Dự luật trên sẽ hủy bỏ quy chế nhập cư đặc biệt cho các công dân EU, Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ, khi thời gian chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới.
Ngày 18/5, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật chấm dứt quy chế tự do đi lại của người lao động Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit.
Tuy nhiên, kết quả này gây tranh cãi liên quan đến các nhân viên y tế nước ngoài và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dự luật trên sẽ hủy bỏ quy chế nhập cư đặc biệt cho các công dân EU, Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ, khi thời gian chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới.
Văn bản trên không nêu chi tiết các biện pháp kiểm soát mới, song Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vạch các kế hoạch về một hệ thống nhập cư dựa trên điểm số, trong đó ưu tiên lao động lành nghề.
Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel ngày 18/5 cho biết hệ thống mới sẽ "cứng rắn hơn, công bằng hơn và đơn giản hơn" và sẽ "đóng vai trò quan trọng" trong cuộc phục hồi sau dịch của Anh.
Theo hệ thống mới, người nhập cư sẽ phải có thu nhập ít nhất 25.600 bảng Anh (28.600 euro)/năm, tức là thấp hơn mức thu nhập bình quân 30.420 bảng ở nước này, nhưng cao hơn những gì mà các nhân viên chăm sóc y tế và xã hội có thể kiếm được.
Vấn đề đặt ra là hơn 13% nhân viên của cơ quan Chăm sóc Y tế quốc gia Anh (NHS) không có quốc tịch Anh, và 5,5% đến từ các nước EU. Quy định mới, vì vậy, sẽ gây khó khăn cho NHS.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Patel cho biết Chính phủ Anh đã ban hành quy định về cấp thị thực nhanh cho các bác sỹ, y tá và các ngành nghề liên quan đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cam kết gia hạn thị thực tự động một năm cho các nhân viên y tế tuyến đầu đang ở Anh, nếu thị thực của họ hết hạn trước tháng 10/2020.
Dự luật trên đã bị các nghị sỹ Công đảng và các nghị sỹ đối lập lập bỏ phiếu chống trong lần đọc đầu tiên, song đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson nắm đa số tại Hạ viện và dự luật đã được thông qua với 351 phiếu thuận trên tổng số 252 phiếu.
Mong muốn kiểm soát các đường biên giới của Anh, tức là chấm dứt sự di chuyển tự do của lao động với 27 quốc gia thành viên EU, là một nhân tố quan trọng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Anh đã rời EU từ ngày 31/1 vừa qua, nhưng hai bên đã nhất trí giai đoạn chuyển tiếp đến hết tháng 12 tới, trong thời gian này tiếp tục duy trì tự do đi lại để cho phép hai bên tìm kiếm thỏa thuận về mối quan hệ mới./.
TTXVN (theo BBC/Sky)