Covid-19: Ngành nails của người Việt tại Anh gặp khó khăn

Cũng như nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ trong các ngành dịch vụ khác, những người làm nails tại Anh hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

Một số chủ tiệm, người tự kinh doanh và người làm thuê cho các tiệm nails tại Anh Quốc cho biết về những khó khăn, quan ngại và hy vọng của họ trong thời kỳ dịch bệnh này.

Không có khách vì dịch bệnh

Trước những khuyến cáo của chính phủ Anh hạn chế đi lại và giảm tiếp cận xã hội trừ trường hợp tối cần thiết, các ngành dịch vụ như nhà hàng, hiệu làm tóc và ngành nails đang rơi vào tình trạng hầu như không có khách.

Chị Thảo, chủ một tiệm nails ở Palmer Green, mạn Bắc London, cho biết hiện vẫn cố mở cửa nhưng cửa hàng rất vắng, hầu như không có khách và đã cho hai thợ nghỉ ở nhà được một tuần rồi.

“Số lượng khách của mình giảm rất nhiều. Chắc một vài hôm nữa xem chính phủ quyết định ra sao rồi có lẽ sang tuần mình cũng sẽ phải đóng cửa. Thợ thì cũng cho nghỉ rồi vì vắng thế này chả có đủ chi phí cho shop lấy đâu tiền trả lương. Mình mở cửa vì còn 1-2 khách quen đã lâu năm và cũng mong còn kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cho thợ nghỉ vì một phần họ cũng sợ dịch và một phần thợ có đi làm thì cũng ngồi chơi không,” chị Thảo cho biết.

Anh Nam, chủ tiệm nails ở gần thành phố Cambridge, cũng trong tình trạng tương tự.

“Khách tuần trước giảm hơn 50% và bây giờ còn ít hơn nữa. Em có vài thợ nhưng mấy hôm nay cũng phải cho thợ nghỉ luân phiên rồi. Thợ họ cũng thông cảm vì phải cùng nhau cố gắng qua giai đoạn này.

“Nhà có hai con nhỏ, hai vợ chồng cùng làm ở tiệm nên cũng lo lắm. Nếu tới đây trường học đóng cửa thì một trong hai vợ chồng sẽ phải ở nhà trông con. Bên này bọn em đâu có ông bà mà gửi con nhờ trông giúp được, mà người ta cũng khuyến cáo không gửi con cho ông bà. Nhưng thôi thế cũng được, đỡ phải trả tiền nhà trẻ, vì đằng nào cả hai đi làm cũng chẳng có khách,” anh Nam chia sẻ.

Với những người tự kinh doanh và chỉ thuê chỗ trong một tiệm của người khác thì ngoài việc thu nhập gần như không có do không có khách, thì còn có lo lắng khác nữa.

“Mình thuê đặt một, hai ghế làm móng chân, móng tay trong tiệm, nếu không đủ tiền trả tiền thuê chỗ cho chủ tiệm (mà họ cũng là người đi thuê nhà của người khác làm cửa hàng) thì chủ tiệm sau 1-2 tháng có thể đòi lại chỗ để cho người khác thuê,” chị Hà, có chồng là người tự kinh doanh nghề nails, hiện đang thuê chỗ tại một tiệm làm tóc ở mạn Đông London cho biết.

“Thế nên mình vừa lo không kiếm đủ ăn lại vừa lo bị mất chỗ kiếm sống mà còn lo mất tiền đầu tư vì đã mua bàn ghế, dụng cụ và thuốc làm móng v.v... để làm nghề. Bán lại đồ lúc này thì làm gì có ai mua.”

“Mà nghề này thì khách ngồi quá gần nên cũng rất sợ, mình sợ thì khách cũng sợ chứ! Đấy, mình không đi làm hoặc tiệm không mở cửa nữa thì không có thu nhập để trả tiền thuê chỗ, thuê nhà, mà đi làm thì cũng sợ lây nhiễm, nhất là khi khách nói mới đi du lịch đâu đó về,” chị Hà nói.

Hỗ trợ của chính phủ

Hôm 17/3, chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ trị giá 350 tỷ bảng Anh trong đó 20 tỷ bảng trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và 330 tỷ tiền cho vay không lãi nhằm vực nền kinh tế nước này trước tình trạng dịch bệnh.

Đây có lẽ là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt làm nails tại Anh.

Chị Thảo là một trong số những người mong muốn được nhận khoản hỗ trợ này:

“Mình đang tìm hiểu thủ tục để xin tiền hỗ trợ của chính phủ. Nghe đâu chính phủ nói là doanh nghiệp nhỏ thì có thể xin hỗ trợ 10 ngàn bảng Anh. Còn doanh nghiệp lớn thì có thể được vay số tiền lớn hơn và không phải trả lãi trong sáu tháng.”

“Họ cũng nói sớm nhất là tháng Tư thì sẽ có thể được nhận tiền và mình tuy làm thủ tục nhưng cũng không biết có được không,” chị Thảo nói.

Ngay sau khi có tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, những người làm nghề nails tại Anh đã truyền nhau đường link trang mạng của chính phủ hướng dẫn việc xin tiền hỗ trợ.

Anh Nam hy vọng nếu không xin được tiền trợ giúp trong gói 20 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ thì xin được vay không lãi từ khoản 330 tỷ để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này cũng là mừng rồi.

Tuy nhiên với những người tự kinh doanh như chồng chị Hà thì việc xin trợ giúp từ gói hỗ trợ của chính phủ không phải là đơn giản, chị Hà cho biết.

“Nhà mình là self-employed (tự kinh doanh) thì chỉ có thể xin được Universal Credit (trợ cấp tối thiểu hàng tháng cho chi phí sinh hoạt dành cho người có thu nhập thấp hoặc mất việc tại Anh) mà để làm thủ tục xin được cũng rất khó vì phải chứng minh thu nhập trước Covid và sau Covid thì mới được,” chị Hà giải thích.

Trong thời gian tìm hiểu, làm thủ tục xin và chờ đợi được nhận hỗ trợ của chính phủ thì nhiều người đã và đang phải thương thuyết các giải pháp ‘bước đệm’ trước tình trạng dịch bệnh khiến không có khách hiện nay.

“Vợ chồng mình đã nói chuyện với chủ tiệm về nợ tiền thuê chỗ nhưng họ chưa chịu vì họ nói còn tuỳ thuộc họ có xin được trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ từ gói hỗ trợ của chính phủ hay không,” chị Hà nói.

Chị Thảo cũng cho biết đã bàn với chủ nhà xin trong thời gian một vài tháng tới được giảm tiền thuê nhà hoặc cho tạm ngưng trả tiền nhà rồi khi kinh doanh hoạt động trở lại sẽ trả bù nhưng hiện chủ nhà còn chưa đồng ý vì họ cũng phải đợi có xin được tạm ngưng tiền trả góp khoản tiền vay của ngân hàng mua nhà theo hứa hẹn của chính phủ hay không.

Tăng cường chống dịch

Khi được hỏi với đặc tính của nghề nails, làm việc phải ngồi gần khách như vậy, những người làm nails có gặp khó khăn gì đặc biệt khi làm việc hay không, thì phần lớn đều cho biết nếu vẫn còn khách tới làm vào giai đoạn này thì hầu hết đều là khách quen, hay những người không quan ngại khi thợ đeo khẩu trang, và khách đều vui vẻ rửa tay theo yêu cầu của tiệm trước khi được thợ xem móng.

“Trước Covid thì thường khách vào là xem tay luôn cho khách nhưng nay thì khách được yêu cầu rửa tay rồi mới xem và làm cho họ.

“Còn đeo khẩu trang khi làm móng thì nhiều tiệm trước đây đã đeo khẩu trang rồi. Giờ thì không chỉ đeo khẩu trang mà còn còn đeo găng tay nữa,” chị Hà nói.

Có tiệm thậm chí còn có cả khẩu trang cho khách.

“Mình còn đủ khẩu trang để dùng cho thợ và cả cho khách nếu khách muốn nhưng có khách đeo, có khách không vì tây họ chẳng coi trọng việc đeo khẩu trang đâu. Mình ra đường, đi xe buýt đi làm, mình cũng đeo khẩu trang, nhưng người ta nhìn mình như nhìn người từ hành tinh khác ý. Mình cũng kệ, ai nhìn thì nhìn,” chị Thảo vừa cười vừa kể.

Chị Châu, một thợ làm nails tại một tiệm ở khu Wimbledon, phía Nam London, thì cho biết “cửa hàng chỉ có đủ khẩu trang cho thợ như bọn em, lấy đâu ra cho khách. Mà có khi có cho khách thì họ cũng không dùng vì họ biết khẩu trang của mình sạch hay bẩn nên bọn em không cho khách chị ạ. Nhưng bây giờ trước khi làm là yêu cầu khách rửa tay cẩn thận.”

“Nhiều người thân tại Việt Nam đang rất lo lắng cho những người sống tại Anh như bọn em nhưng mỗi nước có cách xử lý khác nhau. Chắc chủ tiệm em sẽ đợi xem các quyết định kế tiếp của chính phủ trong thời gian tới như thế nào rồi mới quyết định có đóng cửa hay không,” chị Châu nói thêm.

Trước tình trạng bệnh dịch diễn biến nhanh như hiện nay, không chỉ cộng đồng người Việt làm nails tại Anh Quốc có tâm trạng lo lắng, bất ổn mà có lẽ đây là tâm trạng chung của người dân không chỉ tại Anh mà tại nhiều nước châu Âu khác.

Bài do tác giả, sống tại London, gửi cho BBC News Tiếng Việt.