Cái kết buồn của người cha sau 3 năm ròng rã tìm con: ‘Tan nát hết rồi’

3 năm kể từ khi con trai bị bắt cóc, anh Lương Thế Huynh (Đà Lạt) vẫn không thể tìm được con trở về. Cuộc sống gia đình giờ lại mắc thêm một khoản nợ lớn và rơi vào cùng cực.

Facebook có chức năng nhắc chuyện ngày này năm xưa, người ta thi thoảng bất ngờ khi được quá khứ ‘khẽ đánh vai'.

Có những câu chuyện từng được nhiều người quan tâm, dù xúc động, thương tâm nhưng rồi cũng dở dang, cũng lắng xuống rồi chìm vào quên lãng. Không ai nhắc, không ai hay, chuyện vẫn cứ diễn ra trong thinh lặng cho đến một ngày hỏi lại, người ta ngạc nhiên khi quá khứ đã thay hình đổi dạng dù bị bỏ quên.

Mới đây, chúng tôi đã có cuộc gọi đến anh Lương Thế Huynh ở Tà Nung - Đà Lạt, người đàn ông từng nổi tiếng với câu chuyện tìm con mất tích cách đây hơn 3 năm..

Bé Vương mất tích chỉ sau thời gian ngắn không có bố bên cạnh.

Vào một buổi trưa cuối năm 2015, khi anh đang làm vườn, con trai Lương Thế Vương chơi một mình ở trong nhà, cách đó chừng 100 mét. Bất ngờ nghe tiếng la hét của con, anh tưởng cháu chơi đùa với đàn chó nên tiếp tục làm việc.

Đến khi nghe tiếng kêu ‘Bố ơi cứu con', anh giật mình chạy vào thì thấy thằng bé đã không còn ở đó. Tá hỏa bủa tìm khắp nơi vẫn không một tung tích, anh khẳng định con mình đã bị kẻ xấu bắt đi bằng xe cơ giới. Hành trình tìm con cũng từ đấy bắt đầu.

Như một người bệnh nan y, cố gắng "vái tứ phương" để tìm kiếm cơ hội sống. Bất cứ nơi nào có người báo, dù chỉ là một mẩu tin nhỏ, một đầu mối chưa biết đúng sai, người cha ấy vẫn lặn lội tìm đến chỉ mong tìm được con trai mình.

Mỗi lần đến nơi nào nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin. Có nơi bà con hỗ trợ lộ phí, giúp đỡ chuyện ăn uống sinh hoạt. Có những khi dọc đường ốm nặng quá, phải vào bệnh viện mua thuốc, cứ khỏe là tôi lại lên đường”, người cha chia sẻ.

Với chiếc xe máy thô sơ cùng thùng dán thông tin ở phía sau xe, đi tới đâu anh cũng hỏi người dân nơi đó về bóng dáng con trai mình. Ban đầu chỉ là những địa điểm gần nhà, rồi lan rộng ra các tỉnh thành lân cận Lâm Đồng, thậm chí xuống Nam rồi ra Bắc.

Cách đây 2 năm anh Huynh cũng từng chia sẻ: “Tôi không nhớ là mình đã đi hành trình bao nhiêu km nữa. Hầu như các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Nam bộ đều đã từng đến, lần xa nhất là ở Quảng Bình”.

Câu chuyện của anh được nhiều người biết tới, có người đồng cảm, góp tiền, cũng có người ác miệng bảo chính anh đã hại con mình và đây là vở kịch do anh tự dựng nên.  

Anh câm lặng, mặc kệ miệng đời và cứ thế tiếp tục hành trình cô độc. Hết tiền thì về nhà xoay sở, có tiền lại lên đường. Câu chuyện gây sốt được một thời gian rồi lắng xuống, vì còn nhường chỗ cho bao câu chuyện gây sốc khác, vì hành trình tìm con dù cảm động nhưng cũng chỉ là chuyện mỗi ngày xách xe máy đi và đều đặn như nhau.

Anh ngủ bờ bụi ven đường.

Sau 2 năm ròng tìm kiếm, anh Huynh chia sẻ, anh phải gác lại việc tìm kiếm con trai. “Tôi vẫn khỏe, vẫn đủ sức đi nữa nhưng đành gác lại. Bây giờ cũng không còn nghe thông tin nhiều nữa. Hơn nữa, tôi còn phải đi làm nuôi gia đình”, anh ngậm ngùi nóiAnh và vợ mình đã lập bàn thờ cho đứa con trai bé bỏng mất tích, coi ngày 21/6 (ngày con bị bắt cóc) là ngày giỗ con.

Khi anh tạm gác việc tìm con lại thì bỗng đâu trên mạng, có tin anh tìm được con trai. Nhận được tin ấy, người cha 42 tuổi mặt méo xệch ứa nước mắt trước sự bịa đặt tàn nhẫn. "Tôi không biết họ bịa chuyện vậy để làm gì, nhưng sao nỡ ác độc đến vậy. Con tôi biến mất không rõ nguyên nhân đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai, tôi ước sao tin bịa đó là sự thật.", anh Huynh nói.

Khoảnh khắc anh ngồi ăn tạm ở một quán lề đường được chụp lại.

3 năm trôi qua, không có một dấu hiệu nào nhắc nhở về câu chuyện ấy. Nhưng khi hỏi đến, hẳn nhiều người vẫn nhớ và muốn biết hiện tại anh như thế nào, gia đình đã tìm lại được con trai chưa?

‘Tan nát hết rồi em à', anh nói về hoàn cảnh hiện tại của mình sau khi nhấc máy. Suốt thời gian ấy, anh chỉ đi tìm con.

Nhà vốn nghèo, anh bỏ vườn tược mà đi khiến cuộc sống người vợ và đứa con 8 tuổi còn lại ngày càng bết bát. Năm ngoái, anh bỏ ngang cuộc tìm kiếm để trở về nhà, nhưng vẫn chẳng thể làm gì được. Số tiền nợ lên đến 200 triệu đồng, vợ anh bồng con bỏ về quê ngoại ở Bình Phước. Còn mình anh ở lại căn nhà nhỏ ở Tà Nung, nơi đứa con nhỏ đã bị bắt đi cách đây 3 năm và nơi từng chứng kiến một gia đình 4 người hạnh phúc.  

Giọng anh ấm nhưng vô vọng, anh chỉ có thể kể lại những tháng ngày đau buồn đã đi qua chứ chẳng thể nhìn ra được con đường phía trước. Liệu có bước ngoặt nào đó khác, hay vẫn không một tín hiệu, vẫn mờ mịt như khoảng thời gian đằng đẵng vừa qua?

Ngày xuân đang đến rất gần. Tết là dịp để sum vầy, cũng là dịp để khắc sâu hơn những nỗi đau chia cắt. Tết là ngày dành cho những chuyến đi trở về, và cho cả cuộc kiếm tìm ròng rã không biết khi nào là hồi kết. Dù hy vọng là mỏng manh nhưng hẳn nhiều người vẫn mong rằng, phía cuối hành trình này sẽ là một đốm sáng. 

Viethome (theo thethaovanhoa)