• Sau khi cơ quan y tế Anh ban bố tình trạng quốc gia về bệnh sởi, các quan chức đang cố gắng giải quyết vấn đề tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở trẻ em.

    dich soi o anh
    Triệu chứng phát ban do mắc sởi ở trẻ. Ảnh: Euronews.

    Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), có 650 trường hợp mắc sởi từ tháng 10/2023 đến cuối tháng 2. Các ca bệnh bắt đầu từ đợt bùng phát ở vùng Tây Midlands, sau đó lan rộng ra cả nước. Hầu hết trường hợp mắc bệnh là trẻ dưới 10 tuổi, New York Times đưa tin hôm 3/3.

    Tỷ lệ tiêm vaccine đã giảm xuống mức lo ngại ở một số khu vực. Các chuyên gia cho biết điều này đến từ tình trạng thiếu thốn nguồn lực, nhận thức và văn hóa ở một số cộng đồng, thay vì phong trào phản đối vaccine đang lan rộng.

    Số ca mắc sởi tăng đã buộc giới chức Anh phải ban bố tình trạng y tế quốc gia hồi tháng 1. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR) ở mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua, theo Guardian.

    Vào năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng tuyên bố Anh đã loại trừ bệnh sởi nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng bệnh đã tái bùng phát một năm sau đó. Tỷ lệ bao phủ vaccine tại Anh hiện nay là 84,5%, thấp hơn mức khuyến nghị của WHO là 95% người dân tiêm 2 liều vaccine sởi.

    Jenny Harries, Giám đốc UKHSA, nói rằng tỷ lệ vaccine đến từ tình trạng bất bình đẳng, khi trẻ em ở một số vùng không được tiếp cận vaccine.

    "Trừ khi điều này được cải thiện, chúng ta sẽ thấy những bệnh vốn có thể phòng ngừa bằng vaccine bùng phát và gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn", bà nói.

    Tỷ lệ trẻ em được miễn dịch thông qua trương chình tiêm chủng quốc gia tại Anh đã giảm với hầu hết loại bệnh, bao gồm ho gà, sởi, quai bị, rubella, bại liệt, viêm màng não và bệnh bạch hầu.

    Không chỉ ở Anh, số ca mắc sởi ở châu Âu năm 2023 đã tăng hơn 40 lần so với một năm trước đó, với hơn 40.000 trường hợp, theo WHO. Các quốc gia phát triển với tỷ lệ tiêm phòng cao trước đây cũng ghi nhận những đợt bùng phát lo ngại.

    Viethome (theo ManchesterEveningNews)

  • Dịch sởi đang bùng nổ tại nhiều nơi ở England, khiến các hội đồng phải khuyên người dân áp dụng các biện pháp cách ly để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

    Người lao động và học sinh, tùy thuộc vào tình hình tiêm vaccine của họ, có thể được yêu cầu ở nhà cách ly tới tối đa 3 tuần nếu họ bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

    Bệnh sởi có thể gây tử vong. Nguyên nhân bệnh bùng phát là do tỉ lệ tiêm vaccine sởi ngày càng giảm trong dân chúng. Dưới đây là những điều bạn cần biết:

    Dịch bệnh sởi bùng phát ở đâu?

    Hơn 300 ca nghi ngờ nhiễm bệnh sởi đã được phát hiện ở West Midlands, theo số liệu mới nhất từ Cơ quan An toàn Sức khỏe Anh (UK Health Security Agency - UKHSA). 

    Trong số này, 80% ca nghi nhiễm bệnh nằm ở Birmingham, 8% ở Coventry và còn lại rải rác khắp West Midlands. Gần cuối năm 2023, dịch bệnh cũng đã được báo cáo ở London, Wales và Leicester. 

    benh soi
    Số lượng người tiêm vaccine sởi ở England đã giảm trong những năm gần đây. Ảnh: AP / PA

    Các hội đồng khuyên gì?

    West Midlands

    Hội đồng thành phố Birmingham đã phát hành một bài hướng dẫn trên website, nói rằng "bất cứ trẻ em hay người lớn nào chưa từng tiêm ít nhất 1 liều vaccine sởi và đã tiếp xúc với người mắc bệnh sởi thì phải cách ly khỏi nhà trẻ, trường học và công sở trong 21 ngày. Những đối tượng này nên ở trong nhà".

    Hội đồng thành phố Coventry đã gửi văn bản hướng dẫn đến các trường học ngay trước Giáng sinh, khuyên học sinh và nhân viên không đến trường trong vòng 4 ngày từ lúc bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. 

    Hội đồng Wolverhampton cũng đưa ra lời khuyên tương tự như Coventry.

    Các hội đồng khác, bao gồm Dudley Metropolitan Borough Council, đều tuân thủ theo lời khuyên của UKHSA. Người phát ngôn UKHSA thông báo: "Nếu một đứa trẻ chưa tiêm vaccine và có tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi, chẳng hạn anh chị em, thì phụ huynh không nên đưa con tới trường trong nhiều ngày để ngăn ngừa bệnh lây lan. Số ngày cách ly tùy thuộc vào từng trường hợp".

    London

    Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở London đã khiến một số chính quyền địa phương đưa ra các thông báo tương tự. Năm ngoái UKHSA đã cảnh báo tỉ lệ nhiễm sởi có thể tăng từ 40,000 - 160,000 người nếu thủ đô không tăng cường tiêm vaccine. 

    Hội đồng Ealing khuyên trẻ em xuất hiện triệu chứng sốt trên 38C hoặc phát ban thì không nên đi học, và nên hỏi xin tư vấn khám bệnh.

    Hội đồng Barnet và Haringey trước đó đã gửi thông báo đến các phụ huynh, nói rằng nếu trẻ em nào chưa tiêm vaccine và có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, thì nên cách ly tới 21 ngày. 

    Hội đồng Hackney cũng khuyên tương tự nhưng số ngày cách ly còn phụ thuộc vào từng trường hợp. 

    Các hội đồng ở England khuyên những người dân nào chưa tiêm chủng đầy đủ (bao gồm 2 mũi vaccine chống sởi - quai bị - rubella (vaccine MMR)) thì nên đến các trung tâm để tiến hành tiêm chủng. 

    Vì sao sởi lại bùng phát thành dịch bệnh?

    Số liệu cho thấy trong năm 2022/23 có 84.5% trẻ em ở England nhận đủ 2 liều vaccine MMR, đây là tỉ lệ thấp nhất kể từ năm 2010/11. 

    WHO khuyến cáo để cả thế giới được bảo vệ khỏi bệnh sởi thì 95% người dân phải nhận đủ 2 mũi tiêm. 

    Có một số lí do dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng giảm, nhưng một phần nguyên nhân là do một báo cáo vào năm 1998 của tác giả Andrew Wakefield. Ông này cho rằng mũi tiêm MMR là nguyên nhân gây bệnh tự kỷ. Tuy nhiên báo cáo này sau đó được xác nhận là sai, ông Andrew Wakefield bị bài trừ khỏi lĩnh vực y khoa, nhưng báo cáo của ông này đã tạo ra một hiệu ứng kéo dài khiến nhiều người ngần ngại trong việc cho con tiêm vaccine. 

    Lời khuyên khi bị sởi

    NHS khuyên bạn: 

    - Gọi điện cho phòng khám GP để sắp xếp cuộc hẹn khẩn cấp. Không tới phòng khám trừ khi họ cho phép. Vì bệnh sởi rất dễ lây lan, nên bạn có thể chỉ được thăm khám qua điện thoại. 

    - Hoặc bạn có thể gọi 111, hay làm theo hướng dẫn ở link này https://111.nhs.uk/.

    Sởi là gì?

    Sởi là bệnh truyền nhiễm với triệu chứng ban đầu giống như cảm lạnh, vài ngày sau sẽ phát ban. Dữ liệu so sánh vào năm 2020 của Bộ Y Tế cho thấy, nếu như 1 người bị Covid-19 chỉ lây nhiễm cho 1.6 người khác, thì 1 người nhiễm sởi sẽ lây nhiễm cho từ 15-20 người khác. 

    Các triệu chứng của bệnh sởi:

    - Sốt cao

    - Chảy mũi, nghẹt mũi

    - Hắt hơi

    - Ho

    - Mắt đỏ, đau, mắt chảy nước

    - Có thể xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má hoặc phía trong môi

    - Ban đầu xuất hiện triệu chứng như cảm lạnh, với dấu hiệu phát ban

    Bệnh sởi có nguy hiểm không?

    Bệnh sởi gây khó chịu và kéo dài từ 7-10 ngày, sau đó sẽ hết. Nhưng trong một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng phổi (viêm phổi) và não (viêm não).

    Nếu đã từng bị sởi, sẽ rất hiếm trường hợp bị lại lần nữa. Trẻ em thường nhận được mũi tiêm đầu tiên khi 1 tuổi, và mũi thứ hai khi bé được 3 tuổi 4 tháng.

    Nếu con bạn đã lớn mà chưa tiêm, hoặc chính bạn chưa nhận 2 mũi vaccine, thì bạn nên liên hệ GP để hẹn lịch tiêm chủng.  

    Viethome (theo ITV News)

  • Sự gia tăng số ca nhiễm virus Nipah trong thời gian gần đây đã khiến cho WHO lo sợ một đại dịch tương tự Covid-19 sẽ bùng phát.

    Dù đã xuất hiện từ năm 2018 nhưng thời gian gần đây Ấn Độ vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát mới của dịch bệnh do virus Nipah gây ra sau khi 6 người được xác nhận là đã tử vong do mắc virus nguy hiểm này.

    virus nipah 1
    Virus Nipah bùng phát trở lại tại Ấn Độ khiến nhiều chuyên gia lo ngại

    Theo nguồn tin từ phía truyền thông, tính đến ngày 15/09, tổng cộng có 706 trường hợp được suy đoán là đã nhiễm bệnh, trong đó 6 người đã tử vong. Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y học Ấn Độ (ICMR) Rajeev Bahl đã cho biết rằng tỷ lệ tử vong của virus Nipah lên đến 40 đến 70% trong khi con số này ở Covid-19 là từ 2 đến 3%.

    Giáo sư Izak Bogus, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học đa khoa Toronto cho biết: “Chủng virus này chắc chắn sẽ gây ra những triệu chứng không hề dễ chịu với những tổn thương về não và tỷ lệ tử vong cao hơn từ 40% đến 75% đối với những người bị mắc bệnh. Trong khi đó những người sống sót cũng sẽ phải chịu đựng những tổn thương lâu dài sau đó”.

    Triệu chứng nhiễm bệnh

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah là một bệnh lây truyền từ dơi ăn quả sang người. Nó có khả năng lây truyền khi tiếp xúc gần cả từ động vật sang người lẫn từ người sang người. Các triệu chứng của virus Nipah tương tự như Covid-19, bao gồm ho, đau cơ, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, hay rối loạn tâm thần và co giật.

    virus nipah 1
    Virus này được cho là có nguồn gốc từ loài dơi

    Dựa vào một số trường hợp được phát hiện gần đây ở Kerala, Ấn Độ, virus Nipah được phân thành ba loại: Nhiễm trùng không có triệu chứng, Nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và Viêm não gây tử vong.

    Theo đó, người bị nhiễm bệnh trong vòng 4 đến 14 ngày có thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, thậm chí có trường hợp phải đến 45 ngày mới xuất hiện các triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu của người mắc virus Nipah sẽ giống cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, nôn mửa và đau họng.

    virus nipah 1
    Những triệu chứng của virus Nipah có nhiều điểm tương đồng với Covid-19

    Vài ngày sau khi bị nhiễm bệnh, các biểu hiện nghiêm trọng hơn như chóng mặt, buồn ngủ và các vấn đề về thần kinh sẽ xảy ra đối với người bệnh. WHO cho biết một số người nhiễm bệnh cũng phải đối mặt với các vấn đề về hô hấp và viêm phổi không điển hình, thậm chí họ có thể bị viêm não và co giật gây ra tình trạng hôn mê.

    Những biện pháp phòng ngừa nào là cần thiết để tránh nhiễm virus Nipah?

    Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp virus Nipah vào danh sách 16 mầm bệnh cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển do có khả năng gây ra dịch bệnh. Đặc biệt, Nipah chỉ là một trong 260 loại virus tiềm ẩn khả năng gây đại dịch cho nhân loại, tương tự dịch Covid-19 do SAR-CoV-2 gây ra.

    Về virus này, giới khoa học cũng cho rằng, điều quan trọng không phải virus Nipah hay bất kỳ loại virus gây bệnh nào khác, mà là khả năng phòng chống và đối phó của con người.

    virus nipah 1
    Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong của người mắc virus này là từ 40% đến 75%

    Do vậy, thông báo của WHO cho biết, nếu đợt bùng phát vi rút Nipah xảy ra trên bất kỳ lãnh thổ nào của Quốc gia, người dân phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa được liệt kê dưới đây.

    - Tránh xa lợn và dơi bị bệnh vì đây là các nguồn dễ nhiễm bệnh.

    - Trong thời gian dịch bệnh này bùng phát, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước rửa tay diệt khuẩn.

    - Không đến gần những thực phẩm hoặc đồ uống mà dơi, lợn hoặc người bị nhiễm bệnh chạm vào.

    - Cách ly với những người bị nhiễm bệnh.

    - Tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của cá nhân hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

    Là một loại virus có tỷ lệ tử vong cao nhưng hiện giờ vẫn chưa có phương pháp điều trị nào cho loại bệnh nguy hiểm này. Đó là lý do tại sao người ta phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa một cách cẩn thận, bởi vì nếu một cá nhân bị nhiễm bệnh, người đó có thể dễ dàng lây nhiễm cho những người khác hay thậm chí là tử vong chỉ trong một thời gian ngắn.

    Kênh 14 (Nguồn: RajneetPG)

  • Các nhà khoa học Anh đã và đang phát triển vaccine cho đại dịch "bệnh X" trong tương lai, hãng tin Sky News đưa tin hôm 7/8/2023.

    Giới chuyên gia cảnh báo nhiều đại dịch có thể xuất hiện sau Covid-19. Tính riêng 20 năm trở lại đây, chúng ta đã tránh được "5 viên đạn" gồm SARS, MERS, Ebola, cúm gia cầm và cúm lợn.

    Mặc dù thu được nhiều kiến thức từ những dịch bệnh nêu trên, thế giới nhìn chung vẫn rơi vào thế bị động khi Covid-19 bùng phát. Tốc độ lây lan của virus cho thấy độ nguy hiểm của một thế giới "siêu toàn cầu hóa" trong đại dịch.

    Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vào năm ngoái rằng dù "rất nghiêm trọng" nhưng Covid-19 chưa chắc đã là đại dịch lớn thực sự.

    Cuộc sống hiện đại tiềm ẩn nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh. Nhiều năm trước, dịch bệnh có thể khởi phát ở một khu vực nào đó và kết thúc khi chưa kịp lây lan sang những nơi khác. Tuy nhiên, trong một thế giới siêu toàn cầu hóa với hoạt động giao thương và di chuyển quốc tế nhộn nhịp, dịch bệnh có thể lây từ người này sang người khác rất nhanh, chuyên gia Victoria Brookes của Trường ĐH Charles Sturt (Úc), cảnh báo.

    benh X
    Dịch bệnh lây nhiễm nhanh hơn trong một thế giới siêu toàn cầu hóa. Ảnh: AP

    "Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của các dịch bệnh mới là sự tương tác gia tăng của con người và động vật. Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân" – chuyên gia Hassan Vally của Trường ĐH La Trobe (Úc) cho biết.

    Theo ABC News, giới nghiên cứu ước tính hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Đó là lý do họ đặc biệt chú ý đến hoạt động tương tác giữa con người và động vật hoang dã.

    Giới chuyên gia đã xác định được hơn 250 loại virus gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Với những virus chưa xác định được, họ khẳng định chúng có thể gây ra mối đe dọa tương tự hoặc thậm chí là nguy hiểm hơn so với nhóm virus trên.

    Các nhà khoa học Anh chuẩn bị vaccine cho “căn bệnh X” bí ẩn

    Nghiên cứu đang được Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) thực hiện tại khu phức hợp phòng thí nghiệm Porton Down được bảo mật cao ở Wiltshire. Trung tâm Đánh giá và Phát triển vaccine của Porton Down đã được mở rộng kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 và 200 nhà khoa học hiện đang phát triển vaccine cho virus động vật chưa lây nhiễm cho người.

    "Những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây là đảm bảo rằng chúng ta chuẩn bị sẵn sàng, qua đó nếu có một "bệnh X" xuất hiện, chúng ta đã có thể hoàn thành công việc đó trước càng nhiều càng tốt", Giáo sư Dame Jenny Harries của UKHSA nói với hãng tin Sky News. "Hy vọng rằng chúng ta có thể ngăn chặn (một đại dịch). Nhưng nếu chúng tôi không thể và chúng tôi phải ứng phó, chúng tôi đã bắt đầu phát triển vaccine và phương pháp điều trị để đẩy lùi nó".

    Nhóm Porton Down đã phát triển một loại vaccine chống lại bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, một bệnh lý lây lan do bọ ve lây truyền virus, với tỷ lệ tử vong lên tới 30% số người nhiễm bệnh. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu đã bắt đầu dược triển khai và 24 tình nguyện viên dự kiến sẽ thử nghiệm mũi tiêm này trong tương lai gần, đài truyền hình Anh đưa tin.

    Các mầm bệnh khác đang được nghiên cứu bao gồm cúm gia cầm, bệnh thủy đậu và virus Hanta, một họ virus lây lan qua loài gặm nhấm.

    Theo VTV

  • cai chet den 1

    Năm 1347, "Cái chết đen" đã cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, giết chết 60% dân số châu Âu và 33% dân số nước Anh. 10 năm sau, "thần chết" tiếp tục quay trở lại…

    Khi nền văn minh nhân loại phát triển và dân số bùng nổ theo từng ngày cũng là lúc môi trường xuống cấp. Từ vệ sinh nhà cửa, cách ăn uống của con người cũng không còn "trong lành" như xưa.

    Những động vật dễ gây bệnh như chuột, rơi, chấy rận...sinh sôi nảy nở, sống chung với con người. Cùng với sự giao thương mở cửa giữa các quốc gia đã mở lối cho hàng loạt dịch bệnh khủng khiếp ra đời. Trong đó có dịch hạch – "Cái chết đen" của nhân loại.

    Sự xuất hiện kỳ bí của hai ngôi sao chổi

    Nghị sĩ Samuel Pepys, một lãnh đạo của Hải quân Anh đồng thời là thành viên Quốc hội nổi tiếng thế giới bởi những cuốn nhật ký của mình.

    cai chet den 1
    Cuốn nhật ký của Samuel Pepys được xem là tư liệu lịch sử quý giá về dịch hạch.

    Ông từng ghi chép lại tỉ mỉ 3 sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử nước Anh đó là dịch hạch năm 1665 – 1666; Đại hỏa hoạn năm 1666 và chiến tranh Anh – Hà Lan giai đoạn 1665 – 1667.

    Trong cuốn nhật ký, ông từng nhắc đến hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London. Một ngôi sao chổi hiện vào cuối năm 1664 và một xuất hiện vào đầu năm 1665. Thời bấy giờ, các nhà chiêm tinh học đã cho rằng đó là dấu hiệu của ma quỷ sắp giáng xuống nước Anh. Song, ít ai hiểu được rằng, đó không phải là ma quỷ mà là "thần chết" mang tên dịch hạch đang chuẩn bị tới cướp đi mạng sống của không chỉ người dân Anh mà còn của cả Châu Âu.

    Nguồn gốc về "Cái chết đen"

    3 trong số những đại dịch chết chóc nhất đều được ghi nhận từ một loại vi khuẩn gây ra- Yersinia pestis hay còn gọi là vi khuẩn dịch hạch.

    Bệnh dịch hạch xảy ra đầu tiên được cho vào thời kỳ 541 sau Công nguyên tại Constantinople, thủ đô của Đế chế Byzantine (Ai Cập). Sau đó, bệnh dịch đã lan rộng khắp Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi và Arab, giết chết ước tính từ 30 đến 50 triệu người, khoảng một nửa dân số thời điểm đó.

    800 năm sau, dịch bệnh này đã quay trở lại và khiến châu Âu điêu đứng trong "Cái chết đen" (Black Death). Cụ thể, tháng 10/1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia, người dân có mặt lúc đó đã gặp phải một điều kinh hoàng. Hầu hết các thủy thủ trên những con tàu này đã chết, những người còn sống thì cũng đang bị bệnh nặng, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ.

    Chính quyền Sicilia đã nhanh chóng đưa hạm đội "tàu tử thần" ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn. Dịch hạch đã lan tỏa nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, tương đương 60% dân số Châu Âu và 33% dân số nước Anh.

    Theo một số ý kiến, chấy và bọ chét được cho là vật mang vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis ở sóc, thỏ, chuột và gà...Sau khi làm số lượng lớn động vật gặm nhấm chết đi, bọ chét và chấy sẽ mang theo vi khuẩn đi tìm vật trung gian mới, đó chính là con người.

    cai chet den 1
    Tranh mô tả dịch hạch. Ảnh: Getty Images

    Khi "không còn ai để lây nhiễm", người ta tưởng rằng dịch bệnh cũng sẽ theo đó mà "chết" đi. Song, 10 năm sau, từ năm 1348 - 1665 với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm ở London. Mỗi đợt bùng phát, 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em lại tử vong vì mắc phải dịch bệnh quái ác này.

    Vào đầu những năm 1500, nước Anh đã thực hiện bộ luật đầu tiên yêu cầu tách riêng và cách ly những người bị bệnh. Những gia đình bị dịch bệnh tấn công sẽ được đánh dầu bằng một kiện cỏ được treo trên một cây gậy bên ngoài. Nếu người nào có người thân mắc dịch hạch, người đó sẽ phải mang theo một cây gậy trắng khi đến nơi công cộng.

    Đến năm 1665, đây cũng là đợt bùng phát dịch bệnh cuối cùng nhưng cũng là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất kéo dài hàng thế thế kỷ, khiến 100.000 người dân Thủ đô nước Anh thiệt mạng chỉ trong vòng 7 tháng.

    Nghị sĩ Pepys từng viết trong nhật ký, tháng 8/1665, mô tả chuyến đi đến Greenwich: "Dọc đường, tôi nhìn thấy một cỗ quan tài có xác chết ở trong, chết vì bệnh dịch hạch, giữa một cánh đồng thuộc trang trại Coome. Có lẽ xác được thảy ra đấy vào tối qua và giáo xứ đã không chỉ định bất kỳ ai chôn cất nó. Thay vào đó – thật tàn nhẫn - họ cắt đặt 1 người canh chừng cả ngày lẫn đêm, cảnh báo không ai được lai vãng, kể cả gia đình của người chết. Bệnh dịch này làm cho chúng ta trở nên tàn nhẫn với nhau hơn cả loài chó…"

    Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí lúc bấy giờ đều bị nghiêm cấm và các bệnh nhân đều bắt buộc phải ở trong. Mặc dù việc "giam" những người bị bệnh trong nhà và chôn các thi thể trong những ngôi mộ tập thể bị coi là dã man nhưng đó là cách duy nhất thời bấy giờ để khiến những đợt bùng phát cuối cùng của dịch bệnh chết chóc này kết thúc.

    Kỳ lạ đồng phục bác sĩ như "thần chết"

    Trong cơn tuyệt vọng bởi dịch bệnh, các nước châu Âu đã thành lập một đội ngũ bác sĩ dịch hạch (plague doctor).

    Họ không cần được đào tạo y khoa hoặc có rất ít kinh nghiệm, họ chỉ cần là những người gan dạ, sẵn sàng lao vào vùng dịch để kiểm đếm số người chết thay vì điều trị bệnh.

    Do suốt một thời gian dài, không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra "Cái chết đen" là gì nên người dân thường tin vào ma quỷ hoặc thậm chí ngay chính cả giới y khoa cũng đổ lỗi cho "thuyết chướng khí". Có nghĩa là, dịch hạch lan truyền qua mùi hôi xác chết.

    cai chet den 1
    Tranh vẽ một bác sĩ dịch hạch vào thế kỷ 17. Ảnh: Paul Fürst/Death Scent.

    Điều này đã tạo ra tiền đề cho sự ra đời của bộ đồ bảo hộ kỳ quái sử dụng cho các bác sĩ và trở thành một biểu tượng ám ảnh khi nhắc tới "Cái chết đen".

    Theo đó, bộ đồ được phát minh vào năm 1619 bởi Charles de l'Orme, bác sĩ chính của quốc vương Pháp Louis XIII. Bao gồm một áo choàng trùm đầu dài đến mắt cá chân, quần ống túm, giày, mũ và găng tay. Tất cả đều được làm bằng da dê có tẩm chất thơm và phủ một lớp mỡ động vật cứng màu trắng ở bên ngoài để ngăn dịch cơ thể của nạn nhân thấm qua.

    Đi kèm với bộ đồ bảo hộ còn có một phụ kiện là mặt nạ hình mỏ chim với "cái mũi dài tới 15cm" chứa đầy thảo mộc như đinh hương, bạc hà, long não và nhựa thơm. Mục đích là để khử mùi hôi của xác chết. Hai lỗ hổng ở vị trí mắt được che chắn bằng kính.

    Khi thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ cũng thường cầm theo một cây gậy gỗ dài để kiểm tra các thi thể mà không cần tiếp xúc, hoặc để xua đuổi người khác khi muốn họ giữ khoảng cách.

    Đáng tiếc, bộ đồ được ví như trang phục của thần chết này lại không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch hạch. Thậm chí, nó còn khiến người mặc cảm thấy nóng, bí và không thấm mồ hôi. Hậu quả là nhiều bác sĩ đã nhiễm bệnh và tử vong.

    Cafebiz (Nguồn: cdc.gov; History; The New York Times)

  • Đại dịch bệnh có sức tàn phá khủng khiếp và làm thay đổi cả tiến trình lịch sử nhân loại trong suốt quá trình tồn tại của nó.

    Trong suốt quá trình lịch sử, dịch bệnh đã tàn phá nhân loại, đôi khi còn làm thay đổi tiến trình lịch sử, thậm chí còn là báo hiệu kết thúc của một nền văn minh. Sau đây là 20 trong số những đại dịch bệnh có ảnh hưởng tồi tệ nhất trong lịch sự nhân loại, xuất hiện từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại.

    dich benh khung khiep nhat lich su

    1. Đại dịch bệnh Circa, 3000 trước công nguyên

    Cách đây khoảng 5000 năm trước, một dịch bệnh đã càn quét một ngôi làng tiền sử ở Trung Quốc. Thi thể bệnh nhân được chất hàng đống trong một ngôi nhà và sau đó bị thiêu rụi. Dịch bệnh không loại trừ một ai. Những khung xương được tìm thấy bao gồm cả người lớn, thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.

    Khu khảo cổ được gọi là “Hamin Mangha” và là một trong những địa điểm được bảo tồn tốt nhất và lâu đời nhất ở phía Đông Bắc, Trung Quốc. Qua các nghiên cứu khảo cổ và nhân học cho thấy, tốc độ lây lan dịch bệnh xảy ra nhanh đến nỗi không có thời gian cho việc chôn cất những người đã tử vong.

    Trước khi Hamin Mangha được phát hiện ra, một cuộc chôn cất hàng loạt thời tiền sử khác xảy ra cùng thời gian đã được tìm thấy tại một địa điểm khác có tên là Miaozigou, ở phía Đông Bắc, Trung Quốc. Khám phá này cho thấy, đại dịch đã tàn phá toàn bộ khu vực này.

    2. Đại dịch bệnh Athens, 430 trước công nguyên

    Khoảng vào năm 430 trước công nguyên, không lâu sau cuộc chiến giữa Athens và Sparta, một dịch bệnh đã tàn phá người dân ở Athens và kéo dài trong khoảng thời gian 5 năm. Số liệu người chết ước tính lên đến 100.000 người. Nhà sử học người Hy Lạp Thucydides (460 – 400 trước Công Nguyên) đã ghi lại: “Những người có sức khỏe tốt đột nhiên bị tấn công bởi những cơn bốc hỏa dữ dội ở đầu, mắt đỏ ngầu, cổ họng và lưỡi cũng bị viêm sưng, hơi thở yếu ớt” (bản dịch của Richard Crawley từ cuốn “Lịch sử của cuộc chiến Peloponnesian”, London Dent, năm 1914)

    Từ lâu, dịch bệnh này đã trở thành đề tài tranh luận giữa các nhà khoa học, một số dịch bệnh khác cũng được đưa ra, bao gồm cả bệnh thương hàn và Ebola. Nhiều học giả cho rằng, tình trạng quá tải gây ra bởi chiến tranh đã làm dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Quân đội của Sparta mạnh hơn, buộc người dân Athens phải đi lánh nạn sau khi một loạt những chiến binh tử nạn, được gọi là “những bức tường dài” bảo vệ thành phố của họ. Bất chấp dịch bệnh, cuộc chiến vẫn tiếp diễn cho đến năm 404 trước công nguyên, khi Athens bị buộc phải đầu hàng Sparta.

    3. Đại dịch bệnh Antonine (165 – 180)

    Đại dịch Antonine từ năm 165 đến 180, còn được gọi là Đại dịch Galen (tên của bác sĩ Hy Lạp sống ở Đế quốc La Mã đã mô tả bệnh dịch này), là một đại dịch cổ đại đã được đưa tới Đế quốc La Mã bởi lực lượng quân đội trở về từ các chiến dịch tại vùng Cận Đông.

    Khi những người lính trở về từ Đế quốc La Mã sau cuộc chiến, họ đã mang về nhiều chiến lợi phẩm hơn. Đó chính là căn bệnh dịch hạch Antonie, có thể là bệnh đậu mùa, gây tổn thất ngân sách nặng nề cho quân đội và đã giết chết hơn 5 triệu người ở Đế quốc La Mã. Thông tin này được April Pudsey, một giảng viên cao cấp về Lịch sử La Mã tại Đại học Manchester Metropolitan đã viết trong một bài báo được xuất bản trong cuốn sách “Khuyết tật trong thời cổ đại”, Routledge, vào năm 2017)

    Nhiều nhà sử học tin rằng, dịch bệnh đầu tiên xuất hiện ở Đế quốc La Mã là bởi những người lính trở về nhà sau một cuộc chiến chống lại Parthia. Dịch bệnh đã góp phần chấm dứt Pax Romana (Hòa bình La Mã), giai đoạn từ năm 27 trước công nguyên đến năm 180, khi Rome đang ở đỉnh cao quyền lực. Sau năm 180, sự bất ổn gia tăng trên khắp Đế quốc La Mã, khi trải qua nhiều cuộc nội chiến và xăm lăng của những nhóm “man rợ”. Kitô giáo ngày càng phát triển trong thời gian sau dịch bệnh xảy ra.

    4. Đại dịch bệnh Cyprian (250 – 217)

    Tên của dịch bệnh này được đặt theo tên Thánh Cyprian, một giám mục của Carthage (một thành phố ở Tunisia), người mô tả dịch bệnh báo hiệu ngày tận thế, bệnh dịch hạch Cyprian. Chỉ tính riêng ở Rome, con số ước tính dịch bệnh đã cướp đi 5000 sinh mạng mỗi ngày. Vào năm 2014, dường như các nhà khảo cổ học ở Luxor đã tìm thấy nơi chôn cất hàng loạt thi thể người bị bệnh dịch hạch. Cơ thể người bệnh được phủ một lớp vôi dày (trong lịch sử được sử dụng như một chất khử trùng). Các nhà khảo cổ học tìm thấy ba lò thiêu được sử dụng để sản xuất vôi và người bệnh dịch hạch bị thiêu rụi trong một đống lửa lớn.

    5. Đại dịch bệnh Justinian (541 – 542)

    Đế quốc Byzantine bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch, đánh dấu sự khởi đầu suy tàn của nó. Bệnh dịch tái phát định kỳ sau đó. Con số ước tính cho thấy có tới 10% dân số thế giới đã chết vì dịch bệnh này.

    Bệnh dịch này được đặt theo tên của Hoàng đế Byzantine Justinian (trị vì vào năm 527 – 565). Dưới triều đại của mình, Đế chế Byzantine đã đạt đến mức quyền lực tối cao, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ trải dài từ Trung Đông đến Tây Âu. Hoàng đế Justinian đã cho xây dựng một nhà thờ lớn, được gọi là Hagia Sophia (Trí tuệ Thánh) ở Constantinople (ngày nay là Istanbul), thủ đô của Đế quốc Byzantine. Hoàng đế Justinian cũng bị mắc phải bệnh dịch hạch nhưng được cứu sống. Tuy nhiên, Đế quốc Justinian cũng mất dần lãnh thổ trong thời gian dịch bệnh xảy ra.

    6. Đại dịch “Cái chết đen” (1346 – 1353)

    Đại dịch “Cái chết đen” đi từ Châu Á đến Châu Âu, sự trỗi dậy của nó đã để lại sự tàn phá khủng khiếp. Theo con số ước tính, hơn một nửa dân số Châu Âu bị xóa sổ bởi đại dịch này. Bệnh dịch được gây ra bởi một chủng vi khuẩn có tên là Yersinia Pestis, có khả năng gây tuyệt chủng ngày nay và được lây lan bởi bọ chét trên các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh. Thi thể của các người bệnh được chôn cất trong các ngôi mộ tập thể.

    Bệnh dịch tạo nên công cuộc làm thay đổi tiến trình lịch sử Châu Âu. Rất nhiều người đã thiệt mạng, lao động trở nên khó tìm hơn. Người lao động được trả mức lương cao hơn và chấm dứt chế độ nông nô ở Châu Âu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, các nhân công còn sống sót được hưởng nguồn thực phẩm thịt và bánh mì chất lượng cao hơn. Việc thiếu nguồn nhân công giá rẻ đã góp phần thúc đẩy việc phát triển đổi mới công nghệ tại Châu Âu.

    7. Đại dịch bệnh Cocciztli, năm 1545 – 1548

    Nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh Cocciztli, một dạng sốt xuất huyết do vi rút gây ra, đã giết chết 15 triệu cư dân ở Mexico và Trung Mỹ. Trong số cộng đồng bị suy yếu vì hạn hán khắc nghiệt, căn bệnh này là một đại thảm họa cho người dân nơi đây. Cocoliztil là từ tiếng Aztec, có nghĩa là dịch hại.

    Một nghiên cứu gần đây đã tiến hành xét nghiệm DNA từ các bộ xương ở những người bệnh được tìm thấy cho biết, họ bị nhiễm bệnh từ phân của loài Salmonella có tên khoa học là S. Paratyphi C, nguyên nhân gây sốt cao, bao gồm bệnh thương hàn. Cơ thể sốt cao, mất nước và các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá… vẫn là một mối đe dọa lớn cho sức khỏe hiện nay.

    8. Đại dịch bệnh Mỹ, ở thế kỷ 16

    Bệnh dịch hạch ở Mỹ xuất hiện ở một nhóm người Á – Âu lây sang đến Châu Mỹ, được các nhà thám hiểm Châu Âu phát hiện ra. Nhóm dịch bệnh này, bao gồm cả bệnh đậu mùa, đã góp phần làm sụp đổ nền văn minh Inca và Aztec. Theo số liệu thống kê cho thấy 90% dân số bản địa ở Tây Bán Cầu đã bị giết chết bởi dịch bệnh này.

    Mặt khác, dịch bệnh này đã giúp một lực lượng Tây Ban Nha do Hernán Cortés lãnh đạo chinh phục thủ đô Tenochtitlán của Aztec vào năm 1519, và một lực lượng Tây Ban Nha khác do Francisco Pizarro lãnh đạo đã chinh phục người Inca vào năm 1532. Người Tây Ban Nha chiếm lãnh thổ của cả hai đế quốc này. Trong cả hai trường hợp, quân đội Aztec và Incan đều bị tàn phá bởi dịch bệnh và không thể chống lại với các lực lượng của Tây Ban Nha. Khi các công dân của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan bắt đầu khám phá, chinh phục và định cư ở Tây Bán Cầu, họ cũng được giúp đỡ, bởi thực tế, dịch bệnh đã làm suy giảm đáng kể quy mô của bất kỳ nhóm bản địa nào chống lại họ.

    9. Đại dịch bệnh London (1665 – 1666)

    Đại dịch lớn cuối cùng của “Cái chết đen” ở Anh đã tạo ra một cuộc di cư hàng loạt từ London, do vua Charles II lãnh đạo. Bệnh dịch bắt đầu vào tháng 4/1665 và nhanh chóng lây lan rộng khắp trong những ngày tháng mùa hè nóng bức. Bọ chét từ loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh là một trong những nguyên nhân chính gây lây truyền dịch bệnh. Vào thời điểm dịch bệnh kết thúc, có khoảng 100.000 người chết, bao gồm 15% dân số London. Nhưng sự đau khổ vẫn chưa chấm dứt tại thành phố này. Vào ngày 2/9/1666, trận đại hỏa hoạn ở London bắt đầu thiệu rụi một phần lớn thành phố này chỉ trong vòng 4 ngày.

    10. Đại dịch bệnh ở Marseille (1720 – 1723)

    Lịch sử ghi nhận, đại dịch bệnh ở Marseille được bắt đầu khi con tàu có tên Grand-Saint-Antoine cập cảng ở Marseille, Pháp. Con tàu chở hàng hoá từ phía Đông Địa Trung Hải. Mặc dù đã được kiểm dịch, bệnh dịch vẫn xâm nhập vào thành phố, nguyên nhân lây lan có thể khởi phát từ bọ chét trên các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh dịch.

    Trong thời gian 3 năm, bệnh dịch lây lan nhanh chóng và cướp đi 100.000 sinh mạng ở Marseille và các khu vực lân cận. Người ta ước tính con số lên tới 30% dân số của Marseille đã chết.

    11. Đại dịch bệnh Nga (1770 – 1772)

    Đại dịch bùng phát mạnh ở Moscow, đã trở thành nỗi kinh hoàng cho những công dân bị cách ly trở thành nạn bạo lực. Bạo loạn lan tràn khắp thành phố, đỉnh điểm là vụ sát hại Đức Tổng Giám mục Ambrosius, người khuyến khích dân chúng không tụ tập đông người để cầu kinh.

    Hoàng hậu Nga, Catherine II (còn gọi là Catherine Đại đế) đã rất tuyệt vọng trong việc ngăn chặn bệnh dịch và khôi phục trật tự đất nước. Đến mức, bà đã ban hành một sắc lệnh khẩn cấp, yêu cầu tất cả các nhà máy phải rời khỏi Moscow. Vào thời điểm dịch bệnh kết thúc, có tới 100.000 người đã chết. Kể cả ngay sau khi dịch bệnh ổn định, bà Catherine vẫn cố gắng thiết lập lại trật tự xã hội. Năm 1773, Yemelyan Pugachev, một người đàn ông tự xưng là Peter III (người chồng bị xử tử của Catherine) đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy, dẫn đến cái chết thương tâm cho hàng ngàn người khác.

    12. Dịch sốt vàng da ở Philadelphia năm 1793

    Khi cơn sốt vàng da chiếm giữ Philadelphia, thủ đô của Hoa Kỳ vào thời điểm đó, các quan chức đã sai lầm khi tin rằng nô lệ người có khả năng miễn dịch cao nhất. Do đó, những người theo chủ nghĩa bãi bỏ lên tiếng kêu gọi tuyển dụng những người dân gốc Phi để chăm sóc người bệnh.

    Bệnh dịch nhanh chóng lây truyền và truyền qua muỗi đốt. Cả đất nước trải qua thời kỳ bùng nổ dân số trong thời tiết mùa hè nóng và ẩm, đặc biệt là ở Philadelphia vào năm đó. Mãi cho đến khi mùa đông đến, muỗi bị tiêu diệt, dịch bệnh cuối cùng cũng được chấm dứt. Ước tính hơn 5.000 người đã thiệt mạng.

    13. Đại dịch cúm (1889 – 1890)

    Trong thời đại công nghiệp phát triển, cách thức liên kết và vận chuyển mới giúp vi rút cúm dễ dàng công phá mạnh mẽ hơn. Trong vài tháng, dịch bệnh này đã lây lan khắp toàn cầu, 1 triệu người thiệt mạng. Đại dịch này đạt mức kỷ lục tử vong cao nhất thế giới chỉ sau 5 tuần.

    Các trường hợp được phát hiện sớm đã được báo cáo ở Nga. Loại vi rút này lây truyền nhanh chóng khắp St. Petersburg trước khi phát tán rộng khắp Châu Âu và các nước khác trên thế giới, mặc dù du lịch hàng không vào thời điểm đó chưa tồn tại.

    14. Đại dịch bệnh bại liệt ở Mỹ, năm 1916

    Dịch bệnh bại liệt bắt đầu ở thành phố New York, gây ra 27.000 trường hợp mắc bệnh và 6.000 ca tử vong ở Hoa Kỳ. Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và đôi khi còn khiến những người sống sót bị khuyết tật vĩnh viễn.

    Sau đó, bệnh bại liệt xảy ra lẻ tẻ ở Hoa Kỳ, cho đến khi vắc xin Salk được điều chế thành công và phát triển vào năm 1954. Khi vắc xin trở nên phổ biến hơn, bệnh bại liệt ở Hoa Kỳ cũng không còn xuất hiện nữa.

    Trường hợp bại liệt cuối cùng ở Hoa Kỳ được báo cáo vào năm 1979. Những nỗ lực kêu gọi tiêm chủng trên toàn thế giới đã cải thiện đáng kể căn bệnh này, dù vẫn chưa loại bỏ được hoàn toàn.

    15. Đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918 – 1920)

    Ước tính có khoảng 500 triệu người từ Biển Nam đến Bắc Cực đã trở thành nạn nhân của căn bệnh cúm Tây Ban Nha. Một phần năm số người chết, một số cộng đồng bản địa bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Tốc độ lây lan cùng với số lượng người tử vong cao là do điều kiện binh lính thiếu thốn và dinh dưỡng kém trong thời chiến mà nhiều người gặp phải trong Thế chiến thứ nhất.

    Mặc dù có tên gọi là Cúm Tây Ban Nha, nhưng dường như căn bệnh này không khởi phát ở Tây Ban Nha. Tây Ban Nha là một quốc gia trung lập trong chiến tranh và không thực thi kiểm duyệt chặt chẽ các nguồn thông tin báo chí, có thể tự do xuất bản các tin bài đầu tiên về căn bệnh này. Do đó, mọi người hiểu sai về căn bệnh này là đặc trưng của Tây Ban Nha, và cái tên Cúm Tây Ban Nha vô tình mà có.

    16. Đại dịch cúm Châu Á (1957 – 1958) 

    Đại dịch cúm Châu Á là một biến thể toàn cầu khác về bệnh cúm. Có nguồn gốc từ Trung Quốc, căn bệnh này đã cướp đi hơn 1 triệu sinh mạng. Chủng loại vi rút gây ra đại địch này có sự kết hợp của vi rút cúm gia cầm.

    Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) lưu ý rằng, căn bệnh này lây lan nhanh chóng và đã được báo cáo tại Singapore vào tháng 2/1957, báo cáo tại Hồng Kong vào tháng 4/1957 và các thành phố ven biển tại Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1957. Tổng số người chết là hơn 1,1 triệu người trên toàn thế giới, với 116.000 ca tử vong xảy ra tại riêng Hoa Kỳ.

    17. Đại dịch AIDS, từ năm 1981 cho đến nay

    AIDS đã cướp đi khoảng 35 triệu sinh mạng kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác định. HIV là loại vi rút gây ra bệnh AIDS, có khả năng phát triển từ một loại vi rút tinh tinh truyền sang người ở Tây Phi vào những năm 1920. Vi rút đã xuất hiện trên khắp thế giới và AIDS trở thành đại dịch vào cuối thế kỷ 20. Giờ đây, khoảng 64% trong số 40 triệu người được ước tính, đang sống cùng với loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) ở Châu Phi cận Sahara.

    Trong nhiều thập kỷ qua, căn bệnh này vẫn chưa có cách điều trị, nhưng có một loại thuốc được phát triển vào những năm 1990, cho phép người mắc bệnh AIDS sống một cuộc sống bình thường nếu được sử dụng thường xuyên. Đáng khích lệ hơn, đã có 2 người được điều trị thành công HIV vào đầu năm 2020.

    18. Đại dịch cúm lợn (2009 – 2010)

    Đại dịch cúm lợn năm 2009 là do một chủng vi rút cúm mới có nguồn gốc từ Mexico, xuất hiện vào mùa xuân năm 2009 trước khi lây lan sang các quốc gia khác trên thế giới. Trong vòng một năm, có tới 1,4 tỷ người bị nhiễm loại vi rút trên toàn cầu và giết chết từ 151.700 đến 575.400 người, theo số liệu công bố của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

    Theo báo cáo của CDC, đại dịch cúm lợn năm 2009, đối tượng bị tấn công chủ yếu là trẻ em và thanh niên, 80% số ca tử vong ở những người dưới 65 tuổi. Điều đó được xem là bất thường, vì hầu hết các chủng vi rút cúm, bao gồm những loại vi rút gây ra bệnh cúm mùa, tỷ lệ tử vong cao nhất thuộc nhóm những người từ 65 tuổi trở lên. Nhưng với đại dịch cúm lợn này, người lớn tuổi có hệ miễn dịch đủ khả năng chống lại loại vi rút cúm này, vì vậy mà không bị ảnh hưởng nhiều.

    Một loại vắc xin phòng bệnh cúm H1N1 gây ra dịch bệnh cúm lợn cũng có trong vắc xin phòng cúm mùa hàng năm. 

    19. Dịch Ebola Tây Phi (2014 – 2016)

    Dịch bệnh Ebola đã tàn phá Tây Phi từ năm 2014 đến năm 2016, với 28.600 trường hợp được báo cáo và 11.325 trường hợp tử vong. Trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Guinea vào tháng 12/2013, sau đó căn bệnh này nhanh chóng lây lan sang Liberia và Sierra Leone. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong đều xảy ra ở ba quốc gia này. Một số lượng nhỏ hơn các trường hợp xảy ra ở Nigeria, Mali, Senegal, Hoa Kỳ và Châu Âu.

    Không có cách điều trị cho bệnh Ebola, mặc dù những nỗ lực trong việc tìm kiếm vắc xin vẫn đang tiếp tục tiến hành. Các trường hợp mắc bệnh Ebola đầu tiên được biết đến là xảy ra ở Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976, và loại vi rút này có thể có nguồn gốc từ loài dơi.

    20. Đại dịch vi rút Zika, từ năm 2015 cho đến ngày nay

    Tác động dịch vi rút Zika gần đây ở Nam Mỹ và Trung Mỹ sẽ không được biết đến trong vài năm. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang phải đối mặt với cuộc chạy đua thời gian để kiểm soát sự phát triển và lây lân của loại vi rút này. Vi rút Zika thường lây truyền qua muỗi, thuộc chi Aedes, nó cũng có thể được lây truyền qua đường tình dục ở người.

    Mặc dù vi rút Zika không gây hại cho người lớn và trẻ em, nhưng loại vi rút này có khả năng tấn công trẻ sơ sinh vẫn còn đang trong bụng mẹ và gây dị tật bẩm sinh. Loại muỗi mang tên Zika phát triển mạnh mẽ ở vùng có khí hậu ấm áp, ẩm ướt. Khu vực Nam Mỹ, Trung Mỹ và các khu vực miền Nam Hoa Kỳ trở thành địa điểm lý tưởng cho sự phát triển mạnh của loại vi rút này.

    Bệnh viện An Sinh (theo LiveScience)

  • Năm 1947, New York tiêm phòng cho 6 triệu dân chỉ trong một tháng, chặn đứng cơn sóng thảm khốc của đậu mùa.

    Vào cuối tuần lễ Phục sinh, tháng 4/1947, thành phố New York náo nức trong bầu không khí chiến thắng. Những đau thương của Thế chiến Thứ hai đã lùi lại phía sau. New York, giống với phần còn lại của đất nước, trở nên mừng rỡ và hạnh phúc.

    Tương lai nước Mỹ hứa hẹn những điều tuyệt vời. Máy ảnh Polaroid vừa được phát minh, TV đã trở nên thông dụng, những chiếc đài bán dẫn vẫn hoạt động.

    Điều mà công chúng không ngờ tới, bệnh đậu mùa - thảm họa của nền văn minh, đã đột ngột tái xuất từ 5 tuần trước đó.

    Ngày 1/3, Eugene Le Bar, doanh nhân 47 tuổi người Mỹ, từ Mexico City qua New York để đến Maine. Trên đường, ông cảm thấy mệt mỏi và phải thuê phòng khách sạn ở Midtown để nghỉ tạm.

    Ngày 3/5, Le Bar nhập viện Bellevue, sốt 40,5 độ C, nổi mẩn đỏ trên mặt và hai tay. Ba ngày sau, ông được chuyển đến Bệnh viện truyền nhiễm Willard Parker. Các bác sĩ đã xem xét chẩn đoán nhưng không thu được kết quả. Bởi Le Bar có sẹo tiêm phòng, họ loại trừ khả năng ông mắc bệnh đậu mùa. Đến ngày 10/3, ông qua đời.

    Không lâu sau, nhiều bệnh nhân tại Willard Parker bắt đầu có các triệu chứng tương tự. Đầu tiên là một em bé 22 tháng tuổi đến từ Bronx, tiếp theo là nam thanh niên 27 tuổi từ Harlem. Sau đó, một bé trai gần 2 tuổi cũng mắc bệnh.

    Bác sĩ cho rằng họ bị thủy đậu, song bối rối vì vết phát ban khác hẳn với căn bệnh này.

    Ngày 4/4, kết quả từ Phòng thí nghiệm Trường Y tế Quân đội Mỹ cho thấy tất cả đều bị đậu mùa - căn bệnh đã không còn xuất hiện ở New York kể từ trước Thế chiến. Giới chức y tế bắt đầu truy vết tiếp xúc và kết luận Eugene Le Bar là bệnh nhân số 0.

    Đậu mùa lây lan qua dịch thể khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào vết mẩn. Phát ban xuất hiện sớm, bao phủ khắp cơ thể, sau tiến triển thành mụn mủ. Tỷ lệ tử vong là khoảng ba trên 10 bệnh nhân. Những người sống sót thường bị sẹo sâu, mù lòa hoặc cả hai.

    chien dich vaccine than toc 1
    Người dân New York xếp hàng tiêm phòng đậu mùa bên ngoài Bệnh viện Morrisania, ngày 14/4/1947. Ảnh: NY Times

    "Trong danh sách các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đậu mùa nằm ở top 5. Nó thực sự kinh khủng, làm biến dạng hoặc giết chết bất cứ ai mắc phải", giáo sư Charles DiMaggio, Trường Y Grossman, Đại học New York, cho biết.

    Nhờ một loại vaccine phát triển vào cuối những năm 1700 và tinh chế trong những thập kỷ sau đó, đậu mùa cuối cùng cũng được kiểm soát.

    Năm 1947, hầu hết người dân New York đã tiêm phòng đậu mùa. Họ được thông báo sẽ có miễn dịch trọn đời. Song không điều gì chắc chắn. Trong một số trường hợp, vaccine không hiệu quả. Ở những người khác, khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian. Ông Le Bar là minh chứng cho điều đó.

    Tiến sĩ Israel Weinstein, Ủy viên Y tế New York vừa nhậm chức 10 tháng trước, phải đưa ra một quyết định khó khăn. Là bác sĩ, nhà khoa học từng sống qua dịch đậu mùa năm 1900, ông biết rằng chỉ cần một người mắc bệnh, ngay cả trong cộng đồng đã tiêm chủng, đợt bùng phát sẽ rất tàn khốc.

    Tiến sĩ Howard Markel, giám đốc Trung tâm Lịch sử Y học tại Đại học Michigan, cho biết: "Hãy thử tưởng tượng, trong buổi diễu hành lễ Phục sinh, tất cả mọi người chen chúc nhau trên Đại lộ số 5. Họ đều cổ vũ, cầu nguyện và có khả năng ho hoặc hắt hơi. Thế là bạn nhiễm đậu mùa. Đây là cơn ác mộng về sức khỏe cộng đồng".

    Tiến sĩ Weinstein không để lãng phí thời gian. Biết rằng tiêm phòng là cách duy nhất để đối phó với virus, ông đã hành động tức khắc.

    2 giờ ngày 4/4, ông tổ chức một buổi họp báo, kêu gọi tất cả người dân New York tiêm phòng ngay lập tức, dù đã tiêm khi còn nhỏ. Ông nhấn mạnh cần chủng ngừa lại phòng trường hợp một số người mất khả năng miễn dịch.

    Quyết định này ẩn chứa rủi ro. Thông báo có thể tạo ra sự hoảng loạn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, vào năm 1947, vaccine không được thử nghiệm như ngày nay. Vaccine có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là ở người bị suy yếu miễn dịch hoặc viêm da cơ địa.

    Theo David Oshinsky, tiến sĩ tại NYU Langone Health, ông Weinstein đã hành động phù hợp với kiến thức khoa học đương thời. Ông thực hiện nước đi đúng đắn, đó là tiêm chủng càng nhiều người càng tốt.

    "Weinstein đã làm công việc của mình tốt nhất có thể. Nguy cơ đậu mùa lây lan và gây tử vong cao hơn rất nhiều so với rủi ro viêm não hoặc dị ứng vaccine", ông nhận định.

    Trong các chương trình phát thanh hàng ngày, tiến sĩ Weinstein tập trung vào một thông điệp nhất quán. Ông nhấn mạnh vaccine miễn phí, "hoàn toàn không có lý do gì để bất cứ ai nằm ngoài vòng bảo vệ". Khắp đường phố New York tràn ngập áp phích cổ động ghi rõ: "Hãy tin tưởng! Hãy an toàn! Hãy tiêm chủng!".

    "Điều đầu tiên ông ấy làm là thành thật với công chúng. Ông ấy nói rằng đậu mùa đã tràn đến thành phố, có khả năng sẽ lây lan và đây là một mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm. Ông ấy khẳng định sẽ cung cấp đủ vaccine để bảo vệ người dân New York một cách hiệu quả", tiến sĩ Oshinsky kể lại.

    Song kho dược phẩm dự trữ của thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu của 7,8 triệu cư dân.

    Hợp tác ăn ý với Thị trưởng William O'Dwyer, tiến sĩ Weinstein có được 250.000 liều vaccine từ kho cung cấp y tế hải quân ở Brooklyn, đảm bảo 780.000 liều khác từ các căn cứ quân sự ở California và Missouri. Ông mua thêm 2 triệu liều từ các nhà sản xuất tư nhân và tiếp tục đặt hàng sau đó.

    Ông chỉ đạo phòng thí nghiệm của mình chuyển nguồn cung số lượng lớn thành liều đơn, bắt đầu chương trình truy vết để xác định vị trí những người từng tiếp xúc ca nhiễm và tiêm vaccine cho họ.

    chien dich vaccine than toc 1
    Học sinh trường St. Joan of Arc Parochial ở Jackson Heights, Queens, được tiêm phòng đậu mùa, tháng 4/1947. Ảnh: NY Daily News

    Quá trình triển khai rất nhanh chóng và không phức tạp. Điều này khó có thể xảy ra ngày nay.

    Tiến sĩ Irwin Redlener, giám đốc Sáng kiến Ứng phó và Nguồn lực Đại dịch tại Viện Trái đất của Đại học Columbia, cho biết: "Năm 1947, thành phố có thể đơn phương hành động, thay vì phải điều phối một cách phức tạp với thống đốc New York và chính quyền liên bang. Thành phố tự quyết định kế hoạch và triển khai ngay sau đó".

    Lúc đầu, công chúng có vẻ thờ ơ. Ngày chủ nhật Phục sinh ấm áp và đầy nắng, hơn một triệu người New York đến tham dự buổi diễu hành. Cuối tuần đó, chỉ 527 yêu cầu tiêm vaccine.

    Song vài ngày sau, khi có tin vợ của một trong 3 bệnh nhân đầu tiên chết vì đậu mùa, tâm lý người dân và cả thời tiết đều thay đổi. Họ xếp hàng nhiều giờ bên ngoài các bệnh viện công lập và tư nhân, đồn cảnh sát trong mưa lạnh, chờ đợi được tiêm phòng.

    Đối với họ, vaccine không có gì mới. Nhiều người từng là binh lính trong Thế chiến Thứ hai. Họ đã được tiêm phòng hàng loạt mầm bệnh. Hơn nữa, phong trào bài vaccine khi ấy không tồn tại.

    Theo tiến sĩ Oshinsky, sau thời kỳ bệnh bại liệt, người dân nhận thức tốt hơn nhiều về ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm.

    "Họ đã chứng kiến nó và họ biết sợ. Nhưng họ cũng lạc quan rằng khoa học, y tế có thể giải quyết điều này. Vào năm 1947, người ta có niềm tin to lớn vào cộng đồng y tế, không giống ngày nay", ông nói.

    Trước ống kính truyền thông, tiến sĩ Weinstein đã tiêm chủng cho Thị trưởng O'Dwyer. Tổng thống Harry Truman cũng vào cuộc. Ông xắn tay áo nhận vaccine ngày 21/4, trong chuyến thăm New York.

    "Theo ngôn ngữ ngày nay, O'Dwyer và Truman là ‘người có tầm ảnh hưởng’. Họ có thể chuyển tải thông điệp quan trọng đến những người ủng hộ. Họ đáng tin cậy", Lisa Sherman, chủ tịch Ad Council, nhóm vận động phi lợi nhuận vì vaccine Covid-19, cho biết.

    Phản ứng của cộng đồng tích cực đến nối thành phố phải tuyển hàng nghìn tình nguyện viên giúp tiêm chủng. Các nhân viên y tế có lúc đã tiêm tới 8 mũi vaccine mỗi phút.

    Đến giữa tháng 4, kho dự trữ thành phố gần như cạn kiệt. Thị trưởng O'Dwyer triệu tập một cuộc họp khẩn với đại diện các hãng dược, gần như đe dọa họ phải tăng cường cung ứng, nếu không muốn bị công chúng quay lưng.

    Chỉ trong 48 giờ sau, 1 triệu liều vaccine nữa có mặt.

    Đầu tháng 5, 10 tuần sau khi bệnh nhân số 0 Eugene Le Bar đặt chân đến New York, tiến sĩ Weinstein thông báo nguy hiểm đã qua đi.

    Cuối năm đó, ông báo cáo sự kiện này trên Tạp chí Y tế Công cộng Mỹ.

    "Trong khoảng chưa đầy một tháng, 6.350.000 dân New York đã được chủng ngừa. Chưa bao giờ có nhiều người trong một thành phố được tiêm vaccine trong thời gian ngắn tới vậy", ông viết.

    Kết quả, New York chỉ ghi nhận 12 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong vì đậu mùa.

    Tiến sĩ Markel cho biết: "Những gì ông Weinstein làm vào năm 1947 vẫn được chúng tôi nghiên cứu và tham khảo. Thật khó tin là họ phát triển hậu cần, cung cấp vaccine, thiết lập không gian đủ lớn để mọi người xếp hàng, bổ sung nhân lực trong thời gian ngắn. Đó là nhờ công của Weinstein".

    chien dich vaccine than toc 1
    Tiến sĩ Israel Weinstein tiêm phòng cho một nhân viên của mình, tháng 4/1947. Ảnh: NY Times

    Tiến sĩ DiMaggio nhận định đây là thành tựu y tế đáng chú ý, "một chiến thắng về sức khỏe cộng đồng".

    Tiến sĩ Weinstein từ chức vào tháng 11/1947, 7 tháng sau những đóng góp của mình. Ông để lại một bản thảo kế hoạch ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

    Song giờ đây, trong đại dịch Covid-19, New York phải đối mặt với trở ngại về hậu cần. Các chuyên gia chỉ ra lỗ hổng hạ tầng y tế công cộng trên toàn quốc. Họ tin rằng thách thức lớn nhất không phải phân phối vaccine, mà là sự thiếu niềm tin của công chúng với chính phủ, khoa học và truyền thông.

    Tiến sĩ Irwin Redlener nói: "Chúng ta đã học được rằng chính trị có thể làm tổn hại đến những sáng kiến y tế công cộng, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Sự trung thực và thông điệp thẳng thắn, rõ ràng là điều vô cùng cần thiết".

    Năm 1947, tiến sĩ Weinstein chỉ sử dụng tiếng nói của mình thông qua đài phát thanh. Song thông điệp của ông được mọi người lắng nghe và tin tưởng.

    "Hồi đó, truyền thông đơn giản hơn nhiều. Trong bối cảnh ngày nay, truyền thông có tính phân mảnh cao. Chúng ta tin vào những người có tầm ảnh hưởng nhỏ, cho đó là tiếng nói đáng tin cậy", bà Sherman nhận định.

    Ngay cả khi New York đã bắt đầu triển khai tiêm phòng Covid-19 cho nhóm ưu tiên, các chuyên gia vẫn chưa chắc liệu thành phố có thể tiến gần đến thành công đạt được cách đây 73 năm hay không.

    Tiến sĩ Redlener tin rằng New York sẽ gặp nhiều thử thách. Ông nói: "Gần như chắc chắn chúng ta khó có thể làm điều gì đó nhanh chóng và hiệu quả như vậy".

    VnExpress (Theo NY Times)

  • Giữa lúc dịch covid-19 lan tràn, bộ phim "The Flu" (Đại dịch cúm) của Hàn Quốc được quan tâm trở lại.

    Cả thế giới đang phải đương đầu với sự lan tràn của virus corona gây viêm đường hô hấp cấp dẫn tới tử vong nhanh chóng. Dịch bệnh khiến nửa dân số thế giới phải cách ly để tránh lây lan virus chết người.

    Giữa bối cảnh đó, bộ phim "The Flu" (Đại dịch cúm) của điện ảnh Hàn Quốc bất ngờ gây sốt trở thành, trở thành từ khoá tìm kiếm hot cũng như được các mọt phim tìm xem lại bởi có nội dung khá tương đồng với hoàn cảnh hiện tại.

    'Đại dịch cúm' cho thấy mối nguy hiểm của bệnh lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi, cũng khá giống với cách lây nhiễm của virus corona hiện nay. Phim bắt đầu với một nhóm người nhập cư trái phép lẩn trốn trong một chiếc xe container chở hàng và điểm đến của họ là Hàn Quốc. Điều tồi tệ nhất là trong số đó có một người đang mang trong mình một loại virus có khả năng gây tử vong đi kèm với tốc độ lây lan chóng mặt.

    0 dai dich cum 1
    "The Flu" (Đại dịch cúm) được ra mắt năm 2013 và là một trong những bộ phim thành công nhất về doanh thu của màn ảnh xứ kim chi năm đó.

    Khi đến được Bundang, khu ngoại ô giàu có của Seoul, Byung-Ki (Lee Hee-Joon) và Byoung-Woo (Lee Sang-Yeo) mở thùng xe tải, họ nhanh chóng phát hiện ra rằng tất cả các thành viên trên chuyến xe đó đã chết, người duy nhất còn sống sót cũng đã bị nhiễm virus chết người H5N1.

    Sau khi trốn thoát, anh ta và ngay cả anh em nhà Byung-Ki đã nhanh chóng lây lan dịch bệnh đáng sợ cho những người dân ở khu vực lân cận. Với tỉ lệ lên tới 2000 ca nhiễm mỗi giờ cùng với những ca tử vong liên tiếp của các nạn nhân 36 tiếng đồng hồ sau khi mắc bệnh, đại dịch này đã đẩy cả thành phố vào một tình trạng hoang mang bởi không có thuốc chữa trị cho bệnh dịch này.

    0 dai dich cum 1
    'Đại dịch cúm' chọn tagline là: "Cái chết có trong không khí bạn thở".

    Tất cả các bệnh viện trong thành phố đang báo cáo các trường hợp lây nhiễm, số người tử vong gia tăng, thành phố phải bị đóng cửa ngay lập tức. Không có một liệu pháp nào để chữa trị và e sợ rằng đại dịch sẽ lan rộng ra khắp đất nước, thậm chí ra cả thế giới, chính phủ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Bundang. Thành phố với hơn nửa triệu dân nằm cách thủ đô Seoul khoảng 19 km này bị phong toả và có nguy cơ buộc phải tiêu hủy. 

    Trong khi mọi người phải vật lộn đấu tranh trong tuyệt vọng để có thể sống sót, bác sĩ chuyên gia về bệnh truyền nhiễm In-Hye (Soo Ae) và nhân viên cứu nạn Ji-Goo (Jang Hyuk) buộc phải đi vào khu vực cách ly nhằm nghiên cứu tìm ra một loại vắc-xin điều trị chứng bệnh khủng khiếp này để cứu lấy các bệnh nhân, trong đó có cả cô con gái Mirre (Park Min-Ha) mà In-Hye nhất mực yêu thương.

    0 dai dich cum 1
    Người người phải đeo khẩu trang vì mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

    Nhịp phim nhanh, hồi hộp, tình tiết dồn dập khiến khán giả bị cuốn theo từ đầu tới cuối. Hình ảnh xác người chất đống, người người phải đeo khẩu trang và trợ thở oxy, bỏ chạy khỏi thành phố để thoát thân hay những cuộc chia lìa không mong muốn khiến người xem ám ảnh.  Đặc biệt mạch phim khiến khán giả luôn phải hồi hộp dõi theo diễn biến của dịch bệnh và cầu mong cho bác sĩ In-Hye nhanh chóng tìm ra thuốc để cứu con gái cũng như người dân trong thành phố trước khi tất cả đều bị thiêu sống để tránh dịch bệnh lan tràn.

    Rất nhiều khán giả nhận xét họ thấy rùng mình khi xem 'Đại dịch cúm' và có cảm giác như bộ phim vừa được làm lấy ý tưởng từ thực tại. Và họ mong cũng giống như bộ phim, cuối cùng vaccine cũng được nhanh chóng tìm ra và lệnh phong toả được gỡ bỏ, cuộc sống trở lại bình thường khi dịch bệnh nguy hiểm đi qua.

    Theo Vietnamnet

  • Cung điện Clarence House cho biết Thái tử Charles đã cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

    Tuy vậy, Thái tử nay 71 tuổi, chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và ''sức khỏe vẫn trong tình trạng tốt'', người phát ngôn của cung điện nói. 

    Công nương Camilla 72 tuổi, cũng được xét nghiệm nhưng may mắn không nhiễm bệnh. 

    Thái tử và Công nương hiện đang tự cách ly ở Balmoral, Thái tử đã làm việc tại gia trong vài ngày trở lại đây. 

    Thông báo chính thức có đoạn: ''Theo hướng dẫn của chính phủ và các lời khuyên y tế, Thái tử và Công nương đang tự cách ly tại gia ở Scotland. Việc xét nghiệm do đơn vị NHS ở Aberdeenshire tiến hành, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn xét nghiệm chính xác. Hiện vẫn chưa xác định được Thái tử đã nhiễm virus từ ai vì Ngài đã tiếp xúc với rất nhiều người khi thực hiện nhiệm vụ hoàng gia trong suốt những tuần qua''.

    Trước đó, một báo cáo cho biết một nhân viên ở điện Buckingham đã bị nhiễm virus. Chưa rõ người này có tiếp xúc gần với Nữ hoàng Anh hay bất cứ thành viên hoàng gia nào hay không.

    Cung điện có tới 500 nhân viên, giống như bất kỳ văn phòng công sở nào khác, sẽ thật khó hình dung nếu virus lây lan ở đây. 

    Đại diện cung điện không bình luận về vấn đề này, nhưng cho biết đã hành động theo yêu cầu của chính phủ để bảo vệ nhân viên và những người liên quan.

    Hiện, Hoàng tế Philip và Nữ hoàng Anh đã tạm lánh tại Cung điện Windsor cho qua mùa dịch. 

    Theo ý kiến tham khảo từ Chính phủ, một số sự kiện công cộng với số lượng lớn người tham dự có sự góp mặt của Nữ hoàng Anh và các thành viên khác của hoàng gia trong những tháng tới sẽ bị hủy hoặc hoãn lại. Ba bữa tiệc vườn do Nữ hoàng Anh chủ trì thường được tổ chức tại Cung điện Buckingham vào tháng 5 sẽ không diễn ra.

    Ngoài ra, những vị khách đã được mời đến các bữa tiệc vườn này sẽ được mời tham dự vào năm 2021. Hai bữa tiệc vườn được tổ chức thêm dành cho Not Forgotten Association và tổ chức National Trust cũng sẽ không diễn ra. Những buổi lễ phong tước sẽ được sắp xếp lại lịch để tổ chức vào ngày khác.

    Vào hồi đầu tháng 3, Hoàng tử William từng nói đùa rằng mình và phu nhân Kate đang phát tán virus corona trong chuyến thăm Ireland khi nước này xác nhận 4 ca nhiễm mới trong cùng ngày.

    Trò chuyện với các nhân viên cấp cứu tại buổi tiệc chiêu đãi do đại sứ Anh tổ chức tại nhà máy bia Guinness vào tối 3/3, Hoàng tử William nói: "Tôi cá mọi người đều nghĩ rằng: 'Tôi bị nhiễm virus corona, tôi sắp chết rồi', còn các bạn thì cho rằng 'Không, bạn chỉ bị cảm cúm thôi'".

    "Hiện tại virus corona có vẻ khá kịch tính nhỉ? Mọi người nghĩ có phải truyền thông hơi thổi phồng nó lên không?", Reuters dẫn lời Hoàng tử William.

    "Nhân tiện, Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge đang lây lan virus corona! Xin lỗi!", Hoàng tử William nói đùa tại sự kiện này. "Chúng tôi rất chú ý đến điều đó, vì vậy hãy cho chúng tôi biết nếu chúng tôi cần dừng lại!".

    Viethome (theo BBC)

  • “Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường lây lan cho người khác…”. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị thói quen đeo khẩu trang của mình.  

    "Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Anh thì người Anh vẫn đổ ra đường, dạo chơi, sưởi nắng, hầu hết không ai đeo khẩu trang cả. Nếu bạn làm điều ngược lại thì chắc chắn bạn sẽ gặp cái nhìn kỳ lạ từ họ" - Quỳnh Hoa Nguyễn (24 tuổi, du học sinh tại Anh) chia sẻ.

    Một năm theo học thạc sĩ tại Đại học Bournemouth (Anh), chưa bao giờ Quỳnh Hoa lại rơi vào tình trạng hoảng loạn, bất lực khi chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, nhưng những người Hoa gặp hầu như không một ai đeo khẩu trang ra đường.

    Nhiều người châu Á chịu cái nhìn tò mò ở châu Âu. Ảnh: Reuters.

    "Chúng tôi chỉ có thể dùng khăn vải bịt mặt lại khi quá hoảng loạn…"

    Vào ngày 11/3, WHO đưa ra tuyên bố chính thức, xem dịch viêm phổi do viurs corona mới (Covid-19) là đại dịch toàn cầu, mức độ lây lan hơn 100 quốc gia trên thế giới. Vương quốc Anh đã ghi nhận 456 ca nhiễm, trong đó có 8 ca tử vong.

    Trước sự lây lan mạnh của đại dịch COVID-19, nhiều du học sinh Việt Nam tại Anh như Quỳnh Hoa không khỏi lo lắng, đặc biệt trước "cái nhìn kỳ lạ", giống như sự kỳ thị từ chiếc khẩu trang.

    Quỳnh Hoa nhớ lại, ngày đầu tháng 2, cô mắc phải một đợt cảm cúm nhẹ. Lúc bấy giờ, với suy nghĩ nhằm tránh lây lan cho lớp học, Hoa đeo chiếc khẩu trang đến trường. Thế nhưng, khi vừa bước chân lên xe buýt, cô đã nhận rất nhiều sự chú ý, tò mò từ xung quanh.

    "Đeo khẩu trang đồng nghĩa với bị bệnh, mà bị bệnh thì nên ở nhà, đừng ra ngoài đường mà lây lan cho người khác…", một bạn học chung đã thẳng thắn nói với Hoa. Đó là lần đầu tiên Hoa biết đến sự kỳ thị khi ai đó đeo khẩu trang.

    Một vài sinh viên ở châu Âu và Mỹ đeo khẩu trang đến lớp học. Ảnh: Reuters.

    Ngày 8/3, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Anh, Hoa bảo nhiều du học sinh châu Á đã rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tất cả họ đều mong muốn được đeo khẩu trang ra ngoài đường. Thế nhưng, đổi lại, họ chịu nhiều cái nhìn dò xét từ mọi người xung quanh.

    "Họ không tới mức sẽ kỳ thị, xem xét bạn chằm chằm hay đánh đạp gì bạn, nhưng người bên này vẫn có cái tâm lý lạ lẫm với thói quen đó nên luôn nhìn bạn…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

    Từ đó, Hoa chấp nhận chuyện lo sợ và hạn chế không đeo khẩu trang. Cô chỉ sử dụng nó khi quá hoảng loạn vì ở giữa đám đông lớn, hoặc chen lấn mua thực phẩm ở siêu thị. Còn lại, Hoa chỉ có thể dùng một miếng khăn che lên mặt với mong muốn giữ vững tâm lý.

    Gạo, khăn giấy, nước rửa tay,... đều đã cháy hàng từ rất lâu. Ảnh: NVCC.
    Các địa điểm du lịch nổi tiếng được yêu cầu đóng cửa vì lo ngại khách mang theo virus. Ảnh: Getty.

    "Chiếc khăn không có khả năng chống lây nhiễm virus, nó chỉ khiến mình cảm thấy ít lo sợ hơn. Gần đây, vẫn có vài người châu Á liều mình đeo khẩu trang, nên mình cũng đủ can đảm để đeo ra khỏi nhà. Nhưng hôm qua, khi lên xe buýt, một người phụ nữ đã nhìn mình rất kỹ. Đến trường, mình lại phải bỏ chiếc khẩu trang ấy ra ngoài…" .

    Hằng ngày, mỗi lần đọc thông tin trên mạng xã hội, Hoa lại càng thêm hoang mang. Đặc biệt, sau khi tình cờ xem được một video người châu Á đeo khẩu trang bị hành hung tại nước ngoài, Hoa đã không khỏi đau xót. Cô đã xin nghỉ việc tại cửa hàng, mặc ông chủ cho cô đeo khẩu trang và uống trà nóng nếu như có cảm giác sợ dịch.

    "Các hoạt động tại London vẫn diễn ra bình thường. Gần đây, khi nước Anh vào mùa nắng ấm hơn, người ta còn đổ ra đường vui chơi, sưởi nắng nhiều hơn. Gần như không ai đeo khẩu trang hay có biện pháp phòng dịch nào cả nên càng làm mình thêm lo sợ…" - Quỳnh Hoa chia sẻ.

    "Trường đã có ca nhiễm, nhưng chúng tôi vẫn không được nghỉ hay tự ý bỏ về nước…"

    Trước tình hình COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, rất nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn phương án trở về nước. Hoa đã cố gắng liên hệ phía nhà trường, thế nhưng, lý do trở về nước vì dịch của Hoa nhanh chóng bị bác bỏ, mặc dù lúc ấy tại trường đã có sinh viên nhiễm COVID-19.

    "Trên mạng đưa rất nhiều thông tin tiêu cực, nhà trường đã khử trùng, cho sinh viên bị nhiễm cách ly tại nhà, nhưng mỗi ngày phải đến trường với tâm trạng lo sợ khiến mình buồn vô cùng. Mình chỉ mong muốn được trở về Việt Nam…".

    Rất nhiều người Việt tại nước ngoài lo ngại vì tốc độ lây lan nhanh của đại dịch COVID-19. Ảnh: Sputnik.

    Hoa đã mua thức ăn dự trữ, cùng 2 người Việt khác chọn biện pháp cách ly tại nhà. Thế nhưng, gạo, giấy vệ sinh, khẩu trang, nước rửa tay,… tại các cửa hàng, siêu thị thì đều đã hết sạch từ khi công bố dịch.

    Đầu tuần, cô đã chấp nhận bỏ một vài buổi học, song việc này không thể trì hoãn thêm được nữa. Ngày mai, Hoa vẫn phải tiếp tục đến trường trong nơm nớp lo sợ.

    Hôm qua, trong cuộc gọi về Việt Nam, cô gái trẻ đã không ngừng khóc khi nghe mẹ khuyên: "Bỏ hết mọi thứ, chỉ cần con về nước…". Nhưng Hoa không thể làm được.

    Thức ăn được dự trữ. Ảnh: NVCC.
    Hầu hết tất cả nhu yếu phẩm đều đã cháy hàng. Ảnh: NVCC.

    Hai mẹ con Hoa đã chấp nhận trường hợp xấu nhất sẽ xảy đến. Mẹ Hoa liên hệ với nhiều bác sĩ tại Việt Nam, và trong trường hợp Hoa nhiễm COVID-19, cô sẽ tự cách ly và chữa trị online thông qua hướng dẫn của họ.

    "Hôm nay khi tiễn một người chị cùng nhà trở về Việt Nam, mình vẫn còn suy nghĩ có thật sự sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định ở lại này…" - Hoa kể.

    Hành lý đã gói sẵn sàng, nhưng Hoa không thể về Việt Nam vì lịch học. Ảnh: NVCC.

    Ngoài đường, hiện tại, mọi người đã bắt đầu biết phòng tránh, đeo khẩu trang nhiều hơn, điều đó làm Hoa thêm hy vọng. Hoa hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ mau chóng được kiểm soát. Hằng ngày, cô vẫn cập nhật tình hình dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho tình trạng cấp thiết.

    "Mình nghĩ mỗi người nên chọn lọc thông tin để đọc, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào Chính Phủ. Thực sự sự hoảng loản chỉ làm mọi chuyện tệ hơn thôi…", Hoa bày tỏ.

    *Tên nhân vật thay đổi.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Chính quyền Nigeria đang cảnh báo về một dịch bệnh lạ khiến 15 người tử vong và cả trăm người nhiễm bệnh chỉ trong vòng chưa đầy một tuần.

    Dịch bệnh lạ đã khiến 15 người tử vong tại Nigeria. Ảnh chụp màn hình The News Nigeria

    Theo tờ Daily Post, dịch bệnh lạ gây ra các triệu chứng như nôn mửa, sưng phù và tiêu chảy, được ghi nhận lần đầu tiên vào cuối tháng 1 tại bang Benue, đông nam thủ đô Abuja của Nigeria.

    Tính đến ngày 3.2, số người nhiễm bệnh đã tăng lên thành 104 người, trong đó có một số người tử vong sau 48 giờ nhiễm bệnh, theo thượng nghị sĩ Abba Moro.

    Thượng viện Nigeria đã thông qua nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế điều động chuyên gia đến tâm dịch để tìm hiểu nguyên nhân. Nghị quyết cũng quy định Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria (NCDC) thành lập các biện pháp ngăn ngừa lây lan.

    Trong cuộc họp báo cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Osagie Ehanire nói dịch bệnh lạ có thể không phải là Ebola hay sốt Lassa, hai loại dịch chết người từng bùng phát tại Tây Phi, và cũng không giống với virus Corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại Trung Quốc.

    Ông Ehanire cho biết NCDC đang triển khai chiến dịch ứng phó khẩn cấp tại vùng bị ảnh hưởng. Một số quan chức nghi ngờ các hóa chất dùng trong việc đánh bắt cá có thể là nguyên nhân gây bệnh.

    Hiện tại, nhiều bang ở Nigeria đang bùng phát dịch sốt Lassa khiến hàng chục người tử vong. Dịch này do virus Lassa lây lan từ chuột sang và một số trường hợp có triệu chứng như sốt rét.

    Tờ The Guardian (Nigeria) ngày 11.2 dẫn lời Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Nigeria K. Mosto Onuoha kêu gọi chính quyền tuyên bố dịch sốt Lassa là tình trang khẩn cấp quốc gia nhằm có biện pháp đối phó.

    Theo Thanh Niên

  • Trong khi sự bùng phát chủng mới của virus Corona là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" khiến thế giới đặc biệt quan tâm, vào 100 năm trước, dịch cúm Tây Ban Nha cũng trở thành đại dịch khủng khiếp khiến 500 triệu người (1/3 dân số thế giới vào thời điểm ấy) nhiễm bệnh, 50-100 triệu người chết.

    Nhiều người còn tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ diệt vong loài người, hoàn tất điều mà cuộc thế chiến thứ I vừa kết thúc chưa làm được.

    Tháng 9 năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất đang đi đến hồi kết thúc. Ở Manchester, một hàng dài binh sĩ và những nữ công nhân đổ ra hai bên đường để chào đón thủ tướng Lloyd George, nhà lãnh đạo chiến tranh của họ.

    Giữa dòng người xếp dọc từ nhà ga xe lửa Piccadilly đến tận quảng trường Albert, không điều gì ngăn nổi niềm hạnh phúc của George, đặc biệt là khi quân Đồng Minh vẫn gửi tin thắng trận về liên tục.

    Thế nhưng, ngay tối hôm đó trở về tòa thị chính, vị thủ tướng Anh thấy đau họng, ông sốt và nằm liệt. Suốt 10 ngày sau, George yếu đến mức không thể đi lại và phải đeo ống thở. Báo chí Anh khi đó giấu nhẹm bệnh tình của thủ tướng, lo ngại quân Đức có thể lợi dụng tin tức để tuyên truyền đảo chính.

    Chỉ những người thân cận nhất với George biết rằng ông ốm rất nặng.  

    Vị thủ tướng Anh sau đó được cứu sống, nhưng nhiều người dân của ông thì không may mắn như vậy. Bên ngoài tòa thị chính Manchester, dịch cúm Tây Ban Nha giết chết 150 người trong thành phố chỉ sau 1 tuần bùng phát.

    Trên khắp 95 thành phố của Anh và xứ Wales, mức độ tử vong tương tự cũng được ghi nhận. Tổng cộng 7,740 người thiệt mạng chỉ trong tuần đầu tháng 11. Có nhiều hơn những bông hoa, nhiều hơn những nấm mộ mọc lên bên cạnh những thanh niên Anh nằm xuống bởi họng súng Đức.

    Vào thời điểm mà dịch cúm Tây Ban Nha tấn công thành phố Manchester, Ada Darwin khi đó mới 7 tuổi. Cô bé sống với bố mẹ và 5 người anh chị em ruột trong một ngôi nhà ở quận Greenheys. "Hôm đó là chủ nhật, ngày 17 tháng 11, tôi được mẹ bế lên giường nằm", Ada kể. "Tôi nhớ đầu mình rất đau nên tôi bảo mẹ đừng để Norah nói luyên thuyên nữa, chị ấy làm tôi đau đầu".

    Trên thực tế, đau đầu và sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên của cúm Tây Ban Nha. Ada đã nhiễm bệnh, theo sau đó là mẹ của cô, Jane Berry 34 tuổi, em gái cô Edith mới 2 tháng tuổi, kế đến là anh trai Frederick 9 tuổi, em trai Austin 2 tuổi, Noel 4 tuổi và chị cả Norah, 12 tuổi.

    Cúm Tây Ban Nha tiến triển rất nhanh, gây tràn dịch màng phổi và khiến nạn nhân "chết đuối" bởi chính chất lỏng bên trong cơ thể mình. Cái chết của cúm Tây Ban Nha đặc trưng bởi những mảng tím tái trên cơ thể, một minh chứng cho việc phổi đã ngập nước và không còn hấp thụ đủ oxy nữa.

    Ada may mắn không phải đối mặt với một cái chết như vậy, nhưng mẹ cô bé thì có. Vào ngày thứ ba, 19/11, cả nhà Ada đã nhiễm bệnh, bà ngoại và dì Annie phải đến đón cô bé và em trai Austin đi. Bác sĩ nói bệnh tình của 2 đứa bé nhẹ hơn cả nên cần được cách ly khỏi các thành viên khác.

    "Tôi nhớ ánh mắt mẹ đang nhìn tôi, khi tôi thay quần áo để đi với dì Annie", Ada kể. "Bà ấy trông rất buồn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản vì tôi phải rời xa bà một thời gian, nhưng giờ nghĩ lại, tôi nhận ra bà buồn vì biết sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa".

    Mẹ Ada tử vong ngay ngày hôm sau. Kế đó là cậu em Noel và cha cô Frederick Berry, một sĩ quan 38 tuổi của Quân đội Hoàng Gia nhiễm bệnh khi phục vụ ở viện quân y Salford. Tang lễ của họ được cử hành vào ngày 29/11 theo nghi thức quân đội. Ada nhớ như in khoảnh khắc mà đoàn xe tang đi qua trường tiểu học năm đó.

    "Nó giống như một bộ phim chiếu trong đầu tôi", bà nói. "Những con ngựa đen đội trên đầu bờm lông đà điểu, theo sau là những người lính cầm súng và cỗ quan tài của ba tôi phủ quốc kỳ Anh. Quan tài của mẹ tôi được đặt trong một chiếc xe tang có hộp kính lớn, quan tài của Noel được đặt dưới ghế tài xế. Ngoại tôi nói với chúng tôi rằng mẹ đã đến với Chúa Giê-xu, nhưng tôi nói Chúa Giê-xu đã có rất nhiều người ở bên rồi, con muốn mẹ con trở lại".

    Theo ước tính, cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới, chỉ trong 3 đợt bùng phát mạnh giữa năm 1918 và 1919. Nó giết chết 250.000 người ở Anh, 676.000 người ở Mỹ, 400.000 người ở Nhật Bản, 1,85 triệu người Ấn Độ, tương đương 6% dân số và 138.000 người Ai Cập, tương đương 10% dân số.

    Ở những vùng đất tách biệt với thế giới, nơi quần thể người dân không tích lũy được khả năng miễn dịch với cúm, họ còn phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Tây Samoa, một đảo quốc ở Thái Bình Dương đã bị xóa sổ tới 1/4 dân số. Toàn bộ cộng đồng người Inuit và dân bản địa sống ở Alaska cũng bị giết chết.

    Trên toàn thế giới, cúm Tây Ban Nha đã khiến 50-100 triệu người tử vong, gấp từ 5-10 lần số binh sĩ chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lượng người chết quá nhiều khiến xã hội đình trệ. Hệ thống y tế quá tải. Không còn chỗ tổ chức tang lễ, người ta phải đào những hố chôn tập thể.

    Tại Mỹ, nhiều công ty phải đóng cửa do người lao động bị ốm. Các dịch vụ cơ bản như chuyển phát thư và thu gom rác cũng không hoạt động. Một số trang trại bỏ mùa màng chín rũ vì chẳng còn người thu hoạch.

    Năm 1919 định mệnh, giữa thời điểm mà thuốc kháng sinh và vắc-xin còn chưa ra đời, nhiều người tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ diệt vong loài người, hoàn tất điều mà cuộc thế chiến vừa kết thúc chưa làm được.

    Thế nhưng, cuối năm 1919, đại dịch cúm Tây Ban Nha chấm dứt. Nó chấm dứt một cách bất ngờ đến sửng sốt, không phải vì con người đã tìm ra được cách khống chế virus, mà bởi vì nó đã giết chết tất cả những người nhiễm bệnh, đồng thời phát triển khả năng miễn dịch trên những người may mắn sống sót.

    Khi xác chết những nạn nhân phân hủy trong lòng đất, virus cúm Tây Ban Nha cũng tuyệt chủng. Nó chôn vùi theo mình rất nhiều bí ẩn mà ngay cả các nhà khoa học cũng không giải thích được.

    Trên toàn thế giới, cúm Tây Ban Nha đã khiến 50-100 triệu người tử vong, gấp từ 5-10 lần số binh sĩ chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lượng người chết quá nhiều khiến xã hội đình trệ. Hệ thống y tế quá tải. Không còn chỗ tổ chức tang lễ, người ta phải đào những hố chôn tập thể.

    Tại Mỹ, nhiều công ty phải đóng cửa do người lao động bị ốm. Các dịch vụ cơ bản như chuyển phát thư và thu gom rác cũng không hoạt động. Một số trang trại bỏ mùa màng chín rũ vì chẳng còn người thu hoạch.

    Năm 1919 định mệnh, giữa thời điểm mà thuốc kháng sinh và vắc-xin còn chưa ra đời, nhiều người tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ diệt vong loài người, hoàn tất điều mà cuộc thế chiến vừa kết thúc chưa làm được.

    Jeffrey Taubenberger đeo găng tay 2 lớp, đội mặt nạ phòng độc và mặc một bộ đồ bọc kín người giống như các nhân viên y tế có mặt ở Tây Phi trong đại dịch Ebola. Ông là một nhà virus học, trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh học phân tử tại Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ.

    Taubenberger bắt buộc phải làm như vậy, thậm chí còn phải quét mống mắt mới có quyền truy cập vào một cơ sở nghiên cứu tại Mỹ, nó được đặt dưới sự kiểm soát của FBI.

    Lí do? Một trong những chiếc tủ đông ở đây đang chứa đựng mẫu bệnh phẩm vô cùng nguy hiểm, mà nếu vô tình để lọt ra ngoài, hoặc bằng cách nào đó những kẻ khủng bố lấy được nó, thảm họa có thể được kích hoạt trên quy mô toàn cầu.

    Thứ khiến FBI phải canh phòng cẩn mật đến vậy, không gì khác, chính là những xác virus cúm Tây Ban Nha hiếm hoi nhất còn sót lại. Chúng được thu thập từ thi thể của những lính Mỹ đã chết vì đại dịch năm 1918-1919 và cả những xác chết của thổ dân người Inuit ở Alaska, được lưu trữ trong băng vĩnh cửu.

    "Cứ như thể tôi đang mở ra một bí mật hàng đầu thế giới vậy", Taubenberger miêu tả. Ông đã làm điều này suốt 30 năm nay, nghiên cứu virus cúm Tây Ban Nha để giải mã bí ẩn của đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử.

    Công việc bắt đầu từ năm 1990, Taubenberger và các đồng nghiệp đã tỉ mẩn thu thập những mảnh RNA vỡ tan tành trong xác những con virus cúm Tây Ban Nha. Đến năm 1995, họ đã sắp xếp được chúng thành 8 gen đầu tiên.

    Dự án kéo dài tới 1 thập kỷ sau đó, Taubenberger mới hoàn thành 3 gen cuối cùng của khoảng 13.000 cặp bazơ trong bộ gen virus vào năm 2005. Công trình được cả 2 tạp chí khoa học hàng đầu là Science và Lancet bình chọn là đột phá của năm bởi sắp xếp được trình tự gen, nghĩa là virus cúm Tây Ban Nha đã sẵn sàng để hồi sinh, những bí ẩn sẽ được giải đáp.

    Taubenberger chuyển bộ gen mà ông sắp xếp được đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Ở đây, chúng được nhà virus học Terrence Tumpey đưa vào tế bào để tái tạo virus cúm Tây Ban Nha, làm sống lại một sát thủ giết người hàng đầu trong lịch sử.

    Họ thử nghiệm virus này với động vật, đầu tiên là những con chuột. Ngay trong thử nghiệm đầu tiên, virus cúm Tây Ban Nha hồi sinh đã giết chết chuột chỉ trong vòng 3-5 ngày, với những triệu chứng đúng như những gì nó từng làm với con người năm 1918.

    Tumpey, Taubenberger và các tác giả nghiên cứu báo cáo rằng virus cũng giết chết phôi gà. Cuối cùng, họ cũng giả mã được bí ẩn: Cúm Tây Ban Nha thực chất là một nhóm nhỏ (subtype) của virus H1N1, lây nhiễm trên gia cầm.

    Điểm nguy hiểm là virus cúm Tây Ban Nha không cần lai hóa với virus cúm ở người để lây nhiễm sang chúng ta, mà nó có thể nhảy thẳng từ gia cầm sang người và khiến họ mắc bệnh.

    Thử nghiệm trên chuột cho thấy virus H1N1 gây ra cúm Tây Ban Nha cực kỳ độc hại, nó có thể nhân bản ra một lượng virus gấp 39.000 lần các chủng cúm ngày nay. Một khi lây nhiễm thành công, virus sẽ sinh sống trong nhiều loại tế bào bao gồm tế bào phổi và phế quản, dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp và gây bệnh.

    Trong nghiên cứu năm 2007, các nhà khoa học đã lây nhiễm những con khỉ với virus cúm Tây Ban Nha, từ đó tái tạo thành công các triệu chứng điển hình được ghi nhận từ đại dịch năm 1918.

    Những con khỉ đã chết vì một cơn bão cytokine (hệ miễn dịch phản ứng quá dữ dội, sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu và cytokine gây viêm để chống lại virus – những tế bào bạch cầu tấn công cả các tế bào khỏe mạnh và giết chết người bệnh).

    Điều này giải thích tại sao những người trẻ mắc cúm Tây Ban Nha, những người có hệ miễn dịch hoạt động mạnh nhất, lại dễ tử vong vì căn bệnh này.

    Nó bổ sung cho một giả thuyết nữa giải thích rằng, những người lớn tuổi đã từng tiếp xúc với một chủng cúm H1N1 trước đó, nên đã phần nào đào tạo hệ miễn dịch của họ chống lại cúm Tây Ban Nha. Ngược lại, những người trẻ tuổi hơn sống trong năm 1918 có một điểm mù miễn dịch. Chỉ những người 28 tuổi trở nên mới có 1 lần phơi nhiễm duy nhất với virus "cúm Nga" năm 1890, một chủng H3 với cấu trúc gen hoàn toàn khác.

    Thế còn virus cúm Tây Ban Nha bắt nguồn từ đâu? Đến tận bây giờ nó vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Chúng ta biết rằng có một lượng khổng lồ virus sống ký sinh trên động vật như dơi, chim hoang dã, khỉ... Chúng được gọi là " zonoses ".

    Tỷ lệ lây nhiễm chéo của các zonoses sang người là rất thấp, nhưng một khi nó xảy ra, thảm họa sẽ được kích hoạt. Chúng ta có đại dịch Ebola, khi virus nhảy từ dơi sang người. Zika bùng phát khi virus lây được từ khỉ. Ngay cả đại dịch HIV/AIDS cũng bắt đầu từ một lần lây nhiễm chéo như vậy.

    Virus cúm Tây Ban Nha cũng không ngoại lệ, nó là một chủng cúm gia cầm. Theo giả thuyết được nhà virus học người Anh John Oxford đưa ra, một con chim hoang dã mang trên mình virus cúm đã di cư tới gần cửa sông Somme ở Etaples thuộc Boulogne nước Pháp.

    Ở đây, virus hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để lây sang người và khiến đại dịch bùng phát: một môi trường cho chim nước hoang dã, một quần thể gà và lợn, một doanh trại nơi 100.000 binh sĩ Anh đang đóng quân dưới điều kiện hầm hào bẩn thỉu và ngột ngạt.

    Kết quả là vào mùa đông năm 1917, hàng trăm lính Anh đã mắc bệnh với các triệu chứng giống cúm. Đội y tế ở Etaples ghi nhận 156 ca tử vong. Ở thời điểm đó, căn bệnh được gọi là "viêm phế quản có mủ". Nhưng khi đối chiếu lại các triệu chứng, các nhà khoa học nhận thấy những người lính này cũng bị tím tái, đặc biệt trên môi, tai và má vì thiết oxy – những đặc trưng của cúm Tây Ban Nha.

    Chúng ta không khắc, nhưng nhiều khả năng đó là cách mà dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử đã bắt đầu.

    Một thế kỷ sau đại dịch lớn nhất, chúng ta có thể tạm yên tâm khi virus cúm Tây Ban Nha chắc chắn đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Ngay cả những xác chết được bảo quản trong băng vĩnh cửu từ năm 1918 cũng không thể chứa virus sống sót, Taubenberger xác nhận.

    Nhưng một số gen của chủng H1N1 gây cúm Tây Ban Nha vẫn tiếp tục được lan truyền trong các hậu duệ của nó, bao gồm virus H3N2 gây dịch cúm Hồng Kông năm 1968, H1N1 gây ra đại dịch cúm lợn năm 2009.

    Giống với cúm Tây Ban Nha, virus cúm H5N1 cũng có các gen cho phép nó nhảy thẳng từ gia cầm sang người và gây bệnh.

    "Đại dịch 1918 đã thiết lập một cơ chế lây nhiễm sang người rất thành công cho virus cúm gia cầm, và nó chưa bao giờ biến mất trong suốt 100 năm qua. Cúm Tây Ban Nha thực sự là mẹ của tất cả các đại dịch", Taubenberger nói.

    Thống kê cho thấy, trung bình cứ khoảng 30 năm, con người sẽ phải đối mặt với một đại dịch cúm. Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 là sự hoành hành của cúm Châu Á (1957-1958), cúm Hồng Kông (1968-1969) và cúm lợn (2009). Đó là 3 đại dịch, xếp trên các dịch cúm khác nhỏ hơn như cúm gia cầm H5N1 ở Châu Á năm 2006-2007.

    Mặc dù đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ các đại dịch cúm bùng phát, các nhà khoa học vẫn cho rằng con người chưa bao giờ sẵn sàng để đối mặt với một virus cúm có khả năng hủy diệt trên phạm vi toàn cầu như dịch bệnh năm 1918.

    Nếu một virus cúm tương tự bùng phát một lần nữa, các mô phỏng kịch bản trên máy tính cho thấy nó vẫn sẽ gây ra sự tàn phá khủng khiếp, hơn 300.000 người Mỹ vẫn tử vong, con số trên toàn thế giới có thể lên tới 150 triệu.

    Điểm yếu của con người năm 1918, đó là chúng ta phải đối mặt với chiến tranh. Virus cúm tỏ ra nguy hiểm trong điều kiện chiến trường, hầm hào bẩn thỉu và ẩm mốc. Kinh tế suy thoái để lại một tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng cao, dễ dàng bị ảnh hưởng. Và khi các bác sĩ được rút hết ra tiền tuyến để chăm sóc những người lính, các bệnh viện và hệ thống y tế ở hậu phương không đủ công suất để ngăn chặn đại dịch.

    Một trăm năm sau đó, chúng ta đã được sống trong một thế giới cơ bản hòa bình, kinh tế phát triển và hệ thống y tế được nâng cấp. Nhưng các thách thức khác được đặt ra bao gồm: sự thay đổi nhân khẩu học, tập trung dân cư đô thị hóa, sự phát triển của hàng không dân dụng, kháng kháng sinh và biến đổi khí hậu.

    Tiến sĩ Carolien Van de Sandt tại Viện nghiên cứu Miễn dịch Peter Doherty thuộc Đại học Melbourne cho biết: "Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới bao gồm dân số già hóa, những người sống chung với bệnh béo phì và tiểu đường".

    Van de Sandt và nhóm của cô đã kiểm tra các dữ liệu về đại dịch cúm Tây Ban Nha, cúm Châu Á, dịch cúm Hồng Kông năm 1968 và dịch cúm lợn năm 2009. Họ dự đoán rằng đại dịch cúm tiếp theo rất có thể là một chủng cúm gia cầm lây nhiễm sang người.

    Tốc độ lây lan sẽ rất nhanh chóng và xảy ra trên quy mô toàn thế giới thông qua du lịch hàng không. Có nhiều điều kiện cho phép đại dịch này vượt mặt cúm Tây Ban Nha năm 1918.

    Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology, cho biết dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát và lan rộng trong thế giới phát triển, khi một tỷ lệ cao dân số đang phải đối mặt với béo phì và bệnh tiểu đường.

    "Những gì chúng ta biết từ đại dịch năm 2009 là những người mắc một số bệnh (như béo phì và tiểu đường) dễ phải nhập viện và tử vong hơn vì cúm", Kirsty Short, đến từ Đại học Queensland cho biết. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng thế giới tiếp tục phải đối mặt với một "gánh nặng nhân đôi" khi tình trạng suy dinh dưỡng vẫn phổ biến ở các nước nghèo.

    Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể có tác động theo một cách khác. Van de Sandt nói rằng nhiều chủng cúm xuất phát từ chim, vì vậy, khi hành tinh bị sưởi ấm, mô hình lây nhiễm sẽ thay đổi, khiến chúng ta bị bất ngờ.

    "Biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình di cư của các loài chim, mang virus tiềm ẩn đến các địa điểm mới và có khả năng biến nhiều loài chim thành vật chủ", cô nói.

    Kháng kháng sinh cũng là một vấn đề. Hầu hết nạn nhân bị giết chết trong đại dịch cúm năm 1918 đều vì nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, một thứ mà thuốc kháng sinh đã giúp giảm bớt trong những trận đại dịch tiếp theo.

    Nhưng kháng sinh ngày càng bị vi khuẩn kháng lại mạnh mẽ. Katherine Kedzierska, từ Viện Doherty Đại học Melbourne cho biết: "Điều này làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn thứ phát trong dịch bệnh tiếp theo khi nó bùng phát".

    Thế còn vắc-xin thì sao? Đó là một cuộc chạy đua với thời gian.

    Về bản chất, chúng ta không thể dự đoán chủng virus nào sẽ gây ra đại dịch tiếp theo – nếu làm được điều này các nhà khoa học đã có thể phát triển sẵn một loại vắc-xin phòng ngừa đặc hiệu cho chủng cúm đó và kê cao gối ngủ.

    Thế nhưng, chỉ riêng chủng cúm A đã có khoảng 144 nhóm (subtype) liên tục biến đổi theo từng năm, đó là còn chưa kể đến cúm B, C và D. Các nhà khoa học không thể tạo ra được một loại vắc-xin duy nhất, đặc hiệu vĩnh viễn cho tất cả các chủng cúm này.

    Điều mà họ có thể làm chỉ là theo dõi các đột biến mỗi năm và tạo ra một vắc-xin tốt nhất, có hiệu quả tương đối cho mùa cúm năm sau mà thôi. Vắc-xin này chưa chắc đã chống lại tất cả các chủng cúm và có thể mất hoàn toàn hiệu quả vào mùa cúm năm sau nữa.

    Vậy nên, nhiều khả năng, kịch bản sẽ diễn ra như thế này:

    Con người cố gắng tạo ra vắc-xin để phòng ngừa những chủng cúm có nguy cơ nhất. Nhưng sẽ có một chủng cúm nằm ngoài hiệu quả của vắc-xin và phát triển thành dịch. Các siêu đô thị, biến đổi khí hậu và sự phổ biến của hàng không dân dụng sẽ thúc đẩy virus lây lan. Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh, đói nghèo ở các nước kém phát triển và béo phì, tiểu đường ở các nước phát triển sẽ đẩy số người tử vong lên cao.

    Với các kỹ thuật mới nhất hiện nay, các công ty dược phẩm sẽ phải mất từ 3-6 tháng để sản xuất vắc-xin chống lại chủng cúm mới. Trong khoảng thời đó, nhân loại đơn thuần là không có bất kể một sự bảo vệ nào ngoài việc đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên.

    Khi được hỏi bà nghĩ sao về một đại dịch cúm mới, Ada nói: "Ở tuổi của tôi thì chẳng phải lo lắng gì nữa. Nhưng [đại dịch cúm mới] sẽ là mối lo ngại lớn với thế hệ các cháu của tôi". Thế giới đã khác xa so với 100 năm trước, "bây giờ người ta thường hôn nhau rất tự nhiên, những nụ hôn có thể lây lan virus. Tôi thậm chí thấy những người đàn ông ôm nhau thắm thiết. Chẳng ai làm điều đó ở năm 1918 cả".

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Để tránh đại dịch hạch bùng phát lan rộng ra khắp nước, ngôi làng này quyết định tự cách ly để cứu tất cả những người khác chưa nhiễm bệnh.

    Từ năm 1665 đến năm 1666, một bi kịch xảy ra ở phía bắc London, Anh, bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng hơn 80.000 người, tương đương với 1/5 dân số London trong thời điểm đó. Cứ mỗi tuần trôi qua, có hơn 7.000 người đã chết vì căn bệnh này.

    Có một điều kỳ lạ rằng, mặc dù thảm họa này bắt đầu lan rộng từ London nhưng cả nước vẫn được an toàn. Điều này có liên quan mật thiết đến ngôi làng Eyam ở thung lũng Derby Shire, miền trung nước Anh. Người ta nói rằng dân làng đã chặn dịch bệnh ngay từ “cổng” trước khi nó lây lan sang nhiều nơi khác. Không ai có thể ngờ rằng, ngôi lành yên bình này trở thành nơi hy sinh để cứu cả vương quốc Anh.

    Làng Eyam tự nguyện cách ly với cả nước

    Làng Eyam có diện tích rất khiêm tốn, cư dân chủ yếu là những người khai thác mỏ chì. Vì trữ lượng nhỏ nên chỉ có thể đáp ứng nhu cầu của miền bắc và miền nam. Sau khi được chính phủ Anh xây dựng giao thông, đường sá trở nên thuận tiện hơn và cuộc sống của người dân cũng dần khấm khá.

    Tuy nhiên, cuộc sống này đã bị phá vỡ bởi những vị khách không mời, một thương nhân buôn vải từ London mang bệnh dịch đến làng Eyam. Một gia đình có 4 người thường liên hệ nhiều nhất với vị thương nhân kia bị sốt và hôn mê, da trở nên lở loét rồi tử vong. Sau đó, căn bệnh này bắt đầu lan rộng ra khắp làng.

    Vào thời điểm này, tin tức về bệnh dịch hạch chỉ cách London vài trăm km. Để tránh bệnh dịch, người dân quyết định sơ tán lên phía bắc.

    Người đầu tiên phản đối là linh mục William, người đã triệu tập dân làng trong nhà thờ để thảo luận: Nếu họ di tản ra phía bắc, họ chắc chắn sẽ mang bệnh dịch ra phía bắc, nếu họ ở lại làng, điều đó có thể ngăn chặn bệnh dịch lan sang nửa còn lại của nước Anh.

    Sau một cuộc thảo luận ngắn, dân làng đã đưa ra lựa chọn đau đớn nhất: Ở lại và ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra xung quanh. Mọi người đều thừa nhận nếu ai đó rời đi, chắc gì họ đã sống, nhưng nếu bị nhiễm bệnh, chắc chắn họ sẽ chết. Ngay cả những người không nhiễm bệnh cũng sẽ dễ dàng bị lây bệnh. Vì vậy, tất cả người dân đều đồng lòng ở lại, tự cách ly để ngăn dịch bệnh ra bên ngoài.

    Theo quyết định họp, dân làng thà chết còn hơn đi theo con đường đầu tiên ở phía bắc của sự phong tỏa. Người dân tại đây cử một vài người đàn ông khỏe mạnh để ngăn cản mọi người đến và đi, số còn lại sẽ tự giam mình trong một cái lồng, hầm rượu, tầng hầm…

    Thật không may, tất cả những người vào tầng hầm đều không thể sống sót. Vào thời đó, khi thiếu thuốc kháng sinh và tiêu chuẩn y tế, tỷ lệ sống sót của bệnh dịch hạch là rất thấp.

    Ngôi làng Yam bị cô lập đã thử nhiều phương pháp khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch trong dân làng. Theo thông tin, vợ của trưởng làng William Mopassan đã nói với chồng mình một ngày trước khi phát hiện ra cô cũng bị nhiễm bệnh, đó là mùi không khí xung quanh rất ngọt. Chính câu nói này đã khiến người chồng nhận ra vợ mình bị nhiễm bệnh.

    Đây là tất cả những kinh nghiệm mà mọi người học được trong bệnh dịch lúc bấy giờ. Nếu tuyến khứu giác của một người có mùi thơm, điều đó thường có nghĩa là họ bị nhiễm bệnh dịch hạch và các cơ quan trong cơ thể đã bị tổn thương, thậm chí bị thối rữa.

    Theo thời gian, ngày càng có nhiều người tử vong, bia mộ gần như được lập lên kín cả ngôi làng.

    Vào tháng 8 năm 1666, sau khi dân làng tự nguyện cách ly trong 400 ngày, bệnh dịch đã biến mất. Đây là căn bệnh gây ra hậu quả tàn khốc cho cả một ngôi làng và một thành phố buộc phải đóng cửa.

    Người ta nói rằng sau đại dịch này, chỉ có 70 người còn sống, trong đó 33 người là trẻ em dưới 16 tuổi. Điều đáng lo ngại là 33 đứa trẻ bị bỏ lại một mình ở mỗi góc của nhà thờ. Ngoại trừ việc linh mục giao thức ăn mỗi ngày một lần, không ai có thể tiếp cận, cũng không cho phép chúng tiếp xúc thân thể với nhau. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho một số đứa trẻ đã bị mắc bệnh tâm thần và tự tử vì trầm cảm.

    10 năm sau, vua Charles II của Vương quốc Anh vô tình nghe một cô gái phục vụ nói về việc làm của cha mẹ mình và cảm động rơi nước mắt ngay tại chỗ. Sau đó, cô yêu cầu đất nước cần phải biết về sự hy sinh của người dân làng Eyam.

    Cũng trong năm đó, trên con phố chính của làng Eyam, một ngôi nhà lớn kiểu Anh, Yam Hall được thành lập. Mặc dù đại dịch hạch đã qua đi nhưng người dân vẫn lo lắng rằng bệnh truyền nhiễm này có thể quay trở lại. Họ quyết định nếu có trường hợp tương tự xảy ra, họ sẽ tự cách ly bản thân để tránh lây lan.

    Con cháu của những người dân làng Eyam cũng đã thực hiện những lời khuyên răn của tổ tiên, và từ chối sự đền bù của nhà vua. Lý do họ từ chối là: "Chúng tôi có thể trồng trọt, chăn nuôi gia súc và cừu để kiếm sống. Chúng tôi đã quen với những ngôi nhà bằng đá ở đây, có nhiều người cần số tiền này nhiều hơn chúng tôi " .

    Ngày nay, làng Eyam được coi là thánh địa của cư dân miền bắc nước Anh. Những bức tường thành bằng đá bao quanh ngôi làng vẫn không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Một số cặp vợ chồng mới cưới cũng tổ chức đám cưới của họ ở một nơi đã từng bị bệnh dịch hạch.

    Mặc dù hiện tại không có nhiều người biết lịch sử của ngôi làng, nhưng những người biết nó sẽ đến đây để mua sữa, rau, trái cây như một cách để họ bày tỏ sự biết ơn của mình.

    Baogiaothong/theo Sohu

  • Một phụ nữ đeo khẩu trang khi di chuyển dịp Tết Nguyên đán ở Bắc Kinh vì lo ngại virus gây viêm phổi lạ ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

    Dịch coronavirus mới có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc đã xuất hiện ở Pháp, Australia với các ca lây nhiễm đầu tiên được xác nhận ở những nước này.

    Ngày 25.1, Australia xác nhận có ca đầu tiên nhiễm coronavirus. Người đàn ông bị nhiễm bệnh đã đi từ Vũ Hán, Trung Quốc đến Melbourne một tuần trước. Giới chức y tế Australia cũng cho biết, khoảng 12 người khác đang được xét nghiệm virus tại nước này.

    Cùng ngày 25.1, Malaysia thông báo có thêm một ca nhiễm coronavirus, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 3 ca.

    Trước đó, ngày 24.1, Pháp xác nhận có 2 ca nhiễm coronavirus Vũ Hán, trong đó có một bệnh nhân nhập viện ở Paris và một bệnh nhân nhập viện tại thành phố phía tây nam Bordeaux. 

    Bộ trưởng Y tế Agnes Buzyn nói rằng, đây là hai ca được xác nhận đầu tiên ở Châu Âu và có thể có thêm nhiều ca nhiễm virus này ở Pháp. Bộ trưởng Buzyn cho biết, bệnh nhân ở Bordeaux 48 tuổi và trở về Pháp hai ngày trước sau chuyến đi đến Trung Quốc, trong đó có dừng chân ở Vũ Hán.

    Cho tới nay, coronavirus được xác nhận ở 29 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Ngoài ra, các nước và vùng lãnh thổ: Australia, Malaysia, Pháp, Mỹ, Việt Nam, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nepal, Đài Loan (Trung Quốc) và Macao (Trung Quốc) đều có các ca nhiễm bệnh được xác nhận.

    Tại Vũ Hán, do dịch viêm phổi lạ từ coronavirus mới, các sự kiện chào đón Tết Nguyên đán đã bị hủy bỏ. Nhiều nhà hàng, chợ và các công viên đóng cửa, các cuộc tụ họp công cộng bị cấm, phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động và nhiều người chọn ở yên trong nhà.

    Wang Feng, cư dân 40 tuổi của Vũ Hán cho biết: "Thường chúng tôi đón năm mới với gia đình. Giờ thì do virus tôi còn không đến thăm cả cha mẹ mình. Đây là điều tốt nhất có thể làm để vượt qua đợt dịch".

    Cũng tại Vũ Hán, việc xây dựng một bệnh viện có 1.000 giường bệnh đang được cấp tập thực hiện ngay dịp Tết Nguyên đán để đối phó với dịch bệnh coronavirus mới. Cơ sở y tế này dự kiến hoàn thành ngày 3.1. Trung Quốc đã xây dựng dự án tương tự khi đại dịch SARS bùng phát.

    Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho hay, hơn 1.200 nhân viên y tế được gửi đến Vũ Hán để giúp đối phó với dịch bệnh. Thông báo được công bố trong bối cảnh một bác sĩ 62 tuổi - bác sĩ Liang Wudong, đã qua đời ở Vũ Hán sau khi chăm sóc các bệnh nhân nhiễm coronavirus mới.

    Trung Quốc cũng triển khai 450 nhân viên y tế của lực lượng quân y, nhiều người trong số này có kinh nghiệm chống dịch SARS, hoặc Ebola tới Vũ Hán, truyền thông nhà nước thông tin hôm 25.1.

    Các chuyên gia y tế đã đến Vũ Hán trên máy bay quân sự vào cuối ngày 24.1 và sẽ được gửi đến các bệnh viện có nhiều bệnh nhân bị nhiễm dịch viêm phổi lạ.

    Tại Thượng Hải, tất cả các rạp chiếu phim đã bị đóng cửa tới ngày 30.1 nhằm ngăn chặn virus lây lan.  

    Theo laodong

  • Dịch virus corona đã làm “đảo lộn hoàn toàn” cái Tết của người dân thành phố Vũ Hán và Bắc Kinh, tạo sự bất an hiển hiện khắp nơi, theo các du học sinh Việt Nam tại đây.

    “(Chính quyền) khuyến cáo không ra ngoài, nên còn ai dám đến nhà nhau chúc Tết”, Đỗ Quang Duy, 32 tuổi, đang theo học Đại học Địa chất Trung Quốc (cơ sở Vũ Hán), nói với Zing.vn từ Vũ Hán.

    Hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác là cách mà những người Việt ở Vũ Hán tự bảo vệ mình, ngoài việc tăng cường sức đề kháng.

    “Mình vẫn phải ra ngoài vài lần - như thế là tương đối nhiều. Có những người hạn chế tuyệt đối... nhất là đúng dịp Tết, cơ quan xí nghiệp nghỉ hết, chủ yếu là ở nhà”, Duy nói.

    Thành phố sầm uất hóa vắng lặng

    Thành phố Vũ Hán những ngày giáp Tết Nguyên Đán là một nơi “hoang vắng”, theo lời kể của anh sau khi ra siêu thị mua đồ ăn.

    “Bên ngoài đường sá vắng lắm. Vũ Hán là thành phố top đầu Trung Quốc, mình không tưởng tượng nổi thành phố sầm uất như vậy giờ lại cảm giác rất hoang vắng”, anh nói.

    Để đi từ ký túc xá tới siêu thị và quay về, anh đếm được tới 6 “chốt” kiểm tra thân nhiệt. Khi xuống cổng ký túc xá, bảo vệ lấy máy kiểm tra thân nhiệt. Ra đến cổng trường cũng có nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ. Trước khi vào siêu thị lại có trạm kiểm tra.

    “Khi đi ba lần, quay về cũng ba lần như vậy”, sinh viên theo học Thạc sĩ ngành kỹ thuật môi trường chia sẻ.

    Kiểm tra thân nhiệt tại ký túc xá. Sinh viên và nhân viên trường đều đeo khẩu trang. Ảnh: Đỗ Quang Duy.

    Duy cho biết đã “mua rất nhiều hoa quả” nhằm “tự tăng cường sức đề kháng”. Nhưng giá cả leo thang và hàng hóa khan hiếm, phần vì siêu thị đóng cửa nghỉ Tết, phần vì dịch bệnh. Các chợ đa phần đóng cửa do chính quyền khuyến cáo tư thương không kinh doanh nữa, để tiến hành phun thuốc tẩy trùng.

    “Không biết khi nào dịch bệnh mới hết, không biết 10, 15, hay 20 ngày... nên mọi người có tâm lý đi mua tích trữ rất nhiều. Bó rau bình thường giá tương đương 20 nghìn Việt Nam, hôm đấy lên tới 70-80 nghìn”, anh nói. “Mình hỏi, mọi người bảo chiều đi là không còn (hàng) nữa, chỉ buổi sáng mới có”.

    Các kệ hàng trống trơn tại một siêu thị ở Vũ Hán. Ảnh: Đỗ Quang Duy.

    Sống ở Vũ Hán cùng vợ và con gái, Duy đã nghĩ “vấn đề đã thực sự nghiêm trọng” khi lệnh cấm đi lại được đưa ra, sân bay, ga tàu điện, bến xe ngừng hoạt động.

    Các biện pháp của chính quyền Vũ Hán được anh đánh giá là “mạnh tay” bao gồm việc tiệt trùng ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, khu chợ, đường xá, khuyến cáo người dân không ra đường. Anh được phát khẩu trang N95 - loại khẩu trang y tế có thể lọc bụi tốt hơn khẩu trang vải thông thường.

    Khó xử khi cần tới bệnh viện

    Các video, hình ảnh mà Duy chia sẻ, cũng như các hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội cho thấy tình trạng báo động cao đang bao trùm lên các thành phố lớn Trung Quốc những ngày qua. Chẳng hạn như cảnh đo thân nhiệt kiểm tra nhiệt độ của từng hành khách trên các chuyến bay, hay cảnh phun thuốc tẩy trùng.

    Duy cho biết chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hạn chế đi lại, nhưng tác động của dịch virus corona về mặt tâm lý là rất lớn.

    Anh cảm thấy “rất bất an”, khi số ca nhiễm bệnh, tử vong liên tục tăng, chỉ từ vài chục lên tới hàng trăm chỉ sau vài ngày. “Trong khu vực mình có ai bảo bị ốm hay sốt là rất bất an”.

    Tối ngày 22/1, sự hoang mang còn lên cao hơn khi chính anh phải quyết định xem có đưa con gái 9 tháng tuổi đi khám hay không. Anh an tâm vì cháu không có dấu hiệu sốt, nhưng bé gái lại nôn và chớ quá nhiều.

    “Hai bố mẹ rất lo lắng, rất sợ... nếu đi viện, không may gặp người nào mà đang ủ bệnh, nên mọi người khuyên cứ hạn chế (ra ngoài), theo dõi xem thế nào”, Duy kể lại.

    Nhưng cháu không đỡ, và vợ chồng anh Duy vẫn đưa con gái đi viện của trường, rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên, giữa trời mưa vào sáng hôm sau. Đến chiều tối, cháu bé được ra viện và mau chóng khỏe lại. Ở trong viện, họ hạn chế tiếp xúc với mọi người.

    “Ai cũng đeo khẩu trang phòng độc 'rất hầm hố', loại tốt ấy, có cả lỗ thở lọc không khí cẩn thận”, anh mô tả những gì chứng kiến trong bệnh viện.

    “Khi tới bệnh viện của trường, có thể thấy rõ bác sĩ rất lo lắng, đầu tiên kiểm tra ngay thân nhiệt xem có sốt hay không”.

    “Bây giờ rất lo, rất lo nhưng thật sự ngoài ở lì trong nhà và chờ đợi tin chính thống ra thì không biết phải làm gì”, Nguyễn Thị Ngọc Nuôi, một du học sinh khác ở Vũ Hán, nói với Zing.vn.

    “Cái Tết thì nhà nào ăn riêng nhà đó, không hội họp gặp gỡ gì hết. Tạm thời ở yên trong nhà, trong nhà thì vẫn nấu các món Việt hay học bài”.

    Một chiếc khẩu trang mà Đỗ Quang Duy được phát. Ảnh: Đỗ Quang Duy.
    Đeo khẩu trang vào ai cũng đẹp”, Ngọc Nuôi nói đùa, kèm theo bức ảnh về kệ siêu thị không còn hàng. Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Nuôi.

    Chị cho biết một số bạn bè du học sinh ở Vũ Hán dự kiến họp mặt đêm 30 Tết. Nhưng “bàn qua bàn lại tới hôm 27 thì hơi lăn tăn rồi hủy luôn”, do đi lại khó khăn.

    “Nhà mình có 5 người nên nhiêu đây thực phẩm không rõ qua được 14 ngày không”, chị nói đùa.

    Về được nhưng không biết sao qua được

    Anh Duy cho rằng bị ảnh hưởng lớn nhất là nhiều người trong số “vài trăm” người Việt ở Vũ Hán đã về nhà ăn Tết, không biết bao giờ sẽ sang lại được, khi sân bay, tàu điện chưa mở cửa.

    “Mọi người còn phải học tập, làm việc, có thể còn công trình đang làm dở, cần sang gặp gỡ, trao đổi”, anh nói thêm, và cho biết gần như toàn bộ khoảng 70 người Việt ở trường mình đã về Việt Nam.

    Bùi Đức Anh Linh, 30 tuổi, cũng cảm thấy “hoang mang” vì không biết lúc nào có thể quay lại Vũ Hán. Lịch nghỉ kéo dài tới giữa tháng 2 nhưng các trường đang yêu cầu sinh viên chờ thông báo sau, khi sân bay, tàu hỏa bình thường trở lại.

    “Mình năm tới là năm cuối, kỳ tới phải chuẩn bị bảo vệ, mà quy trình bảo vệ rất dài, không biết đợt tới sang muộn thì có kịp tiến độ hoàn tất hay không”, anh nói.

    Từng là hội phó hội sinh viên một trường ở Vũ Hán, Linh cho biết tính riêng hội du học sinh Việt Nam ở Vũ Hán có khoảng 400 người. Anh và gần như tất cả 400 sinh viên Việt Nam trong hội sinh viên ở Vũ Hán đã về nghỉ Tết “từ ngày 14-15/1”. Số sinh viên ở lại Vũ Hán tính đến nay là khoảng 17 người, theo một nhóm chat được lập ra để thống kê những ai ở lại.

    “Một số người ở lại do công việc, học tập, nghiên cứu, hoặc định ở lại ăn Tết, nhưng vì dịch mà họ lại không thể ra ngoài đường”, Linh nói với Zing.vn từ Hà Nội.

    “Ai gõ cửa sẽ vừa tiếp chuyện, vừa đeo khẩu trang”

    Trong khi đó, dù cách xa Vũ Hán, nhưng tâm trạng ở thủ đô Bắc Kinh cũng “căng thẳng”, theo một số du học sinh Việt Nam.

    “Mặt hàng bán chạy nhất là khẩu trang. Em đến nhà thuốc đầu tiên, chưa kịp nói câu nào thì dược sĩ đã bảo cháu mua khẩu trang đúng không, nhưng khẩu trang bán hết từ lâu rồi”, T.N.Q. nói với Zing.vn từ Bắc Kinh.

    Hai người hôn nhau qua lớp khẩu trang, trong bức ảnh không rõ địa điểm mà Duy được bạn bè chia sẻ.

    Phải đi một số nhà thuốc rồi vào siêu thị, Q. mới mua được khẩu trang loại N95. Cô cho biết giá đã lên 12-15 tệ so với 10 tệ thường ngày. “Nhưng may quá em cũng mua được hàng chục cái để phòng thân rồi”, Q. nói, đề nghị giấu tên.

    “Em mua rất nhiều đồ ăn, ăn nửa tháng luôn để hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc”, Q. chia sẻ. “Thậm chí trong ký túc xá, nếu ai đó gõ cửa mà muốn tiếp chuyện với người ta thì cũng đeo khẩu trang, vừa phòng cho mình vừa cho người khác nữa”.

    Trường của T.N.Q. ở Bắc Kinh chỉ còn hai người Việt Nam. Dịch virus gây viêm phổi diễn ra đúng lúc người Bắc Kinh về quê ăn Tết, vắng người. Nhưng đây là một cái Tết có phần lo lắng.

    “Em lo là tầm khoảng tuần sau nữa mà mọi người từ quê đổ xô về Bắc Kinh, không biết mình đã khống chế được dịch bệnh này chưa”, Q. nói.

    “Theo em biết thì tình hình bên đó khá căng thẳng”, Ly Nguyễn, một du học sinh khác tại Bắc Kinh, nói với Zing.vn khi đang ở Việt Nam ăn Tết. “Một số trường đã có lịch nghỉ kéo dài cho du học sinh”. Ly cho biết có thông báo của trường yêu cầu ai đi lại Vũ Hán thì phải báo về trường gấp để tiến hành kiểm tra sức khỏe.

    Theo Zing