Visa Schengen tăng phí từ 11/6

Từ 11/6, phí thị thực Schengen tăng 12% từ 80 lên 90 euro (gần 2,5 triệu đồng) với người lớn, trẻ em từ 40 lên 45 euro.

Ủy ban châu Âu giải thích tăng phí thị thực lên 12% vì lạm phát nhưng mức phí vẫn "tương đối thấp" so với visa nhiều nước khác như Anh từ 134 euro (hơn 3,6 triệu đồng) hay Mỹ từ 185 euro (gần 5,1 triệu đồng). Visa Australia có mức phí 117 euro (3,2 triệu đồng).

Khối Schengen gồm 29 thành viên, trong đó có các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngoại trừ Ireland và đảo Cyprus. Na Uy, Iceland, Lichtenstein, Thụy Sĩ không thuộc EU nhưng cũng tham gia Công ước Schegen. Bulgaria và Romania đã gia nhập một phần Schengen vào 31/3, cho phép đi lại bằng đường hàng không và biển mà không cần thị thực và hộ chiếu. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát đường bộ vẫn được duy trì.

Khách có thị thực Schengen có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối với mục đích du lịch, thăm thân nhưng không được phép làm việc. Với thị thực Schengen, du khách có thể nhập cảnh và lưu trú tối đa 90 ngày trong 6 tháng.

Ủy ban châu Âu thường đánh giá lại các khoản phí visa 3 năm một lần và được phép tăng dựa trên các "tiêu chí khách quan" như tỷ lệ lạm phát, mức lương trung bình của công chức tại các quốc gia thành viên. Tăng giá visa được đề xuất vào ngày 2/2 và đông đảo các quốc gia thành viên ủng hộ. Riêng phí gia hạn thị thực vẫn giữ nguyên, 30 euro (820.000 đồng).

visa schengen
Du khách đi theo các luồng hướng dẫn vào khu vực thị thực Schengen hoặc không thuộc Schengen tại sân bay lớn nhất Romania, Henri Coanda, hôm 31/3. Ảnh: AFP

Các giấy tờ nên nộp để tăng cơ hội đậu visa Schengen

Ngoài những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ, bạn có thể nộp thêm thư trình bày nguyện vọng, hộ chiếu cũ để tạo sự tin cậy.

Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ thêm kinh nghiệm để tăng cơ hội nhận được visa Schengen sau tư vấn về các bước làm hồ sơ.

Danh mục hồ sơ chính thức mà Chính phủ Pháp yêu cầu nộp để cấp visa khá đơn giản nhưng sau khi tìm hiểu, tôi đã nộp kèm nhiều giấy tờ không nằm trong danh mục yêu cầu, và đã đậu visa du lịch Pháp ngay lần đầu nộp đơn.

visa schengen giay to can nop

Thư trình bày nguyện vọng

Lần này xin visa Pháp, mỗi người chúng tôi đã tự viết tay một bức thư bằng tiếng Anh, không theo mẫu nào, trình bày lý do vì sao mình muốn đến Pháp, và nói rõ sau chuyến đi sẽ trở về Việt Nam. Trong danh mục các giấy tờ cần nộp không có lá thư nào, nhưng chúng tôi vẫn viết một cách nghiêm túc, đầy đủ thông tin, vì hiểu rằng người xét duyệt hồ sơ visa sẽ căn cứ vào tất cả các yếu tố để quyết định có đặt lòng tin, có cấp visa hay không.

Nếu không giỏi tiếng Anh, bạn có thể tìm sự hỗ trợ của các phần mềm dịch thuật, của bạn bè, người thân để chuyển ngữ. Thư không cần viết dài, chỉ cần một trang A4. Quan trọng nhất là nội dung thư phải thực sự do bạn viết, và khớp với lịch trình du lịch mà bạn xây dựng trong hồ sơ.

Hộ chiếu cũ

Danh mục hồ sơ chỉ yêu cầu bạn nộp hộ chiếu hiện tại. Tuy nhiên, nếu bạn có các quyển hộ chiếu trước đây, và trên đó từng đóng dấu xuất nhập cảnh các quốc gia khác, bạn nên photocopy chúng và kẹp vào hồ sơ xin visa, không cần công chứng, cũng không cần nộp kèm bản gốc. Những hộ chiếu đó chính là minh chứng cho thấy bạn từng đi nhiều nơi và đã quay trở về Việt Nam. Điều này làm tăng độ tin cậy cho mục đích chuyến du lịch này.

Nếu các hộ chiếu cũ đó có dấu mộc của những nước cần xin visa thì càng hiệu quả (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...), kể cả các chuyến đi cách đây nhiều năm thì vẫn là một minh chứng tốt. Người xét duyệt hồ sơ sẽ nhìn vào đó để đánh giá uy tín của bạn trong việc xin visa du lịch Pháp.

Giấy tờ chứng minh tài sản

Để xin visa Schengen, một việc quan trọng cần làm là chứng minh tài chính. Danh mục hồ sơ chỉ quy định sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương, nguồn thu nhập mang tính đều đặn đến từ bất động sản, giấy chứng nhận hưu trí, cổ tức, kiều hối. Song nếu bạn không có hoặc không đầy đủ các giấy tờ trên, bạn có thể nộp những giấy tờ khác, miễn là chứng minh được bạn có đủ khả năng chi trả cho chuyến đi, và có một đời sống kinh tế ổn định tại Việt Nam.

Ví dụ: bạn có thể nộp bản sao công chứng sổ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ nhà đất, giấy tờ xe.... đứng tên bạn, hoặc bạn là đồng sở hữu. Kể cả trường hợp bạn không đi làm cố định ở một cơ quan nào và không có bảng lương, không được trả lương định kỳ qua tài khoản cá nhân, bạn vẫn có thể đậu visa Pháp nếu nộp được những giấy tờ thay thế cho thấy có các nguồn thu nhập khác.

Giấy tờ chứng minh nhân thân

Trong trường hợp bạn là học sinh, sinh viên, danh mục hồ sơ vẫn yêu cầu nộp giấy tờ chứng minh bối cảnh xã hội - nghề nghiệp. Nếu bạn khó có thể xin được giấy cho nghỉ học của lãnh đạo nhà trường, có thể nộp các giấy tờ thay thế - dù chúng không có trong danh mục hồ sơ chính thức. Cụ thể là là tất cả các tài liệu chứng minh bạn đang đi học, có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng xung quanh.

Ví dụ, giấy báo trúng tuyển, giấy xác nhận nhập học, giấy khen, bằng khen, các loại chứng chỉ bạn có khi tham gia các kỳ thi, giấy chứng nhận đạt được trong các hoạt động ngoại khóa, thẻ thành viên các câu lạc bộ, thẻ đoàn viên... Các giấy tờ này chỉ cần photocopy, không cần công chứng, không cần dịch thuật và không cần nộp kèm bản gốc.

Dù không có hiệu lực mạnh bằng hợp đồng lao động hay giấy chứng nhận việc làm, các tài liệu nói trên vẫn cung cấp thêm thông tin hữu ích về bạn để người xét duyệt hồ sơ visa biết được bối cảnh của bạn và quyết định có đặt lòng tin ở bạn hay không. Càng có nhiều tài liệu, người ta càng hiểu nhiều về bạn, do đó cơ hội đậu càng cao.

VnExpress (theo Euro News)