• EU có thể sẽ phải trả hàng trăm triệu euro liên quan đến tiền thuê văn phòng, phần lớn bắt nguồn từ việc nước Anh rời khỏi khối.

    EU có thể sẽ phải trả số tiền thuê văn phòng lên đến 450 triệu euro (492 USD) sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của khối rời khỏi London do Brexit, làm gia tăng áp lực lên nguồn ngân sách vốn đã quá tải.

    Theo nguồn tin từ Financial Times, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) đã cho WeWork thuê lại tòa nhà trụ sở cũ tại Canary Wharf, London, Anh vào năm 2019, tuy nhiên do rơi vào tình trạng phá sản, “con kỳ lân” trong giới văn phòng này đã phải tạm dừng thanh toán tiền thuê.

    toa nha EU
    Khu bất động sản Canary Wharf, London, Vương quốc Anh. Ảnh: Financial Times

    Trước khoảng trống mà WeWork để lại, EMA đã thông báo Brussels về khoảng 30 triệu euro (32 triệu USD) cần để trả tiền thuê nhà hàng năm và những chi phí khác cho đến khi tìm được người thuê mới tại khu bất động sản Canary Wharf.

    Theo tờ Telegraph, việc thời điểm kết thúc hợp đồng thuê nhà của EMA là vào tháng 6/2039 sẽ dẫn đến một khoản nợ tiềm tàng lên đến 450 triệu euro (492 triệu USD).

    EMA đã yêu cầu hỗ trợ EU hơn 3 triệu euro (3,2 triệu USD) để trang trải tiền thuê nhà trong quý đầu tiên và Brussels có nghĩa vụ pháp lý phải bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt nào trong ngân quỹ của EMA.

    Các nghị sĩ châu Âu, những người có thẩm quyền phê duyệt các yêu cầu về ngân sách, sẽ có cuộc trao đổi riêng với các quan chức EMA vào ngày 11/1 về tương lai của tòa nhà, khi EMA chuyển đến Amsterdam, hệ quả từ việc Anh rời khỏi EU.

    Trả lời các cầu hỏi từ Ủy ban ngân sách của Nghị viện châu Âu, EMA cho biết cơ hội thu hồi số tiền là rất mong manh do thị trường bất động sản của nước Anh đang suy yếu, đồng thời nói thêm rằng việc tìm người thuê mới có thể phải mất ít nhất hai năm do tỷ lệ chỗ trống tại Canary Wharf là hơn 15%.

    Theo EMA, EU sẽ phải chịu trách nhiệm về tiền thuê nhà, phí dịch vụ, thuế, chi phí vận hành cũng như hóa đơn các tiện ích khác, với tổng chi phí lên đến 30 triệu euro (tương đương 32 triệu USD)/năm.

    Dựa trên thông lệ của ngành bất động sản tại Anh, cơ quan này cũng sẽ phải miễn tiền thuê nhà hoặc các khoản thanh toán bằng tiền mặt khác cho khoảng thời gian 15-18 tháng trong mỗi 5 năm, tương đương khoản giảm giá 25%.

    Được xây dựng vào năm 2008, tòa nhà Canary Wharf nằm trong danh sách các ngôi nhà cổ và được cho thuê với giá £290-£350 (356,2 USD-445,3 USD)/m2, thay vì £500-£570 (636 USD-725 USD) cho không gian mới.

    EMA cho biết những gánh nặng tài chính và nhân lực trong quản lý và bảo trì các cơ sở cũ đã khiến cơ quan này không thể tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân và động vật.

    Theo những người có liên quan, WeWork đã ngừng trả tiền thuê nhà vào ngày 1/1/2024, tuy nhiên vẫn duy trì việc trả phí dịch vụ. Hai bên hiện đang đàm phán về các chi phí cho tòa nhà.

    Olivier Chastel, Phó chủ tịch của Ủy ban ngân sách, trả lời phỏng vấn của FT: “Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, chúng tôi phải chờ kết quả đàm phán với người thuê lại”.

    Trong khi đó, WeWork cho biết họ đã bổ sung thêm các nghĩa vụ cho thuê mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của công ty. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác của mình để đưa ra giải pháp mang tính lâu dài cho cả hai bên” – Công ty cho biết.

    EMA đang thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) tìm ra giải pháp chính trị, với ngụ ý rằng các quan chức Anh có thể được ở trong tòa nhà này theo thỏa thuận với Brussels.

    Tuy nhiên, đáp lại những câu hỏi của Nghị viện châu Âu, EC cho biết việc rời đi của EMA không nằm trong các thỏa thuận Brexit và hợp đồng không phải là trách nhiệm của cơ quan này.

    “Theo như chúng tôi biết, chính phủ Anh đã đến thăm cơ sở nhưng không quan tâm đến việc thuê chúng” – EC trả lời với báo giới.

    EMA sẽ sớm đưa ra những dự toán tài chính trong các cuộc tranh luận về ngân sách của EU.

    “EMA có ngân sách hàng năm là 480 triệu euro (525 triệu USD), trong khi khoản phí trên là 30 triệu euro/năm. Do vậy, cơ quan này trước tiên nên xem xét kinh phí từ nguồn tài chính của họ trước khi yêu cầu thêm từ EU” – Một nhà ngoại giao EU cho biết vào hôm thứ Ba.

    Theo kinhtedothi

  • 'Ra nước ngoài, tôi như con cá trèo cây và chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trong chuỗi ngày mưu sinh trên đất khách', chị Huyền Anh viết.

    Chị Nguyễn Phước Huyền Anh, 37 tuổi, ở TP HCM  đã trở về nước sinh sống 3 năm trước, sau 7 năm ở Pháp, một năm ở Australia vì luôn cảm thấy mình không thuộc về nơi này, không được làm công việc yêu thích, không được là chính mình. Dưới đây là chia sẻ của chị Huyền Anh  về việc định cư ở nước ngoài. Sau hơn một tuần đăng trang cá nhân, bài viết của chị thu hút 9.300 lượt thích và hơn 1.500 lượt bình luận.

    Tôi còn nhớ cảm giác vất vả tìm việc nhưng vẫn thất nghiệp một năm ở Australia và một năm ở Pháp. CV của tôi không đến nỗi nào vì từng làm các vị trí quản lý cấp cao về marketing trong các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, tại các nước phát triển, tôi vẫn chỉ là một người nhập cư nói tiếng Anh/Pháp, dù trôi chảy đến cỡ nào cũng không bằng người bản xứ, còn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam không là gì khi ra thế giới.

    Đang được tự do làm công việc mình yêu thích với mức lương tốt và cuộc sống sung túc ở Việt Nam, tự dưng tôi trở thành bà nội trợ bất đắc dĩ nơi đất khách quê người. Sáng mở mắt ra là tất bật lo cho con nhỏ, lầm lũi đẩy xe nôi đi chợ, về nấu cho con, nấu cho mình, dọn dẹp, chuẩn bị bữa tối, lo cho con đi ngủ... Ngày nào cũng buồn tẻ và ảm đạm như thế. Có lúc, tôi cũng tham gia các khoá học ngắn hạn do chính phủ tài trợ để gặp gỡ và trau dồi thêm kiến thức nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu và không được là chính mình.

    ra nuoc ngoai nhu ca treo cay 1
    Vợ chồng chị Huyền Anh và hai con khi ở Pháp.

    Cuối cùng tôi cũng tìm được một công việc đúng ngành nghề ở Pháp, lương tốt, nhưng môi trường làm việc không thân thiện khiến tôi không muốn đi làm. Không thể tưởng tượng được sự khác nhau một trời một vực giữa cảnh ở Việt Nam bao người mời gọi, với cảnh khổ sở xin việc ở nước ngoài, rồi đành chấp nhận một công việc chán ngắt vì không có sự lựa chọn nào khác.

    Có lần, tôi nói chuyện với một chị nấu bếp người Việt tại khu vực bán đồ ăn trong siêu thị ở Pháp. Chị vốn có bằng tiến sĩ hạt nhân nhưng không tìm được việc đúng chuyên môn ở Pháp vì lý do ngành này liên quan đến quốc phòng nên phải có quốc tịch Pháp mới được nhận. Vậy là chị chấp nhận đi nấu ăn với mức lương cơ bản đủ sống qua ngày. 

    Mọi việc trong cuộc sống, đa số người Việt ở nước ngoài đều phải tự làm rất vất vả vì không dám vung tiền thuê người hay thuê dịch vụ. Tôi còn nhớ 2 vợ chồng cuối tuần phải gửi nhờ con ở nhà bạn, thuê xe tải nhỏ đi siêu thị khuân đồ nội thất về, sau đó trong tuần phải tranh thủ buổi tối khi con ngủ để dựng từng miếng gỗ lên ráp lại thành cái bàn, cái ghế, cái tủ, cái giường... Ở đây, thuê người hay thuê dịch vụ trở thành những thứ xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu.

    Xứ lạnh, vào mùa đông là tuyết rơi ngập đường. Nhìn trên phim thấy cảnh tuyết rơi đẹp biết bao nhiêu thì thực tế lại phũ phàng bấy nhiêu. Cái lạnh tê tái khiến chẳng ai muốn ra đường, nếu cần đi thì trước tiên phải ra cào tuyết phủ dày trên kính xe. Đường trơn trượt, đi xe thì phải gắn thêm xích cho khỏi trượt, đi bộ thì dễ ngã. Trời mùa đông vừa xám xịt vừa lạnh lẽo lại càng khiến cho tâm trạng dễ buồn thêm.

    Ở Việt Nam tôi như cá gặp nước, ra nước ngoài, tôi là con cá trèo cây và chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc trong chuỗi ngày mưu sinh trên đất khách. Tuy vậy, thời gian du học tại Pháp lại là một trong những khoảng thời gian vui vẻ và đáng nhớ nhất vì lúc đó tôi chỉ phải lo học rồi đi chơi, đi du lịch cùng bạn bè, không vướng bận gia đình hay gánh nặng mưu sinh gì cả. Cùng là một mảnh đất nhưng sẽ cho bạn những cảm xúc hoàn toàn khác nhau khi đi du lịch, đi công tác, đi học hay đi định cư.

    Du lịch và đi học nước ngoài là đi với tâm thế của người khám phá. Còn đi định cư thì phải thật sự cân nhắc xem mình có chịu nổi áp lực từ cuộc sống hằng ngày hay không. Tháp Eiffel là điểm đến mơ ước của rất nhiều du khách, nhưng nhiều người dân Paris thậm chí còn chưa đặt chân đến đó.

    Thực sự, đi hay ở luôn là câu hỏi khó cho nhiều người, vì nó liên quan đến tài sản, sự nghiệp và tương lai của cả gia đình. Sau trải nghiệm 7 năm ở Pháp, một năm ở Australia và đi du lịch khắp Mỹ, Canada, gần hết các nước châu Âu và châu Á... tôi hiểu phần nào cuộc sống nơi đất khách. Ai đang cân nhắc về vấn đề định cư nước ngoài thì thử trả lời các câu hỏi sau trước khi quyết định:

    1. Vì sao bạn muốn định cư nước ngoài?

    - Nếu câu trả lời là bạn đi vì muốn có trải nghiệm mới, nắm bắt cơ hội mới thì hãy cứ đi nhưng đừng đóng luôn cánh cửa quay về Việt Nam vì chưa chắc bạn và gia đình sẽ thích thú hay thích hợp với cuộc sống nơi đất khách đâu. Cứ đi, nhưng biết đâu là để trở về.

    - Nếu câu trả lời là vì bạn chán ghét Việt Nam thì hãy suy nghĩ lại, đất nước cũng như con người, nơi nào cũng có ưu khuyết điểm riêng. Mỹ là cường quốc kinh tế thế giới, nơi cơ hội mở ra cho tất cả nhưng cũng chính là 'thiên đường' của súng đạn, của thức ăn công nghiệp và thức ăn nhanh, của lối sống thực dụng, vật chất... Pháp là một đất nước tự do, nhân văn với kho tàng văn hoá, kiến trúc đồ sộ, chế độ an sinh xã hội cực tốt nhưng cũng là nơi có biểu tình, thuế cao... Australia có thiên nhiên xinh đẹp, khí hậu ôn hoà nhưng giá cả cao, đi lại xa xôi cách trở, có tỷ lệ ung thư da cao nhất thế giới...

    Tuy Việt Nam có nhiều điều bất cập nhưng cũng có nhiều điểm sáng mà chỉ khi đi xa mới thấy có giá trị: ẩm thực đặc sắc và phong phú, dịch vụ tốt và rẻ (ở nước ngoài bạn phải tự làm hết mọi việc vì thuê người quá đắt), có gia đình và bạn bè (ở xứ người cho dù có cố gắng hoà nhập đến mấy thì bạn cảm giác mình vẫn là người khách lạ thôi).

    - Nếu câu trả lời là bạn đi vì tương lai con cái thì hãy hỏi con có hạnh phúc hay có nhu cầu đi nước ngoài không... chứ đừng tự quyết định giùm. Thường con nít không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần có ba mẹ luôn yêu thương và ủng hộ, dù là nhiều tiền hay ít tiền, dù ở trên mảnh đất nào đi nữa. Một đứa trẻ hạnh phúc sẽ có tương lai hạnh phúc, và hạnh phúc đó là do nó cảm nhận được từ tình yêu của ba mẹ chứ không phải từ nhà trường hay từ một đất nước xa lạ.

    Nhiều gia đình đi vì con nhưng sau đó lại lục đục nơi xứ người do không chịu nổi áp lực của cuộc sống. Khi cha mẹ không hạnh phúc thì làm sao có thể đem lại hạnh phúc cho con? Vì thế theo tôi, hãy cố gắng nuôi con bằng tình yêu thương, sự quan tâm nhiều nhất có thể đến năm 18 tuổi, sau đó gửi con đi du học nước ngoài theo nguyện vọng của con cũng không muộn.

    Chưa kể đến chuyện, trẻ con đi học nước ngoài trước 18 tuổi sẽ hấp thụ hầu như toàn bộ tư tưởng kiểu Tây, điểm sáng cũng nhiều nhưng không phải là không có mặt trái. Rồi con cái lớn lên cũng ít chia sẻ hay gần gũi với ba mẹ hơn, thế là nhiều phụ huynh cũng bị sốc và bắt đầu kể lể về sự hy sinh của mình. 

    Nếu nói về sự thành đạt, tôi không chắc là các bạn Việt kiều giỏi hơn hay giàu có hơn các bạn Việt Nam. Dĩ nhiên môi trường giáo dục tốt là một điều kiện thuận lợi, nhưng đó không phải là tất cả. Một đứa trẻ có nên người và giỏi giang hay không còn tuỳ vào sự uốn nắn của ba mẹ và tố chất riêng của trẻ.

    Hãy chọn nơi khiến bạn hạnh phúc nhất rồi con bạn sẽ hạnh phúc theo.

    ra nuoc ngoai nhu ca treo cay 1
    Vợ chồng chị Huyền Anh đã sống ở Pháp 7 năm.

    2. Bạn đã tìm hiểu kỹ về đất nước mình muốn định cư lâu dài chưa?

    Bảng xếp hạng các nước đáng sống nhất trên thế giới chủ yếu gồm các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương. Tuy nhiên, các tiêu chí dùng để đánh giá chỉ mang tính định lượng như tuổi thọ, giáo dục, bình đẳng giới, tài chính, mà không thể hiện được tính định tính, nghĩa là cảm xúc của mỗi con người. Chưa có ai dám nói người hạnh phúc nhất là người sống lâu nhất, học cao nhất, được đối xử bình đẳng nhất hay giàu có nhất cả. Vậy bạn có chắc là bạn sẽ hạnh phúc hơn khi đến sống ở một nước nằm trong danh sách quốc gia đáng sống đó? Với tôi, đất nước nào cũng có cái hay cái dở, chỉ là phù hợp với ai hay không thôi.

    Trước khi quyết định định cư ở một đất nước nào, ngoài việc biết vì sao mình muốn đi, bạn còn cần phải tìm hiểu thật kỹ về mọi chính sách và thực tế cuộc sống hằng ngày tại đó nữa.

    Ví dụ như hồi tôi ở Pháp, an sinh xã hội tại đó rất tốt, đặc biệt là cho những người không có thu nhập hoặc thu nhập thấp (sinh viên, thất nghiệp...). Nhưng khi bắt đầu đi làm và đóng thuế, tôi thấy lương của mình bị cắt bớt 23% cho các khoản bảo hiểm xã hội, rồi mua nhà mua xe cũng tốn kha khá cho bảo hiểm bắt buộc các loại. Ngoài ra, hàng năm phải đóng các khoản thuế đủ thứ tên khác: thuế GTGT 20%, thuế TNCN, thuế tài sản, thuế nhà, thuế nghe nhìn, thuế năng lượng, thuế rác thải... Không có cái gọi là miễn phí ở đây, muốn nhận trợ cấp hay hưởng chế độ an sinh tốt thì bạn phải đóng thuế nhiều, chứ chính phủ không phải tự in tiền để lo cho dân.

    Đi khám bệnh tuy là không tốn tiền (vì đã đóng bảo hiểm y tế bắt buộc) nhưng nhiều khi phải ngồi chờ cả buổi, hay lấy hẹn từ trước đó cả tuần hoặc cả tháng, tuỳ là khám tổng quát hay chuyên khoa. Có lúc chờ đến lượt khám bệnh thì bệnh cũng đã tự hết hoặc chuyển nặng thêm rồi.

    Khi gửi con đi học thì phải theo tuyến, vậy nên lúc chọn thuê hay mua nhà cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Khu có trường tốt thường là nhà giá cao, còn nhà rẻ thường nằm trong khu lộn xộn và dĩ nhiên chất lượng trường học cũng bị ảnh hưởng. 

    Học phí gần như là miễn phí cho mọi công dân nhưng các phụ phí khác (ăn trưa, hoạt động ngoại khoá...) lại chênh lệch rất nhiều giữa các gia đình tuỳ theo thu nhập. Các gia đình nhận trợ cấp thì phải đóng rất ít, còn nếu ba mẹ cùng là cấp bậc quản lý có khi phải trả các khoản phụ phí gấp chục lần các hộ "nghèo" (tôi phải viết trong ngoặc kép vì nhiều người vẫn đầy đủ sức lao động nhưng không thích đi làm mà ở nhà nhận trợ cấp). 

    Túm lại, nếu muốn an sinh tốt, bạn phải sẵn sàng đóng thuế cao ở các nước phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu có thu nhập cao, bạn vẫn có thể dành ra một khoản tiền để mua bảo hiểm hay đầu tư để chi trả cho các khoản chi phí giáo dục, y tế cao cấp. Một bên là các khoản dự trữ bắt buộc do chính phủ thu thông qua thuế, một bên là các khoản dự trữ tự nguyện do bạn tự cân đối theo nhu cầu của mình, thực tế là không khác nhau.

    3. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng về vật chất và tinh thần chưa?

    Nhiều người suy nghĩ đơn giản là chỉ cần bán hết nhà cửa và thu gom tài sản chuyển qua nước ngoài là xong. Nhưng chi phí sinh hoạt ở các nước phát triển đắt đỏ hơn ở Việt Nam rất nhiều. Đôi khi, bán một căn nhà to ở trung tâm thành phố lớn tại Việt Nam chỉ mua được một căn hộ nhỏ tại ngoại ô thành phố ở nước ngoài, thậm chí không đủ tiền phải vay nợ mấy chục năm. Nhiều người nghĩ ra nước ngoài ai cũng mua được nhà và xe, nhưng không biết rằng phần lớn là phải vay ngân hàng để mua và mất cả đời để trả nợ. Rồi hoá đơn hằng tháng, tiền thuế hằng năm phải trả cũng là những khoản tài chính khổng lồ dễ gây stress. 

    Về tinh thần thì khó có thể giải thích được hết nỗi lòng của người tha hương. Nhiều khi phải đi xa rồi mới thấm thía được thế nào là nỗi nhớ từng góc phố, từng món ăn, từng khoảnh khắc ấm áp bên gia đình, bạn bè... Ở các nước phát triển, chủ nghĩa cá nhân được đề cao, cộng thêm cuộc sống mưu sinh bận rộn khiến người ta ít quan tâm đến nhau. Đồng nghiệp cũng chỉ xã giao trong công việc chứ ít khi trở thành bạn bè thân thiết. Thế là nhiều cộng đồng người Việt ra đời để bầu bạn với nhau. Tuy nhiên, đôi khi trong các hội nhóm đó có những người cũng không hẳn là hợp tính hay cùng tần số với mình để có thể trò chuyện rôm rả. Nhưng làm gì có nhiều sự lựa chọn. Ở đây chỉ giới hạn giữa chọn bạn Tây hay bạn ta, chứ không còn là chọn bạn có cùng tính cách hay cùng sở thích nữa.

    Cuộc sống đắt đỏ và bận rộn như một guồng quay công nghiệp nuốt chửng từng người. Trong tuần ai cũng bận đi làm đến 6-7h tối mới về, tất bật cơm nước, lo cho con cái xong thì cũng chỉ muốn leo lên giường ngủ. Cuối tuần thì sáng thứ bảy nhà nào cũng lo đi siêu thị mua sắm cho cả tuần, sau đó lo dọn dẹp nhà cửa hết ngày, đến chủ nhật thì đưa con ra công viên chơi hoặc hẹn hò ăn uống ở nhà bạn (vì mọi hoạt động vui chơi giải trí hay nhà hàng đều đắt đỏ, đi nhiều là không có tiền trả nợ ngân hàng).

    Nếu bạn đã chuẩn bị tinh thần cho các thử thách trên thì có thể đi thử một năm để xem liệu gia đình mình có thích ứng cuộc sống xứ ấy không. Nếu chỉ đi vài ngày hay một tháng kiểu thăm dò thì bạn vẫn chỉ là khách du lịch cưỡi ngựa xem hoa, chưa kịp thấm thía nỗi nhớ nhà, sự cô đơn hay các áp lực dồn dập từ cuộc sống thường ngày.

    Nguyễn Phước Huyền Anh / Theo VnExpress

  • Dự luật trên sẽ hủy bỏ quy chế nhập cư đặc biệt cho các công dân EU, Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ, khi thời gian chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới.

    Ngày 18/5, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật chấm dứt quy chế tự do đi lại của người lao động Liên minh châu Âu (EU) sau Brexit.

    Tuy nhiên, kết quả này gây tranh cãi liên quan đến các nhân viên y tế nước ngoài và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

    Dự luật trên sẽ hủy bỏ quy chế nhập cư đặc biệt cho các công dân EU, Khu vực Kinh tế châu Âu và Thụy Sĩ, khi thời gian chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc vào ngày 31/12 tới.

    Văn bản trên không nêu chi tiết các biện pháp kiểm soát mới, song Thủ tướng Anh Boris Johnson đã vạch các kế hoạch về một hệ thống nhập cư dựa trên điểm số, trong đó ưu tiên lao động lành nghề.

    tu do di lai eu uk

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel ngày 18/5 cho biết hệ thống mới sẽ "cứng rắn hơn, công bằng hơn và đơn giản hơn" và sẽ "đóng vai trò quan trọng" trong cuộc phục hồi sau dịch của Anh.

    Theo hệ thống mới, người nhập cư sẽ phải có thu nhập ít nhất 25.600 bảng Anh (28.600 euro)/năm, tức là thấp hơn mức thu nhập bình quân 30.420 bảng ở nước này, nhưng cao hơn những gì mà các nhân viên chăm sóc y tế và xã hội có thể kiếm được.

    Vấn đề đặt ra là hơn 13% nhân viên của cơ quan Chăm sóc Y tế quốc gia Anh (NHS) không có quốc tịch Anh, và 5,5% đến từ các nước EU. Quy định mới, vì vậy, sẽ gây khó khăn cho NHS.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Patel cho biết Chính phủ Anh đã ban hành quy định về cấp thị thực nhanh cho các bác sỹ, y tá và các ngành nghề liên quan đến sức khỏe.

    Bên cạnh đó, chính phủ cũng cam kết gia hạn thị thực tự động một năm cho các nhân viên y tế tuyến đầu đang ở Anh, nếu thị thực của họ hết hạn trước tháng 10/2020.

    Dự luật trên đã bị các nghị sỹ Công đảng và các nghị sỹ đối lập lập bỏ phiếu chống trong lần đọc đầu tiên, song đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson nắm đa số tại Hạ viện và dự luật đã được thông qua với 351 phiếu thuận trên tổng số 252 phiếu.

    Mong muốn kiểm soát các đường biên giới của Anh, tức là chấm dứt sự di chuyển tự do của lao động với 27 quốc gia thành viên EU, là một nhân tố quan trọng trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.

    Anh đã rời EU từ ngày 31/1 vừa qua, nhưng hai bên đã nhất trí giai đoạn chuyển tiếp đến hết tháng 12 tới, trong thời gian này tiếp tục duy trì tự do đi lại để cho phép hai bên tìm kiếm thỏa thuận về mối quan hệ mới./.

    TTXVN (theo BBC/Sky)

  • Nếu có điều kiện sống đầy đủ tại quê nhà, tại sao phải tìm hạnh phúc ở xứ người, nơi không thuộc về mình?

    Những người trẻ với lý do muốn lĩnh hội nền giáo dục hiện đại của thế giới, người già với lý do “vì tương lai con em” hoặc “muốn sống gần con cái”, đã xuất ngoại. Để thực hiện được giấc mơ này, tất tần tật các yếu tố mang tính chất “phù hợp tiêu chuẩn” đều được vận dụng: Đầu tư kinh doanh, xin học bổng, bảo lãnh, thậm chí là kết hôn giả.

    Quyết định rời xa quê hương, tổ quốc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình thật không dễ dàng gì. Như thế đủ biết rằng việc được sống ở nước ngoài có một hấp lực ghê gớm thế nào.

    Một anh bạn thân, cùng quê miền trung, đã cùng gia đình sang Canada cách đây hai năm theo diện học bổng sau đại học. Bạn ấy có thể xem là một người thành đạt trong các bạn cùng cấp của tôi. Bạn là thạc sĩ, diễn giả, tác giả tương đối có tiếng tăm ở một số hội thảo, bài báo về lĩnh vực môi trường trong và ngoài nước. Ngoài ngôi nhà đang sống, ôtô, bạn ấy còn sở hữu vài bất động sản giá trị khác. Gia tài tri thức và tài sản như thế nhiều người mơ mà không được.

    Lý do chủ yếu khi xuất ngoại là “vì tương lai con em”. Bởi lẽ trong tâm sự của anh ấy, đâu đó hàm ý nền giáo dục Việt Nam không tốt.

    Vì quan điểm mỗi người một khác nhau, chúng tôi có tranh luận một cách nhẹ nhàng rồi cho qua để giữ tình bạn. Thực ra, chúng tôi cùng trưởng thành từ mái trường làng quê, được hưởng nền giáo dục truyền thống Việt Nam, cùng với nỗ lực của bản thân và công sức của thầy cô mới có được ngày hôm nay, có thể xem là thành đạt trong xã hội.

    Chúng ta từng chứng kiến những tinh hoa giáo dục Việt Nam mang chuông đi đánh xứ người, nào là Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng, và gần đây là Ngô Bảo Châu. Mảnh đất này đã nuôi ta khôn lớn từ lúc khó khăn. Dù chưa làm được gì để báo đáp, cũng không nên phủ nhận, chê bai. Đừng lấy quê hương làm lý do thoát ly, tìm nơi tốt hơn theo ý chủ quan.

    Vị tổng thống thứ 35 của Mỹ – John Kennedy đã gửi gắm ý tứ của mình trong câu nói bất hủ: “Hỡi những người dân Mỹ của tôi, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc của mình”.

    Việc xuất ngoại sang xứ người định cư tùy thuộc vào quan điểm và mục tiêu của mỗi người. Để cuộc sống hạnh phúc, bên cạnh vật chất thì yếu tố tinh thần đóng vai trò không nhỏ.

    Với những trường hợp điều kiện vật chất đầy đủ, nếu không muốn nói là dư dả, thì hà cớ gì phải tìm kiếm hạnh phúc ở xứ người, nơi không thuộc về mình. Luôn có sự khác biệt nguồn gốc, thậm chí cả địa vị xã hội dù chúng ta cố công san lấp khoảng cách.

    Quê hương, tổ quốc, xóm làng gắn liền với tuổi thơ đi theo chúng ta qua bao thế hệ, chính là nơi gần gũi nhất, thân thương nhất.

    Chẳng cần phải tìm ở đâu xa xôi, được đắm mình trong tình cảm gia đình, bạn bè, người thân để vui sống thì còn gì bằng. Hạnh phúc tinh thần chẳng phải chính là ở đây hay sao?

    Gia đình bên vợ tôi, bạn thiếu thời của ba mẹ tôi (thế hệ 4X) đang định cư ở nước ngoài không phải là ít. Chính những người thân thiết như thế mới dám gạt bỏ sĩ diện để chia sẻ thật về cuộc sống hiện tại.

    Bạn bố mẹ tôi, năm nay đã hơn 75 tuổi. Nhưng vẫn về thăm quê hàng năm vào dịp Tết bằng tiền dành dụm của con cái cho. Khi ở Việt Nam, bác có rất nhiều bằng cấp, được xã hội nể trọng, nghề hái ra tiền, nhưng theo con cái qua xứ người ở tuổi xế chiều thì phải chịu cảnh thất nghiệp.

    Cứ mỗi lần chia tay, bác bịn rịn luyến tiếc với đám bạn già ở quê nhà. Bác ấy cứ tặc lưỡi “bất đắc dĩ phải theo con thôi”. Đôi lúc hạnh phúc cuộc đời do mỗi chúng ta tự quyết định nhưng cũng có lúc do duyên phận nữa phải không?

    Viethome (theo VnExpress)

  • Có visa kinh doanh và đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập cảnh nhưng phía Ucraina vẫn cho rằng mục đích chuyến đi không rõ ràng nên 2 doanh nhân VN không được nhập cảnh và buộc phải quay về.

    Sự việc xảy ra vào ngày 05/3 tại Sân bay quốc tế Odessa. Hai doanh nhân Việt Nam là chủ 2 doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh đồ gỗ, đã từng đến Mỹ và các nước Châu Âu. Họ đến Ucraina lần này theo lời mời của đối tác Ucraina nhằm kiểm tra hợp đồng cung cấp gỗ cho phía Việt Nam.

    Được phía bạn ra tận sân bay đón và cung cấp đầy đủ các giấy tờ theo qui định của Cơ quan biên phòng, tuy nhiên sau khi phải đợi hơn 8 tiếng để làm thủ tục kiểm tra biên phòng, 2 doanh nhân được thông báo là không được nhập cảnh vì không thể khẳng định mục đích chuyến đi của mình vào Ucraina và buộc phải quay về Việt Nam trên chuyến bay của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày.

    Thời gian gần đây, nhiều người nước ngoài đến Ucraina không được nhập cảnh trong đó có nhiều trường hợp là công dân Việt Nam mà nguyên nhân chủ yếu là phía bạn nghi ngờ họ bỏ trốn sang Châu Âu.

    Vấn đề nhức nhối này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con cộng đồng người Việt tại Ucraina như việc họ thường xuyên bị kiểm tra giấy tờ, gặp khó khăn khi mời người thân hoặc đối tác sang tìm hiểu thị trường…

    Theo thông tin từ Hội nghị cán bộ chủ chốt cộng đồng toàn Ucraina 2019, sau khi đoàn công tác Bộ công an Việt Nam sang thăm và làm việc với cơ quan chức năng Ucraina từ ngày 10-14/12/2018, trường hợp vượt biên trái phép qua lãnh thổ Ucraina đã giảm 10 lần. 

    Nhiều bà con người Việt bày tỏ sự bức xúc, không hài lòng với cách làm việc của cơ quan biên phòng Ucraina bởi không khó để phân biệt giữa những người nhập cảnh trái phép, những người có ý đồ bỏ trốn sang châu Âu với những doanh nhân, những người có lý do chính đáng.

    Đa phần những công dân có ý định trốn sang châu Âu là những người trẻ tuối (18-25) chưa từng xuất cảnh đi nước ngoài, ngược lại đối với những doanh nhân, họ tầm tuổi trung niên, thường xuyên đi Anh, Mỹ, Châu Âu... tất cả những dấu hiệu này đều dễ dàng nhận biết qua ngoại hình và hộ chiếu.

    Theo ông Nguyễn Thế Kiện - Chủ tịch Hội NVN tỉnh Kherson cho biết, tại Kherson có trường hợp là công dân Việt Nam sang lao động hợp tác những năm 80, đã được nhận thẻ định cư lần 2 theo con. Tuy nhiên khi về Việt Nam chơi và quay lại Ucraina thì được thông báo thẻ định cư đã bị hủy và biên phòng từ chối cho nhập cảnh. Đây là điều hết sức vô lý, bởi ngoài giấy tờ hợp lệ, họ còn có con cái, nhà cửa, toàn bộ tài sản tại Ucraina và hơn thế nữa là cả 30 năm gắn bó với mảnh đất này. Đối với họ Ucraina là quê hương thứ 2, về Ucraina như trở về nhà của mình.

    Trở lại vụ việc 2 doanh nhân VN không được nhập cảnh, họ đang liên lạc để nhờ Đại sứ quán VN tại Ucraina can thiệp, còn phía đối tác bạn cũng đang gửi thư đến các cơ quan chức năng Ucraina đề nghị giúp đỡ.

    Viethome (theo Người Việt Odessa)

  • Vài năm trở lại đây, bên cạnh chuyện đi Mỹ dễ, tôi còn nghe khá nhiều bạn bè lẫn đối tác quanh mình đặt câu hỏi đầu tư định cư châu Âu nước nào dễ nhất?

    Vì sao nhiều người lại muốn định cư ở Châu Âu?

    Độ chừng 10 năm trước, khái niệm đầu tư định cư ở Châu Âu còn khá mơ hồ với người Việt. Vì nhắc đến định cư nước ngoài, kể từ những đối tác mà tôi quen ở chỗ làm cho đến bà bán bún bò ngoài đầu hẻm đều nghĩ ngay đến Mỹ chứ ít ai nghĩ tới Châu Âu.

    Sự dịch chuyển này chỉ mới bắt đầu độ chừng gần một năm trở lại đây. Các nhà tư vấn chương trình đầu tư EB-5 lý giải, tuy thời hạn chương trình tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2018 nhưng nguy cơ về việc tăng vốn đầu tư tối thiểu lên 800 ngàn Đô la và thời gian chờ có thể đến 3 – 4 năm là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư lo lắng khả năng thành công khi mở hồ sơ. Chính vì ngày càng nhiều người ở tầng lớp trung lưu nhắm chọn các quốc gia có chương trình ưu đãi hơn so với Mỹ để nhanh đạt được mục tiêu đi nước ngoài đã tạo ra một làn sóng chuyển hướng này.

    Đối với nhóm các nhà đầu tư có khả năng tài chính ít hơn con số kể trên, chương trình khuyến khích doanh nhân nước ngoài khởi nghiệp và định cư tại một số nước Châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy hay Hungary trở nên phù hợp hơn.

    Tôi đã tự làm thử một phép so sánh đơn giản giữa Phần Lan (đại diện của Châu Âu) với các nước như Mỹ, Úc hay Canada. Và quả thực, Phần Lan tỏ ra thú hút hơn hẳn các nước do có sự chênh lệch khá lớn về: tài chính tối thiểu, yêu cầu ký quỹ, quyền được tự quản lý vốn, yêu cầu tạo việc làm, yêu cầu thang điểm di trú hay trình độ tiếng anh… Điều này đã lí giải cho tôi vì sao nhiều người muốn định cư ở Châu Âu. Giờ thì chính bản thân tôi cũng đang bị cuốn vào làn sóng dịch chuyển này với câu hỏi “định cư châu Âu nước nào dễ nhất?”

    Vậy định cư châu Âu nước nào dễ nhất với gia đình tôi ?

    Tôi nhận thấy có sự tương đồng khá lớn trong cách định cư Châu Âu thông qua chương trình đầu tư của các nước như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Hungary. Bên cạnh những điều kiện pháp lý cơ bản, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần chuẩn bị một ý tưởng kinh doanh đủ khả thi để thuyết phục chính phủ các nước này cấp quyền cư trú. Mọi thủ tục định cư ở Châu Âu khác đều có thể nhờ đơn vị tư vấn hỗ trợ.

    Ở khía cạnh tài chính, gia đình tôi chỉ cần chuẩn bị 1/10 số tiền và 1/3 thời gian so với yêu của của EB-5 là đã có thể tham gia chương trình đầu tư và định cư của Phần Lan. Tôi nghĩ đây cũng là khoản tài chính phù hợp với đại đa số các hộ gia đình trung lưu ở Việt Nam. Tất cả những phúc lợi về giáo dục, y tế, tự do đi lại cho thường trú nhân dường như xếp đầu bảng ở Châu Âu là điểm khiến tôi hài lòng nhất. Vì thế tôi đã nghiêng nhiều về quyết định chọn Phần Lan làm điểm đến cho gia đình.

    Cùng trong khối Bắc Âu với Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho các gia đình Việt. cả hai quốc gia này có thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, mức sống và thu nhập bình quân của người dân xếp vào hàng cao nhất thế giới. Học sinh Na Uy được miễn học phí đến hết 18 tuổi và được hỗ trợ học phí khi học lên cao. Còn định cư Thụy Điển, học sinh không những miễn học phí mà còn được chính phủ trả thêm 185 USD mỗi tháng từ bậc trung học.

    Với những lợi thế chương trình đầu tư tương tự như Phần Lan, định cư Hungary cũng chứng tỏ được nhiều lợi thế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, người Việt Nam định cư Hungary có thể yên tâm vì hệ thống chăm sóc sức khoẻ ở đây có chất lượng ngang bằng với các nước phương Tây nhưng với mức giá rẻ hơn đáng kể. Chính phủ Hungary đóng góp cho các nhóm dễ bị tổn thương cụ thể như người về hưu, người khuyết tật và người thất nghiệp.

    Thậm chí tôi chỉ cần định cư một trong những quốc gia kể trên rồi sẽ có cơ hội di chuyển tự do đến các nước còn lại thông qua sự ưu tiên của khối Schengen. Vì thế, đối với tôi “Định cư Châu Âu nước nào tốt nhất?” không còn là một câu hỏi khó trả lời nữa.

    Viethome (theo dinhcuchauau)