Đức đang cải cách luật công dân, nhằm đơn giản hóa thủ tục để những người ngoài Liên minh châu Âu (EU) có được quốc tịch Đức.
Dự luật do Bộ trưởng Nội vụ Đức, Nancy Faeser, đề xuất sẽ giúp việc có hai quốc tịch cũng như việc nhập tịch trở nên dễ dàng hơn đối với các công dân ngoài EU.
Bà Faeser nhấn mạnh rằng việc cải cách luật công dân sẽ được xem xét trong bối cảnh luật nhập cư của Đức đang được cải tổ trên diện rộng, chủ yếu nhằm khuyến khích nhiều lao động lành nghề hơn đến Đức và lấp đầy sự thiếu hụt lớn trên thị trường lao động.
Nhiều người nhập cư giờ đây sẽ có thể được nhập tịch trong khi vẫn giữ quốc tịch ban đầu của mình.
Faeser nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ chỉ thu hút những người có trình độ cao nhất trên thế giới nếu họ có thể trở thành một phần hoàn toàn của xã hội chúng ta...”.
Những người nhập cư sống hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay; và nếu họ có thành tích đặc biệt thì thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm.
Trẻ em sinh ra ở Đức có ít nhất cha hoặc mẹ đã sống hợp pháp ở nước này từ 5 năm trở lên sẽ tự động có quốc tịch Đức. Những người nhập cư trên 67 tuổi sẽ có thể làm bài kiểm tra tiếng Đức bằng kỹ năng nói thay vì viết.
Những người sống hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước sẽ không đủ điều kiện để trở thành công dân Đức. Quyền công dân Đức sẽ bị từ chối đối với những người có hành vi chống Do Thái, phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc các tội phỉ báng khác.
Luật mới sẽ được tranh luận tại Quốc hội Đức và có thể có hiệu lực vào mùa thu tới.
Theo Bộ Nội vụ Đức, khoảng 14% người dân sống ở nước này không có hộ chiếu Đức - tức là hơn 12 triệu người. Năm triệu người trong số họ đã sống ở Đức ít nhất 10 năm. Vào năm 2022, 168.545 người nộp đơn xin quốc tịch Đức, thấp hơn mức trung bình của EU.
Những cải cách sẽ đưa Đức ngang hàng với các nước châu Âu khác. Tại EU, Thụy Điển có tỷ lệ nhập tịch cao nhất vào năm 2020, với 8,6% tổng số người nước ngoài sống ở đây được nhập tịch. Ở Đức, tỷ lệ này đang chỉ là 1,1%.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, có khoảng 2,9 triệu người có nhiều hơn một quốc tịch hiện đang sống ở Đức. Đó là khoảng 3,5% dân số. Những người có hộ chiếu Ba Lan, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách.
Greta Agustini, một luật sư chuyên về nhập cư ở Đức, nói vào tháng 12: “Luật quốc tịch Đức dựa trên nguyên tắc tránh có nhiều quốc tịch. Các nước châu Âu khác, như Ý, Thụy Điển, Ireland, Pháp v.v., cho phép có hai quốc tịch và họ có luật ít quan liêu hơn về vấn đề này".
Aslihan Yeşilkaya-Yurtbay, đồng lãnh đạo của tổ chức Cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức (TGD), cho biết những cải cách đã đến "quá muộn" đối với nhiều người thuộc thế hệ ban đầu, "nhưng muộn còn hơn không".
Yeşilkaya-Yurtbay nói rằng Đức sẽ trở thành một quốc gia khác nếu cuộc cải cách được thực hiện sớm hơn. Cô giải thích: “Tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ quan tâm đến chính trị hơn và tích cực hơn trong xã hội nếu cơ hội này có từ 20 hoặc 30 năm trước”.
Theo Congluan