Hồi ức thuyền nhân Việt Nam: cướp biển, bão tố và súng đạn

Câu chuyện về năm người chạy khỏi đất nước quê hương mình và tìm được nơi chốn an toàn ở xứ Wales đã được kể lại tại một triển lãm thực tế ảo ở Cardiff.

Hạnh Trần là một trong hàng ngàn người Việt Nam đã vượt biên bằng thuyền sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát miền Nam từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dưới đây là câu chuyện về chuyến đi tìm nơi trú ngụ của người đàn ông tha hương.

Khi Hạnh Trần lội qua bùn sâu ở cửa sông để lên một chiếc thuyền đang chờ trong một đêm tối tháng 7 năm 1979, ông không thể tưởng tượng được những thử thách mà bản thân sắp phải đương đầu.

Ông là một trong số 800.000 người đã bước chân lên những chiếc thuyền đủ kích cỡ để chạy trốn khỏi một đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột và bất ổn. Họ được biết đến với tên gọi ‘thuyền nhân Việt Nam.’

Khi Quân đội Nhân dân Việt Nam hành quân vào Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, một số người cảm thấy hoang mang về sự thay đổi chính quyền, nhưng ông Hạnh thì nghĩ rằng mình biết rõ điều gì đang chờ đợi bởi cha ông đã rời khỏi miền Bắc nhiều năm trước.

Vì sợ hãi, ông Hạnh và một trong những anh em của mình đã chạy trốn rồi quyết định rời khỏi đất nước.

Ông cùng em trai bị nhồi nhét vào một chiếc thuyền dài 11 mét với 86 người khác. Hạnh bị say sóng dữ dội và trải qua hai ngày đầu trong cơn quay cuồng. Khi ông thấy đỡ hơn, chiếc thuyền giờ đã ở trong vùng biển bao la không có đất liền xung quanh. Sau đó, bốn chiếc thuyền lớn hơn xuất hiện khiến mọi người đều reo hò mừng vui.

"Mọi người đều rất hạnh phúc, vì chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giải cứu chúng tôi", ông nói. Nhưng không.

Ông Hạnh Trần và cuộc vượt biên hãi hùng cách đây 40 năm.

Những chiếc thuyền đó được chỉ huy bởi cướp biển Thái Lan. Chúng bao vây thuyền tị nạn, chĩa súng vào những con người kinh hoàng trên chiếc thuyền nhỏ. Những thanh niên trẻ như Hạnh bị tách ra khỏi những người khác. Nhẫn cưới của ông đã bị cướp, và ông bắt đầu lo sợ điều tồi tệ nhất.

"Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Khi họ chia cắt chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giết chúng tôi - không nghi ngờ gì về điều đó", ông nói.

Tuy nhiên, những tên cướp biển đã không giết họ. Chúng cướp bóc của thuyền nhân nhưng vẫn cho phép họ tiếp tục cuộc hành trình. Đêm đó, những người tị nạn nhận ra những kẻ cầm súng có kế hoạch dành cho mình.

Khoảng nửa đêm, họ thấy ánh đèn ở phía trước. Càng đến gần, họ dần nhận ra đó là những con tàu cướp biển đang chờ họ. Sau này, Hạnh được nghe nhiều câu chuyện về những người bị giết hoặc bị bắt cóc, và tin rằng những tên cướp biển sẽ tấn công một lần nữa trong bóng tối.

Những người khốn khổ không nghĩ rằng họ có thể sống sót vào đến đất liền.

"Mọi người trên thuyền đều im lặng và chúng tôi tắt đèn và động cơ. Ngay sau khi chúng tôi làm điều đó, ánh đèn phía trước bắt đầu soi rọi. Chúng biết rằng bọn tôi đã nhận ra chúng là ai và chúng tiến hành lùng sục chúng tôi."

Họ đã xoay sở để trốn những tên cướp biển trong bóng đêm, và ngày hôm sau, đất liền Malaysia hiện ra, cùng với hai chiếc thuyền quân sự, những người trên thuyền ngay lập tức nổ súng cảnh cáo.

"Chúng tôi càng đến gần họ, họ càng bắn nhiều hơn", Hạnh nhớ lại. "Vì vậy, chúng tôi quay thuyền chạy vòng quanh."

Bị Malaysia từ chối, hy vọng cứu rỗi tiếp theo xuất hiện dưới hình thức một giàn khoan dầu. Khi thuyền đến gần công trình giữa biển này, một số người trên thuyền đã thảo luận về việc cố tình đánh chìm thuyền của mình ​​và buộc các công nhân giàn khoan dầu phải cứu họ.

Kế hoạch đã bị hủy bỏ, nhưng được đề xuất một lần nữa vào ngày hôm sau, khi họ đến gần Singapore, con đường bị chặn bởi những chiếc thuyền quân sự và máy bay trực thăng. Hải quân Singapore đã kéo chiếc thuyền tị nạn ra khỏi đất liền trong bảy giờ để đảm bảo họ không thể quay lại.

Thiên nhiên sau đó cũng quay lưng lại với những người tị nạn khi một cơn bão khổng lồ biến đại dương thành một khối nước đục ngầu dữ tợn.

Hạnh nhớ lại: "Trong cơn bão, nước cao hơn thuyền bốn mét, và rồi chỉ phút sau, thuyền sẽ bị đẩy lên cao trên đỉnh sóng.

"Mọi người đều nghĩ đó là dấu chấm hết. Tôi nghĩ đến vợ và con gái mới chỉ tám tháng tuổi. Tôi đã cầu Chúa và nói Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Khi tôi lên boong thuyền, tôi nghe thấy mọi người cũng đang cầu nguyện."

Nhưng rồi cơn bão cũng qua đi. Không ai rơi xuống biển, và thậm chí còn có cá heo bơi bên cạnh chúng tôi. Đó là một khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi.

"Chúng tôi đã đến gần Indonesia," Hạnh nói. "Hai chiếc tàu rất lớn tiến về phía chúng tôi và bắt đầu nổ súng. Bạn có thể thấy những viên đạn rơi xuống nước và nghe thấy chúng bay sượt qua đầu."

Ông Hạnh Trần hạnh phúc khi gia đình mình đã thoát khỏi cửa tử.

Bị từ chối một lần nữa, lần này Hạnh và đồng đội của mình gặp may mắn khi dòng nước đưa họ tới một hòn đảo hoang vắng gần đó.

"Chúng tôi đã rất, rất hạnh phúc khi đến được đất liền", Hạnh nói. "Chiếc thuyền đã bị tàn phá nên không ai có thể buộc chúng tôi quay trở lại."

Khi chủ sở hữu của hòn đảo đến vào mười ngày sau đó để thu hoạch dừa, người này đã liên lạc với đất liền và hành trình của Hạnh đến với cuộc sống mới ở Anh bắt đầu.

Khi Hạnh đi về phía tây, ông nhận được tin vui rằng những người còn lại trong gia đình ông đã đến Singapore sau khi đi khỏi Việt Nam.

Vào tháng 4 năm 1980, Hạnh đoàn tụ cùng gia đình tại một trung tâm tị nạn ở Hastings, Kent. Vì các gia đình Việt Nam thích ở cùng nhau, Hạnh, chín anh chị em và bố mẹ ông đã được cấp một ngôi nhà lớn ở Newport, miền nam xứ Wales.

"Lần đầu tiên nhìn thấy Newport, tôi cảm thấy như mình đang ở vùng nông thôn", Hạnh nói. "Thật là xanh tươi, đáng yêu và yên bình.

"Lúc đó nơi đây chưa phát triển nhiều nên nó giống như một thị trấn nhỏ. Mọi người rất tốt và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mặc dù có rào cản ngôn ngữ, bạn luôn nhận được sự giúp đỡ ngay khi bạn rời khỏi nhà."

Anh chị em của ông dần di chuyển đến sống ở những vùng khác nhưng ông Hạnh là người ở lại lâu nhất.

Hiện ông sống ở London, là một phần của cộng đồng người Việt, nơi ông tiếp tục được sống lại những câu chuyện về cuộc hành trình trên đại dương 40 năm trước.

Hình ảnh này khiến bao nhiêu con người phải rơi lệ.

Viethome (Theo BBC)