• Chính phủ vừa đưa ra dự thảo luật 5 điểm nhằm hạn chế dòng người nhập cư hợp pháp. Theo luật này, 300.000 người đã đến Anh hợp pháp vào năm ngoái có khả năng sẽ không đủ điều kiện ở lại UK. Luật này ảnh hưởng tới visa của lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, visa của lao động kĩ năng, family visa, visa sinh viên và visa trong lĩnh vực thiếu hụt.

    1. Ngưỡng thu nhập tối thiểu đối với người xin skilled worker visa tăng gần 50%

    Những người xin skilled worker visa phải có thu nhập tối thiểu £38,700. Hiện tại, ngưỡng lương đối với hình thức visa này là £26,200/năm, tương đương £10.75/giờ.

    Như vậy, ngưỡng lương sẽ tăng 47.7% theo luật mới. Mức lương mới cao hơn mức lương bình quân toàn quốc là £34,963 tính đến tháng 4/2023.

    Dữ liệu thống kê cho thấy, chưa đến 70% người trong độ tuổi lao động có mức thu nhập thấp hơn £38,700. Như vậy, chính phủ tăng mức lương là nhằm khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm lao động tài năng ở Anh trước, thay vì phụ thuộc vào lao động nhập cư.

    - Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe vẫn có thể có thu nhập thấp hơn £38,700 vào thời điểm trước khi nộp đơn.

    - Những lao động nhận lương theo thang lương nhà nước, chẳng hạn giáo viên, cũng được miễn trừ (khỏi ngưỡng bắt buộc £38,700).

    Luật visa mới sẽ bắt đầu áp dụng vào mùa xuân tới nhưng ngày chính xác chưa được công bố.

    2. Ngưỡng thu nhập tối thiểu đối với người xin family visa cũng tăng

    Nếu muốn đưa người thân đến Anh quốc theo diện family visa thì bạn phải có mức thu nhập tối thiểu là £38,700. Con số này tăng hơn gấp đôi ngưỡng thu nhập hiện tại là £18,700.

    Family visa áp dụng cho công dân Anh hoặc Ireland, người đã có visa định cư vĩnh viễn (settled status) hoặc visa 5 năm (pre-settled status), hoặc người tị nạn được bảo vệ (refugees with protection status).

    Tính đến tháng 6/2023, có 70.000 người đến Anh quốc theo diện family visa - tăng so với con số 61.000 người vào năm trước đó.

    luat visa moi bop nghet

    3. Nhân viên chăm sóc không được mang người phụ thuộc đến UK

    Nhân viên chăm sóc khi đến Anh làm việc, sẽ không được mang theo người thân phụ thuộc (bao gồm vợ/chồng, người có quan hệ dân sự hoặc người yêu chưa cưới, và con cái dưới 18 tuổi).

    Tính đến tháng 9/2023, đã có 101.000 "health and care visa" được cấp, trong đó số lượng visa cho người phụ thuộc còn nhiều hơn nữa, lên tới 120.000 visa cấp cho người phụ thuộc.

    Các công ty thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nếu muốn bảo lãnh cho lao động nước ngoài đến Anh thì phải tuân thủ luật của Ủy ban chất lượng sức khỏe Care Quality Commission.

    Tóm lại, nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ không được mang người thân đến UK nữa.

    4. Bãi bỏ đãi ngộ "giảm ngưỡng lương yêu cầu" đối với lĩnh vực thiếu hụt

    Hiện tại, những ngành nghề trong lĩnh vực thiếu hụt lao động đang được hưởng chế độ "lương thấp", nghĩa là ngưỡng lương yêu cầu đối với những ngành này sẽ thấp hơn 20% so với mức quy định chung đối với skilled worker visa. Chế độ này nhằm thu hút lao động kĩ năng đến Anh để lấp vào chỗ trống.

    Tuy nhiên, luật mới sẽ bãi bỏ đãi ngộ này. Và chính phủ cũng đang đánh giá lại để cắt bớt danh sách ngành nghề thiếu hụt.

    5. Lộ trình của sinh viên tốt nghiệp sẽ được đánh giá lại

    Graduate visa cho phép du học sinh được ở lại UK thêm 2 năm để tìm việc sau khi hoàn thành khóa học. Chính phủ sẽ xem xét lại lộ trình này để ngăn chặn sinh viên lạm dụng nó, nhằm đảm bảo chất lượng và tính liêm khiết của giáo dục cao học ở UK.

    Ngoài ra đầu năm nay chính phủ cũng đã hạn chế việc du học sinh mang người thân đến UK. Chính phủ sẽ yêu cầu Ủy ban Tư vấn Di cư (Advisory Committee) đánh giá lại lộ trình của sinh viên tốt nghiệp để ngăn chặn họ lợi dụng graduate visa.

    6. Phí xin visa và phụ phí sức khỏe tăng

    Người xin visa sẽ phải đóng phụ phí sức khỏe nhập cư cho NHS là £1,035. Số tiền này đã tăng 66% so với con số £624 vào năm ngoái. Mức phí mới được áp dụng từ ngày 16/1/2024.

    Từ ngày 4/10/2023, phí xin visa các loại đã tăng. Cụ thể:

    - Visa làm việc và visa thăm thân tăng 15%

    - Family visa, visa định cư và visa quốc tịch tăng 20%

    - Student visa tăng 35%.

    Tham khảo biểu phí mới tại đây https://www.gov.uk/government/publications/visa-regulations-revised-table/home-office-immigration-and-nationality-fees-4-october-2023

    Viethome (theo Sky News)

  • *Lưu ý: Visa sang lao động tại Anh có thể áp dụng cho các nước Trung Á - nhưng không có nghĩa là Việt Nam được sang 1 cách dễ dàng. Hiện tại VietHome ghi nhận nhiều dịch vụ chào mời ở VN đi theo dạng lao động thời vụ này, tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng chuẩn và làm đúng như lời hứa. Nếu quý vị có ý định sang Anh theo diện này, xin hãy tìm hiểu thật kĩ.

    Hậu Brexit, các trang trại ở Anh không còn dựa vào công nhân Romania hay Ba Lan mà là lực lượng lao động từ Trung Á.

    "Tiền kiếm được ở đây một tuần bằng một tháng ở quê nhà. Tôi đến đây vì tiền", chàng trai từng là giám đốc dự án lọc nước cho một ngân hàng lớn tại Kyrgyzstan, nói. Anh tranh thủ trả lời khi đang chất các thùng dâu tây lên xe tải trong trang trại của gia đình bà Christine Snell tại Herefordshire.

    Nhà Christine Snell sở hữu khoảng 160 ha trồng dâu tây, mâm xôi, lý chua đen. Sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), lao động trong khối không còn di chuyển tự do đến Anh, nên gia đình bà phải tuyển người từ những nơi xa hơn.

    "Bây giờ họ đến từ các quốc gia (tên nước có chữ cuối là stan) như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan", bà cho biết. Ngày nay, Trung Á đang thay thế Trung Âu trở thành nguồn lao động cần thiết để hái 1.000 tấn dâu tây và duy trì hoạt động của nhà máy đóng gói.

    Vào cao điểm mùa hè, trang trại bà cần gần 300 người và giảm xuống khoảng 40 khi đến mùa đông. Hầu hết người lao động sống tại chỗ trong những ngôi nhà di động trong tối đa sáu tháng, tương ứng thời hạn thị thực. Họ nhận lương tối thiểu 10,42 bảng Anh (tương đương 12,76 USD) một giờ, cộng thêm tiền thưởng có thể lên tới 50% hoặc hơn đối với người làm theo năng suất hái quả.

    visa lao dong sang anh 1
    Công nhân hái dâu trong trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

    Trên các cánh đồng ở Anh, lực lượng lao động nước ngoài giờ phân thành các cấp độ khác nhau. Đứng đầu là những người châu Âu đến trước Brexit và đã có được quy chế định cư, cho phép họ có quyền ở lại Anh. Ví dụ như Ion Avram, một người Romania đã đến làm việc tại trang trại của bà Snell được 19 năm.

    Ông về nước vào mùa đông và trở lại dịp thu hoạch mỗi hè. "Công việc vất vả nhưng tôi đến hàng năm để kiếm tiền", Avram nói. Tiếp đến là thế hệ người mới, hầu hết không nói được tiếng Anh, dẫn đến những thách thức trong giao tiếp. "Tôi nói được một chút tiếng Nga, họ cũng vậy và chúng tôi có thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ đó", Avram kể.

    Trên những ngọn đồi gần biên giới với xứ Wales, bà Snell đã chứng kiến làn sóng người nhập cư kể từ khi cùng chồng thành lập trang trại hơn ba thập kỷ trước. Cuối những năm 1990, hàng loạt người Nga và Ukraine đến theo hệ thống thị thực tạm thời. Sau đó, chương trình mở rộng đến các nước của Liên minh châu Âu, bao gồm 8 quốc gia Trung Âu vào 2004 và bổ sung Romania và Bulgaria 3 năm sau đó.

    Nhờ vậy, Anh có lực lượng lao động nhập cư lớn. Nhưng kể từ 1/1/2021, khi rời khỏi thị trường chung châu Âu, hệ thống này đã chấm dứt. Giới chủ cần phải tìm lao động từ xa hơn. Ngoài ra, người Nga và Ukraine đã không đến từ sau xung đột.

    Dù vậy, bà Snell, người đã bỏ phiếu cho Brexit, cho rằng đây không phải là vấn đề. "Chúng tôi không thiếu lao động. Lúc đầu, đúng là chính phủ không cấp đủ thị thực, chưa kể dịch Covid-19 phức tạp. Nhưng bây giờ, chúng tôi không gặp vấn đề gì trong tuyển dụng", bà nói.

    Mỗi mùa thu, bà liên hệ với một trong 5 cơ quan được chính thức công nhận tuyển dụng lao động thời vụ để đặt nhân sự cho mùa tiếp theo. Bà thậm chí còn thấy tốt hơn là thuê nhân viên châu Âu, những người có xu hướng không ở lại trang trại và bỏ đi sau vài tuần nếu thấy công việc quá khó.

    "Với thị thực tạm thời, người lao động bị ràng buộc với trang trại đã tuyển dụng họ. Nếu muốn thay đổi chủ, họ phải hỏi tôi và xin phép Bộ Nội vụ. Nếu không, họ sẽ bị mắc kẹt ở đây", Snell giải thích.

    visa lao dong sang anh 1
    Những ngôi nhà di động để công nhân nhập cư cư trú tại trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

    Nhưng không phải ai cũng thấy dễ dàng. John Shropshire, Chủ tịch tập đoàn nông sản G's Fresh, cho biết việc tiếp nhận lao động nhập cư là rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, việc thu hút ngày càng khó khăn.

    Một trong những lời hứa của Brexit là giảm nhập cư, "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta", như cựu thủ tướng Boris Johnson đã từng nói nhiều lần. Điều này đã va chạm với thực tế kinh tế. Ban đầu, chính phủ Anh giới hạn số lượng thị thực nông nghiệp theo mùa ở mức 30.000.

    Năm nay, họ phải tăng giới hạn lên 45.000 và có khả năng tăng thêm 10.000 nếu cần thiết. Theo báo cáo do Shropshire công bố, điều đó vẫn chưa đủ: "Phải xem xét việc dỡ bỏ giới hạn. Thị thực cần có thời hạn chín tháng để tính thời gian thu hoạch dài hơn", báo cáo công ty đánh giá.

    Thiếu nông dân là minh họa cho nỗ lực thất bại của Anh trong việc loại bỏ lao động nước ngoài giá rẻ. Kêu gọi Brexit, Thủ tướng Boris Johnson khi ấy hứa về nền kinh tế "lương cao, kỹ năng cao, năng suất cao". Điều này có nghĩa là cấp ít thị thực hơn và phát triển hoạt động đào tạo tại chỗ.

    Nhưng đến nay, điều ngược lại diễn ra. Lượng người nhập cư đã tăng gấp đôi kể từ khi Brexit có hiệu lực, với gần 600.000 người chuyển đến Anh vào năm 2022. Con số này có tính đến 114.000 người Ukraine và 52.000 người từ Hong Kong vì các yếu tố địa chính trị. Nhưng nhìn chung, dòng di cư chưa dừng lại mà chỉ là thay đổi quốc tịch. Người châu Âu giờ chỉ chiếm 13% lượng người mới đến dù từng chiếm hơn một nửa trước Brexit.

    Bà Snell rất muốn tuyển dụng tại chỗ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Herefordshire chỉ 3%. Có rất ít người sẵn sàng dành cả ngày hái dâu với mức lương tối thiểu. Các loại quả mọng hiện được trồng trên giàn cao để người hái có thể đứng thu hoạch thay vì ngồi xổm cả ngày như xưa. Nhưng cải thiện điều kiện việc làm chưa đủ. Trong khi, các trang trại không thể tăng lương vì áp lực giá của các siêu thị lớn.

    Tại thị trấn Spalding ở bờ Đông nước Anh, lao động nhập cư từ Trung Âu vẫn phổ biến. Với nhiều trang trại trồng rau, vùng nông nghiệp này được mệnh danh là "thung lũng thực phẩm của Anh". Nơi đây có sẵn lượng lớn người nhập cư trong 20 năm qua nên ít cần thêm lao động thời vụ. Các cửa hàng tạp hóa địa phương có những cái tên như "Siêu thị Warsaw", "Baltic" và "Kabanosik". Nhiều cơ quan cung cấp nhân sự được điều hành bởi người Ba Lan và Litva.

    Trên cánh đồng hoa hướng dương của Matthew Naylor, hầu hết lao động là người Litva. Họ được trả 2,3 pence Anh (gần 2,9 cent USD) cho mỗi bông hoa. Naylor cho biết họ được đảm bảo mức lương tối thiểu nhưng kiếm được nhiều hơn thế, lên tới 1.500 bảng Anh (1.860 USD) mỗi tuần vào mùa cao điểm. "Gần đây, họ phàn nàn vì bị áp thuế cao hơn, mức 40%. Họ yêu cầu tôi trả tiền ngoài thêm vì các đối thủ cạnh tranh khác đang làm vậy", ông kể.

    Matthew Naylor phản đối Brexit nhưng cũng thừa nhận rằng có lẽ nó cần thiết. "Đã có lúc rất nhiều lao động giá rẻ sẵn sàng làm việc mà không cần nhà vệ sinh trên cánh đồng. Chuyện đó đã qua rồi và là một điều tốt", ông nói. Ông hy vọng tình hình mới của ngành nông nghiệp sẽ dẫn đến việc cơ giới hóa nhiều hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động.

    *Lưu ý: Visa sang lao động tại Anh có thể áp dụng cho các nước Trung Á - nhưng không có nghĩa là Việt Nam được sang 1 cách dễ dàng. Hiện tại VietHome ghi nhận nhiều dịch vụ chào mời ở VN đi theo dạng lao động thời vụ này, tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng chuẩn và làm đúng như lời hứa. Nếu quý vị có ý định sang Anh theo diện này, xin hãy tìm hiểu thật kĩ.

    VnExpress (theo Le Monde)

  • Sẽ ngày càng nhiều người có nguy cơ trở thành nô lệ hiện đại trong các nông trại ở Anh nếu giới hạn tuyển dụng lao động mùa vụ được mở rộng, các chuyên gia về quyền của người lao động cảnh báo. Những lao động người Indonesia đến Uk theo diện visa lao động thời vụ. Họ phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho mỗi mùa thu hoạch hoa quả ở Kent.

    Thủ tướng Liz Truss đang có ý định nới rộng số lượng lao động nước ngoài được tuyển đến UK để làm việc trong các vụ mùa nông nghiệp. Đây là một phần trong chính sách visa mà chính phủ đang xem xét để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

    Ý định này xuất hiện tại thời điểm mà nước Anh vẫn chưa có ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhằm đánh giá các bất lợi đối với người lao động trong đường lối của chính phủ.

    Bà Sara Thornton từng là ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhưng đến tháng 4/2022 bà đã thôi chức này. Bà cho biết chính phủ ''cần phải giải quyết nguy cơ người lao động bị lạm dụng, và nguy cơ nợ nần đối với họ'', trước khi mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài.

    lao dong thoi vu 2
    Ảnh minh họa: deJetleyMarks Photography

    Bà Thornton hiện là giáo sư về chính sách nô lệ hiện đại tại Đại học Nottingham, nói: ''Chúng ta phải thật thận trọng. Tôi hiểu rằng nước Anh cần lao động nhập cư, nhưng chính sách này chỉ đẩy những người nhập cư vào con đường bất lợi. Chính phủ cần đảm bảo họ không phải đóng các khoản phí tuyển dụng đắt đỏ. Chính phủ phải đảm bảo họ không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất để đến được đây. Và họ phải được ký một hợp đồng bằng chính ngôn ngữ của họ. Và họ phải được tạo điều kiện để phản ánh môi trường làm việc của mình''.

    Chính sách cấp visa cho lao động mùa vụ đã được mở rộng nhanh chóng. Trong năm 2022 có 40,000 visa được cấp. Vào năm 2019 chỉ có 2,500 visa thí điểm được cấp.

    Brexit và chiến sự Ukraine khiến cho Vương quốc Anh buộc phải tuyển dụng lao động từ các quốc gia xa xôi hơn. Những quốc gia này có chính sách bảo vệ lao động yếu kém hơn so với châu Âu. Các chuyên gia cho biết sự gia tăng chi phí vé máy bay và visa cũng đủ khiến cho các lao động rơi vào cảnh nợ nần, chưa nói đến các khoản phí bóc lột khác.

    Guardian cho biết vào tháng 8-2022, các lao động Indonesia đến UK theo visa lao động thời vụ đều phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho 1 mùa hái trái cây ở Kent. Một cuộc điều tra đang được Cơ quan chống Lạm dụng Lao động (Gangmasters and Labour Abuse Authority - GLAA) tiến hành.

    Tuy nhiên GLAA hiện đang đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng. Đến tháng 8 năm nay, họ chỉ mới kiểm tra được 12 trong số hơn 1,000 cơ sở tuyển dụng. Và họ phải mất hơn 10 tháng mới đánh giá được một doanh nghiệp có bóc lột lao động hay không. 

    Dù nạn bóc lột lao động ngày càng trầm trọng ở UK, nhưng ngân sách dành cho GLAA ngàng càng thu hẹp, từ 7 triệu bảng xuống chỉ còn £300,000 trong 5 năm qua. Với tình hình lạm phát hiện tại, ngân sách được tăng lên £500,000, nhưng vẫn không đủ để giải quyết vấn đề thiếu thốn nhân sự của chính cơ quan này.

    Ngoài ra, GLAA còn làm nhiệm vụ cấp phép cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài. Nếu không có giấy phép từ GLAA, doanh nghiệp sẽ không được phép tuyển lao động nước ngoài để đưa tới các nông trại, nhà máy...

    Do đó nếu chính phủ mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài, thì nguy cơ sẽ có nhiều người hơn rơi vào tình trạng nô lệ lao động, đặc biệt là lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, chính phủ cần phải tăng nhân lực cho đội ngũ giám sát doanh nghiệp.

    Người phát ngôn chính phủ nói: ''Lộ trình tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài đã vận hành được 3 năm và mỗi năm đều có cải thiện để ngăn ngừa nạn bóc lột lao động, nâng cao điều kiện lao động cho người có visa vào Anh. Chính phủ Anh rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhập cư''.

    Viethome (theo Guardian)