Mỹ sẽ không cấp thẻ xanh cho người đã ở trong lãnh thổ Mỹ nhưng xin phúc lợi xã hội

HIỂU NHƯ THẾ NÀO LÀ “FOUND LIKELY TO BECOME PUBLIC CHARGES” TRONG QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ ÔNG TRUMP MỚI BAN HÀNH ĐỂ HẠN CHẾ NHẬP CƯ

Thân chào các bạn, Hôm 12 tháng 8 năm 2019 mới đây, chính phủ tổng thống Donald Trump đã chính thức ban hành quy định hạn chế người nhập cư có khả năng xin trợ cấp phúc lợi xã hội, bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ tháng 10 năm 2019.

Nội dung quy định này khá ngắn gọn, theo đó chính phủ Mỹ sẽ không cấp Visa (đối với những người ở ngoài lãnh thổ Mỹ), không cấp thẻ xanh (đối với những người đang ở trong lãnh thổ Mỹ) nếu như những người này mà có dấu hiệu cho thấy họ đã, đang xin, hoặc sẽ xin phúc lợi xã hội trong tương lai. Như vậy, chỉ những người nào mà chính phủ Mỹ nhận thấy rằng họ có khả năng “tự lo được cho cuộc sống” - financially self-sufficient” cho bản thân và gia đình, thì lúc đó chính phủ Mỹ mới cấp visa, thẻ xanh cho họ và người thân.

Những chương trình trong hệ thống phúc lợi xã hội Mỹ bao gồm tem thực phẩm (food stamp), bảo hiểm y tế (medicaid); trợ cấp nhà ở xã hội (Housing Assistance); trợ cấp tiền chăm nuôi người già, người bệnh, trẻ em; trợ cấp tiền bệnh (SSA); hỗ trợ tín dụng thuế thu nhập (Earned Income Tax Credit); các khoản trợ cấp khẩn cấp tạm thời (Temporary Assistance for those in Need).

Như vậy những người đang xin visa hoặc đang xin thẻ xanh mà chính phủ Mỹ nhận thấy họ đã có, đang xin hoặc sẽ xin nhiều hơn các chương trình trong hệ thống phúc lợi xã hội nêu trên, thì họ sẽ không được cấp visa để vào Mỹ hoặc thẻ xanh để được định cư vĩnh viễn ở Mỹ. Như vậy có 03 thành phần bị ảnh hưởng sau đây:

- Thứ nhất là những người đang ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ và đang xin visa định cư hoặc không định cư. Những người xin visa định cư thường là các diện bảo lãnh thân nhân; các diện visa lao động định cư. Những người xin visa không định cư thường là các diện visa du học (F1, M1) và các diện visa làm việc không định cư (visa H). Các trường hợp tỵ nạn và một số diện nhân đạo khác thì không bị ảnh hưởng bởi quy định này.

- Thứ hai là những người đang ở Mỹ theo các diện không định cư như du học sinh, làm việc không định cư thì sẽ không được chuyển sang diện định cư (thẻ xanh) nếu đã có xin phúc lợi xã hội từ 12 tháng trở lên, ví dụ như các diện phụ thuộc của du học sinh (F2) có xin bảo hiểm y tế như khám chữa bệnh, tiêm vắc xin, học trường công…

- Thứ ba là người người thường trú nhân có điều kiện, nếu trong thời gian 2 năm của tình trạng thường trú nhân có điều kiện mà có xin các chương trình phúc lợi xã hội, thì vẫn có thể gặp khó khăn khi xin chuyển sang tình trạng thường trú nhân vĩnh viễn (thẻ xanh 10 năm).

Nội dung của quy định không định nghĩa rõ thế nào là "có khả năng sẽ xin phúc lợi xã hội - be found likely to become public charges" hay “khả năng tự chủ về tài chính (financially self-sufficient)”, vì vậy, sẽ là tùy thuộc vào thẩm quyền xem xét giải quyết hồ sơ của chính phủ Mỹ (sở Di trú, lãnh sự quán) để xác định việc một người có dấu hiệu không thể tự chủ tài chính và sẽ phải phụ thuộc vào phúc lợi xã hội trong tương lai.

Mặc dù quy định không định nghĩa cũng như liệt kê những dấu hiệu nhận biết cụ thể, tuy nhiên, chính phủ Mỹ cũng cần những “căn cứ” để xem xét, đánh giá và quyết định về việc có hay không một người không thể tự lo tài chính mà cần phải dựa vào phúc lợi xã hội để sinh sống. Những “căn cứ” này có thể bao gồm:

I. Những “căn cứ” liên quan đến người bảo trợ tài chính (người bảo lãnh), người đồng bảo trợ tài chính:

1. Khả năng đảm bảo tài chính của người bảo trợ chính (người bảo lãnh): Luật Di trú quy định bắt buộc người bảo lãnh phải là người bảo trợ tài chính cho những người được bảo lãnh; vì vậy, khả năng tài chính của người bảo lãnh phải bảo đảm cho cuộc sống của người được bảo lãnh là bắt buộc và rất quan trọng. Người bảo lãnh phải chứng minh là họ có đủ khả năng tài chính để lo được cho những người được bảo lãnh ít nhất trong vòng 05 năm. Điều này có nghĩa là Sở Di trú sẽ xem xét các yếu tố sau đây:

- Mức thu nhập;

- Tính ổn định của nguồn thu nhập (tính ổn định của công việc) để xem liệu có việc “mua” income hay không;

- Trách nhiệm tài chính của người bảo lãnh đối với những người đã được họ bảo lãnh trước kia. Cụ thể, những người được bảo lãnh trước kia có xin phúc lợi xã hội trong thời gian 05 năm sau khi được bảo lãnh sang Mỹ hay không;

2. Khả năng tự chủ tài chính của người được bảo lãnh: Khả năng tự chủ tài chính của người được bảo lãnh thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

- Tuổi tác: người được bảo lãnh có còn nằm trong độ tuổi lao động hay không hay đã già yếu hoặc còn quá nhỏ không thể lao động;

- Sức khỏe: người được bảo lãnh có bệnh tật gì có thể ảnh hưởng đến khả năng lao động hay không;

- Trình độ học vấn: người được bảo lãnh có bằng cấp, trình độ học vấn cao thấp như thế nào sẽ quyết định việc họ sẽ có thể tìm được công việc có mức thu nhập đủ để nuôi sống bản thân và gia đình họ;

- Khả năng tiếng Anh;

- Nghề nghiệp chuyên môn, tay nghề...

- Tài sản: người được bảo lãnh có tài sản và chuyển vào Mỹ khi định cư, có đủ để nuôi sống họ và gia đình hay không.

II. Những “căn cứ” liên quan đến người đồng bảo trợ tài chính:

Luật Di trú hiện hành yêu cầu hồ sơ bảo lãnh định cư phải có người đồng bảo trợ tài chính, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ. Trong trường hợp người bảo lãnh không đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho người được bảo lãnh, và các yêu cầu về người đồng bảo trợ cũng giống như yêu cầu về người bảo lãnh.

Tuy nhiên, bởi vì người đồng bảo trợ có thể là bất cứ ai là US citizen hay thường trú nhân, bao gồm anh chị em, bà con, bạn bè của người bảo lãnh, người được bảo lãnh, thành ra theo cách hiểu thông thường thì mối quan hệ giữa người đồng bảo trợ tài chính và người được bảo lãnh không chặt chẽ, mật thiết như là mối quan hệ giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh. Chính vì vậy, nhiều khả năng Sở Di trú sẽ đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa người đồng bảo trợ tài chính và người được bảo lãnh để phòng ngừa trường hợp thuê người đồng bảo trợ như nhiều trường hợp đã và đang xảy ra.

III. Ràng buộc trách nhiệm tài chính đối với người bảo lãnh, người đồng bảo trợ tài chính:

Việc xem xét đánh giá người được bảo lãnh có thể tự túc về tài chính hay là có dấu hiệu sẽ xin phúc lợi xã hội trong tương lai chỉ có thể dựa trên những yếu tố hoàn cảnh hiện tại hoặc đã xảy ra trong quá khứ, và như vậy là khi người được bảo lãnh đặt chân đến đất Mỹ các yếu tố hoàn cảnh này có thể thay đổi và chính phủ Mỹ không thể thấy trước được, thành ra những người được bảo lãnh này có khả năng sẽ không tự túc được tài chính và phải xin trợ cấp phúc lợi xã hội để sinh sống.

Chính vì thế, quy định mới buộc người bảo lãnh và người đồng bảo trợ tài chính phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong ít nhất 5 năm đối với người được bảo lãnh. Có nghĩa là người bảo lãnh và người đồng bảo trợ tài chính phải chịu tất cả các khoản chi phí phát sinh trong cuộc sống như y tế… trong vòng ít nhất 5 năm đối với người được bảo lãnh. Nếu người bảo lãnh và người đồng bảo trợ không tự nguyện chi trả các khoản chi phí này, thì chính phủ Mỹ có thể sẽ khởi kiện họ ra tòa án để buộc họ phải trả.

IV. Các giải pháp để bảo lãnh thân nhân:

Để hồ sơ xin visa định cư hay không định cư, chuyển diện tại Mỹ có khả năng thành công cao, người bảo lãnh, đồng bảo trợ tài chính, và người được bảo lãnh cần để ý các giải pháp sau đây:

1. Người bảo lãnh nên kê khai trung thực về thu nhập chịu thuế, không nên khai thấp hơn để trốn thuế.

2. Nên nhận check thay vì nhận tiền mặt khi đi làm.

3. Nên hạn chế làm đồng bảo trợ tài chính cho những trường hợp không thân thiết nếu đang có hồ sơ bảo lãnh hay sẽ bảo lãnh người thân trong tương lai.

4. Đối với những trường hợp đang ở Mỹ như du học sinh, thì không nên xin bất cứ chương trình phúc lợi xã hội nào nếu muốn xin chuyển diện định cư sau này.

5. Những người được bảo lãnh đang ở ngoài nước Mỹ, thì cần phải học các nghề chuyên môn, tích lũy tài sản, và nhất là cần học nghe nói tiếng Anh lưu loát.

Viethome (theo Tìm hiểu Luật pháp Hoa Kỳ)