Làm bánh Tét trên xứ sở hoa anh đào

Để phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình tôi quyết tâm nghiên cứu, học nấu các món ăn, các loại bánh mứt và đặt biệt món bánh tét mà má tôi thường làm, tôi xin chia sẻ với độc giả về cách thức làm bánh tét của mình tại Nhật.

image
Những đòn bánh tét thơm ngon trên đất nước Nhật Bản. Ảnh do độc giả cung cấp.

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm tại vùng ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, chị em chúng tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam xa xứ bắt đầu ngóng trông từng ngày để được trở về đoàn tụ với gia đình. Thật là may mắn đối với tôi, từ ngày xa quê đã hơn 10 nằm rồi, hầu như năm nào tôi cũng được về Việt Nam đón Tết. Chỉ có một năm không về mà tôi gần như phát ốm vì nỗi nhớ nhà thật bồn chồn da diết làm sao.

Từ đó, tôi nhận ra rằng: mình không chịu đựng nổi cái cảnh ngồi nhìn tuyết rơi mà nhớ tới chị em trong gia đình đang quây quần đón Tết. Vì thế, dù khó khăn cỡ nào tôi cũng cố gắng sắp xếp để có mặt cùng mọi người trong giờ đón giao thừa hàng năm. Tuy nhiên, còn có biết bao nhiêu gia đình bạn bè người Việt xa xứ như tôi vì nhiều lý do họ không có điều kiện để về vì thời điểm tết nguyên đán của Việt Nam người Nhật vẫn đi làm bình thường. Tất cả đều mang tâm trạng nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ những kỉ niệm tuổi ấu thơ..., vì vậy mọi người thường tổ chức những buổi tết niên họp mặt, nấu những món ăn truyền thống thiết đãi bạn bè, chúc sức khoẻ đầu năm...

Để phần nào vơi đi nổi nhớ gia đình và sưởi ấm những tâm hồn trong mùa đông giá lạnh, tôi nghĩ rằng giá như những ngày tết nhà nào cũng có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, cải chua, dưa kiệu, thịt kho hột vịt... thì mọi người được vui biết mấy. Chính vì thế tôi quyết tâm nghiên cứu, học nấu các món ăn, các loại bánh mứt và đặt biệt món bánh tét mà má tôi thường làm, tôi xin chia sẻ với cộng đồng người Việt về cách thức làm bánh tét của mình, mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý vị.

Để có được 20 đòn bánh tét hoàn hảo, như ý thì việc đầu tiên là khâu chuẩn bị cho thật chu đáo. Nguyên liệu gồm có: 5 kg nếp dẻo, 2 kg đậu xanh, 1 kg thịt ba chỉ (mỡ nhiều), 1 kg lá chuối, 1 cuộn giấy bạc, 1 cuộn dây nylon, 1 bó lá dứa. Trước khi gói bánh ta phải ngâm nếp và đậu trước 6 tiếng, sau đó vớt ra rổ để cho gáo nước.

Lá dứa cắt nhỏ bỏ vào máy xay rồi lược thành nửa chén nước trộn vào trong nếp, cho thêm một ít muối. Thịt ba chỉ xắt sợi dài chia đều 20 phần. Giã đầu hành, 5 củ hành tím bằm nhuyễn, thêm tiêu, muối, đường, bột ngọt, nước mắm trộn đều để vào tủ lạnh trước một đêm. Giấy bạc, lá chuối xé thành từng miếng vừa để gói bánh, dây nylon cắt thành đoạn ngắn.

Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, ta bày ra khoảng trống giữa nhà cho thoải mái. Vì có thể ngồi vài tiếng đồng hồ cho nên tôi chuẩn bị DVD ca nhạc, cải lương.... để vừa gói bánh vừa thưởng thức văn nghệ cho không khí vui nhộn, bớt cảm giác đau lưng.

image
Các công đoạn chuẩn bị đã sẵn sàng, tôi bắt tay vào gói bánh. Ảnh do độc giả cung cấp.

Động tác đầu tiên là ta trải miếng lá chuối lớn theo bề trái lật lên. Tiếp theo một lớp giấy bạc bằng diện tích lá chuối ban đầu, lớp thứ ba lót thêm một lớp lá chuối lật bề mặt lên trên và sớ của lá chuối theo chiều ngang của bánh, điều này có ý nghĩa để cho màu xanh của mặt lá thấm vào trong nếp và sớ lá theo chiều ngang sẽ cắt bánh được dễ dàng hơn.

Xếp lá ngay ngắn xong, rải nếp lên phả lại cho đều, rải đậu khoảng giữa theo chiều dài của bánh và đặt miếng thịt ba chỉ nằm trên đậu, phủ thêm một ít đậu cho kín miếng thịt và rải một phần nếp trên cùng. Nắm 2 bên mép lá chuối gấp vào nhau, động tác này làm cho thật nhanh, vì nếu không nếp và đậu trộn lẫn vào nhau không đẹp.

Tay vừa gấp vừa nướng để cho đòn bánh tròn trịa và bịt một đầu bánh xuống mặt thớt, lấy lá chuối dư bộc đầu còn lại cho vuông góc, cột tạm bằng dây nylon. Tiếp theo lặt đầu bánh kia lên lấy lá chuối bọt cho đều đặn. Cột dây theo hình chữ thập ở 2 đầu bánh, sau đó cột dây ngang theo khoảng cách đều. Muốn cho đòn bánh đẹp phải cột theo cùng 1 chiều, ngay ngắn. Tất cả phần dây dư được ngoáy lại thành một đoạn để tiện cho việc vớt bánh ra lúc chín.

Nấu bánh phải dùng nồi tròn có thành cao, thời gian nấu là 8 giờ đồng hồ. Khi nước sôi lên bánh được cho vào nồi theo chiều thẳng đứng và bắt đầu tính giờ. Muốn cho bánh chín đều khoảng 4 tiếng phải trở đầu bánh đặc biệt không để lửa tắt, và nước luôn phải châm cho đầy. Vì thế người Việt Nam hay nấu bánh vào đêm giao thừa để vừa canh bánh vừa đón mừng năm mới.

Giờ đây tôi đã làm thành thạo món bánh tét của mình nhờ sự kết hợp độc đáo giữa cách gói truyền thống và sự hỗ trợ của một số vật dụng như lá chuối với giấy bạc, dây nylon đã tạo nên những chiếc bánh xinh xắn dễ thương và hạn chế được những nhược điểm do cách gói đơn thuần bằng lá chuối (dễ gây ứ nước ở các góc bánh, nấu lâu bánh không săn gọn). Cũng từ đó bánh tét của tôi được nhiều người biết đến và được đánh giá cao. Thế là dần dần có nhiều người thưởng thức và gọi đặt mua.

Với tôi, nghề làm bánh tét không chỉ là nghề kinh doanh để có thêm thu nhập mà trên hết vẫn là để thoả mãn niềm yêu thích ẩm thực của mình và khoả lấp nổi nhớ gia đình, nhớ người mẹ già kính yêu, tuổi đã gần 80 mà vẫn minh mẫn sáng suốt, chỉ cho tôi cách thức chế biến từng món ăn qua điện thoại hàng ngày. Mỗi khi chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh tét là lòng tôi vô cùng hớn hở, mấy chị em tôi vừa gói bánh vừa ôn lại những kỉ niệm ở quê nhà thuở xưa. Hai đứa con của tôi tuy còn bé xíu cũng quay quần bên mẹ để phụ mẹ cái này giúp mẹ việc kia. Lòng tôi lâng lâng nhiều cảm xúc tràn ngập niềm vui trong không khí đón xuân tại xứ người.

Yoshikawa, 20/12/2012,

Hồng Việt

Xin mời chia sẻ về kinh nghiệm nấu nướng và đi chợ ở nước ngoài của bạntại địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com

 

Theo Vn Express