Ba Lan có số dân xin định cư ở Anh sau Brexit nhiều nhất trong các công dân EU theo quy định mới, theo sau là Romania và Ý.
Kể từ khi thủ tục xin định cư cho công dân EU ở Anh sau Brexit được mở ra vào tháng 8/2018, đến nay có trên 750 nghìn đơn đã được Bộ Nội vụ Anh xem xét.
Vì Anh ra khỏi EU, công dân EU, vốn có quyền định cư, làm việc và hưởng các phúc lợi như công dân Anh, sẽ không nghiễm nhiên được hưởng các quyền đó như trước nữa.
Luật về định cư cho công dân EU sau Brexit (EU Settlement Scheme) buộc họ phải đăng ký quy chế này cho đến hạn chót là 31/12/2020.
Nhưng chỉ đến hết tháng 4/2019, đã có hàng trăm nghìn công dân EU gửi đơn xin định cư tại Anh.
Con số công dân 10 nước nộp đơn được Bộ Nội vụ Anh công bố hôm 30/05/2019 là như sau:
- Ba Lan 103,200
- Romania 89,800
- Italy 70,800
- Bồ Đào Nha 52,400
- Tây Ban Nha 41,800
- Bulgaria 34,700
- Lithuania 26,800
- Pháp 26,500
- Đức 22,200
- Hà Lan 20,900
Hiện một ước tính cho hay có tới 3 triệu rưỡi công dân EU đang sống và làm việc tại Anh.
Những người sống ở đây 5 năm trở lên, được xét và cấp quy chế ‘định cư’ (settled status).
Một số khác, thường chưa đủ 5 năm sống ở Anh, được công nhận quy chế ‘tiền định cư’ (pre-settled status).
Sau khi được định cư, họ có thể xin nhập tịch Anh nếu muốn.
Hàng trăm người vẫn muốn ở lại Anh
Các con số trên cho thấy dù Brexit xảy ra hay không, số dân châu Âu muốn sống vĩnh viễn tại Anh vẫn rất đông.
Ngược lại, về phía nước chủ nhà, có tiếng nói từ Scotland trách chính quyền trung ương làm chưa đủ để giải quyết nhanh hơn cho người EU định cư ở Scotland.
“Tôi đã bắt đầu cuộc sống ở Anh, vừa sinh con, và đang tính phải xin quy chế định cư hoặc quốc tịch dù biết là tốn kém” – Bà Ksenia, công dân EU ở Anh cho biết.
Bộ Nội vụ Anh cho hay trong 200 nghìn công dân EU ở Scoland, đến nay chỉ có 31.400 người nộp đơn xin định cư.
Điều này gây lo ngại cho chính phủ địa phương và giới doanh nghiệp, theo ông Colin Borland từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Scotland.
Theo ông, cứ bốn doanh nghiệp nhỏ Scotland thì có một tuyển ít nhất là một công dân EU, và thị trường việc làm sẽ bất ổn nếu họ không giải quyết quy chế định cư.
Viethome (theo BBC)