Tây đen làm rể Việt

Cứ tầm 17h, người dân trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM, lại thấy một người đàn ông gốc Phi khá lực lưỡng, bế con gái nhỏ lai da đen dạo phố.

 

Sau khi chơi với con, người đàn ông này ngồi trước cửa hàng bán quần áo xuất khẩu mời gọi khách, trông xe cho khách. Anh là chồng chị Trang, chủ cửa hàng.

“Chồng tôi, ngoài việc quản lý ở công ty, về nhà chẳng những phụ vợ chăm con, dọn dẹp nhà cửa, phụ buôn bán mà còn nấu ăn rất giỏi. Đặc biệt là món bún bò Huế, tôi chỉ nấu có một lần, nhưng giờ ảnh nấu còn ngon hơn cả vợ”, chị Trang tự hào kể.

Tại một cửa hàng bán quần áo xuất khẩu cũng trên đường Độc Lập (phường Tân Thành, quận Tân Phú), một “ông Tây da màu” trạc 40 tuổi, đang loay hoay treo móc quần áo trước cửa tiệm. Xong việc, anh đi đón đứa con gái hơn 3 tuổi đang học mẫu giáo gần nhà.

Gần đây, những người nước ngoài đến từ "lục địa đen" tập trung sinh sống tại các quận Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, quận 7… khá nhiều, hình thành nên khu “Tây da màu” ở những khu vực này.

Cửa hàng chuyên bán quần áo xuất khẩu trên đường Phan Đình Phùng, quận Tân Phú, là tổ ấm của một cặp vợ chồng Việt - Phi. Chị Lan, 39 tuổi, quê Long An, là bà chủ cửa hàng này, kể: Bảy năm trước, khi chị buôn bán trái cây ở đường Nguyễn Tri Phương quận 10, anh Jame (chồng chị hiện giờ) thường ghé mua trái cây để “chinh phục” chị. Từ sự e ngại, lưỡng lự, dần dần hai người đã đến với nhau.

Khi chị Lan sinh con gái, họ tổ chức cưới, lập doanh nghiệp xuất khẩu quần áo. Năm nay, con gái đầu đã hơn 3 tuổi, chị đang mang thai đứa thứ hai được 6 tháng. Công việc buôn bán khá suôn sẻ nên Jame đã đưa em trai và hai người họ hàng sang Việt Nam phụ giúp vợ bán quần áo. “Chồng tôi nói tiếng Việt rất giỏi, tính tình hiền lành, chăm làm, hiếm khi nhậu nhẹt, đặc biệt rất chiều vợ con”, chị Lan hạnh phúc kể.

Chị Tâm, 42 tuổi (huyện Nhà Bè, TP HCM), chủ tiệm quần áo trên đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, đã gặp tình yêu đời mình là Tony đến từ Nigeria khi chị du lịch nước ngoài. Ban đầu, mối quan hệ giữa chị với Tony chỉ là công việc. Tony sang Việt Nam để xúc tiến mở một văn phòng đại diện xuất nhập khẩu quần áo về Nigeria. Vốn giao tiếp được cả ba thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, chị Tâm nhanh chóng trở thành một “cố vấn” đắc lực, giúp Tony làm giấy tờ, hồ sơ để thành lập công ty.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ có một ngày mình sẽ ngã lòng với một người đàn ông ở trời Phi. Tony làm ăn rất chăm chỉ, không rượu chè và có phần cục mịch, tôi yêu lúc nào không hay. Quen nhau được 2 năm, anh ấy ngỏ lời cầu hôn và tôi quyết định gật đầu”. Từ một đại diện thương mại cho công ty xuất nhập khẩu quần áo ở TP HCM, Tony hiện nay đã được cất nhắc làm trưởng đại diện. Trước khi gặp Tony, chị đã có một con trai 7 tuổi với chồng trước, Tony thương con riêng của vợ như con đẻ.

Bà Nguyễn Thị Gần, Bí thư chi bộ khu phố 5, phường Tân Thành cho biết, những cặp vợ chồng kiểu “tình Việt, duyên Phi” rất phổ biến ở quận Tân Phú. Ban đầu chỉ là chuyện “vợ chồng hờ” nhưng về sau, không ít cặp đã cưới hỏi, kết hôn và sinh con đẻ cái. Nhiều cặp như gia đình của Jame, Tony… sống hạnh phúc, hòa thuận và thân thiện với những người xung quanh.

Tình gạ gẫm

Không có công ăn việc làm ổn định, nhiều ông “Tây da màu” đã mồi chài những phụ nữ có sở thích “hàng ngoại đen cháy”. Đêm đêm, họ đổ về khu Tây ba lô quận 1 để tìm kiếm tình duyên.

Hơn 22h một đêm gần cuối tháng Tám, khu phố Tây rực rỡ ánh đèn, tiếng ồn ào náo nhiệt phát ra từ các quán bar. Không có tiền vào quán bar, nhà hàng… một nhóm khách châu Phi ngồi trước bậc thềm một trường mầm non ở đường Bùi Viện, quận 1. Họ ngồi lặng lẽ trong bóng đêm, mắt dõi theo từng cặp dắt tay nhau dạo phố khuya.

Một thanh niên da den giới thiệu tên Mark, 31 tuổi, đến Việt Nam được hơn 3 năm, hiện là cầu thủ bóng đá tự do và rất muốn tìm bạn gái Việt Nam. Mark xin số điện thoại một cô gái và hẹn sẽ liên lạc lại. Hơn 30 phút sau anh ta đã nhắn tin dồn dập hỏi: Em đang ở đâu? Em bao nhiêu tuổi? Nhìn em rất đẹp, anh rất thích em! Anh gặp em một mình được không? Mai anh gặp em đi chơi, ngủ chung được không?...

Cô gái này kể, Mark liên tục “khủng bố điện thoại” suốt đêm đó. Trong tin nhắn cuối cùng, anh chàng bày tỏ nguyện vọng: “Anh chỉ muốn làm chồng của em để sống lâu dài ở Việt Nam”…

Với những cô gái có ý định tìm hiểu một "cầu thủ bóng đá người Phi", chị Hương ở quận Tân Phú tư vấn: “Phải tìm hiểu kỹ nha, chuyện lừa tình người Việt Nam không thiếu đâu. Đàn ông Phi khi yêu thương mình thật lòng, họ cưới hỏi rất đàng hoàng”. Hương dẫn chứng, chồng chị khi cưới đã dẫn chị về tận quê nhà ra mắt gia đình.

Theo chị Hương, hiện có không ít phụ nữ quá lứa lỡ thì tìm đến đàn ông gốc Phi. “Chỉ cần quen 2 tháng là biết mình có quen lầm người hay không, chỉ cần đặt ra những câu hỏi: Từ lúc quen đến giờ mình có tốn tiền nhiều không? Khi ngồi nói chuyện, ăn uống có số điện thoại phụ nữ lạ gọi tới không? Anh ấy có hay viện cớ này cớ nọ để cho mình trả tiền này tiền kia hay không?”, chị Hương cho biết.

Kinh nghiệm của chị Hương được đúc kết từ những cuộc tình gạ gẫm, dẫn đến dựa dẫm, rồi cuối cùng là ôm hận. Điển hình là trong một con hẻm ở khu phố 1, phường Tân Thành, quận Tân Phú, cùng lúc có 3-4 cô gái mang thai thuê chung một căn nhà, cùng nhau chờ đến ngày được bảo lãnh sang nước châu Phi xa xôi nào đó. Đến khi chính quyền địa phương mở đợt kiểm tra thì các cô mới nháo nhào vì “chồng” mình bỗng dưng biến mất. Vỡ mộng, các cô không dám mang đứa con khác màu da về quê vì sợ miệng đời dị nghị, đành cắn răng một mình nuôi con.

Theo một số liệu khảo sát về tình hình một số công dân các nước châu Phi kết hôn với phụ nữ Việt Nam, hiện TP HCM có khoảng 45 người, chủ yếu là người Nigeria kết hôn với phụ nữ Việt Nam, sinh ra khoảng 30 trẻ em. Ngoài những đôi vợ chồng sống hạnh phúc, có công ăn việc làm ổn định, một số cặp tình Việt - duyên Phi có biểu hiện phức tạp trong quan hệ, đi lại và hoạt động kinh doanh.