Tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá thuê khiến những người như Alex, thợ cơ khí ngoài 30 tuổi, bị đuổi khỏi nhà.
Lennie McCloskey, sĩ quan cảnh sát hạt Maricopa, bang Arizona, mở hồ sơ, thấy tòa án yêu cầu trục xuất 11 trường hợp trong ngày 15/4. "Sẽ là một ngày dài đây", ông nói.
Phoenix, thủ phủ bang Arizona, nằm trong địa phận Maricopa. Đây là một trong những thành phố đang phát triển nhanh nhất ở Mỹ, nơi giá thuê nhà tăng vọt từ khi đại dịch bắt đầu, khiến lượng người khốn đốn vì giá thuê ngày càng nhiều.
"Tôi thường thực thi 19-25 vụ trục xuất một ngày", McCloskey, một trong 26 sĩ quan chuyên thực thi lệnh cưỡng chế của tòa án ở Maricopa, nói.
Lennie McCloskey đẩy cánh cửa căn hộ cần trục xuất người thuê nhà sau khi gõ cửa mà không ai trả lời ngày 15/4 ở Phoenix. Ảnh: AFP
Giá nhà ở Mỹ tăng vọt vài năm gần đây, kéo theo giá thuê nhà. Nhưng tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá, khiến chi phí nhà ở trở thành gánh nặng ngày càng lớn trong chi tiêu gia đình.
Không đủ tiền thuê là một trong những lý do phổ biến nhất trong số 3.000 vụ trục xuất người thuê mỗi tháng ở Maricopa, chiến trường quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 giữa Tổng thống Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump.
"Đặc điểm nổi bật nhất ở Phoenix là tình trạng đắt đỏ và thay đổi nhanh chóng của thành phố", Glenn Farley, chuyên gia của Viện Common Sense, công ty nghiên cứu kinh tế, nói.
"5 năm trước, Phoenix vẫn có tiếng là nơi giá cả tương đối phải chăng, tiền thuê nhà thấp, chi phí điện nước thấp. Những điều này đã đảo ngược nhanh chóng", ông nhận xét.
Theo Farley, năm 2019, người ta chỉ cần làm việc 40 tiếng một tuần là đủ trả tiền lãi vay mua nhà nhưng tới 2024, người ta cần làm tới 68 tiếng, nhiều hơn 50%.
Trong 19 năm thực thi lệnh tòa án, McCloskey, 68 tuổi, chứng kiến nhiều điều. Những ngôi nhà biến thành nhà kho ma túy, có người cho bên thứ ba thuê lại hoặc để con cái trong nhà một mình để tránh bị trục xuất. Nhưng điều ông thấy phổ biến nhất là người thuê không đủ tiền trả theo tháng và bị tòa án ra lệnh trục xuất.
"Tôi thấy họ đang lao động, làm tới hai công việc để trang trải cuộc sống, hoặc nhiều gia đình sống chung trong một căn nhà hoặc căn hộ, bởi tiền lương không đủ trả tiền thuê", ông nói.
Farley cho hay từ năm 2020 tới 2022, tiền lương đã tăng 20%. "Vấn đề là chỉ lạm phát đã hấp thụ 20-30% số đó, còn chi phí nhà cửa đã tăng hơn gấp đôi", chuyên gia này giải thích.
Alex, thợ cơ khí ngoài 30 tuổi, bị cưỡng chế chuyển khỏi ngôi nhà hai phòng ngủ đang sống cùng vợ, con gái và chó cưng, vì "làm hai việc nhưng vẫn không đủ tiền".
"Tôi làm việc cả đời nhưng không đủ trả tiền thuê. Thật nực cười", anh nói khi nhìn hai người thay ổ khóa ngôi nhà.
Alex chậm trả tiền thuê hai tháng. Chi phí nhà ở khoảng 3.000 USD một tháng đã tính điện nước. "Tôi không rõ người khác làm thế nào, nhưng trong trường hợp của tôi, tôi đã làm việc cả đời mà tình hình chưa bao giờ tệ như thế này", anh bày tỏ.
Người đàn ông cùng gia đình mang theo đồ đạc cá nhân rời nhà, sau khi bị McCloskey trục xuất ngày 15/4. Ảnh: AFP
Ông Joe Biden chiến thắng ở Arizona năm 2020 với hơn 10.000 phiếu bầu và dự kiến trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, cách biệt giữa hai ứng viên cũng sẽ sít sao. Những vấn đề mà cử tri quan tâm nhất ở Mỹ đặc biệt nghiêm trọng ở đây, từ nhập cư đến phá thai, tình hình kinh tế.
Một phần nguyên nhân do Covid-19. Với hàng triệu người làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa, nhiều người đã rời bỏ những thị trường bất động sản đắt đỏ như California để tới nơi khác rộng rãi hơn, giá phải chăng hơn.
Nhu cầu gia tăng, đồng thời tiền dư thừa từ việc bán bất động sản ở California đã đẩy giá cả ở Phoenix lên cao vào thời điểm xây dựng nhà cửa đang đình trệ, khiến thành phố thiếu khoảng 65.000 căn nhà.
"Nhu cầu tăng vọt, dân số tăng, nguồn cung giảm. Kết quả là giá tăng phi mã", Farley nói.
Hệ quả là khối lượng công việc của McCloskey và đồng nghiệp cũng tăng. "Mọi người cũng khó khăn hơn", McCloskey thở dài khi quay về xe, sau khi báo tin xấu cho một gia đình khác.
VnExpress (theo AFP)