều đã hết sạch từ khi công bố dịch.

Đầu tuần, cô đã chấp nhận bỏ một vài buổi học, song việc này không thể trì hoãn thêm được nữa. Ngày mai, Hoa vẫn phải tiếp tục đến trường trong nơm nớp lo sợ.

Hôm qua, trong cuộc gọi về Việt Nam, cô gái trẻ đã không ngừng khóc khi nghe mẹ khuyên: "Bỏ hết mọi thứ, chỉ cần con về nước…". Nhưng Hoa không thể làm được.

Thức ăn được dự trữ. Ảnh: NVCC.
Hầu hết tất cả nhu yếu phẩm đều đã cháy hàng. Ảnh: NVCC.

Hai mẹ con Hoa đã chấp nhận trường hợp xấu nhất sẽ xảy đến. Mẹ Hoa liên hệ với nhiều bác sĩ tại Việt Nam, và trong trường hợp Hoa nhiễm COVID-19, cô sẽ tự cách ly và chữa trị online thông qua hướng dẫn của họ.

"Hôm nay khi tiễn một người chị cùng nhà trở về Việt Nam, mình vẫn còn suy nghĩ có thật sự sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định ở lại này…" - Hoa kể.

Hành lý đã gói sẵn sàng, nhưng Hoa không thể về Việt Nam vì lịch học. Ảnh: NVCC.

Ngoài đường, hiện tại, mọi người đã bắt đầu biết phòng tránh, đeo khẩu trang nhiều hơn, điều đó làm Hoa thêm hy vọng. Hoa hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ mau chóng được kiểm soát. Hằng ngày, cô vẫn cập nhật tình hình dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho tình trạng cấp thiết.

"Mình nghĩ mỗi người nên chọn lọc thông tin để đọc, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào Chính Phủ. Thực sự sự hoảng loản chỉ làm mọi chuyện tệ hơn thôi…", Hoa bày tỏ.

*Tên nhân vật thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ